Theo tin cuả AsiaNews và South China Morning Post mấy ngày vừa qua, thì Hoa Kỳ có thể tịch thu tài sản của các ngân hàng Trung Quốc nếu cuộc chiến kinh tế với Trung Quốc tới hồi quyết liệt.

Trong quá khứ, Washington đã từng áp đặt những biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức tài chính cuả Trung Quốc, nhưng chưa đi xa đến mức phải tịch thu tài sản của họ.

Ví dụ, vào năm 2012, chính phủ Hoa Kỳ đã trừng phạt Kunlun Bank vì họ giao dịch tài trợ dầu mỏ với Iran. Ngân hàng đã bị cắt khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu, là hệ thống sử dụng đồng đô la Mỹ.

Người ta vẫn thường không tin là hai nền kinh tế Mỹ Hoa có thể tách rời khỏi nhau, nhưng nay thì các nhà kinh tế, tài chính, cũng như thương mại và công nghệ đã lo ngại rằng một kịch bản như thế là rất có thể.

Chính quyền Trump tiếp tục cáo buộc Bắc Kinh có âm mưu bành trướng quân sự ở Đông Á và Đông Nam Á, có hành vi thương mại không công bằng, ăn cắp bí mật công nghệ, cũng như vi phạm nhân quyền ở trong nước và ở Hồng Kông.

Theo ông Ư Vĩnh Định (Yu Yongding), một thành viên cao cấp cuả Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc và là cựu cố vấn ngân hàng trung ương Trung Quốc, thì Washington có thể đóng băng tài sản các ngân hàng Trung Quốc có liên hệ với các nhà lãnh đạo hoặc quan chức Trung Quốc mà chính phủ Mỹ ra lệnh cấm.

Điều này có thể xảy ra với các tổ chức tài chính có quan hệ với các quan chức Hồng Kông, như bà Carrie Lam. Tuần trước, chính quyền Trump đã trừng phạt bà ta vì vai trò của bà trong việc đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông.

Ông Ư Vĩnh Định lưu ý rằng Washington cũng có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt nặng nề khác với các ngân hàng Trung Quốc như không cho họ quyền truy cập vào hệ thống đồng đô la.

Bắc Kinh hiện nay không có nhiều lựa chọn để chống lại những mối đe dọa như vậy. Một số chuyên gia ở Trung Quốc đã đề nghị quốc tế hóa đồng nhân dân tệ nhiều hơn nữa để giảm sự phụ thuộc vào hệ thống thanh toán cuả đồng đô la. Tuy nhiên, tỷ trọng thanh toán quốc tế của đồng tiền Trung Quốc thì còn yếu ớt lắm, chỉ mới có 1, 76%.

Một biện pháp khác là hướng nền kinh tế vào quốc nội, tập trung sản xuất vào thị trường trong nước, là điều mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa ra lệnh, nhưng trên thực tế thì nền kinh tế cuả Trung quốc hiện nay đang phụ thuộc quá nhiều vào thế giới bên ngoài, một kế hoạch như thế là rất khó thực hiện.