Như đã biết, chính phủ Morrison của Úc đã ký một thoả thuận trị giá 24.7 triệu dollars với đại công ty dược phẩm AstraZeneca để cung cấp vắcxin chống Covid-19 miễn phí cho mọi công dân Úc. Vì vắcxin này được chế tạo từ tế bào phôi thai người bị phá, nên 3 vị Tổng Giám Mục của Công Giáo Sydney, Anh Giáo Sydney và Chính Thống Giáo New South Wales đã có thư (xem Vietcatholic 24/08/2020) cho Thủ tướng Morrison yêu cầu lưu ý tới những vắcxin không chế tạo từ tế bào phôi thai người bị phá.

Lời lẽ của các vị Tổng Giám Mục rất chừng mực và hữu lý nhằm có được các vắcxin hợp đạo đức, tức không sử dụng tới các tế bào phôi thai người bị phá, một điều vốn đi ngược lương tâm các tín hữu Kitô giáo. Điều này được chính tờ The Guardian chứng tỏ, khi thuật lại các phê phán không mấy tích cực của hai khoa học gia đối với lá thư.



Thực vậy, theo tờ The Guardian, các vị Tổng Giám Mục kêu gọi chính phủ “theo đuổi các giàn xếp tương tự để có các vắcxin thay thế mà không đặt ra cùng những quan tâm đạo đức như thế”.

Các vị cho rằng yêu cầu trên là điều có thể vì hiện có đến 167 vắcxin đang được nghiên cứu chống Covid-19 với một số không dùng tới tế bào phôi thai người bị phá.

Các vị không hề chống đối việc chích ngừa. Tờ The Guardian trích nguyên văn lá thư: “Xin thủ tướng an tâm rằng các Giáo Hội của chúng tôi, như đã thưa, không chống đối việc chích ngừa, chúng tôi cầu xin để một vắcxin được tìm ra. Nhưng chúng tôi cũng cầu xin để nó không bị vấy bẩn về đạo đức”.

Tờ báo cũng trích dẫn lời Đức Tổng Giám Mục Fisher giải thích trên Facebook của ngài: “Điều hết sức ích lợi cho cộng đồng là việc chích ngừa được tiếp nhận một cách rộng rãi và chứng bệnh gây tử vong này bị đánh bại, nhưng điều này sẽ đạt được cách tốt hơn nếu các vắcxin có sẵn không tạo ra thế lưỡng nan đạo đức”.

Thế lưỡng nan đó là: cứu sống (vắcxin) bằng cách diệt sống (phá thai). Tuy nhiên, phải đọc câu trên một cách thận trọng: tốt hơn nên sử dụng vắc xin không chế tạo từ tế bào phôi thai người nếu có sẵn. Còn nếu không có sẵn, đạo đức sinh học đâu có buộc không được sử dụng vắcxin chế tạo từ phôi thai người để cứu người.

Theo VaticanNews, Đức Tổng Giám Mục Fisher viết rằng, nếu không có sẵn thuốc thay thế, ngài không nghĩ dùng vắcxin của AstraZeneca là điều phi đạo đức: “Làm như thế sẽ không phải là hợp tác với bất cứ cuộc phá thai nào trong quá khứ hay tương lại”.

Phải nói rằng Chính phủ Úc đã lưu tâm đến các quan ngại của các vị Tổng Giám Mục. Theo tờ The Guardian, một ngày sau khi công bố thoả thuận với đại công ty AstraZeneca, Thủ tướng Morrison buộc phải rút lại ý định buộc mọi người dân Úc phải chích ngừa. Một phát ngôn viên chính phủ nói với tờ The Guardian rằng “thủ tướng tôn trọng quan điểm của nhiều cộng đồng tôn giáo của Úc và hiểu các vấn đề đang được nêu ra” và chính phủ đã đầu tư vào các loại vắcxin không sử dụng tới tế bào phôi thai người bị phá, cụ thể là vắcxin hiện đang được chế tạo tại Đại Học Queensland, trong đó, chính phủ đã đóng góp 5 triệu dollars.

Dù thế, dư luận phần nào đã tấn công dữ dội các nhà lãnh đạo Kitô giáo nói trên. Robert Booy, Giáo sư Chích ngừa của Đại Học Sydney, nhân dịp này, cho biết trong 50 năm qua, nhiều vắcxin đã được khai triển nhờ dùng tế bào phôi thai người bị phá và các nhóm Kitô giáo trước đây vốn chấp nhận việc sử dụng chúng vì “khoảng cách lớn giữa tuyến tế bào và vắcxin sau cùng”.

Ông cho tờ The Guardian hay các vắcxin ở Úc trừ ban đỏ, sơ gan A và đậu mùa đều theo phương pháp trên. Vả lại, diễn trình bào chế qua nhiều giai đoạn tinh chế (purification) khiến các yếu tố DNA người không còn mà chỉ còn lại virút.

Nhưng điều đó vẫn không biện minh được việc cần có các tế bào phôi thai người bị phá, một điều có liên hệ đến việc diệt sống. Chính Peter Doherty, người lãnh giải Nobel và là giáo sư miễn dịch học, cũng cho rằng việc ấy là quan tâm hàng đầu của người Công Giáo, tuy về “phương diện khoa học, không hề là một vấn đề”.

Các phản hồi thiếu tích cực trên khiến Đức Tổng Giám Mục Fisher phải lên tiếng minh giải. Theo tờ The Catholic Weekly, trên Facebook của ngài, Đức Cha Fisher viết “Tôi vốn không, và sẽ không, kêu gọi người Công Giáo tẩy chay vắcxin nếu nó trở nên có sẵn... Điều tôi làm là tham gia cùng các nhà lãnh đạo đức tin khác yêu cầu Thủ Tướng, ngoài thoả thuận ký với AstraZeneca, nên theo đuổi nhiều sắp xếp để có được các vắcxin khác, chứ không tự giới hạn vào một loại vắcxin, loại mà một số người trong cộng đồng của chúng tôi thấy quan ngại về phương diện đạo đức”.

Quan ngại trên, theo tờ The Catholic Weekly, là quan ngại chung của Vatican và các Giám Mục thế giới. Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Sự Sống đang soạn thảo một tuyên bố liên quan đến việc khai triển các vắcxin chống Covid-19 phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội từng được giải thích trong văn kiện Dignitas Personae (Phẩm Giá Con Người) của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin măm 2008. Theo văn kiện này, các nhà khảo cứu có nghĩa vụ đạo đức không dùng “các chất liệu sinh học” lấy từ các thủ tục vô luân, nhất là phá thai.
Tuy nhiên, văn kiện cũng thừa nhận rằng ngoài vấn đề chất liệu sử dụng để triển khai vắcxin ra, việc sử dụng thực tế một vắcxin thành công gồm nhiều “mức độ trách nhiệm khác nhau”.

Văn kiện quả quyết rằng “nhiều lý do nghiêm trọng có thể cân xứng về luân lý để biện minh việc sử dụng ‘chất liệu sinh học’như thế”.
Do đó, thí dụ, nguy cơ sức khỏe của đứa con có thể cho phép các cha mẹ dùng một vắcxin chế tạo từ tuyến tế bào có nguồn gốc bất hợp pháp, trong khi nhớ rằng mọi người có bổn phận bày tỏ sự bất đồng của mình và yêu cầu các hệ thống chăm sóc sức khỏe của mình làm cho các loại vắcxin khác có sẵn”.

Hợp với đường lối trên, Helen Watt, thuộc Trung Tâm Đạo Đức Sinh Học Anscombe, Oxford, một trung tâm phục vụ Giáo Hội Công Giáo Anh, cho rằng “Tẩy chay một vắcxin chống Covid-19 khi không có thuốc thay thế nó là một hành động nghiêm trọng cần được thận trọng cân nhắc vì những nguy cơ đầy tiềm năng trầm trọng của nó đối với người ta”.

Bà cho rằng, nói thế không có nghĩa là không cần phải cố gắng có được các vắcxin không dùng tới tế bào thai nhi bị phá khi chúng có sẵn.