ĐỊA PHƯƠNG VÀ HOÀN VŨ

142. Cần lưu ý rằng “hiện có sự căng thẳng cố hữu giữa việc hoàn cầu hóa và địa phương hóa. Chúng ta cần chú ý đến khía cạnh hoàn cầu để tránh sự hẹp hòi và tầm thường. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn khía cạnh địa phương, nơi giữ chúng ta luôn ở thế có cơ sở thực tiễn. Cùng với nhau, cả hai khía cạnh ngăn chúng ta rơi vào một trong hai thái cực sau đây: Đầu tiên, con người bị cuốn vào một chủ nghĩa vũ trụ trừu tượng, hoàn cầu hóa… Mặt khác, họ tự biến mình thành một viện bảo tàng văn hóa dân gian ẩn dật khép kín, cứ phải lặp đi lặp lại cùng những điều y như nhau, không có khả năng để mình bị chất vấn bởi những gì khác biệt, hoặc đánh giá được vẻ đẹp mà Thiên Chúa vốn ban tặng ở bên ngoài biên giới của họ” [124]. Chúng ta cần có một cái nhìn hoàn cầu để tự cứu chúng ta khỏi chủ nghĩa tỉnh lẻ nhỏ nhen. Khi ngôi nhà của chúng ta không còn là một ngôi nhà và bắt đầu trở thành một khu bị rào vây quanh, một phòng giam, thì nhân tố hoàn cầu sẽ đến giải cứu chúng ta, như một “chính nghĩa cuối cùng” lôi kéo chúng ta hướng đến việc viên mãn của mình. Trong khicùng một lúc, nhân tố địa phương cũng cần được đón nhận một cách thiết tha, vì nó có một điều mà nhân tố hoàn cầu không có được: nó có khả năng là một chất men, đem lại sự phong phú hóa, phát khởi các cơ chế phụ đới. Vì vậy, tình huynh đệ phổ quát và tình bạn xã hội là hai cực không thể tách rời và quan trọng như nhau trong mọi xã hội. Tách chúng ra sẽ làm biến dạng mọi điều và tạo ra sự phân cực đầy thành kiến.

Hương vị địa phương

143. Giải pháp không phải là một sự cởi mở nhằm bác bỏ sự phong phú của chính mình. Cũng như không thể có cuộc đối thoại với “những người khác” nếu không có ý thức về bản sắc riêng của chúng ta, vì vậy không thể có sự cởi mở giữa các dân tộc ngoại trừ trên cơ sở tình yêu đối với mảnh đất của riêng mình, dân tộc mình, cội nguồn văn hóa của riêng mình. Tôi không thể thực sự gặp gỡ người khác trừ khi tôi đứng trên những nền tảng vững chắc, vì chính dựa trên cơ sở của những điều này, tôi mới có thể chấp nhận tặng phẩm mà người kia mang lại và đến lượt mình, tôi tặng một tặng phẩm đích thực của riêng tôi. Tôi có thể chào đón những người khác, những người khác biệt, và đánh giá cao việc đóng góp độc đáo mà họ sẽ thực hiện, chỉ khi nào tôi bén rễ vững chắc vào chính dân tộc và văn hóa của mình. Mọi người đều yêu và quan tâm đến quê hương và làng mạc của mình, cũng như họ yêu và chăm sóc cho ngôi nhà của họ và đích thân chịu trách nhiệm đối với việc duy trì nó. Lợi ích chung cũng thế, đòi hỏi chúng ta phải bảo vệ và yêu thương quê hương của chúng ta. Nếu không, các hậu quả của một thảm họa ở một quốc gia sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hành tinh. Tất cả điều này mang lại ý nghĩa tích cực cho quyền đối với tài sản: Tôi chăm sóc và vun đắp một điều được tôi sở hữu, một cách khiến nó có thể đóng góp vào lợi ích của mọi người.

144. Nó cũng làm nảy sinh các trao đổi lành mạnh và làm ta phong phú. Kinh nghiệm được lớn lên ở một nơi đặc thù và chia sẻ nền văn hóa đặc thù đem lại cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc vào các khía cạnh của thực tại mà những người khác không thể dễ dàng tri nhận. Yếu tố hoàn vũ không nhất thiết có nghĩa là nhạt nhẽo, độc dạng và được tiêu chuẩn hóa, dựa trên một mô hình văn hóa đơn nhất đương thịnh, vì điều này cuối cùng sẽ dẫn đến việc mất đi một bảng phong phú gồm nhiều sắc thái và màu sắc, và kết quả là một đơn điệu hoàn toàn. Đó là cơn cám dỗ được nhắc đến trong câu chuyện xưa về Tháp Babel. Nỗ lực xây dựng một tòa tháp có thể vươn tới trời không phải là biểu hiện của sự thống nhất giữa các dân tộc khác nhau nói với nhau từ tính đa dạng của họ. Thay vào đó, đó là một nỗ lực sai lầm, phát sinh từ niềm kiêu căng và tham vọng, muốn tạo ra một sự thống nhất khác với sự thống nhất được Thiên Chúa mong muốn trong kế hoạch quan phòng của Người cho các quốc gia (xem St 11: 1-9).

145. Có thể có một sự cởi mở sai lầm đối với yếu tố hoàn vũ, phát sinh từ sự nông cạn của những người thiếu cái nhìn sâu sắc vào thiên tài của quê hương họ hoặc nuôi dưỡng sự oán hận chưa được giải quyết nhằm vào dân tộc họ. Dù thế nào đi nữa, “chúng ta liên tục phải mở rộng các chân trời của chúng ta và nhìn thấy điều tốt đẹp hơn sẽ mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta. Nhưng điều này phải được thực hiện mà không tránh né hoặc mất gốc. Chúng ta cần phải cắm rễ sâu hơn vào mảnh đất và lịch sử màu mỡ của quê hương, vốn là hồng phúc của Thiên Chúa. Chúng ta có thể làm việc trên một quy mô nhỏ, trong khu vực lân cận của chúng ta, nhưng với viễn ảnh rộng lớn hơn… Yếu tố hoàn cầu không cần phải gò bó, mà yếu tố đặc thù cũng không cần phải chứng tỏ là cằn cỗi” [125]; mô hình của chúng ta phải là một hình đa diện, trong đó giá trị của mỗi cá nhân được tôn trọng, nơi “toàn thể lớn hơn bộ phận, nhưng cũng lớn hơn tổng số các bộ phận của nó” [126].

Một chân trời phổ quát

146. Có một loại yêu mình thái quá có tính “địa phương” không liên quan đến tình yêu lành mạnh đối với dân tộc và văn hóa riêng của mình. Nó phát sinh từ một nỗi bất an và sợ hãi nào đó về người khác dẫn đến việc bác bỏ và mong muốn dựng lên những bức tường để tự vệ. Tuy nhiên, không thể “địa phương” một cách lành mạnh nếu không chân thành cởi mở đối với phổ quát, không cảm thấy được thách thức bởi những gì đang xảy ra ở những nơi khác, không có sự cởi mở để làm giàu bởi các nền văn hóa khác, và không có tình liên đới và quan tâm đến những thảm kịch đang ảnh hưởng đến các dân tộc khác. Thay vào đó, “lòng yêu mình thái quá địa phương” chỉ lưu tâm đến một số ý tưởng, phong tục và hình thức an ninh hạn chế; không có khả năng chiêm ngưỡng tiềm năng rộng lớn và vẻ đẹp được thế giới rộng lớn hơn cung cấp, nó thiếu hẳn một tinh thần liên đới chân chính và quảng đại. Cuộc sống ở bình diện địa phương vì vậy ngày càng trở nên ít chào đón hơn, người ta ít cởi mở hơn đối với việc bổ túc cho nhau. Các khả thể phát triển của nó hẹp dần; nó trở nên mệt mỏi và ốm yếu. Mặt khác, một nền văn hóa lành mạnh, tự bản chất của nó, có tính cởi mở và chào đón; quả tình, “một nền văn hóa nếu không có các giá trị phổ quát thì không thực sự là một nền văn hóa” [127].

147. Chúng ta hãy nhận ra rằng khi tâm trí chúng ta càng hạn hẹp, thì khả năng hiểu thế giới xung quanh càng kém đi. Nếu không gặp gỡ và tương quan với các khác biệt, thì khó mà đạt được một sự hiểu biết rõ ràng và đầy đủ về chính bản thân và quê hương của chúng ta. Các nền văn hóa khác không phải là “kẻ thù” mà chúng ta cần phải tự vệ chống lại, mà là những phản ảnh khác nhau của một sự phong phú vô tận của sự sống con người. Nhìn bản thân chúng ta theo quan điểm của người khác, của một người khác biệt, chúng ta có thể nhận ra tốt hơn những nét độc đáo của chúng ta và của nền văn hóa chúng ta: sự phong phú, các khả thể và hạn chế của nó. Kinh nghiệm địa phương của chúng ta cần phát triển “tương phản với” và “hài hòa với” các kinh nghiệm của những người khác sống trong các bối cảnh văn hóa đa dạng [128].

148. Thực thế, sự cởi mở lành mạnh không bao giờ đe dọa bản sắc riêng của người ta. Một nền văn hóa sống động, được làm giàu bởi các yếu tố từ những nơi khác, không du nhập một bản sao đơn thuần các yếu tố mới đó, mà hòa nhập chúng một cách độc đáo riêng của nó. Kết quả là một cuộc tổng hợp mới, một cuộc tổng hợp, cuối cùng, có lợi cho mọi người, vì nền văn hóa nguyên gốc kết cục được nuôi dưỡng. Đó là lý do tại sao tôi đã thúc giục người dân bản địa trân quí cội nguồn và văn hóa tổ tiên của họ. Mặc dù, cùng một lúc, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng tôi không có ý định đề nghị “một ‘chủ nghĩa duy bản địa’ hoàn toàn khép kín, phi lịch sử, tĩnh tụ, muốn bác bỏ bất cứ kiểu pha trộn nào (mestizaje)”. Vì “bản sắc văn hóa riêng của chúng ta được củng cố và làm giầu nhờ đối thoại với những người không giống chúng ta. Danh tính chân chính của chúng ta cũng không được bảo tồn bởi một sự cô lập nghèo nàn” [129]. Thế giới phát triển và tràn ngập vẻ đẹp mới, nhờ các cuộc tổng hợp tiếp theo nhau được tạo ra giữa các nền văn hóa biết cởi mở và không có bất cứ hình thức áp đặt văn hóa nào.

149. Đối với mối tương quan lành mạnh giữa tình yêu quê hương đất nước và cảm thức lành mạnh được thuộc về một gia đình nhân loại lớn hơn của chúng ta, điều hữu ích là ghi nhớ rằng xã hội hoàn cầu không phải là tổng số các quốc gia khác nhau, mà là sự hiệp thông hiện hữu giữa họ. Cảm thức hổ tương được thuộc về nhau có trước việc xuất hiện các nhóm cá thể. Mỗi nhóm đặc thù trở thành một phần của cơ cấu hiệp thông phổ quát và ở đó khám phá ra vẻ đẹp riêng của nó. Mọi cá nhân, bất kể nguồn gốc, đều biết rằng họ là một phần của gia đình nhân loại lớn hơn, nếu không có gia đình này, họ sẽ không thể hiểu được chính họ một cách đầy đủ.

150. Nhìn sự việc theo cách này mang lại niềm vui nhận ra rằng không một dân tộc, một nền văn hóa hay cá nhân nào có thể tự mình đạt được mọi sự: để đạt được sự viên mãn trong cuộc sống, chúng ta cần những người khác. Việc ý thức được các hạn chế và sự thiếu hoàn thiện của chính chúng ta, không hề là một đe dọa, nhưng trở thành chìa khóa để dự kiến và theo đuổi một dự án chung. Vì “con người là một hữu thể vừa có biên giới, vừa vô biên giới” [130].

Bắt đầu với khu vực của chúng ta

151. Nhờ việc trao đổi ở bình diện khu vực, qua đó, các nước nghèo hơn trở nên cởi mở đối với thế giới rộng lớn hơn, mà tính phổ quát không hẳn sẽ làm giảm các đặc điểm riêng biệt của họ. Sự cởi mở thích hợp và chân chính với thế giới giả định khả năng cởi mở với hàng xóm của mình trong gia đình các quốc gia. Do đó, hội nhập văn hóa, kinh tế và chính trị với các dân tộc láng giềng nên đi kèm với một diễn trình giáo dục biết cổ vũ giá trị của tình yêu thương đối với láng giềng của mình, bước đầu tiên không thể thiếu để đạt được sự hội nhập hoàn cầu lành mạnh.

152. Ở một số khu vực của các thành phố của chúng ta, vẫn còn một cảm thức khu xóm sống động. Mỗi người tự nhiên tri nhận được bổn phận phải đồng hành và giúp đỡ người người lân cận của mình. Ở những nơi mà những giá trị cộng đồng này được duy trì, người ta cảm nghiệm được một sự gần gũi mang đặc điểm của lòng biết ơn, tình liên đới và sự hỗ tương. Tình khu xóm mang lại cho họ một cảm thức về bản sắc chung [131]. Ước chi các quốc gia lân bang có thể khuyến khích một tinh thần láng giềng tương tự giữa các dân tộc của họ! Tuy nhiên, tinh thần cá nhân chủ nghĩa cũng ảnh hưởng đến các tương quan giữa các quốc gia. Sự nguy hiểm khi nghĩ rằng chúng ta phải tự vệ chống lại nhau, coi người khác là đối thủ cạnh tranh hoặc là kẻ thù nguy hiểm, cũng ảnh hưởng đến các tương quan giữa các dân tộc trong cùng một khu vực. Có lẽ chúng ta đã được huấn luyện kiểu sợ hãi và ngờ vực này.

153. Có những quốc gia hùng mạnh và những doanh nghiệp lớn hưởng lợi từ sự cô lập này và thích đàm phán riêng với từng quốc gia. Mặt khác, các nước nhỏ hoặc nghèo có thể ký các thỏa hiệp với các nước láng giềng trong khu vực giúp họ đàm phán như một khối và do đó tránh bị cắt đứt, cô lập và phụ thuộc vào các cường quốc. Ngày nay, không quốc gia nào có thể bảo đảm lợi ích chung cho dân mình nếu cứ mãi cô lập.

Kỳ tới: CHƯƠNG NĂM: MỘT LOẠI CHÍNH TRỊ TỐT HƠN