RA KHỎI VÙNG AN TOÀN
“Người đặt tay trên bà ấy, tức thì bà đứng thẳng lên”.
Kính thưa Anh Chị em,
Việc người phụ nữ còng lưng không hề mở miệng van xin Chúa Giêsu, cũng như viên trưởng hội đường tức giận trước phép lạ Ngài chữa lành bà, khiến chúng ta có thể đi đến một kết luận bất ngờ đến kinh ngạc. Phải chăng hai nhân vật này không muốn ‘ra khỏi vùng an toàn’ của họ?
Mọi phép lạ Chúa Giêsu làm hẳn là những hành động của lòng thương xót; thế nhưng, câu chuyện hôm nay còn có nhiều điều thú vị để nói với chúng ta. Người phụ nữ này dường như không tìm kiếm, chẳng trông mong, và cũng không cầu xin sự chữa lành; phải chăng, bà cam chịu nỗi đau như đã quen cam chịu nó mười tám năm qua; hoặc phải chăng bà vẫn cảm thấy an toàn và hạnh phúc với ‘thú đau thương ngọt ngào’ của mình một cách nào đó để không hề nghĩ đến, cũng như không hề muốn ‘ra khỏi vùng an toàn’? Với Chúa Giêsu thì không, lòng trắc ẩn của Ngài không cho phép điều đó; bất cứ giá nào, dù phạm luật Sabbat, Ngài vẫn phải đưa bà ‘ra khỏi vùng an toàn’ giả hiệu. Vì thế, chỉ một lời, cùng với việc đặt tay trên bà, tức khắc, bà đứng thẳng lên.
Cũng thế, trước phép lạ Chúa Giêsu làm, viên trưởng hội đường không muốn thấy, cũng không muốn tin, vì xem ra, sự hiện diện của Ngài đang đe doạ ông; cũng như việc tin nhận Ngài là Đấng Messia lại càng buộc ông phải thay đổi. Ông cảm thấy hài lòng với địa vị của mình, với những gì đang có và tất cả được coi như vùng an toàn; ông không muốn ra khỏi đó, vì thế, ông coi Chúa Giêsu chỉ như kẻ gây rối, một người đến để chực làm xáo trộn. Với Chúa Giêsu thì không, Ngài quyết đưa ông ‘ra khỏi vùng an toàn’ ảo, tầm thường, Ngài mạnh mẽ giải thích, “Hỡi những kẻ giả hình, chớ thì trong ngày Sabbat, mỗi người trong các ông không thả bò hay lừa của mình ra khỏi chuồng mà dẫn nó đi uống nước sao? Phương chi người con gái của Abraham này, Satan cột trói nó đã mười tám năm nay, chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc nó trong ngày Sabbat sao?”.
Với các tín hữu Êphêsô, Thánh Phaolô hôm nay cũng muốn đưa họ ‘ra khỏi vùng an toàn’, ngài nói, “Xưa kia anh em là sự tối tăm, nhưng hiện nay, anh em là sự sáng trong Chúa. Anh em hãy ăn ở như con cái sự sáng”. Cũng thế, Thánh Vịnh đáp ca mời gọi chúng ta ‘ra khỏi vùng an toàn’ để nên giống Thiên Chúa, “Anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, như con cái rất yêu dấu của Người”.
Chúa Giêsu luôn muốn tạo một sự khác biệt để đưa chúng ta ‘ra khỏi vùng an toàn’ tầm thường, nhưng nhiều lúc, chúng ta không muốn. Đôi khi, đó chỉ là nỗi sợ một điều gì đó phải thay đổi; chúng ta chỉ muốn ở lại trong những nếp cũ với những chân trời hạn hẹp và sợ phải trải rộng chúng.
Anh Chị em,
Người phụ nữ đã ‘đứng thẳng dậy’ là hình ảnh tượng trưng cho những gì ân sủng sẽ biến đổi. Một khi Chúa bước vào cuộc đời, ai ai cũng có khả năng đứng thẳng, có thể bước đi với sự tự tin, với một phẩm giá mới. Chúng ta khám phá ra mình là ai khi sống trong tự do, ân sủng; là con cái rất yêu dấu, chúng ta ngày càng bắt chước Chúa Giêsu hơn. Mặt khác, hãy để mình như cô gái hào phóng bên quầy hoa, với những ánh nhìn yêu thương, những nụ cười thông cảm, những lời khích lệ, hành động nhân ái, tấm lòng thấu cảm; hãy ‘ra khỏi vùng an toàn’ là cái tôi đang tự tô điểm, bọc mình lại khi chỉ trích kẻ khác hoặc vì nệ luật, vụ hình thức mà không yêu thương nâng đỡ tha nhân.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin đừng để con ở lỳ trong sự tầm thường; xin đem con ‘ra khỏi vùng an toàn’ hầu con đứng thẳng và tung tăng đến tận chân trời mới, chân trời diệu vợi của tự do và ân sủng”, Amen.
(Tgp. Huế)