Lúc 7h30 tối thứ Năm 24 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Đêm Giáng Sinh. Đây là năm thứ 8 ngài cử hành thánh lễ này trong cương vị Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh.

Do hoàn cảnh đại dịch coronavirus kinh hoàng, thánh lễ thay vì được tổ chức ở bàn thờ chính như thường lệ, đã được cử hành tại bàn thờ Ngai Tòa với một cộng đoàn rất hạn chế. Ngoài ra, thánh lễ cũng phải cử hành sớm hơn.

Trước đây, lễ Đêm Giáng Sinh tại Vatican được cử hành đúng nửa đêm. Năm 2009, vì tình trạng sức khoẻ của ngài, Đức Bênêđíctô XVI đã chuyển lễ Đêm Giáng Sinh ở Vatican từ nửa đêm sang 10 giờ tối. Sau khi Đức Phanxicô được bầu vào ngôi Giáo Hoàng năm 2013, thánh lễ Đêm Giáng Sinh ở Vatican được cử hành lúc 9:30 tối. Như thế, năm nay thánh lễ được cử hành 2 giờ trước thường lệ, để anh chị em có thể về đến nhà trước giờ giới nghiêm là 10 giờ tối, được đưa ra như một phần trong các biện pháp làm chậm sự lây lan của coronavirus.

Trong bài giảng Thánh Lễ, Đức Thánh Cha nói:

Đêm nay, lời tiên báo vĩ đại của Tiên tri Isaia đã được ứng nghiệm: “một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, và một người con đã được ban tặng chúng ta” (Is 9: 6).

Một người con đã được ban tặng cho chúng ta. Chúng ta thường nghe rằng niềm vui lớn nhất trong cuộc đời là một đứa trẻ chào đời. Đó là một điều gì đó phi thường và thay đổi mọi thứ. Điều đó mang lại một sự phấn khích khiến chúng ta quên đi sự mệt mỏi, khó chịu và những đêm mất ngủ, vì nó khiến chúng ta tràn ngập niềm hạnh phúc khôn tả và khôn sánh. Ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh là thế này: Chúa Giêsu Giáng Sinh là “sự mới mẻ” giúp chúng ta được tái sinh mỗi năm và tìm thấy nơi Ngài sức mạnh cần thiết để đối mặt với mọi thử thách. Tại sao? Thưa: Vì sự ra đời của Người là dành cho chúng ta - cho tôi, cho anh chị em, cho tất cả mọi người. “Cho” là một từ được lặp đi lặp lại trong đêm thánh này: Tiên tri Isaia nói tiên tri rằng “một hài nhi được sinh ra cho chúng ta”. Thánh Vịnh lặp lại rằng “Hôm nay Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. Thánh Phaolô thì nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu đã “hiến thân cho chúng ta” (Tt 2:14), và trong Tin Mừng, sứ thần đã tuyên bố: “Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho các ngươi” (Lc 2:11).

Tuy nhiên, đối với chúng ta, những từ đó thực sự có ý nghĩa gì? Những từ ấy nói lên rằng Con Thiên Chúa, Đấng thánh thiện tự bản chất, đã đến để làm cho chúng ta, với tư cách là con cái của Thiên Chúa, được nên thánh nhờ ân sủng. Đúng thế, Thiên Chúa đã đến thế gian trong hình hài của một hài nhi bé nhỏ để làm cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Thật là một món quà tuyệt vời! Ngày hôm nay, Thiên Chúa làm chúng ta kinh ngạc và Ngài nói với mỗi người chúng ta rằng: “Con thật tuyệt vời”. Anh chị em thân mến, đừng bao giờ nản lòng. Nếu anh chị em bị cám dỗ để cảm thấy mình chỉ là một sai lầm thì Chúa nói với anh chị em rằng “Không phải như thế đâu, con là con của Ta!” Nếu anh chị em có cảm giác thất bại hay bất toàn, hay sợ hãi rằng anh chị em sẽ không bao giờ thoát ra khỏi con đường hầm tối tăm thử thách thì Chúa nói với anh chị em: “Hãy can đảm, Thầy ở cùng anh em”. Ngài làm điều này không phải bằng lời nói, mà bằng cách biến mình thành một hài nhi sống với anh chị em và cho anh chị em. Bằng cách này, Ngài nhắc nhở anh chị em rằng điểm khởi đầu của mọi sự tái sinh là sự thừa nhận rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa. Đây là trái tim hy vọng bất diệt của chúng ta, là cốt lõi nhiệt năng mang lại sự ấm áp và ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Có một sự thật tuyệt vời ẩn sâu bên dưới tất cả những điểm mạnh và điểm yếu của chúng ta, mạnh mẽ hơn tất cả những tổn thương và thất bại trong quá khứ, những nỗi sợ hãi và lo lắng của chúng ta về tương lai, đó là chúng ta là những con trai, con gái được Chúa yêu dấu. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta không và sẽ không bao giờ phụ thuộc vào chúng ta. Đó là tình yêu hoàn toàn nhưng không, và ân sủng thuần khiết. Tối nay, Thánh Phaolô nói với chúng ta, “ân sủng của Thiên Chúa đã xuất hiện” (Tt 2:11). Không có gì quý hơn điều này.

Một người con đã được ban tặng cho chúng ta. Chúa Cha đã không ban cho chúng ta một điều gì, hay một vật gì; Ngài đã ban cho chúng ta Con Một của Người, là tất cả niềm vui của Người. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vào sự vô ơn của chúng ta đối với Thiên Chúa và sự bất công của chúng ta đối với rất nhiều anh chị em của mình, một mối nghi ngờ có thể nảy sinh. Liệu Chúa có đúng không khi ban cho chúng ta quá nhiều như thế? Liệu Chúa có đúng không khi vẫn tin tưởng nơi chúng ta? Liệu Người có đánh giá chúng ta quá cao hay không? Tất nhiên, Chúa đánh giá chúng ta quá cao, nhưng Ngài làm như thế vì Ngài yêu chúng ta đến điên cuồng. Chúa không thể không yêu chúng ta. Đó là đường lối của Người, là điều rất khác với chúng ta. Chúa luôn yêu chúng ta bằng một tình yêu lớn hơn chúng ta dành cho chính mình. Đây là bí mật của Ngài để đi vào trái tim của chúng ta. Thiên Chúa biết rằng chúng ta trở nên tốt hơn chỉ khi chúng ta chấp nhận tình yêu trung tín của Ngài, một tình yêu không thay đổi đã thay đổi chúng ta. Chỉ có tình yêu của Chúa Giêsu mới có thể biến đổi cuộc sống của chúng ta, chữa lành những tổn thương sâu sắc nhất của chúng ta, và giải thoát chúng ta khỏi vòng luẩn quẩn của thất vọng, giận dữ và phàn nàn liên tục.

Một người con đã được ban tặng cho chúng ta. Trong máng cỏ thấp hèn của chuồng ngựa tối tăm, Con Thiên Chúa hiện diện thực sự. Nhưng điều này đặt ra một câu hỏi khác. Tại sao Chúa lại sinh ra vào ban đêm, không có chỗ ở đàng hoàng, trong cảnh nghèo đói và bị chối bỏ, trong khi Người xứng đáng được sinh ra như một vị vua oai phong lẫm liệt nhất trong những cung điện huy hoàng tráng lệ nhất? Tại sao lại như thế? Thưa: Để làm cho chúng ta hiểu được tình yêu bao la của Người đối với thân phận con người của chúng ta: thậm chí Chúa chạm đến tận đáy sự bần cùng của chúng ta bằng tình yêu cụ thể của Người. Con Thiên Chúa sinh ra đã bị ruồng bỏ, để nói với chúng ta rằng mọi người bị ruồng bỏ đều là con của Thiên Chúa. Ngài đến với thế giới khi mỗi đứa trẻ chào đời, yếu đuối và dễ bị tổn thương, để chúng ta có thể học cách chấp nhận những điểm yếu của mình bằng tình yêu dịu dàng. Và để khám phá điều gì đó quan trọng. Như xưa Ngài đã làm ở Bethlehem, thì nay chúng ta cũng hãy làm như thế, Thiên Chúa thích làm nên những điều kỳ diệu thông qua sự nghèo khó của chúng ta. Ngài đã đặt toàn bộ ơn cứu rỗi của chúng ta trong máng cỏ của một chuồng gia súc. Ngài không sợ sự nghèo khó của chúng ta, vì thế chúng ta hãy để cho lòng thương xót của Ngài biến đổi hoàn toàn!

Đó là ý nghĩa của câu một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta cũng nghe thấy từ “cho” ở một nơi khác. Sứ thần tuyên bố với các mục đồng: “Đây sẽ là dấu chỉ cho anh em: một hài nhi nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). Dấu chỉ đó, Hài nhi trong máng cỏ, cũng là dấu chỉ cho chúng ta, hướng dẫn chúng ta trong suốt cuộc đời. Ở Bethlehem, một cái tên có nghĩa là “Nhà Bánh”, Thiên Chúa nằm trong máng cỏ, như muốn nhắc nhở chúng ta rằng, để sống, chúng ta cần có Người, giống như bánh chúng ta ăn. Chúng ta cần được lấp đầy bằng tình yêu nhưng không, trung tín và cụ thể của Người. Nhưng trái lại, quá thường chúng ta lại thèm khát giải trí, thành công và những thú vui trần tục, và nuôi dưỡng cuộc sống bằng những lương thực không làm chúng ta thỏa mãn và khiến chúng ta trống rỗng bên trong! Qua tiên tri Isaia, Chúa đã phàn nàn rằng con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó, còn chúng ta, dân Người, lại không biết Người, là nguồn sống của chúng ta (x. Is 1: 2-3). Đúng là như thế: trong lòng ham muốn chiếm hữu vô tận của mình, chúng ta chạy theo vô số máng cỏ chứa đầy phù du mà quên mất máng cỏ Bethlehem. Máng cỏ, nghèo nàn về mọi thứ nhưng giàu tình yêu thương, dạy chúng ta rằng phần lương đích thực trong cuộc sống đến từ việc để chúng ta được Chúa yêu thương và đến lượt chúng ta yêu thương người khác. Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta một tấm gương. Ngài, Ngôi Lời của Thiên Chúa, đã trở thành một hài nhi mới sinh; Người không nói một lời nào nhưng dâng hiến cuộc sống. Chúng ta thì lại khác, chúng ta ba hoa đủ thứ lời, nhưng thường ít nói về điều lành phúc đức.

Một người con được ban cho chúng ta. Cha mẹ của những trẻ nhỏ biết họ được yêu cầu phải có nhiều tình yêu thương và sự kiên nhẫn. Chúng ta phải cho chúng ăn, chăm sóc chúng, tắm rửa cho chúng và quan tâm đến tính dễ bị tổn thương và nhu cầu của chúng, những điều này thường rất khó hiểu. Một đứa trẻ khiến chúng ta cảm thấy được yêu thương nhưng cũng có thể dạy chúng ta cách yêu thương. Chúa đã chào đời trong hình hài một đứa trẻ để khuyến khích chúng ta quan tâm đến người khác. Những giọt nước mắt lặng lẽ của Người khiến chúng ta nhận ra sự vô dụng trong nhiều lần bộc phát nóng nảy của mình. Tình yêu không tự vệ của Người nhắc nhở chúng ta rằng thời gian của chúng ta không phải là để dành cho việc cảm thấy tủi thân, mà là để an ủi những giọt nước mắt đau khổ. Thiên Chúa đã đến giữa chúng ta trong cảnh nghèo khó và thiếu thốn, để nói với chúng ta rằng khi phục vụ người nghèo, chúng ta sẽ bày tỏ tình yêu thương của mình đối với Người. Từ đêm này trở đi, như một nhà thơ đã viết, “Nơi ở của Chúa là bên cạnh tôi, đồ đạc của Ngài là tình yêu” (EMILY DICKINSON, Poems, XVII).

Một người con đã được ban tặng cho chúng ta. Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Hài Nhi đã làm cho con trở thành một đứa trẻ. Chúa yêu con như con là, chứ không phải như con tưởng tượng con sẽ là. Khi đón nhận Chúa, Hài Nhi của máng cỏ, một lần nữa con đón nhận trọn cuộc đời mình. Khi chào đón Chúa, Bánh của sự sống, con cũng mong muốn được trao tặng cuộc sống của con. Lạy Chúa, Đấng Cứu Rỗi của con, xin dạy con biết phục vụ. Lạy Chúa, Đấng đã không để con lẻ loi, xin hãy giúp con an ủi các anh chị em của Chúa, vì từ đêm nay trở đi, tất cả đều là anh chị em của con.


Source:Libreria Editrice Vaticana