CHÚA GIÊSU MỈM CƯỜI



(Nguyên bản: Le Sourire de Jésus

par Pierre Descouvemont

Bản tiếng Việt của Vũ Văn An
)



I.Nụ mỉm cười hân hoan

‘Hạnh phúc thay dân nào biết ca ngợi tung hô!

nhờ Thánh Nhan soi tỏ, họ tiến lên, lạy Chúa;

Nhờ được nghe danh Ngài, họ suốt ngày hớn hở;

bởi vì Ngài công chính, nên họ được hiên ngang”.


Thánh vịnh 89: 16-17.

Các sách Tin Mừng thường gợi lại cái nhìn của Chúa Giêsu đối với những ai Người gặp. Một cái nhìn làm người ta ngạc nhiên và từng khiến hơn một người theo chân Người (Mt 4:18-22; 9:9; Ga 1:43-51). Một cái nhìn làm cho Thánh Phêrô khóc lóc sau khi chối Người (Lc 22:61-62). Một cái nhìn hoàn toàn biến đổi cõi lòng người trộm lành (Lc 23:42-43).

Cái nhìn của Ngài, Lạy Chúa Giêsu, cái nhìn của Ngài

Điệp khúc: Con ngước đôi mắt nhìn lên Chúa.

Xin Chúa đến làm chúng đầy sức nhìn rõ của Chúa.

1. Cái nhìn của Chúa, Lạy Chúa Giêsu, cái nhìn của Chúa!

Chúa đã đặt trên con

Trên con kẻ đi tìm Ngài

Con run rẩy hân hoan

Và chúng con tiến bước

Về nhà Chúa

2. Cái nhìn của Chúa, Lạy Chúa Giêsu, cái nhìn của Chúa!

Nó đã nói với con về Chúa,

Những giọt lệ con đã nhỏ sa:

Về Chúa, Chiên Thiên Chúa

Tâm hồn con hát bài hy vọng,

Con đã khám phá ra ngọn lửa của Chúa

Trong thinh lặng.

3. Cái nhìn của Chúa, Lạy Chúa Giêsu, cái nhìn của Chúa!

Nó đã thay đổi đời con,

Thuyền con và lưới con.

Vì Chúa con đã bỏ tất cả,

Ngày Chúa nói với con:

“Hãy đến theo Thầy”.

4. Cái nhìn của Chúa, Lạy Chúa Giêsu, cái nhìn của Chúa!

Đôi mắt biến hình của Chúa

Con đã thấy chúng trên cao.

Giữa tầng mây phủ

Mắt con đã nhận ra Chúa,

Con cái ánh sáng.

5. Cái nhìn của Chúa, Lạy Chúa Giêsu, cái nhìn của Chúa!

Nó đã đâm thấu đêm đen của con

Vào giờ con chối Chúa.

Chỉ có Chúa mới hiểu

Lạy Thiên Chúa, Chúa đã tha thứ.

6. Cái nhìn của Chúa, Lạy Chúa Giêsu, cái nhìn của Chúa!

Nó đã phục sinh con

Buổi chiều Chúa trở lại.

Hơi thở Chúa đẩy con đi

Ra khơi Tình yêu:

Hãy đến với anh chị em con!

Claude Bernard

1. Lạy Chúa Giêsu, nụ cười của Chúa phản chiếu niềm vui

Các soạn giả Tin Mừng không bao giờ cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đang mỉm cười. Nhưng người ta khó lòng có thể tưởng tượng được việc Chúa Giêsu để các em bé leo lên đầu gối Người mà lại không mỉm cười với chúng. Và nụ mỉm cười của Người sẽ ra sao khi gợi lại niềm vui của người cha đón đứa con hoang đàng trở về hoặc khi Người phá lên hân hoan lúc các môn đệ trở về sau sứ vụ đầu tiên của họ: “con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Lc 10:21).

Nếu các thánh làm chúng ta thán phục vì phẩm chất nụ mỉm cười của các ngài, thì nụ mỉm cười của Chúa Giêsu sẽ phải như thế nào đây! Nó phản ảnh trên khuôn mặt Người niềm vui vốn tràn ngập tâm hồn Người, niềm vui luôn tự cảm thấy mình là Con yêu dấu của Chúa Cha và là Đấng ngày đêm giờ nào cũng nói: Abba (Lạy Cha)!

Thánh Bernard nghĩ rằng ngay trong những giờ phút bi đát của cuộc Khổ Nạn, Chúa Giêsu vẫn hạnh phúc một cách sâu xa, vì Người biết rằng Người đang cứu rỗi nhân loại. Máu Người đổ ra, Người dâng lên Chúa Cha vì nhiều người để tha tội cho họ. Chính vì thế, một số nghệ sĩ không ngần ngại vẽ một nụ mỉm cười trên khuôn mặt Chúa Kitô trên thập giá. Ước chi người ta nghĩ đến Chúa Kitô mỉm cười của thế kỷ 12 được in lại ở đầu tác phẩm này. Được tôn kính bởi các đan sĩ tại Lérins, nó phát biểu một cách hùng hồn mầu nhiệm được vị đan viện trưởng của Clairvaux cùng thời giảng dạy.

Baudouin Ford, mộ tu sĩ Xitô người Anh thế kỷ 12, năm 1184 trở thành Tổng Giám Mục Canterbury và giáo chủ Anh, cũng ngạc nhiên khi nghĩ rằng Chúa Giêsu đã có được một niềm vui rất lớn lao ngay giữa cơn thống khổ của Người. “Không những Người cảm thấy cái đau của thân xác trong các đau đớn của cuộc Khổ Nạn, trong tính ác liệt của cái đau khủng khiếp mà Người chịu vì chúng ta, mà còn trong linh hồn Người nữa, Người cũng cảm nhận một nỗi buồn thực sự. Tuy nhiên, Người hạnh phúc mang lấy nó. Một cách hân hoan, Người quyết định chọn đau khổ và nỗi đau khổ này không phải không có niềm vui vì Người hạnh phúc ngay với đau khổ của Người. Chính vì thế Người nói: ‘Thầy vốn rất khao khát được ăn Lễ Vượt Qua này’ (2)”.

Thánh nữ Catarina thành Sienna không nghĩ khác. Thánh nữ nói với Đức Hồng Y Orsini, rằng Chúa Giêsu kêu lớn tiếng những lời này “Mọi sự đã hoàn tất”. Người ta có lẽ nghĩ rằng đây là những lời buồn bã, nhưng thực ra, đó là những lời hân hoan. Dường như Chúa Giêsu dịu dàng này muốn nói: “Giờ đây, tôi nhẩy mừng hân hoan ! Cuộc thử thách này, cuối cùng tôi đã hoàn tất”.

Thánh nữ nói thêm, đúng thế, “Con Chiên trên thập giá vừa hạnh phúc vừa đau khổ cùng một lúc: thân xác Người đau đớn nhưng thần tính Người không thể đau khổ và cả linh hồn Người ở phần cao trọng hơn, thiêng liêng hơn, cũng không đau khổ” (3).

Đó chính là điều Chúa Giêsu dạy thầy Marcel Văn trong các cuộc đàm đạo Người ngỏ cùng thầy trong các năm 1945-1946 khi thầy ở nhà tập:

“Nhỏ Marcel ạ, đời Ta vốn là một đời đau khổ; nhưng Ta không bao giờ buồn rầu vì phải chịu đau khổ. Do đó, đời Ta phải được gọi là đời đau khổ, nhưng không hề là đời bất hạnh. Như thế, nếu Ta buồn rầu trước đau khổ, thì giờ đây làm sao Ta dám dạy con phải vui tươi khi con gặp đau khổ cho được? Này Marcel, cho nên không bao giờ được tin rằng Ta từng buồn rầu đã phải chịu đau khổ, cũng đừng bối rối, nếu nghe người ta nói như thế; tốt nhất hãy lắng nghe điều Ta nói, đúng không? Nếu Ta buồn rầu vì các đau khổ của Ta, xem ra hóa Ta tỏ ra ít hân hoan trong việc tự hy sinh cho các linh hồn hay sao, các linh hồn tỏ ra ít hân hoan trong việc tự hy sinh cho ta hay sao?... Ta không bao giờ buồn rầu; trái lại, Ta luôn luôn hân hoan như một bé thơ bơi lội trong các an ủi. Nếu, lúc đó, Ta buồn rầu vì các đau khổ của Ta, thì giờ đây hẳn ta phải đau khổ hơn nhiều trong bí tích Thánh Thể... Không, nhỏ Marcel ạ, không phải thế đâu. Càng hy sinh cho các linh hồn, Ta càng muốn hy sinh nhiều hơn nữa, và luôn nhiều hơn nữa. Và nói tóm lại, chính đó là việc mà chỉ có Tình Yêu mới có khả năng hiểu được” (4).

Việc đồng hiện hữu của đau khổ và niềm vui trong linh hồn Chúa Kitô

Tiếng kêu của Chúa Giêsu trên Thập Giá không diễn tả sự đau khổ của một người thất vọng, mà là lời cầu nguyện của Chúa Con đang dâng sự sống mình lên Chúa Cha trong yêu thương, vì sự cứu rỗi mọi người. Lúc tự đồng nhất hóa với tội lỗi chúng ta, bị Chúa Cha “bỏ rơi”, Người đã “phó thác” trong tay Cha Người. Đôi mắt Người rõi nhìn Cha Người. Chính vì nhận biết và cảm nghiệm rằng duy mình Người có Chúa Cha, chính trong giờ phút đen tối ấy, Người thấy rõ mồn một tính nặng nề của tội lỗi và Người chịu đau khổ vì nó. Chỉ có Người, Đấng thấy Cha Người và vui hưởng việc ấy một cách trọn vẹn, mới đo lường được một cách viên mãn việc chống lại tình yêu Chúa Cha bằng tội lỗi có nghĩa là gì. Trước khi là một đau đớn cho thân xác Người, và, tới một mức độ cao hơn, cuộc khổ nạn của Người là một đau đớn cho linh hồn Người. Truyền thống thần học không bỏ lỡ việc tự hỏi làm thế nào Chúa Giêsu có thể cùng một lúc sống sự kết hợp thâm sâu với Cha Người, Đấng từ bản chất vốn là nguồn hân hoan và hạnh phúc, và cơn hấp hối đến nỗi phải kêu than bị bỏ rơi. Sự hiện hiện cùng một lúc cả hai yếu tố này bề ngoài không thể nào hòa giải được thực ra đã phát sinh từ sự sâu thẳm khôn dò của việc kết hợp bản thể (union hypostatique).Trước mầu nhiệm trên, cùng với việc tìm hiểu thần học, một trợ cụ nghiêm túc có thể đến với chúng ta từ di sản vĩ đại là nền thần học các thánh. Các ngài cung ứng cho ta các dấu ấn qúy giá giúp ta hái lượm được dễ dàng hơn trực giác đức tin, và điều này theo tỷ lệ ánh sáng đặc thù mà một số vị đã nhận được từ Chúa Thánh Thần, hoặc ngay cả qua kinh nghiệm họ có từ các trạng thái thử thách khiếp đảm mà truyền thống huyền nhiệm vốn gọi là “đêm đen”. Rất thường là việc các thánh đã sống điều tương tự như kinh nghiệm của Chúa Giêsu trên Thập Giá, trong trạng thái lẫn lộn đầy nghịch lý có cả hạnh phúc lẫn đau khổ. Trong Cuộc Đối Thoại của Chúa Quan Phòng, Thiên Chúa tỏ cho Thánh Catarina thành Sienna hay: trong linh hồn các thánh, niềm vui và đau khổ có thể hiện diện cùng một lúc: “Và linh hồn hạnh phúc và đau khổ: đau khổ vì tội lỗi của người lân cận, hạnh phúc nhờ sự kết hợp và tình âu yếm của đức ái mà linh hồn nhận được trong chính nó. Những người này bắt chước Con Chiên tinh tuyền, Con duy nhất của Ta, Đấng trên Thập Giá vừa hạnh phúc vừa đau khổ” [...]Ngoài ra, chính câu truyện của các soạn giả Tin Mừng bảo đảm nền tảng của tri nhận này của Giáo Hội về ý thức của Chúa Kitô khi nó nhắc lại rằng Chúa Giêsu, ngay trong vực thẳm đau đớn, hấp hối mà vẫn năn nỉ xin ơn tha thứ cho các lý hình của Người (xem Lc 23:34) và ngỏ với Cha Người việc phó thác đầy con thảo cho đến tận cùng: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23:46).

Đức Gioan Phaolô II

Tông thư Novo Millenio ineunte,

6 tháng 1 năm 2001, số 26-27



Về phần Thánh Têrêxa thành Lisieux, thánh nữ hạnh phúc thấy trong việc mình Noi gương Chúa Giêsu Kitô có suy tư sau đây của Lamenais; “Trong Vườn Cây Dầu, Chúa chúng ta vui hưởng mọi vui thú của Thiên Chúa Ba Ngôi”. Và thánh nữ viết thêm: “đó là một mầu nhiệm, nhưng con bảo đảm với mẹ rằng con thấu hiểu phần nào điều này vì chính con đã được nếm thử” (5).

Vả lại, há không ngạc nhiên sao khi nơi duy nhất chúng ta thấy Chúa Giêsu gọi Thiên Chúa là “Abba, Cha yêu quí ơi!” chính là vườn Diệsimani. Với chúng ta, chính đó là một dấu ấn qúy giá: cơn hấp hối khủng khiếp mà Người đang phải chịu không ngăn cản Chúa Kitô vui hưởng niềm vui được là Con yêu quí.

Ngày nay, Chúa Kitô vẫn luôn hạnh phúc vô cùng. Vào trong vinh quang Chúa Cha mãi mãi, khuôn mặt hiển dung của Đấng Sống Lại chắc chắn rạng rỡ một nụ mỉm cười tuyệt diệu.

Kỳ sau: 2. Lạy Chúa Giêsu, nụ cười của Chúa luôn tỏ cùng con