Mười ba năm sau khi chấp nhận đưa Miến Điện vào con đường dân chủ và chỉ ba tháng sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11, quân đội nước này đã đảo ngược hướng đi bằng cách thực hiện một cuộc đảo chính vào tảng sáng thứ Hai 1 tháng Hai.

Hàng chục lãnh đạo chính phủ bao gồm Tổng thống Win Mynt, Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, bộ trưởng của tất cả bảy tiểu bang và bảy khu vực, các nghị sĩ, nhà hoạt động nhân quyền và lãnh đạo sinh viên đã bị bắt giữ trong các cuộc đột kích vào sáng sớm ngày 1 tháng 2 khi lãnh đạo quân đội Tướng Min Aung Hlaing nắm quyền kiểm soát đất nước sau khi ban hành tình trạng khẩn cấp trong một năm.

Chủ mưu đảo chính: Tướng Min Aung Hlaing.
“Các hành động của quân đội đang đưa đất nước trở lại dưới chế độ độc tài”, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, gọi tắt là NLD, cho biết như trên trong một tuyên bố nhân danh nhà lãnh đạo Suu Kyi. “Tôi kêu gọi mọi người không chấp nhận điều này, hãy hưởng ứng và toàn tâm toàn ý phản đối cuộc đảo chính của quân đội”.

Mạng lưới điện thoại, truyền hình và internet đã bị đóng trên khắp Miến Điện khi các binh sĩ xuống đường ở thủ đô Naypyitaw, trung tâm thương mại Yangon và các trung tâm lớn khác.

“Vụ bắt giữ bà Aung San Suu Kyi, các quan chức cấp cao và các nhân vật chính trị khác là cực kỳ đáng báo động. Trừ khi những người bị bắt giữ có thể bị buộc tội hình sự theo các quy tắc được luật pháp quốc tế công nhận, họ phải được trả tự do ngay lập tức”, Phó giám đốc khu vực của Tổ chức Ân xá Quốc tế Ming Yu Hah cho biết trong một tuyên bố.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói: “Những diễn biến này là một đòn giáng nghiêm trọng vào các cải cách dân chủ”.

Trong khi Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức nào về cuộc đảo chính, phó giáo sư Đại học Deakin và chuyên gia về Miến Điện Antony Ware tin rằng sự hậu thuẫn của Trung Quốc là một con át chủ bài đối với quân đội.

“Nếu quốc tế áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với họ, điều đó không tạo ra bao nhiêu khác biệt. Đơn giản là họ sẽ chuyển sang Trung Quốc nhiều hơn”, ông nói.

Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc là Vương Nghị đã viếng thăm Miến Điện chỉ hai tuần trước.

Không chỉ nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Trung Quốc, là nước duy nhất ủng hộ giới quân nhân bị ảnh hưởng nặng bởi chủ nghĩa cộng sản Mao Trạch Đông từ năm 1962 cho đến nay, các thế lực quân phiệt nước này còn có sự hậu thuẫn mạnh của giới Phật Giáo cực đoan tại quốc gia này.

Theo thông tấn xã Công Giáo UCANews, nhà sư theo chủ nghĩa cực đoan Ashin Wirathu, người nổi tiếng với những luận điệu chống Hồi giáo, gần đây đã xuất hiện trở lại trước công chúng ở Miến Điện sau khi lẩn trốn trong 18 tháng.

Nhà sư này đã bị truy nã với tội danh kích động bằng lời nói các cuộc tấn công vào nhà lãnh đạo của Miến Điện, Aung San Suu Kyi và chính phủ của bà sau một lệnh truy nã được đưa ra vào tháng 7 năm 2019.

Năm ngoái, Wirathu nói rằng ông ta sẽ đối mặt với vụ kiện nhưng rồi đã lẩn trốn kể từ đó cho đến khi ông ta xuất hiện tại đồn cảnh sát ở Yangon vào ngày 2 tháng 11.

Sự xuất hiện trở lại của Wirathu diễn ra chỉ sáu ngày trước cuộc tổng tuyển cử quan trọng vào ngày 8 tháng 11 của Miến Điện. Cuộc tổng tuyển cử này được coi là một phép thử cho quá trình chuyển đổi sang dân chủ của đất nước.

Các nhà quan sát địa phương cho rằng động thái này không phải là ngẫu nhiên nhưng là một nỗ lực nhằm làm tăng sức nóng chính trị đối với chính phủ của bà Suu Kyi và đảng NLD của bà.

Sau khi xuất hiện trở lại, Wirathu tích cực sử dụng các mạng truyền thông xã hội cáo buộc chính phủ của bà Suu Kyi buộc ông phải bỏ trốn và ông nói với những người ủng hộ ông đừng bỏ phiếu cho đảng “chim ác”, tức là đảng NLD của bà Suu Kyi. Đảng kỳ của NLD có biểu tượng là một con công, mà ông ta gọi là con “chim ác”.

Cùng ngày với sự xuất hiện trở lại của nhà sư ở Yangon, những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Mandalay và Yangon đã phát truyền đơn kêu gọi công chúng bỏ phiếu cho Đảng Đoàn kết và Phát triển có chủ trương kỳ thị những người không phải gốc Miến Điện hay không theo Phật Giáo.

Ashin Wirathu là ai?

Ashin Wirathu, sinh năm 1968, đến năm 14 tuổi thì bỏ học để đi tu, là nhân vật đã được tờ Times trong số ra ngày 20 tháng Sáu năm 2013, đưa lên trang bìa với nhan đề “The Face of Buddhist Terror”, nghĩa là “Bộ mặt của khủng bố Phật giáo”; trong đó tờ này cáo buộc ông là người đứng đằng sau tất cả những biến loạn đang diễn ra tại Miến Điện.

Nhà sư Ashin Wirathu là người nổi tiếng tại Miến Điện với những bài phát biểu nẩy lửa đầy hận thù kêu gọi các Phật tử nước này hãy thức tỉnh trước nguy cơ bị Hồi Giáo hóa, mặc dù trong tổng số 57 triệu dân 88% là Phật tử và người Hồi Giáo chỉ có 4.3%. Các Kitô hữu chiếm 6.3%.

Ông là nhà lãnh đạo của phong trào 969, ngày càng có ảnh hưởng lớn tại một quốc gia với 90% dân số theo đạo Phật. Phong trào đã được hình thành từ năm 2001 sau khi quân Hồi giáo Taliban tàn phá những pho tượng Phật cổ ở Bamiyan, Afghanistan và nhất là sau hai vụ khủng bố tấn công ở New York 11 tháng 9 năm đó.

Tên gọi của phong trào, 969, là một chuỗi số tương ứng với Tam bảo của đạo Phật. Đó là Phật - Pháp -Tăng. Người Miến Điện rất mê số học, tu sĩ Wirathu xem chuỗi số này là biểu tượng đoàn kết của những người theo đạo Phật để đối kháng với cộng đồng người theo đạo Hồi.

Vào năm 2001, nhà sư Wirathu đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình ở Mandalay và nhiều người đã là nạn nhân của những đợt biểu dương lực lượng đó. Nhà sư này đã bị chính quyền quân sự Miến Điện thời bấy giờ bắt giam và bị kết án 25 năm tù. Năm 2011 tu sĩ Wirathu được trả tự do trong khuôn khổ tiến trình cải tổ chính trị do tổng thống dân sự Thein Sein khởi xướng. Thế là Wirathu lại tiếp tục huy động các phật tử biểu tình chống lại người theo đạo Hồi. Xung đột tôn giáo đẫm máu vào mùa hè 2001 ở miền Tây Miến Điện đã xảy ra giữa người Rakhine theo đạo Phật và người Hồi giáo Rohingya lại càng tạo thêm uy tín cho phong trào 969.

Năm 2003, ông đã bị kết án 25 năm tù giam vì chủ xướng ra vụ xung đột chống lại người Hồi Giáo này, nhưng được trả tự do vào năm 2010 cùng với các tù nhân chính trị khác.

Sau khi ra tù, Wirathu sử dụng rất thành công các phương tiện truyền thông xã hội. Ông truyền bá thông điệp chống Hồi Giáo của mình bằng cách đăng các bài giảng trên YouTube và Facebook, thu hút hàng trăm ngàn người theo dõi và nhanh chóng được tôn vinh là nhà lãnh đạo tinh thần cao nhất của tất cả các nhóm bảo vệ Phật pháp.

Bài giảng của ông chủ yếu dọa các Phật tử về nguy cơ bị Hồi Giáo hóa. Ông lặp đi lặp lại các tuyên bố vô căn cứ về tỷ lệ sinh sản của người Hồi Giáo và tổ chức các cuộc biểu tình kêu gọi tống cổ người Rohingya sang một nước thứ ba.

Ông cũng tuyên bố rằng phụ nữ Phật giáo đang bị người Hồi Giáo buộc cải đạo bằng vũ lực và dẫn đầu các cuộc biểu tình rầm rộ đòi sửa đổi hiến pháp nhằm ngăn chặn phụ nữ Phật giáo Miến Điện không được kết hôn với nam giới thuộc các tôn giáo khác mà không có sự cho phép chính thức của các nhà sư.

Ít ai dám chống lại ông vì ông chủ trì một tu viện Phật giáo có tới 2,500 nhà sư tại Mandalay; và được sự hậu thuẫn tuyệt đối của quân đội, của những tướng tá cùng một quan điểm với ông là Phật giáo tại Miến Điện đang bị lâm nguy, và người dân Miến Điện cần phải có một quân đội hùng mạnh để bảo vệ Phật pháp.

Một chính phủ trên danh nghĩa là dân sự nhưng sau gần nửa thế kỷ bị cai trị bởi quân đội, vẫn chưa hoàn toàn tự chủ, nên nếu quân đội ủng hộ ông thì chính quyền cũng chẳng có ai dám chống lại ông. Hơn thế nữa, nhiều người tin rằng chính quyền Miến Điện để yên cho Wirathu, vì ông nói lên chính quan điểm của họ, về người Rohingya, và về đạo Hồi, mà họ không thể tự mình nói lên vì những lý do ngoại giao.

Không những nổi tiếng tại Miến Điện, Nhà sư Wirathu còn nổi tiếng trên thế giới vì đã dám chửi đặc phái viên nhân quyền Liên Hiệp Quốc là bà Yanghee Lee bằng những từ rất hạ cấp.

Việc bắt giữ các chính trị gia và cắt giảm các dịch vụ thông tin liên lạc vào sáng sớm thứ Hai 1 tháng Hai là những tín hiệu đầu tiên cho thấy kế hoạch cướp chính quyền đã bắt đầu. Tuy nhiên, trước đó những dấu hiệu đảo chính đã có thể thấy rõ trong cuộc biểu tình của giới Phật Giáo thân quân đội tại chùa Shwedagon.

Ngay buổi sáng, khi xảy ra cuộc đảo chính, các lực lượng Phật Giáo đã xuống đường biểu tình ủng hộ quân đội và ca ngợi hành động này là bảo vệ dân tộc và Phật pháp. Đó có thể là một phần trong các tính toán của giới quân nhân Miến Điện. Tuy nhiên, chắc chắn rằng Trung Quốc không quan tâm gì đến chuyện bảo vệ Phật pháp của các chư tăng Miến Điện. Họ chỉ muốn thao túng quốc gia này để mở con đường chạy thẳng từ Vân Nam ra Ấn Độ Dương trong ước mơ hình thành con đường tơ lụa vòng quanh thế giới của họ.

Fides không liên lạc được với Đức Hồng Y Charles Bo

Trong giai đoạn khó khăn và quan trọng này đối với tương lai của đất nước “chúng ta phải sống trong tinh thần cảnh giác và cầu nguyện”, đặc biệt là cầu nguyện cho hòa bình. Đức Cha Saw Yaw Han, Giám Mục Phụ Tá của Yangon, đã ngỏ lời như trên với các tín hữu Công Giáo, trong khi người dân lo ngại và mất phương hướng trước sự can thiệp của quân đội và việc ban bố tình trạng khẩn cấp.

Cho đến nay, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, vẫn chưa liên lạc được với Đức Hồng Y Charles Maug Bo, Tổng Giám mục Yangon. Ngài được tin là đang viếng thăm mục vụ tiểu bang Kachin khi cuộc đảo chính xảy ra. Hiện nay, công việc điều hành tổng giáo phận Yangon do Đức Cha Gioan Saw Yaw Han phụ trách.

Vị Giám Mục Phụ Tá kêu gọi các linh mục cũng nên đặc biệt cảnh giác: “Vì lý do an ninh, các cha nên cảnh giác và kiểm soát những người vào khu vực nhà thờ”. Để duy trì sự nhất quán và mạch lạc trong thông tin, các linh mục, tu sĩ được yêu cầu “không đưa ra các tuyên bố riêng lẻ”, vì điều này có thể gây ra mâu thuẫn và do đó tạo thêm sự hoang mang và sợ hãi. Các linh mục được mời “quan tâm đặc biệt đến việc cử hành các nghi thức phụng vụ và khuyến khích tất cả các tín hữu cầu nguyện sốt sắng cho hòa bình ở Miến Điện”.

Nhận thức được rằng tình hình xã hội có thể trở nên nguy cấp, Đức Cha Phụ Tá cũng kêu gọi “dự trữ lương thực để tránh tình trạng thiếu hụt” và “cũng dự trữ thuốc men để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe cho người dân”. Cuối cùng, đối với bất kỳ tình huống cụ thể, báo động hoặc các trường hợp khẩn cấp, tất cả các cộng đồng giáo hội trong khu vực được khuyến khích liên hệ với Đức Cha Gioan Saw Yaw Han ngay lập tức.

Trên web site của tổng giáo phận Yangon vẫn còn thấy một lời kêu gọi bảy điểm đã được công bố cách đây vài ngày, bởi các nhà lãnh đạo tôn giáo của các cộng đồng khác nhau trong phong trào “Các tôn giáo vì hòa bình ở Miến Điện”, và được ký bởi Đức Hồng Y Charles Maung Bo, thay mặt cho Liên Hội đồng Giám mục Châu Á. Văn bản kêu gọi các nhà cầm quyền, các nhà lãnh đạo dân tộc, chính trị và quân sự, và tất cả những người có thiện chí, “làm việc chăm chỉ hơn cho hòa bình và hòa giải”.

Theo UCANews, ngay sau cuộc đảo chính, nhiều cuộc biểu tình của các phong trào bảo vệ Phập pháp và dân tộc với chủ trương ủng hộ quân đảo chính, bài trừ các tôn giáo, cũng như các sắc dân thiểu số đã nổ ra tại Yangon. Đó là một điều rất đáng lo ngại.

Tuy nhiên, anh Giuse Kung Za Hmung, giám đốc Gloria News Journal, có trụ sở tại Yangon, nói với thông tấn xã Fides ngày 1 tháng 2 rằng sau khi tình trạng khẩn cấp được ban hành và Tướng Min Aung Hlaing tuyên bố lãnh đạo quốc gia, “không có biểu tình hoặc tụ tập trên đường phố Yangon. Các đường dây điện thoại bị cô lập trên khắp đất nước, và chúng chỉ hoạt động ở Yangon và thủ đô Naypyitaw”.

“Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy phản ứng mạnh mẽ từ những người trên mạng xã hội”, ông nói thêm.

Bắt đầu từ 4 giờ sáng ngày 1 tháng 2, các xe bọc thép đã tuần tra trung tâm Yangon và Naypyitaw, nơi sẽ diễn ra lễ khai mạc quốc hội vào ngày 2 tháng Hai sau cuộc bầu cử tháng 11 vừa qua. Tân Quốc Hội đã bị giới quân nhân Miến Điện giải tán.

Anh Hmung nói: “Hiện tại, người dân đang chờ đợi, vì người ta lo ngại rằng một cuộc biểu tình lớn có thể nổ ra, và có khả năng cuộc đảo chính này sẽ khiến các tướng lĩnh nắm quyền trong nhiều thập kỷ, chấm dứt kinh nghiệm của nền dân chủ”

Chế độ quân sự ở Myanmar kéo dài từ năm 1962 đến năm 2011 trước khi quay trở lại với cuộc đảo chính mới nhất hôm thứ Hai 1 tháng Hai.

Bộ Quốc phòng Australia tuyên bố sẽ xem xét lại các chương trình đào tạo và giáo dục của mình dành cho quân đội Miến Điện sau khi họ chi gần 1,5 triệu đô la cho các lực lượng vũ trang của nước này trong 5 năm qua.

Đảng Lao động đang kêu gọi chính phủ Morrison xem xét lại các hiệp ước với Miến Điện và đưa ra các biện pháp trừng phạt sau khi quân đội nước bắt giữ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi trong một cuộc đảo chính và tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm.

Các nhà phân tích thời sự cho biết, một quyết định cấm vận đối với các tướng lãnh Miến Điện có thể là một điều khả thi nhưng một quyết định cấm vận toàn bộ đối với Miến Điện chỉ đẩy nước này vào tay Trung Quốc, với các hậu quả khôn lường một khi Trung Quốc mở được con đường từ Vân Nam ra thẳng Ấn Độ Dương.


Source:Fides

Source:UCANews