Các lời kêu gọi tham gia một chiến dịch bất tuân dân sự ở Miến Điện đã tăng tốc vào thứ Tư ngày 3 tháng 2 khi các quốc gia trên thế giới tiếp tục lên án cuộc đảo chính của quân đội nước này và tuyên bố sẽ trừng phạt thêm các tướng lĩnh đứng sau vụ cướp chính quyền.

Miến Điện đã quay trở lại chế độ quân sự trực tiếp vào hôm thứ Hai khi binh lính bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và các nhà lãnh đạo dân sự khác trong một loạt các cuộc đột kích rạng sáng 1 tháng Hai, kết thúc cuộc thử nghiệm ngắn ngủi với nền dân chủ của nước này.

Bà Aung San Suu Kyi, thủ lĩnh Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, gọi tắt là NLD, đã không xuất hiện trước công chúng kể từ đó. NLD đã giành được chiến thắng vang dội với vào tháng 11 năm ngoái nhưng quân đội tuyên bố có các gian lận trong cuộc bầu cử.

Với binh lính và xe bọc thép trở lại đường phố của các thành phố lớn, cuộc đảo chính đã không gặp phải bất kỳ cuộc biểu tình lớn nào trên đường phố.

Nhưng các dấu hiệu của sự tức giận trong công chúng và các kế hoạch chống lại cuộc đảo chính đã bắt đầu xuất hiện.

Các bác sĩ và nhân viên y tế tại nhiều bệnh viện trên khắp đất nước hôm thứ Tư thông báo rằng họ đang đeo dải ruy băng đỏ -là màu của NLD - và từ bỏ mọi công việc không khẩn cấp để phản đối cuộc đảo chính.

Các nhà hoạt động đã công bố các chiến dịch của họ trên một nhóm Facebook có tên “ Phong trào Bất tuân dân sự”, đến chiều thứ Tư đã có hơn 150,000 người theo dõi trong vòng 24 giờ kể từ khi ra mắt.

Phong trào cho biết trong một tuyên bố rằng các bác sĩ tại 70 bệnh viện và bộ phận y tế ở 30 thị trấn đã tham gia cuộc biểu tình.

Họ cáo buộc quân đội đặt lợi ích của mình lên trên những khó khăn của người dân trong đợt bùng phát COVID-19 khiến hơn 3,100 người thiệt mạng ở Myanmar, một trong những nơi có mức tử vong cao nhất ở Đông Nam Á.

Tiếng ồn ào của xoong nồi - và tiếng còi xe - cũng vang lên khắp Yangon vào tối thứ Ba sau khi những lời kêu gọi phản đối được phát ra trên mạng xã hội.
Source:CNA