1. Ta hãy cầu xin cho Đức Giáo Hoàng: Erbil bị pháo kích bằng hỏa tiễn

Một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn nhằm vào lực lượng liên quân ở Iraq gần Sân bay Quốc tế Erbil ở Kurdistan thuộc Iraq đã khiến một người thiệt mạng và một số người khác bị thương. Một nhà thầu dân sự người Iraq đã chết, bên cạnh đó còn có một quân nhân Hoa Kỳ và một số nhà thầu Mỹ bị thương khi quả hỏa tiễn phát nổ.

Erbil là địa điểm chủ yếu Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm trong ngày Chúa Nhật 7 tháng Ba. Thật vậy, theo dự trù, sáng 7 tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ khởi hành từ Baghdad đến Erbil. Khi đến sân bay, ngài sẽ được chào đón bởi các nhà chức trách tôn giáo và dân sự trong khu vực của người Kurd ở Iraq. Sau các nghi thức chào đón và gặp gỡ xã giao, Đức Thánh Cha sẽ dùng trực thăng để bay đến Mosul. Nơi đây, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi cầu nguyện cho các nạn nhân chiến tranh tại Hosh al-Bieaa.

Kế đó, ngài sẽ đáp trực thăng đến Qaraqosh để thăm cộng đồng Qaraqosh tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội.

Vào buổi chiều, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ trở lại Erbil, nơi ngài sẽ cử hành Thánh Lễ tại sân vận động “Franso Hariri”. Sau thánh lễ, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành về Baghdad.

Trong công cuộc giải phóng Mosul và vùng đồng bằng Nineveh, các tín hữu Kitô trong vùng đã thành lập một lữ đoàn Kitô Giáo, gọi là Lữ đoàn Babylon, để giải phóng các vùng lãnh thổ lọt vào tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Sau khi thành phố này được giải phóng, lữ đoàn này đã được giải tán. Tuy nhiên, Lực lượng Huy động Nhân dân - Popular Mobilization Forces, gọi tắt là PMF - của người Shiite, được Iran hậu thuẫn, không bị giải tán và ngày càng lớn mạnh.

Trong tổng số 39,650,000 dân Iraq; người Hồi Giáo chiếm đến 99% dân số; trong đó 59% theo Hồi Giáo Shiite; 40% theo Hồi Giáo Sunni. Tuy nhiên, tại Mosul người Hồi Giáo Sunni chiếm đa số. Sau khi tổng thống Saddam Hussein, một người Hồi Giáo Sunni, bị Hoa Kỳ lật đổ vào tháng Tư năm 2003, người Hồi Giáo Sunni tại Mosul thường không coi chính quyền Baghdad, với đa số các thành viên theo Hồi Giáo Shiite là những người đại diện cho mình. Theo ước lượng của lực lượng cảnh sát liên bang Iraq, là một trong các lực lượng tinh nhuệ tham chiến tại Mosul và đang điều hành việc vãn hồi an ninh tại thành phố này, ít nhất 15% dân số Mosul đã theo bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Chính vì thế, trong cuộc tổng tấn công giải phóng Mosul vào đầu năm 2017, 16,000 quân PMF bị cấm không được vào thành Mosul vì lo ngại họ sẽ tắm máu người Hồi Giáo Sunni.

Ngày nay, quân PMF vẫn tiếp tục hoạt động trong vùng. Một tuyên bố được cho là từ một lực lượng dân quân của PMF đưa ra nhìn nhận trách nhiệm về vụ này. Tuy nhiên, các giới chức Iraq nói họ không tin và vẫn đang làm việc để xác định ai là người chịu trách nhiệm. Iran đã phủ nhận mọi dính líu đến vụ này.

Nhóm chiến binh Shiite đưa ra tuyên bố nhận trách nhiệm tự xưng là “Những người bảo vệ của Lữ đoàn máu” - “The Guardians of the Blood Brigade”.

Nhóm này nói: “Sự chiếm đóng của Mỹ sẽ không an toàn trước các cuộc tấn công của chúng tôi ở bất kỳ tấc đất nào của quê hương, và ngay cả ở Kurdistan, nơi chúng tôi hứa sẽ thực hiện các hoạt động hiệu quả khác”

Hôm thứ Ba, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh đã phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào với các cuộc tấn công hôm thứ Hai ở Erbil. “Chúng tôi mạnh mẽ bác bỏ những tin đồn cho rằng Iran dính líu vào vụ này. Chúng tôi cũng lên án những nỗ lực khác nhằm bôi nhọ Iran” Khatibzadeh nói, theo hãng thông tấn nhà nước Mehr của Iran.

Bằng cách tính toán quỹ đạo của các hỏa tiễn, Mỹ có thể xác định vị trí địa điểm phóng hỏa tiễn khá nhanh. Quân đội Mỹ và Iraq đã đến địa điểm này. Các binh sĩ đã tìm thấy một bệ phóng hỏa tiễn di động được gắn ở phía sau một chiếc xe tải, cũng như một bệ phóng cố định. Họ cũng tìm thấy sáu hỏa tiễn chưa nổ.
Source:CNN

2. Nằm mơ cũng không thấy nổi: Tượng Đức Mẹ Fatima sẽ đến thăm Armenia, Georgia và Azerbaijan lần đầu tiên

Dưới thời Sô Viết, cụm từ “Đức Mẹ Fatima” được coi là một điều tối kỵ, các tài liệu của mật vụ liên kết “bí mật Fatima” với các âm mưu “lật đổ chính quyền cách mạng”. Ai cổ vũ hay chỉ đơn giản là nhắc đến lòng sùng kính Đức Mẹ Fatima là ở tù như chơi.

Sau thời Sô Viết, cụm từ “Đức Mẹ Fatima” vẫn chưa hết cấm kỵ khi các Giáo Hội Chính Thống âu lo về những đợt truyền giáo mới của người Công Giáo.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi, trong đời của chúng ta, chúng ta sẽ được hân hạnh thấy Tượng Đức Mẹ Fatima đến thăm các quốc gia Sô Viết cũ là Armenia, Georgia và Azerbaijan vào tháng 9 tới đây. Trái tim Mẹ đã thắng. Đúng như lời Đức Mẹ đã nói khi xưa “trên cây sồi làng Fatima xa xôi”.

Sứ thần Tòa thánh tại Armenia và Georgia, là Đức Tổng Giám Mục José Bettencourt, cho biết trong một tuyên bố với thông tấn xã Ecclesia rằng “Người Công Giáo trong vùng Caucasus vui mừng trước tin tức về chuyến viếng thăm của Tượng Đức Mẹ Fatima đến khu vực này.”

Đức Tổng Giám Mục Bettencourt nói rằng Tượng Đức Mẹ Fatima sẽ mang thông điệp về “hòa giải và hòa bình” khi được rước đến các giáo xứ và cộng đồng ở ba quốc gia này. Sáng kiến này là để đáp lại những lo ngại của Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong bài phát biểu ngày 8 tháng 2 trước ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh rằng ngài đang theo dõi với một sự “chú ý đặc biệt” đến tình hình hiện tại ở Nam Caucasus, nơi “một số cuộc xung đột tiếp tục diễn ra. âm ỉ”.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng những xung đột này “làm suy yếu sự ổn định và an ninh của toàn bộ khu vực.”

Armenia và Azerbaijan gần đây đã nổ ra một cuộc chiến tranh liên quan đến khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.
Source:Catholic News Agency
3. George Weigel: Sách Xuất Hành, Mùa Chay và Trở thành một quốc gia đích thực

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Vào ngày đầu Mùa Chay, ông có bài nhận định sau đăng trên tờ First Things ngày 17 tháng Hai, 2021 với nhan đề “Exodus, Lent, and Becoming a True Nation”, nghĩa là “Sách Xuất Hành, Mùa Chay và Trở thành một quốc gia đích thực”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Exodus, Lent, and Becoming a True Nation

By George Weigel

Sách Xuất Hành, Mùa Chay và Trở thành một quốc gia đích thực


Mười năm trước, tôi bắt đầu một Mùa Chay đặc biệt nhất trong đời bằng cách đi bộ lên Đồi Aventine đến Vương Cung Thánh Đường Thánh Sabina vào ngày đầu tiên của cuộc hành hương viếng các nhà thờ Rôma — cuộc hành trình kéo dài tám tuần dẫn đến việc hình thành cuốn sách “Roman Pilgrimage: The Station Churches” (“Hành hương Rôma: Các Nhà Thờ Chặng), đồng tác giả với bạn tôi Elizabeth Lev và con trai tôi, Stephen. [Những người hành hương đến Rôma trong Mùa Chay có thể tham gia vào một phong tục đẹp có từ thế kỷ thứ tư. Phong tục này được bắt đầu như một cách để củng cố ý thức cộng đồng trong thành phố đồng thời tôn vinh các thánh tử đạo của Rôma. Họ cùng nhau đi qua các đường phố trong khi đọc Kinh Cầu Các Thánh. Cuối ngày, họ sẽ đến một nhà thờ được chỉ định trong ngày hôm đó, gọi là nhà thờ chặng - Station Church - Đức Giáo Hoàng sẽ cử hành thánh lễ cho cộng đồng địa phương ở nhà thờ đó. Thánh Giáo Hoàng Gregoriô Cả đã thiết lập thứ tự các nhà thờ phải được viếng thăm, những lời cầu nguyện được đọc và chỉ định đây là một thực hành Mùa Chay. Sau này, Đức Thánh Cha chỉ tham dự cùng với cộng đồng địa phương trong thánh lễ đầu tiên vào Thứ Tư Lễ Tro tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Sabina. Năm nay, 2021, do tình trạng đại dịch coronavirus, điều này cũng không xảy ra – chú thích của người dịch]

Liz Lev là người hướng dẫn kiến trúc và nghệ thuật Anglophone hàng đầu ở Thành phố Vĩnh cửu, và những mô tả tuyệt vời của cô về các nhà thờ chặng của Rôma đã xác nhận sự thật được gợi ý bởi những bức ảnh đầy linh hứng của Stephen (được đánh giá cao nhất trong ấn bản sách điện tử của cuốn Roman Pilgrimage): Vẻ đẹp mở ra cửa sổ vào chân lý sâu sắc của đức tin Công Giáo. Những đóng góp của tôi cho cuốn sách — những suy ngẫm về các bài đọc phụng vụ mỗi ngày từ Thứ Tư Lễ Tro đến Tuần Lễ Phục Sinh — đã giúp làm cho Mùa Chay đó trở thành một Mùa Chay đặc biệt bổ ích, vì việc viết những bài suy niệm đó khiến tôi tìm hiểu sâu hơn về các bài đọc trong Thánh Lễ và các giờ Kinh Sách

Mỗi Mùa Chay, Giáo hội đọc 20 chương đầu tiên của Sách Xuất hành trong kinh nguyện hàng ngày, trong các Giờ kinh Phụng vụ. Than ôi, sự quen thuộc, có thể làm tắt đi sức mạnh của cuốn sách đầy cảm hứng đó, vốn là cốt lõi của Cựu Ước. Trong Mùa Chay năm 2011, tôi đã tìm thấy ý nghĩa mới trong Sách Xuất Hành thông qua việc đọc kỹ hơn các bài bình luận của các Giáo phụ đi kèm với câu chuyện về ông Môisê và dân tộc Israel non trẻ trong Sách Kinh Nhật Tụng. Các giáo phụ trong thiên niên kỷ đầu tiên đã kín múc dưỡng chất tinh thần từ Sách Xuất Hành vì họ coi cuốn sách thứ hai của Torah như một nguồn trí tuệ, chứ không phải là một hiện vật để mổ xẻ. Năm nay, hành trình Mùa Chay của tôi qua Sách Xuất Hành sẽ được bổ sung thêm bởi lời bình của một người thông thái đương thời, là Leon R. Kass.

Mặc dù có nhiều sai lầm, thời đại của chúng ta bằng cách nào đó đã tạo ra một người thầy lý tưởng ở Leon Kass: nhà nhân văn uyên bác, bác sĩ y khoa, nhà đạo đức sinh học nổi bật, một nhân vật lớn và cố vấn khôn ngoan - một học giả Do Thái từng giúp người Công Giáo tại Đại học Giáo hoàng Gregoriô đọc Kinh thánh như họ chưa bao giờ làm trước đó. Cuốn sách mới của Kass, “Founding God's Nation: Reading Exodus” - “Hình thành Dân Tộc của Chúa: Đọc Sách Xuất Hành” - (Nhà xuất bản Đại học Yale), bổ sung cho cuốn sử thi trước của anh, "The Beginning of Wisdom: Reading Genesis” – “Sự khởi đầu của Trí tuệ: Đọc sách Sáng thế” (Free Press); cả hai cuốn sách đều phát triển sau nhiều năm nghiên cứu, tìm kiếm ráo riết qua những bản văn Kinh thánh cùng với các sinh viên. Và từ cách đọc cởi mở đó về Sách Xuất Hành, một câu chuyện quen thuộc mang một ý nghĩa mới: Giờ đây, thông qua lời bình luận của Kass, Sách Xuất Hành cung cấp cho chúng ta một phản ánh sâu sắc về ý nghĩa của việc trở thành một dân tộc chân chính, một dân tộc không chỉ là một tập hợp các cá nhân hay một mạng lưới các gia đình.

Điều gì tạo nên một dân tộc, một quốc gia? Theo Sách Xuất Hành, một quốc gia cần một câu chuyện được chia sẻ. Trong trường hợp của dân Israel, đó đã là và vẫn là câu chuyện về việc họ được giải thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập, nơi mà sự nô lệ đã ngăn cản họ trở thành một dân tộc thực sự. Một quốc gia cũng cần một biến cố lập quốc, trong đó người dân đồng ý với một lối sống chung. Trong Sách Xuất Hành, sự kiện lập quốc ấy là sự chấp nhận tự do (như Kass khẳng định), “một cái ách trở thành cây sự sống” — đó là giao ước Sinai, Mười Điều Răn và Luật Môisê. Và một dân tộc chân chính cần đáp lại một cách xứng đáng khát vọng của con người là được tiếp xúc với một điều gì đó vĩ đại hơn chính chúng ta. Vì vậy, Sách Xuất Hành hướng dẫn độc giả đến việc từ chối những việc thờ phượng sai lầm (con bê vàng) vì lợi ích của sự thờ phượng chân thật — sự thờ phượng một mình Đấng đáng được thờ phượng; Đấng đi vào lịch sử để giải phóng dân tộc mình và yêu cầu họ đi theo con đường của Người trong tương lai.

Do đó, Sách Xuất hành đặt ra những câu hỏi quan trọng về tình hình Hoa Kỳ đương đại của chúng ta. Liệu chúng ta có thể trở thành quốc gia được mô tả trong lời dẫn nhập của Hiến pháp - “Chúng ta Dân tộc Hoa Kỳ” - nếu thế hệ tương lai được dạy một câu chuyện sai lầm về nước Mỹ trong “dự án 1619” gian dối của tờ New York Times, hiện đang được áp đặt trên các trường học khắp đất nước? Chúng ta có thể thực sự là một dân tộc không nếu thay vì dấn thân có mục đích, theo giao ước chung để hình thành một “Liên minh hoàn hảo hơn” nhằm “bảo đảm các Phước lành của Tự do cho chính chúng ta và hậu duệ của chúng ta”, các mối quan hệ của chúng ta với tư cách là công dân chỉ đơn thuần là vấn đề giao dịch - bạn sẽ có được thứ gì đó, nếu tôi nhận được một cái gì đó? Liệu chúng ta có thể là một quốc gia thực sự không nếu chúng ta quay sang tôn thờ vị thần giả là tiền tài, và cúi đầu trước những đấng cứu thế giả trá của nền chính trị bản sắc, và chìm đắm trong đạo lý sai lầm là “Tôi đã làm theo cách của tôi”?

Có nhiều điều để suy nghĩ và cầu nguyện trong Mùa Chay này. Cuốn sách Xuất hành là một người bạn đồng hành tốt trong cuộc hành trình Mùa Chay, và Leon Kass là một chỉ dẫn đáng ngưỡng mộ về những chân lý được tìm thấy trong cuốn sách tuyệt vời đó.
Source:First Things

4. Đức Tổng Giám Mục Naumann: Đạo Công Giáo tự mâu thuẫn của Biden về ngừa thai cần được sửa chữa

Theo Hãng tin CNA ngày 16 tháng Hai, 2021, việc Tổng thống Joe Biden từ lâu vốn tự trình bầy mình như một người Công Giáo sùng đạo mâu thuẫn với lập trường chính trị mạnh mẽ của ông ta trong việc ủng hộ phá thai. Đối với Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann, điều này có nghĩa là Biden cần phải thừa nhận việc đó, và các giám mục cần phải sửa sai ông ta.



Đức Cha Naumann, Tổng giám mục của Thành phố Kansas, thuộc tiểu bang Kansas, nói với Catholic World Report , trong một cuộc phỏng vấn được công bố ngày 13 tháng 2, rằng, “Tổng thống nên chấm dứt việc tự định nghĩa mình như một người Công Giáo sùng đạo, và thừa nhận rằng quan điểm của ông về việc phá thai là trái với giáo huấn luân lý Công Giáo. Sẽ là một cách tiếp cận trung thực hơn khi ông nói rằng ông không đồng ý với Giáo hội của mình về vấn đề quan trọng này và ông đã hành động trái với giáo huấn của Giáo hội”.

Vị tổng giám mục nói thêm, “Khi ông ta nói rằng ông ta là một người Công Giáo sùng đạo, chúng tôi các giám mục có trách nhiệm sửa chữa ông ta. Mặc dù người ta đã trao cho vị tổng thống này quyền lực và thẩm quyền, nhưng ông ta không thể định nghĩa thế nào là người Công Giáo và thế nào là giáo huấn luân lý Công Giáo”.

Ngài nói, “Điều ông ta đang làm bây giờ là soán vai trò các giám mục và khiến mọi người bối rối. Ông ta tuyên bố rằng ông ta là người Công Giáo nhưng sẽ buộc mọi người ủng hộ việc phá thai thông qua tiền thuế của họ. Các giám mục cần phải chấn chỉnh ông ta, vì tổng thống đang hành động trái với đức tin Công Giáo”.

Đức Cha Naumann cũng là chủ tịch Ủy ban về các hoạt động phò sinh của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ. Với vai trò này, ngài đã đưa ra phản ứng nhanh chóng của các giám mục đối với tuyên bố ngày 22 tháng 1 của Biden ủng hộ việc phá thai hợp pháp vào dịp kỷ niệm phán quyết Roe kiện Wade của Tối cao Pháp viện.

Tuyên bố của các giám mục Hoa Kỳ viết, “Chúng tôi đặc biệt kêu gọi tổng thống bác bỏ phá thai và cổ vũ việc viện trợ phò sinh cho phụ nữ và các cộng đồng đang cần trợ giúp”.

Cuộc phỏng vấn Đức Cha Naumann diễn ra chỉ vài tuần sau khi Biden trở thành người Công Giáo thứ hai làm tổng thống Hoa Kỳ, với các viên chức chính phủ luôn nhấn mạnh đến việc ông tham dự Thánh lễ.

Trong khi trước đây, với tư cách là Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đại diện cho Delaware, Biden từng ủng hộ một số hạn chế đối với hoạt động phá thai và tài trợ cho hoạt động phá thai, nhưng kể từ đó, Biden đã ủng hộ việc bãi bỏ Tu chính án Hyde, vốn cấm hầu hết các khoản tài trợ liên bang cho việc phá thai.

Tại một cuộc họp báo ngày 20 tháng 1 vào ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống của Biden, Owen Jensen của EWTN News đã hỏi thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki rằng Biden dự định làm gì liên quan đến Tu chính án Hyde và Chính sách Mexico City.

Psaki không đưa ra bất cứ chi tiết nào. Anh ta chỉ nói với các phóng viên, “Nhưng tôi xin nhân cơ hội này nhắc nhở tất cả các bạn rằng ông ấy (Biden) là một người Công Giáo sùng đạo và là người thường xuyên đi lễ nhà thờ. Ông ấy bắt đầu một ngày của mình bằng việc tham dự nhà thờ vào sáng nay".

Trong những ngày đầu của nhiệm kỳ tổng thống, Biden đã bãi bỏ Chính sách Mexico City, là chính sách cấm liên bang tài trợ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cổ vũ hoặc thực hiện phá thai như một phương pháp kế hoạch hóa gia đình. Với Phó Tổng thống Kamala Harris, Biden đã nhấn mạnh cam kết của mình trong việc bổ nhiệm các thẩm phán liên bang ủng hộ quyền phá thai và hệ thống hóa các tiền lệ của tòa án ủng hộ phá thai thành luật liên bang.

Vấn đề các giáo sĩ Công Giáo nên phản ứng ra sao với các chính trị gia ủng hộ quyền phá thai được đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Biden. Cuộc phỏng vấn Naumann của Catholic World Report đã thảo luận về các hành động của Cha Robert Morey, một linh mục ở Nam Carolina, người đã từ chối cho Biden rước lễ trong Thánh lễ năm 2019 vì quan điểm phá thai của ông ta.

Đức Tổng Giám Mục nói về linh mục ấy, “Tôi nghĩ rằng ngài đã hành động dựa vào và làm theo lương tâm của mình. Tôi tin rằng tổng thống có trách nhiệm không tiến lên Rước Lễ".

Đức Tổng Giám Mục nói thêm, “Khi người Công Giáo lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, họ thừa nhận sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu, và cũng tin vào các giáo huấn của Giáo hội. Tổng thống Biden không tin vào những lời dạy của Giáo hội về tính thánh thiêng của sự sống con người, và ông ta không nên đặt linh mục vào tình huống phải quyết định có cho phép ông ta rước Thánh Thể hay không. Ông ta nên biết điều đó sau 78 năm làm một người Công Giáo”.

Đức Cha Naumann cho biết "mối quan tâm lớn nhất" của ngài là việc có thể loại bỏ Tu chính án Hyde.

Trong năm bầu cử Hoa Kỳ 2004, các giám mục Hoa Kỳ đã ban hành bản tuyên bố “Người Công Giáo trong Đời sống Chính trị” dành cho các giám mục cá thể quyền quyết định từ chối cho các chính trị gia ủng hộ việc phá thai Rước Lễ.

Cùng năm đó, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã gửi một lá thư cho Theodore McCarrick, lúc đó là Tổng Giám mục của Washington, với mong muốn rằng nó sẽ được đọc cho các giám mục đồng nghiệp.

Bức thư nói rằng các chính trị gia ủng hộ việc phá thai, sau lần đầu tiên bị mục tử của họ nhắc nhở về giáo huấn của Giáo hội và cảnh báo không nên tiến lên rước lễ, “không được phép rước lễ”.

Đức Hồng Y Ratzinger, người sẽ được bầu làm Giáo hoàng Bênêđictô XVI vào năm 2005, cho biết: định nghĩa của Giáo Hội về việc tham dự “tỏ tường” vào “tội trọng” áp dụng vào “trường hợp một chính trị gia Công Giáo, khi ông ta nhất quán vận động và bỏ phiếu cho các đạo luật phá thai và an tử bừa bãi”.

McCarrick đã đọc một số đoạn nhưng không phải trọn bức thư gửi cho các giám mục đồng nghiệp của mình tại cuộc họp mùa hè năm 2014 của họ, bỏ qua những phần chính. Ông ta nói rằng Ratzinger đồng ý với quyết định của các giám mục dành quyền phán quyết về việc không cho Rước Lễ cho từng giám mục. Toàn bộ bức thư của Ratzinger sau đó đã được tường trình công khai.

Các chủ đề khác trong cuộc phỏng vấn Đức Cha Naumann của Catholic World Report bao gồm các suy nghi về Cuộc Diễn Hành Phò Sinh, một dự thảo sửa đổi hiến pháp Kansas để bác bỏ kết luận của Tòa án Tối cao Tiểu bang về quyền phá thai, việc có thể cho phép vắc xin về mặt đạo đức và liệu việc sử dụng chúng có phải là bắt buộc hay không, và việc tạo luật lệ như dự luật Equality Act liên bang, một dự luật có thể buộc các định chế tôn giáo hành động chống lại các niềm tin tôn giáo của họ.
Source:Catholic News Agency