Clemente Lisi, ngày 25 tháng Giêng, trên GetReligion, có bài viết về cụm từ thời thượng “hãy theo khoa học”.



Nó được sử dụng một cách tự hào bởi các chính trị gia, thường để dạy bảo phần lớn chúng ta khi họ chỉ trích những người bảo thủ chính trị hoặc những người theo tôn giáo về một loạt vấn đề.

Nhưng Thống đốc Andrew Cuomo của New York có “làm theo khoa học” hay không khi lệnh hành pháp của ông vào năm ngoái buộc các bệnh nhân cao niên mắc COVID-19 phải được đưa trở lại nhà dưỡng lão thay vì giữ trong bệnh viện? Cuối cùng, ông đã đảo ngược lệnh đó - nhưng chính quyền của ông vẫn còn trong nước sôi lửa bỏng sau khi thừa nhận rằng họ đã che đậy số người chết ở viện dưỡng lão.

Mặc dù nhận được hết làn sóng này đến làn sóng nọ của báo chí tích cực đưa tin, hành động của Cuomo năm ngoái quả là phản khoa học, vì việc hiểu được cách thức lây lan của vi rút vào thời điểm đó rất quan trọng để ngăn chặn nó trên toàn quốc. Luật sư Liên Bang tại Brooklyn và FBI hiện đang điều tra vụ này.

“Hãy theo khoa học” là một cụm từ đã được sử dụng bởi các chính trị gia và được báo chí chính dòng bắt chước. Một tìm kiếm trên Google News về cụm từ này cho ta 203,000 lượt đề cập. Trong các hãng tin chính dòng, nhất là vào năm ngoái khi Donald Trump còn làm tổng thống, cụm từ này đã trở thành một cuộc tấn công vào việc chính phủ xử lý vi rút. Thời hậu Trump, cụm từ tiếp tục là một trong những cụm từ mà các nhà báo, nhất là trong các tòa soạn như The New York Times háo hức trích dẫn.

Bài - “Các cuộc nghiên cứu đang khảo sát sự xuất hiện các biến thể ở California và Tin tức quả không tốt” - bắt đầu như thế này:

“Hai nghiên cứu mới đã cho thấy một biến thể được phát hiện lần đầu tiên ở California vào tháng 12 dễ lây lan hơn các dạng trước đó của coronavirus, làm dấy lên lo ngại rằng những dạng đột biến mới xuất hiện như thế có thể cản trở sự sụt giảm mạnh số ca bệnh ở khắp tiểu bang và có lẽ ở những nơi khác.

Tiến sĩ Charles Chiu, một nhà virus học tại Đại học California, San Francisco, cho biết: 'Ước gì tôi có tin tốt hơn để cung cấp cho các bạn - rằng biến thể này không đáng kể chút nào. Nhưng thật không may, chúng tôi chỉ làm theo khoa học'".

Đại dịch này có thể đã dẫn đến việc sử dụng rộng rãi cụm từ này, cho phép các viên chức chính phủ (sao chép những gì họ nghe từ các nhà khoa học) để tỏ uy quyền to lớn của họ. Tuy nhiên, các vấn đề chính trị phân cực khác - chẳng hạn như phá thai, quyền của người chuyển giới và biến đổi khí hậu - cũng đã dẫn đến việc sử dụng nó một cách quá mức. Đối với nhiều nhà báo, nó có nghĩa như thế này: Chúng tôi có sự thật về phía chúng tôi, trong khi phần lớn các anh tin vào các thuyết âm mưu. Đó là một cách để ngăn chặn cuộc tranh luận, trong khi đưa ra những tin tức không đúng đắn.

Nó có ý nghĩa gì đối với giới báo chí và đặc biệt là tác động của nó đối với các tiếng nói Công Giáo trong các câu chuyện có tính tin tức? Việc người Công Giáo, và các tín đồ tôn giáo truyền thống nói chung, bị coi là phản khoa học khiến họ mâu thuẫn trực tiếp với những gì các chính trị gia này nói và muốn.

Đó có thể là lý do tại sao Giáo Hội Công Giáo và các tổ chức tôn giáo thường bị bỏ ra ngoài các tường thuật tin tức loại này. Khi họ là thành phần chính của câu chuyện, thì bài báo thường bị báo chí chính dòng chế giễu bằng những thành kiến chống lại các định chế đức tin.

Các cuộc họp báo hàng ngày của nhiều thống đốc trên khắp đất nước đã lập luận rằng “hãy theo khoa học” là cách duy nhất để đánh bại coronavirus. Nhưng “khoa học” trong những trường hợp này thường được dùng để chỉ các chính sách và mô hình y tế công cộng nhằm cố gắng dự đoán sự lây lan trong tương lai. Nhưng các nhà báo luôn cần một liều lượng hoài nghi đáng kể khi tiếp cận một câu chuyện thời sự, nhưng câu thần chú “hãy làm theo khoa học” thường mang ý nghĩa thiên vị chống Công Giáo.

Kể từ khi các nhà thờ đóng cửa vào năm ngoái, một số giáo phận đã đi đầu trong các cuộc đấu tranh pháp lý để mở lại các nhà thờ, nhất là ở New York và San Francisco. Chính vào thời điểm này năm ngoái, tất cả chúng ta đã trải qua một Mùa Chay không giống mùa chay nào trong đời. Trong khi đó, các cửa hàng rượu và cửa hàng bán lẻ lớn vẫn mở cửa.

Các nhà báo chính dòng nên biết rằng Kitô giáo - và đặc biệt Công Giáo - không phản khoa học. Sự thật hoàn toàn ngược lại. Khi Giáo Hội ra tòa để mở lại các nhà thờ, đó không phải là vì họ phản khoa học. Đó chủ yếu là cuộc đấu tranh về những hoạt động được chính phủ cho là thiết yếu.

Khoa học có rất ít hoặc không có gì liên quan đến việc đóng cửa các nhà thờ. Dù sao, Walmart và Target vẫn mở cửa vì thực phẩm là yếu tố thiết yếu. Hàng ngàn người đã bước vào những cửa hàng đó. Khi một trận bão tuyết và mất điện ảnh hưởng đến Texas vào tuần trước, chính các nhà thờ đã cố gắng giúp đỡ những người thiếu thốn nhất.

Nhu cầu cần các cộng đồng Giáo Hội là một chủ đề quan trọng suốt cả năm, nhưng Mùa Chay tập chú rõ ràng hơn vào ý nghĩa của việc tham dự Thánh lễ để chuẩn bị cho Tuần Thánh. Vào mùa hè năm ngoái, sau khi Giáo phận Brooklyn ở New York kiện chống lại tiểu bang, Tối cao Pháp viện đã phán quyết rằng hạn chế COVID-19 “tách các nơi thờ phượng riêng ra để đối xử đặc biệt khắc nghiệt”. Tại Hoa Kỳ, Tối cao Pháp viện, và các việc nại tới Tu chính án thứ nhất, đã cho phép các nhà thờ mở cửa trở lại với đám đông nhỏ hơn và gián cách xã hội.

Tháng Chín năm ngoái, Chủ tịch Hạ viện, Nancy Pelosi, người được A.P. gọi là “người Công Giáo hành đạo” trong câu truyện thời sự của họ, đã kêu gọi các Giáo Hội “hãy theo khoa học” khi đề cập đến các hạn chế. Nhận định của bà được đưa ra để chống lại Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco vì vị này chủ trương rằng các vụ đóng cửa là quá nghiêm ngặt.

Trong chính câu chuyện đó, chủ đề về đức tin và khoa học đã được đưa ra. Đây là cách AP viết phần đó của câu chuyện:

"Pelosi nhận định rằng đức tin và khoa học đôi khi được coi là trái ngược nhau.

Bà ấy nói, 'Quanh đây, người ta bảo tôi: Bà là người có đức tin, tại sao bà lại tin khoa học. Tôi trả lời, tôi tin khoa học là câu trả lời cho các lời cầu nguyện của chúng ta. Nó là một sáng tạo của Thiên Chúa, và sáng tạo này đáp lại các lời cầu nguyện của chúng ta'".

Khoa học là câu trả lời cho lời cầu nguyện, vì vậy bà ấy tin nó? Trình thuật tin tức đã kết thúc ở câu trích đó nên không có khám phá sâu hơn về nó. Đi sâu hơn có thể giúp các nhà báo thế tục hiểu được mối nối kết giữa đức tin và khoa học, ít nhất trong bối cảnh Công Giáo, khi xem xét những vấn đề này lúc chúng ta bước vào Năm thứ 2 của đại dịch.

Đây là một ví dụ khác nữa: Tổng thống Joe Biden, người giống như Pelosi vừa là đảng viên Dân chủ vừa theo Công Giáo Rôma, cũng là người thường xuyên sử dụng cụm từ này. Dù sao, ông đã tranh cử về "khoa học và sự thật" như một cách để chống lại cựu Tổng thống Trump. Bây giờ ông ta đã là tổng thống, câu thần chú đó đã va chạm chát chúa với thực tại chính trị.

Một câu chuyện trên tờ Politico ngày 13 tháng 2 đã đưa ra điểm sau liên quan đến vi rút, các biến thể lây lan nhanh của nó và các trường học mở cửa trở lại:

“Nhưng gần một tháng nay kể từ lúc bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của Biden, nỗ lực mở cửa trở lại các trường học đang lật tẩy thế cân bằng khó khăn giữa khoa học và chính trị. Sau khi hứa sẽ mở cửa trở lại các trường học hạn chót vào ngày thứ 100 của ông tại chức, Biden đã quay trở lui đối với cam kết của mình, chỉ mở các trường tiểu học và trung học đệ nhất cấp, và rồi, như thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết trong tuần này, 'phần lớn các trường học – nghĩa là hơn 50%'.

Các thay đổi này phản ánh các thách thức mà Nhà Trắng phải đối mặt trong việc khôi phục cảm thức bình thường. Lời hứa tổng quát 'hãy theo khoa học' tạo ra các kỳ vọng về một con đường cố định hướng tới việc đánh bại coronavirus, mà không tính đến các yếu chính trị cố hữu.

Rich Besser, cựu quyền giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh và Giám đốc điều hành của Quỹ Robert Wood Johnson, cho biết: 'Bạn có thể lấy khoa học và đạt được một số kết luận về định hướng chính sách rất khác nhau, nhưng vẫn đúng với khoa học'”.

Câu chuyện không có góc độ tôn giáo, mặc dù nó có thể có. Trong một bài Ý Kiến đăng ngày hôm trước trên tờ USA Today, Ashley McGuire, một chuyên viên cao cấp của nhóm vận động tự do tôn giáo, tức Hiệp hội Công Giáo, và là tác giả của Sex Scandal: The Drive to Abolish Male and Female đã đưa ra quan điểm sau đây:

“Các trường Công Giáo ở tất cả 50 tiểu bang đã mở vào mùa thu này để học trực tiếp ở những nơi mà các viên chức chính quyền địa phương cho phép. Và ở những nơi không được phép, các trường giáo xứ đã đấu tranh gay gắt để giành quyền mở cửa. Trong khi đó, các công đoàn giáo viên lại có cách tiếp cận ngược lại. Họ đã đấu tranh chống lại mọi cố gắng để đưa trẻ em trở lại trường học và liên tục di chuyển các cột mốc, bất chấp các sự kiện, khoa học và tiếng nói ngày càng lớn và thống nhất của cộng đồng khoa học và y tế cho rằng trẻ em thuộc về trường học".

McGuire kết thúc bài viết của cô với lời kêu gọi dành cho Biden:

“Gần một năm xảy ra đại dịch, các trường học Công Giáo đã chỉ cho quốc gia thấy cách mở cửa an toàn chỉ tốn một đồng xu. Nếu Tổng thống Biden muốn thực hiện tốt lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình là sẽ mở các trường học ở Mỹ trong vòng 100 ngày đầu cầm quyền, ông có thể bắt đầu bằng cách ngồi xuống với những người đứng đầu các trường Công Giáo của Mỹ”.

Các phương tiện truyền thông Công Giáo có thể là câu trả lời nhanh nhất trong việc cố gắng hiểu “phía bên kia” trong các cuộc tranh luận này, xét vì các phương tiện truyền thông này hòa điệu hơn với các vấn đề thần học.

Tháng trước, Catholic World Report, một tạp chí tin tức do Ignatius Press xuất bản, đã đăng một bài về vấn đề này. Đây là phần chủ yếu:

“Các thành công của khoa học, từ ngành kỹ sư đến y học và kỹ thuật, cho chúng ta thấy rằng đức tin của chúng ta đã được đặt đúng chỗ. Nhưng chúng ta không thể quên rằng dữ kiện khoa học không tạo thành những giáo điều mà tất cả mọi người đều phải tin, như các nhà bênh vực nó chủ trương. Mọi dữ kiện thực nghiệm đều đòi phải giải thích, một điều vốn không phải là hành động của khoa học, mà là của lý trí con người, một lý trí có thể sai lầm và chịu ảnh hưởng của các giả định trước đó và các yếu tố bên ngoài. Chúng ta sẽ không tìm kiếm 'ý kiến thứ hai' trong y khoa nếu từ dữ kiện, người ta dễ dàng rút ra các kết luận.

Chúng ta không muốn thừa nhận điều đó, nhưng cách giải thích khoa học của chúng ta đều là hành vi đức tin, tức là hành vi tin tưởng dựa trên những hoàn cảnh hợp lý. Từ đó dẫn đến một kết luận thậm chí còn khó chịu hơn: chúng ta có thể giải thích khoa học một cách không chính xác, như quá nhiều lệnh lạc của chính phủ đối với coronavirus đã dạy chúng ta.

Trong một thế giới mà mọi sự đều bị chính trị hóa, khái niệm “ý kiến thứ hai” chính là điều mà hộp dụng cụ của các nhà báo đòi hỏi dưới hình thức trích dẫn các nhà nghiên cứu, học giả hoặc bất cứ ai khác đại diện cho “mặt khác” của vấn đề.

Đây là phần chủ yếu khác trong lập luận chính của bài đăng:

“Thế giới bị khoa học ám ảnh của chúng ta phải thừa nhận hố phân cách giữa các dữ kiện khoa học và việc giải thích của con người. Những tuyên bố như 'Khoa học cho chúng ta biết phải làm gì' hoặc 'Hãy theo khoa học', che giấu yếu tố diễn giải để loại bỏ những bất đồng chính kiến tiềm ẩn trước khi nó có thể phát sinh. Bằng cách này, 'hãy theo khoa học' thực sự trở thành một hình thức của chủ nghĩa giáo điều cực đoan: giáo điều này đúng; đừng cãi lại. Trớ trêu thay, 'những nhà bênh vực khoa học' không ghét gì hơn chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, nhưng họ đã hình thành loại chủ nghĩa cực đoan của riêng họ, trong đó, một ‘Khoa học’ được thần hóa đã thay thế Thiên Chúa".

Ngày 19 tháng 2, tờ National Catholic Register đã đăng một bài tranh luận về sự cần thiết của việc giáo dân giáo xứ phải đích thân trở lại tham dự Thánh lễ và sự cần thiết phải lãnh nhận các bí tích, nhất là Rước lễ. Đây là điều bài báo lập luận:

"Phần quan trọng nhất của Thánh lễ không chỉ đơn giản là nó diễn ra. Nhưng người Công Giáo được mời tham gia vào lễ hy sinh trên bàn thờ, khi họ tiếp nhận Thánh Thể - mình, máu, linh hồn và thần tính của Chúa Giêsu Kitô. Bí tích Thánh Thể quan trọng đến nỗi chính Chúa Giêsu đã truyền lệnh cho chúng ta làm điều đó, khi nói rằng “Các con hãy làm điều này mà nhớ đến Ta”.

Khi người Công Giáo rước lễ, theo nghĩa đen, chúng ta được kết hợp với Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, như thể chúng ta đang ở đó với Người tại Golgotha, vào Thứ Sáu Tuần Thánh. Các thiên thần và các thánh bao quanh chúng ta khi chúng ta được tràn đầy ơn thánh để sống những cuộc sống xứng đáng với Chúa Kitô.

Nhưng khi chúng ta không thể rước Thánh Thể, thì không điều gì trong số đó diễn ra. Chúng ta thiếu điều chúng ta cần nhất – ơn thánh của Thiên Chúa. Thánh Lễ trực tuyến không những chỉ khác biệt mà còn thấp kém từ trong nội tại".

Bài viết không đề cập đến vấn đề khoa học - nhưng trong đó, nó có nói lên sự tuyệt vọng về phần Giáo Hội trong việc giúp người ta trở lại tham dự Thánh lễ. Không ai chứng tỏ điều đó bằng vị linh mục ở New York, gần đây đã xuống đường kêu gọi người ta trở lại.

Muốn biết một số bối cảnh về Công Giáo và khoa học, có nhiều nơi để xem xét. Năm 2019, trong một thế giới tiền đại dịch, tờ The Conversation đã đăng một bài về Đức Giáo Hoàng Phanxicô và việc Giáo Hội luôn hướng về khoa học. Đây là phần chủ yếu:

"Giáo Hội Công Giáo không phải là một định chế khoa học và sẽ thật ngu ngốc nếu gợi ý như vậy. Mục đích tôn giáo của nó có thể tương hợp với nhiều khía cạnh của khoa học nhưng, không giống như khoa học, các giáo thuyết cốt lõi của nó không bỏ ngỏ để sửa đổi, mặc dù giáo thuyết cốt lõi này xem ra có vẻ dễ uốn nắn qua nhiều thế kỷ.

"Bất chấp điều đó, mối liên hệ giữa khoa học và Giáo Hội hiện đang tốt hơn bao giờ hết. Sự phát triển của mối liên hệ này sẽ có tác động đáng kể đối với sự hiểu biết của công chúng và việc hợp tác với khoa học".

Giáo Hội có thể không phải là một định chế khoa học, nhưng tất cả mọi người từ Hồng Y, giám mục đến những người đi nhà thờ đều có ý kiến về vấn đề này. Nhiều người trong số này cần được phỏng vấn. Gần đây nhất, tức hồi tháng trước, Đức Tổng Giám Mục Cordileone đã viết một bài ý kiến về ý nghĩa của khẩ hiệu "hãy theo khoa học", mặc dù quan điểm của ngài thường được thấy trong các bài bình luận của ngài, chứ không phải trong các câu chuyện thời sự.

Viết trên tờ National Catholic Register vào ngày 28 tháng 1, đây là những gì Đức Tổng Giám Mục Cordileone đã viết liên quan đến phá thai, một vấn đề đã làm rạn nứt các giám mục Hoa Kỳ và mối liên hệ của họ với Biden:

" ‘Bình đẳng’ Đó là một lý tưởng ăn sâu nơi người Mỹ và thậm chí là niềm đam mê quốc gia. Như thế, quả trớ trêu thay, kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra cách đây gần một năm, các chính phủ đã dựa vào nó để tự quyết định xem ai là người thiết yếu và do đó ngược lại, ai là người không thiết yếu.

“'Người lao động thiết yếu' và 'dịch vụ thiết yếu' là những phạm trù hết sức xa lạ với lý tưởng của chúng ta, nhưng lần đầu tiên trong lịch sử của đất nước chúng ta, chính phủ đang quyết định dịch vụ nào - và do đó người lao động nào - là thiết yếu cho xã hội. Mọi người khác đều bị loại ra ngoài. Vì vậy, chúng ta đã chứng kiến các chính phủ trong năm qua đã quyết định các cửa hàng rượu quan trọng hơn việc thờ phượng và ban hành các sắc lệnh hủy hoại cuộc sống và sinh kế của những người làm việc chăm chỉ mà không có các dữ kiện khoa học rõ ràng để hỗ trợ.

“'Hãy theo khoa học' là một câu nói sáo rỗng khác mà chúng ta nghe thấy khá nhiều ngày nay. Tuy nhiên, quả là kỳ lạ, khi cả khoa học lẫn bình đẳng đều bị bỏ rơi khi chúng trở nên bất tiện. Nhưng điển hình trắng trợn nhất của việc phủ nhận khoa học là chứng thực sự bất bình đẳng của phá thai. Chính khoa học, chứ không phải đức tin, dạy chúng ta rằng sự sống của con người bắt đầu từ lúc thụ thai".

Người Công Giáo đã có những đóng góp to lớn cho khoa học qua nhiều thế kỷ. Đã đến lúc các nhà báo hiểu được vai trò của Giáo Hội trong các cuộc tranh luận nặng tính chính trị này, đặc biệt là khi một chính trị gia thốt ra cụm từ “hãy theo khoa học”.