1. Bộ Ngoại Giao Thổ Nhĩ Kỳ phản đối chính quyền Kurdistan Iraq.
Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích mạnh mẽ Chính quyền Khu Tự Trị Kurdistan Iraq, gọi tắt là KRG, về ý định in một con tem kỷ niệm để đánh dấu chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư 10 tháng Ba rằng một trong những con tem kỷ niệm chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô in một bản đồ bao gồm một số tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời kêu gọi các cấp chính quyền KRG “ngay lập tức đảo ngược sai lầm nghiêm trọng này”.
Toàn văn tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Thổ Nhĩ Kỳ viết như sau:
Người ta đã quan sát thấy rằng một trong những con tem kỷ niệm, được KRG dự định phát hành nhân chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Iraq, có một bản đồ bao gồm một số tỉnh của nước ta.
Một số nhà chức trách tự phụ ở KRG đã dám lạm dụng chuyến thăm nói trên, để bày tỏ nguyện vọng phi thực tế của họ chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước láng giềng của Iraq.
Các nhà chức trách KRG ở vị trí tốt nhất để ghi nhớ kết quả đáng thất vọng của những mục đích gian dối như vậy.
Chúng tôi mong đợi một tuyên bố khẩn cấp và rõ ràng từ các nhà chức trách KRG ngay lập tức sửa chữa sai lầm nghiêm trọng này.
Thực ra, những mảnh đất mà Thổ Nhĩ Kỳ đề cập đến trước đây thuộc về Kurdistan. Khi vẽ các bản đồ, người Kurd luôn vẽ một bản đồ như thế, chứ không chỉ trong trường hợp con tem kỷ niệm chuyến tông du mà thôi.
Source:Rep. of Turkey Ministry of Foreign Affairs
2. Các phương tiện truyền thông ở Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích chuyến tông du của Đức Thánh Cha
Trong bản tin đánh đi hôm 9 tháng Ba, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết:
Các phương tiện truyền thông ở Thổ Nhĩ Kỳ đã rất chú ý đến chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tới nước láng giềng Iraq. Các bài bình luận và phân tích rất khác nhau đã được đưa ra. Ngoài các báo cáo về sự đóng góp có thể có của chuyến công du của Đức Giáo Hoàng đối với các tiến trình bình định khu vực, cũng có các đánh giá và các bài báo chỉ trích phản ánh các định kiến về bản chất của Giáo Hội Công Giáo và vai trò của Tòa thánh trong các cuộc khủng hoảng toàn cầu và khu vực.
Hôm 8 tháng 3, một tờ báo ủng hộ chính phủ tên là “Yeni Safak” đã đặt câu hỏi về vai trò của Vatican trong việc dự phần vào các cuộc khủng hoảng và xung đột ở Trung Đông. Tòa thánh bị buộc tội “thụ động trước các vấn đề nhạy cảm” như việc Israel chiếm đóng Palestine hoặc chỉ giới hạn trong việc “kêu gọi cầu nguyện” trong cuộc xâm lược Iraq năm 2003. Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng bị chỉ trích, vì quốc gia này “tham gia vào các cuộc xung đột ở nhiều khu vực của Trung Đông, từ Somalia đến Yemen, từ Syria đến Libya”.
Fides không thể không nhắc đến rằng trong nhiều thảm kịch xung đột trong vùng này có sự tham gia quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia cũng đã được Đức Thánh Cha Phanxicô, cũng như Đức Bênêđíctô XVI, Đức Gioan Phaolô II và Đức Phaolô VI đến thăm.
Vào ngày 8 tháng 3, tờ Hurriyet đăng một bài bình luận về chuyến thăm Iraq của Đức Giáo Hoàng, trong đó tác giả tự hỏi, “Giáo hoàng đã ở đâu khi xảy ra các vụ thảm sát ở Iraq, khi máy bay Mỹ ném bom xuống Baghdad, và trong khi Iraq bị san bằng dưới chiêu bài ‘mang lại dân chủ cho họ’?”
Giáo sư Ozcan Gongur, của Đại học Ankara, trong một bài báo có tựa đề “Âm mưu trong chuyến thăm Iraq của Giáo hoàng”, đề cập đến “các mục tiêu và kết quả” của chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng bao gồm tám điểm, đầu tiên là khẳng định sự ủng hộ đối với các tín hữu Kitô. Đó là ưu tiên hàng đầu với mục đích “Kitô hóa những vùng này”.
Ngay cả chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô đến Đại Giáo Trưởng Ali al Sistani cũng bị bài bình luận này giản lược thành một chiến thuật đơn thuần nhằm “thủ lợi” cho các mưu toan của Vatican bằng cách gia tăng xung đột nội bộ giữa người Shiite /si-ai/ với nhau.
Bài bình luận cũng vu cáo Đức Giáo Hoàng là thiếu nhạy cảm trước những đau khổ của các cộng đồng Hồi giáo ở Trung Đông. Một bài báo khác được xuất bản bởi Hurryiet vào ngày 7 tháng 3 coi chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng là nhằm mục đích tăng cường đối thoại với Hồi giáo và hỗ trợ các cộng đồng Kitô Giáo là nằm trong nỗ lực tăng cường “sự hiện diện của Công Giáo” trong khu vực; vì theo tờ báo này Vatican đang lo ngại trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Mạc Tư Khoa và Giáo Hội Chính thống Nga.
Fides cũng nhắc lại rằng: Trước chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng, Lütfullah Göktaş, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ cạnh Tòa thánh, đã ca ngợi những đóng góp tích cực có thể có của chuyến tông du tới Iraq “cho sự ổn định của khu vực” trong một cuộc phỏng vấn được đăng tải bởi các phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ và cũng giới thiệu Thổ Nhĩ Kỳ là “một quốc gia luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định trong khu vực vào bất cứ dịp thuận tiện nào”.
Source:Fides
3. Bài Giáo Lý Hàng Tuần của Đức Phanxicô: Chuyến Tông Du Iraq
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tập chú bài giáo lý của ngài trong Buổi Yết Kiến Chung dưới hình thức ảo, ngày 10 tháng 3, vào các suy nghĩ của ngài về chuyến tông du 4 ngày vừa qua tại Iraq. Sau đây là nguyên văn Bài Giáo Lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh phổ biến:
Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!
Trong mấy ngày qua, Chúa đã cho phép tôi đến thăm Iraq, thực hiện một dự án của Thánh Gioan Phaolô II. Trước đây, chưa bao giờ một vị Giáo hoàng nào đã có mặt tại lãnh thổ của Ápraham. Chúa Quan Phòng muốn rằng điều đó xảy ra vào lúc này, như một dấu hiệu của hy vọng, sau nhiều năm chiến tranh và khủng bố, và trong một trận đại dịch nghiêm trọng.
Sau chuyến thăm này, linh hồn tôi tràn ngập lòng biết ơn - lòng biết ơn đối với Thiên Chúa và tất cả những người đã làm chuyến viếng thăm khả hữu: với Tổng thống nước Cộng hòa và Chính phủ Iraq; tới các Thượng phụ và Giám mục của đất nước, cùng với tất cả các bộ trưởng và thành viên tín hữu của các Giáo hội liên hệ; với các thẩm quyền tôn giáo, bắt đầu với Đại Giáo Trưởng Al-Sistani, người mà tôi đã có một cuộc gặp gỡ khó quên tại dinh thự của ngài ở Najaf.
Tôi cảm thấy mạnh mẽ một cảm thức thống hối liên quan đến cuộc hành hương này: Tôi không thể đến gần dân tộc bị tra tấn đó, đến Giáo Hội tử đạo đó, mà không nhân danh Giáo Hội Công Giáo, vác lấy cây thánh giá mà họ đã vác trong nhiều năm nay; một cây thánh giá khổng lồ, giống cây thánh giá được đặt ở lối vào Qaraqosh. Tôi cảm thấy nó cách đặc biệt khi nhìn thấy những vết thương vẫn còn rỉ máu từ sự tàn phá, và còn hơn thế nữa khi gặp gỡ và nghe chứng từ của những người sống sót cơn bạo lực, bách hại, lưu đày… Và đồng thời, tôi thấy xung quanh tôi niềm hân hoan được chào đón sứ giả của Chúa Kitô; Tôi nhìn thấy niềm hy vọng được mở ra hướng tới chân trời hòa bình và huynh đệ, được tóm gọn trong lời lẽ của Chúa Giêsu vốn dùng làm phương châm cho Cuộc viếng thăm: “Anh em đều là anh em” (Mt 23: 8). Tôi đã tìm thấy niềm hy vọng này trong bài diễn văn của Tổng thống Cộng hòa. Tôi đã khám phá ra điều đó một lần nữa trong nhiều lời chào kính và chứng từ, trong các bài thánh ca và cử chỉ của người dân. Tôi đọc được điều đó trên khuôn mặt rạng ngời của những người trẻ và trong đôi mắt đầy sức sống của những người cao niên. Người ta đứng chờ Đức Giáo Hoàng cả 5 tiếng đồng hồ, thậm chí cả các phụ nữ ôm con trên tay nữa. Họ chờ đợi và niềm hy vọng rạng rỡ trong đôi mắt họ.
Nhân dân Iraq có quyền sống trong hòa bình; họ có quyền tìm lại phẩm giá vốn thuộc về họ. Nguồn gốc tôn giáo và văn hóa của họ có từ hàng nghìn năm trước: Lưỡng Hà là cái nôi của văn minh. Về mặt lịch sử, Baghdad là một thành phố có tầm quan trọng hàng đầu. Trong nhiều thế kỷ, nó là nơi chứa thư viện phong phú nhất trên thế giới. Và điều gì đã phá hủy nó? Chiến tranh. Chiến tranh luôn là con quái vật tự biến đổi mình cùng với sự thay đổi thời đại và tiếp tục nuốt trửng nhân loại. Nhưng phản ứng đối với chiến tranh không phải là một cuộc chiến khác; phản ứng với vũ khí không phải là vũ khí khác. Và tôi tự hỏi: ai đã bán vũ khí cho bọn khủng bố? Ngày nay ai đã bán vũ khí cho những kẻ khủng bố - những kẻ đang gây ra các vụ thảm sát ở các khu vực khác, chẳng hạn, hãy nghĩ đến Châu Phi? Đó là một câu hỏi mà tôi muốn ai đó trả lời. Đáp ứng không phải là chiến tranh, mà đáp ứng là tình huynh đệ. Đây là thách thức không chỉ đối với Iraq. Đó là thách thức đối với nhiều khu vực đang xung đột và cuối cùng, thách thức đối với toàn thế giới là tình huynh đệ. Liệu chúng ta có khả năng tạo ra tình huynh đệ giữa chúng ta không? Có khả năng xây dựng một nền văn hóa huynh đệ không? Hay chúng ta sẽ tiếp tục thứ luận lý mà Cain đã bắt đầu: chiến tranh. Các anh chị em thân mến. Tình huynh đệ.
Vì lý do này, chúng ta đã gặp gỡ và cầu nguyện với các Kitô hữu và người Hồi giáo, với đại diện của các tôn giáo khác, ở Ur, nơi Ápraham đã nhận được tiếng gọi của Thiên Chúa khoảng bốn nghìn năm trước đây. Ápraham là tổ phụ của chúng ta trong đức tin vì ông đã lắng nghe tiếng Thiên Chúa hứa ban cho ông một dòng dõi. Ông bỏ lại mọi thứ và lên đường khởi hành. Thiên Chúa trung thành với những lời hứa của Người và cho đến tận ngày nay, vẫn hướng dẫn các bước đi của chúng ta hướng đến hòa bình. Người hướng dẫn các bước đi của những người đang lữ hành trên Trái đất với ánh mắt luôn hướng về Thiên đường. Và tại Ur - chúng tôi, dòng dõi của ông, cùng nhau đứng dưới những bầu trời sáng lạn đó, chính những bầu trời mà tổ phụ Ápraham của chúng ta đã thấy, câu anh em đều là anh chị em dường như lại vang lên một lần nữa.
Một sứ điệp của tình huynh đệ đã phát xuất từ cuộc gặp gỡ giáo hội tại Nhà thờ Công Giáo Syriac ở Baghdad, nơi 48 người, trong số đó có hai linh mục, đã bị giết trong Thánh lễ năm 2010. Giáo Hội tại Iraq là một Giáo Hội tử đạo. Và tại nhà thờ có dòng chữ khắc trên đá tưởng nhớ các vị tử đạo đó, niềm vui đã vang lên trong cuộc gặp gỡ đó. Sự ngạc nhiên của tôi khi được ở giữa họ chan hòa với niềm vui của họ khi có Giáo hoàng ở giữa họ.
Chúng tôi đã phát động sứ điệp huynh đệ từ Mosul và từ Qaraqosh, dọc theo sông Tigris, gần các phế tích của Ninivê cổ đại. Cuộc chiếm đóng của ISIS đã khiến hàng ngàn hàng vạn cư dân phải chạy trốn, trong số đó có nhiều Kitô hữu thuộc nhiều tuyên tín đa dạng và các nhóm thiểu số bị bách hại khác, nhất là người Yazidi. Bản sắc cổ xưa của những thành phố này đã bị hủy hoại. Bây giờ họ đang cố gắng rất nhiều để xây dựng lại. Người Hồi giáo đang mời gọi các Kitô hữu hồi hương và họ cùng nhau khôi phục lại các nhà thờ và đền Hồi giáo. Tình huynh đệ ở đó. Và, làm ơn, chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho họ, những anh chị em đã bị thử thách đầy đau đớn của chúng ta, để họ có thể có sức mạnh bắt đầu lại. Và khi nghĩ đến nhiều người Iraq đã di cư, tôi muốn nói với họ rằng: các bạn đã bỏ tất cả, giống như Ápraham; như ngài, các bạn hãy giữ vững niềm tin và hy vọng. Các bạn hãy là những người dệt nên tình bạn và tình huynh đệ mọi lúc mọi nơi. Và nếu có thể, các bạn hãy hồi hương.
Một sứ điệp huynh đệ đã phát xuất từ hai Cử hành Thánh Thể: một tại Baghdad, trong Nghi lễ Canđê, và một ở Erbil, thành phố tại đó tôi đã được tiếp đón bởi Tổng thống của khu vực và Thủ tướng của họ, các nhà chức trách – những người tôi xin cảm ơn rất nhiều vì đã đến nghinh đón tôi - và tôi cũng được người dân nghinh đón. Niềm hy vọng của Ápraham và niềm hy vọng của dòng dõi ông được ứng nghiệm trong mầu nhiệm mà chúng ta cử hành, nơi Chúa Giêsu, Người Con mà Thiên Chúa Cha đã không tha, nhưng đã ban để cứu rỗi mọi người: qua cái chết và sự phục sinh của Người, Người đã mở đường đến đất hứa, đến sự sống mới, nơi nước mắt được lau khô, vết thương được chữa lành, anh chị em được hòa giải.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy ca ngợi Thiên Chúa vì chuyến thăm lịch sử này và chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho vùng đất đó và cho Trung Đông. Ở Iraq, bất chấp tiếng gầm thét của tàn phá và vũ khí, cây cọ, biểu tượng và niềm hy vọng của đất nước, vẫn tiếp tục phát triển và đơm hoa kết trái. Tình huynh đệ cũng như vậy: như trái cọ không gây ồn ào, nhưng cây cọ thì kết trái và sinh sôi. Cầu xin Thiên Chúa, Đấng vốn là hòa bình, ban tương lai huynh đệ cho Iraq, cho Trung Đông và cho toàn thế giới!
Source:Holy See Press Office