Bắc Kinh đang đè bẹp các nhóm tôn giáo mà họ coi là bất hợp pháp và là mối đe dọa đối với sự cai trị bằng bàn tay sắt của Đảng Cộng sản Trung Quốc.



Thực vậy, theo Rock Ronald Rozario của UCAN, vụ bắt giữ một giám mục, linh mục và chủng sinh được Vatican phê chuẩn gần đây ở miền trung Trung Quốc là một diễn biến gây sốc, nếu không muốn nói là đáng ngạc nhiên, vì cuộc đàn áp tôn giáo ở nước cộng sản này tiếp tục gia tăng dưới sự giám sát của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Đức Cha Joseph Zhang Weizhu, Giám mục của Tân Hương, tỉnh Hà Nam, đã bị cảnh sát bắt giữ vào ngày 21 tháng 5, một ngày sau khi cảnh sát bắt giữ bảy linh mục của ngài và một số lượng không xác định chủng sinh. Họ bị cáo buộc vi phạm các quy định mới về các vấn đề tôn giáo.

Vị giám mục và các linh mục đã khiến chính quyền phẫn nộ vì đã sử dụng một nhà máy bỏ hoang làm một chủng viện để đào tạo về tôn giáo cho các linh mục tương lai.

Họ bị buộc tội vi phạm một bộ quy tắc mới dành cho các giáo sĩ được thi hành trong tháng này. Bộ quy tắc này yêu cầu tất cả các giáo sĩ phải đăng ký với nhà nước để phục vụ người Công Giáo trong khi yêu cầu người Công Giáo bầu chọn giám mục của họ một cách dân chủ.

Các quy tắc cũng làm cho việc thực hiện các hoạt động tôn giáo bao gồm việc thờ phượng ở những nơi không được đăng ký hoặc kiểm soát bởi nhà nước trở thành bất hợp pháp.

Các vụ bắt giữ đã làm dấy lên sự lên án của các nhóm Kitô giáo và nhân quyền.

Mervyn Thomas, chủ tịch sáng lập Tổ chức Đoàn kết Kitô giáo hoàn cầu (CSW) có trụ sở tại London, cho biết các quy định mới về các vấn đề tôn giáo là công cụ để đàn áp các cộng đồng tôn giáo, nhất là các Kitô hữu.

Thomas nói, “Những vụ bắt giữ này, theo sau sự ra đời của các quy định mới về nhân viên tôn giáo, dường như xác nhận các lo ngại tin rằng các hạn chế đối với các cộng đồng tôn giáo sẽ tiếp tục được thắt chặt. Chúng tôi kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho những Kitô hữu này và tất cả những người bị giam giữ khắp Trung Quốc vì tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ. Chúng tôi cũng khuyến khích cộng đồng quốc tế nêu vấn đề này và các trường hợp khác về việc giam giữ tùy tiện và sách nhiễu các nhà lãnh đạo tôn giáo”.

Tổ chức Đoàn kết Kitô giáo hoàn cầu cũng lưu ý rằng các nhà lãnh đạo Kitô giáo nổi tiếng như Zhang Chunlei của Giáo Hội Cải cách Tình yêu và Mục sư Yang Hua thuộc Giáo Hội Đá Sống ở Quý Dương, tỉnh Quý Châu đã bị sách nhiễu và hành hung trước khi bị chính quyền bắt giữ.

Chính quyền địa phương đã đóng cửa Nhà thờ Đá Sống vào năm 2016 và Giáo Hội Cải cách Tình yêu vào năm 2018. Các nhà lãnh đạo đã bị bắt giữ sau khi họ bị cáo buộc gian lận và điều hành trái phép các tổ chức bất hợp pháp.

Mục sư Yang đã bị một lãnh đạo địa phương của Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh đập dã man tại đồn cảnh sát ở Quý Dương đến nỗi ông phải nhập viện cấp cứu tại một bệnh viện trong thành phố.

Theo nhóm vận động quốc tế có trụ sở tại Hoa Kỳ là China Aid, Mục sư Yang cũng bị bắt vào năm 2016 khi nhà thờ của ông bị đóng cửa và phải ngồi tù 2 năm rưỡi vì những cáo buộc bịa đặt “cố ý tiết lộ bí mật nhà nước”. Khi được thả vào năm 2018, Mục sư Yang đã nói với các thành viên của nhà thờ rằng hãy “giữ vững đức tin”.

Đức Cha Zhang đã phải đối đầu với sự giận dữ của chính quyền trong nhiều thập niên. Đó là vì Trung Quốc chưa bao giờ công nhận Tân Hương là một giáo phận kể từ khi nó được Vatican thiết lập vào năm 1936. Đức Cha Zhang, được tấn phong bí mật vào năm 1991, không được sự chấp thuận của Hội đồng Giám mục liên kết với Nhà nước và Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc.

Đức Cha Zhang đã phải chịu áp lực từ nhà nước trong nhiều năm phần lớn do trung thành với Đức Giáo Hoàng và từ chối gia nhập Giáo Hội công khai liên kết với nhà nước. Ngài không bao giờ được phép điều hành giáo phận một cách hữu hiệu và giáo phận đã được quản lý bởi một giám quản do chính phủ bổ nhiệm kể từ năm 2010. Vị giáo phẩm này cũng bị bắt vài lần nhưng được thả sau đó.

Kể từ các vụ bắt giữ mới nhất, nơi ở của Đức Cha Zhang, các linh mục và chủng sinh vẫn chưa được biết đến, trong khi một số phương tiện truyền thông phỏng đoán rằng họ đã bị biệt giam và phải chịu “học tập chính trị”.

Những người theo dõi và quan sát Trung Quốc hiện gia tăng lo ngại rằng chế độ cộng sản đang tiến dần đến việc tiêu diệt các nhóm tôn giáo, bao gồm cả các Giáo Hội Công Giáo và Tin lành mà họ cho là bất hợp pháp và là mối đe dọa đối với sự cai trị sắt đá của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở đại lục Trung Quốc.

Trong một bài báo gần đây trên tạp chí Forbes, Tiến sĩ Ewelina U. Ochab, một chuyên gia về luật quốc tế và nhà nghiên cứu tội ác diệt chủng ở London, gợi ý rằng những người theo Kitô giáo ở Trung Quốc có thể là đối tượng tiếp theo để “cải tạo” như người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Ông cho biết các Kitô hữu phải chịu sự bách hại ở mức độ cao, trong khi tình hình của tất cả các nhóm tôn giáo ở Trung Quốc đang trở nên tồi tệ và ngày càng xấu đi trong những năm gần đây.

Tờ Christian Post đưa tin trong tháng này rằng các nhà chức trách Trung Quốc đã gỡ bỏ các ứng dụng Kinh thánh và các tài khoản công khai WeChat của Kitô giáo. Tổ chức Kitô giáo quốc tế Lo ngại báo cáo rằng các bản Kinh thánh cũng không còn được bán trực tuyến nữa, đồng thời cho biết thêm rằng các ứng dụng Kinh thánh chỉ có thể được tải xuống ở Trung Quốc với việc sử dụng mạng ảo riêng (VPN).

Vào tháng 4, Đài Á Châu Tự do (RFA) đăng một báo cáo cho rằng chính quyền Trung Quốc đang giam giữ các Kitô hữu trong các cơ sở “cải tạo” bí mật, di động để buộc họ từ bỏ đức tin.

Báo cáo của Đài Á Châu Tự do đã sử dụng lời khai của Li Yusee, một bút danh của một thành viên “nhà thờ tư gia” của Kitô giáo ở tỉnh Tứ Xuyên. Li cho biết anh đã bị giam trong một cơ sở bí mật do Phòng Công tác Mặt trận Thống nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc phối hợp với cảnh sát mật điều hành trong 10 tháng sau một cuộc đột kích vào nhà thờ của anh vào năm 2018.

"Đó là một cơ sở di động có thể chỉ được thiết lập trong một số tầng hầm ở đâu đó. Nó được cung cấp nhân viên bởi một số cơ quan chính phủ khác nhau", Li nói và thêm rằng nó có nhóm làm việc của ủy ban chính trị và pháp luật riêng và chủ yếu nhắm mục tiêu vào các Kitô hữu là thành viên của các nhà thờ tư gia.

Li cho biết anh đã bị giam trong một căn phòng không có cửa sổ trong gần 10 tháng, trong thời gian đó anh bị nhân viên đánh đập, bạo hành bằng lời nói và "tra tấn tinh thần".

Anh cho biết hầu hết các bạn tù của anh cũng là những người đã được tại ngoại trong thời gian bị giam giữ hình sự vì tham gia các hoạt động liên quan đến Giáo Hội. Mặc dù họ không phạm bất cứ tội hình sự nào, nhưng cảnh sát đã đưa họ đến “cơ sở cải tạo”.

Trình thuật ớn lạnh tương tự như việc giam giữ và đàn áp người Hồi giáo sắc tộc Duy Ngô Nhĩ và các nhóm tôn giáo và giáo phái bị cấm khác như Pháp Luân Công và Giáo Hội Thiên Chúa toàn năng.

Các chính sách và hành động đàn áp của Trung Quốc đối với các nhóm tôn giáo đã được các cơ quan giám sát hoàn cầu lên tài liệu.

Vào ngày 13 tháng 1 năm 2021, nhóm Kitô hữu Open Doors có trụ sở tại Hoa Kỳ đã xuất bản Danh sách Theo dõi Thế giới đánh giá 50 quốc gia nơi các Kitô hữu phải đối đầu với những hình thức bách hại nghiêm trọng nhất. Nó liệt kê Trung Quốc ở hạng 17 trong số 20 quốc gia hàng đầu vì đàn áp rộng rãi các Kitô hữu và các tôn giáo thiểu số khác.

Open Doors đưa tin, “Chính sách ‘Trung quốc hóa’ Giáo Hội đã được thực hiện trên toàn quốc vì [Đảng Cộng sản Trung Quốc] hạn chế bất cứ điều gì bị nó coi là mối đe dọa đối với sự cai trị và ý thức hệ của nó. Hàng ngàn nhà thờ đã bị hư hại hoặc đóng cửa. Ở một số vùng của Trung Quốc, trẻ em dưới 18 tuổi không được phép đến nhà thờ - một phần trong nỗ lực của đất nước nhằm hạn chế sự phát triển trong tương lai”.

Chính sách Trung Quốc hóa nhằm mục đích áp đặt các quy tắc nghiêm ngặt đối với các xã hội và định chế dựa trên các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội, quyền tự chủ và hỗ trợ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong báo cáo năm 2021, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCRIF) nhận xét rằng Trung Quốc tiếp tục đàn áp các Kitô hữu và sách nhiễu các giám mục Công Giáo bất chấp thỏa thuận giữa Vatican-Trung Quốc năm 2018 về việc bổ nhiệm giám mục.

Theo thỏa thuận được gia hạn vào năm ngoái, Vatican đã công nhận tám giám mục được nhà nước tấn phong mà không cần sự ủy quyền của Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên, Trung Quốc không công nhận một số giám mục được Vatican chấp thuận, bao gồm cả Giám mục Zhang của Tân Hương.

Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ đưa tin, “Bất chấp thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục, chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục sách nhiễu, giam giữ và tra tấn các giám mục Công Giáo hầm trú - như Đức Cha Cui Tai và Đức Cha Huang Jintong - những vị từ chối tham gia hiệp hội Công Giáo do nhà nước hậu thuẫn. Họ cũng sách nhiễu, giam giữ, bắt giữ và bỏ tù các thành viên của các nhà thờ tư gia theo đạo Tin lành, những người từ chối tham gia Phong trào Yêu nước Tam tự do được nhà nước công nhận”.

Nó cũng nhấn mạnh rằng chính phủ tiếp tục phá hủy cả các tòa nhà lẫn thánh giá của nhà thờ Công Giáo và Tin lành trong chiến dịch Trung Quốc hóa của họ.