Mặc dù gặp nhiều chống đối và mưu mô ngăn chặn, dự án soạn thảo văn kiện chính thức của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ nhằm loại bỏ các chính trị gia Công Giáo kiên quyết phò phá thai khỏi gương mù gương xấu tiến lên rước lễ dù đang phạm tội trọng khách quan sát hại mạng sống thai nhi có cơ hội thành hình hơn bao giờ hết ngay trước khi có cuộc họp của Hội Đồng này.



Thứ nhất, trong số những vị giáo phẩm được nêu tên trên lá thư phản đối dự án gửi cho Đức Tổng Giám Mục Gómez, ít nhất có đến 4 vị cho biết không đồng ý với nội dung lá thư. Điều này cho thấy tính bất lương thiện của những vị chủ mưu, và do đó, thế giá của bức thư bị giảm đi rất nhiều.

Thứ hai, gần đây nhất, là tin tức liên quan đến việc Joe Biden bị từ khước gặp mặt Đức Phanxicô vào ngày 15 tháng 6, 1 ngày trước khi có cuộc thảo luận của các Giám Mục Hoa Kỳ.

Theo Catholic World News, tin trên do hãng tin CNA loan báo, dựa vào “nguồn tin đáng tin cậy của Vatican”.

Nhưng theo National Catholic Reporter, Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ bên cạnh Tòa Thánh bác bỏ nguồn tin đó, cho rằng “Tổng thống Biden không có kế hoạch thăm viếng Rome hay Thị Quốc Vatican vào tuần này”.

Toà thánh thì không bình luận gì về tin tức đó.

Catholic World News nhận định rằng tuy tờ National Catholic Reporter nhấn mạnh: không hề có cuộc gặp gỡ nào được lên lịch trình, và mạnh mẽ ngầm cho thấy hãng tin CNA tạo ra câu truyện vì các mục gtiêu chính trị đảng phái, nhưng người ta có lý để tin rằng Tòa Bạch Ốc quả có mưu tìm một cuộc gặp gỡ như thế, và ít nhất một số viên chức Tòa Thánh và nhiều giáo phẩm Hoa Kỳ mong có việc này.

Một cuộc gặp gỡ vào tháng 6 quả không có trên lịch trình được công bố của cả Đức Giáo Hoàng lẫn Ông Biden. Nhưng theo Catholic World News, những sắp xếp vào phút chót và ngay cả những chuyến thăm viếng không được tuyên bố vẫn có thể xẩy ra. Hoàn toàn có thể có việc các cuộc thảo luận giữa Tòa Bạch Ốc và Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đang diễn ra, và trong khi chưa có quyết định cuối cùng thì Tòa Thánh kết luận là để chuyến viếng thăm diễn ra là điều thiếu khôn ngoan. Trong trường hợp như thế, cả Tòa Thánh lẫn Tòa Bạch Ốc đều đã trung thực báo cáo rằng chưa bao giờ có kế hoạch gặp gỡ, và cuộc gặp gỡ không “bị hủy bỏ” vì chưa bao giờ được lên lịch trình.

Catholic World News cũng nhắc lại rằng đầu tháng 6, cả hãng tin CNA lẫn tờ National Catholic Register đều cho hay các cuộc thảo luận đang diễn ra, và cuộc gặp gỡ giữa Ông Biden và Đức Giáo Hoàng vào ngày 15 tháng 6 “có thể diễn ra”, nhưng “chưa được xác nhận”.

Ông Biden, người thường xuyên nhấn mạnh hậu cảnh Công Giáo của mình, lẽ dĩ nhiên có đủ lý do cần một cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng. Và một số giáo phẩm Hoa Kỳ, nhất là Đức Hồng Y Blase Cupich của Chicago, vốn cố gắng hết sức trong việc tìm hậu thuẫn của Vatican để làm trệch đường rầy cuộc thảo luận của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về tính nhất quán Thánh Thể. Thành thử, điều chắc chắn có lý là cả hai phía đều thăm dò viễn ảnh một cuộc gặp gỡ như thế.

Mặt khác, điều cũng rõ ràng là các nhà ngoại giao của Tòa Thánh hẳn phải thừa nhận các mối nguy hiểm của một cuộc gặp gỡ như thế, nhất là vào thời điểm này, vì nó sẽ mang lại cho Biden sự ủng hộ của Đức Giáo Hoàng trong khi các Giám Mục Hoa Kỳ muốn làm rõ việc Tổng thống hỗ trợ phá thai là không thích hợp với đức tin Công Giáo mà chính ông tuyên xưng.

Tránh cái viễn tượng Đức Giáo Hoàng cho ông Biden rước lễ quả là một thúc đẩy lớn lao đối với các Giám Mục muốn bảo vệ tính tinh tuyền của giáo huấn Giáo Hội về việc rước lễ.

Thứ ba, cuộc thăm dò từ ngày 1 tới ngày 8 tháng 6 này của CatholicVote cho thấy đại đa số người Công Giáo Hoa Kỳ ủng hộ dự án loại bỏ các chính trị gia xưng mình là Công Giáo nhưng ngang nhiên và đôi lúc “hãnh tiến” công khai chống giáo huấn, thậm chí, luật Thiên Chúa, liên quan đến sự sống các thai nhi khỏi việc rước lễ. Câu hỏi được CatholicVote đặt ra (câu hỏi thứ 14) cho cuộc thăm dò như sau: “Bạn có tin rằng các Giám Mục Công Giáo nên thảo luận việc liệu có thích đáng để các viên chức công cộng Công Giáo, những người cổ vũ các sự ác luân lý trầm trọng, bất kể là Dân Chủ hay Cộng Hòa, tự mình tiến lên rước lễ hay không?”. 76% những người đi lễ hàng tuần trả lời có, 66% những người đi lễ hàng tháng trả lời có!

Giám Mục Hoa Kỳ không thể nào làm ngơ tiếng nói của họ.

Vả lại, tiếp theo lá thư phản đối của hơn 60 giáo phẩm, Đức Tổng Giám Mục Gómez, trong một thông tư gửi các Giám Mục, cho hay: mục đích chính của cuộc thảo luận không hẳn nhằm vào Ông Biden hay bất cứ ai, mà là để “giúp giáo dân hiểu vẻ đẹp và mầu nhiệm Thánh Thể như tâm điểm của đời sống Kitô hữu của họ”. Do đó, văn kiện, nếu được chấp thuận để soạn thảo, sẽ gồm 3 phần: “Thánh Thể, Một Mầu nhiệm phải tin”, “Thánh Thể, Một Mầu nhiệm phải cử hành” và “Thánh Thể: Một Mầu nhiệm phải sống”.

Tuy nhiên, văn kiện ấy vẫn chỉ là chuyện trong tương lai, chuyện của những ngày từ 16 tới 18 tháng này là bàn xem có nên có một văn kiện như thế hay không. Thành thử những vị phản đối dự án quả có tỏ ra quá nhậy cảm đối với bất cứ viễn ảnh nào, dù xa xôi, đụng đến vị tổng thống qúy yêu của họ.

The Pillar thì cho rằng có thể thông cảm với các vị trên vì dù sao dự án “nhất quán Thánh Thể” cũng phát xuất từ ủy ban được Gomez thành lập để khảo sát tính Công Giáo của chính phủ Biden. Và mặc dù phạm vi của dự án đã được mở rộng, nó vẫn là một “bóng ma” ám ảnh các người ủng hộ Biden, một phần vì các phương tiện truyền thông thổi phồng sự kiện.

Thực ra, văn kiện vẫn chỉ đứng ở bình diện giáo lý, giải thích tại sao một chính trị gia đi ngược lại giáo huấn Công Giáo trong bất cứ vấn đề nào không nên rước lễ, chứ không hẳn đề nghị một tiến trình quy phạm buộc các Giám Mục phải tuân theo.

Nếu đúng như thế, thì văn kiện lần này sẽ không khác bao nhiêu so với văn kiện đã được Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ thông qua với số phiếu 201-24 vào năm 2006, lúc Obama và Biden chưa chiếm được Tòa Bạch Ốc.

Theo The Pillar, văn kiện đó, dài 23 trang, có tên là “Phúc thay những người được mời gọi dự Bữa Tối của Người” về “việc Chuẩn bị Lãnh nhận Chúa Kitô Cách Xứng Đáng trong Phép Thánh Thể”. Văn kiện này dạy rằng những ai “không còn ở trong tình trạng ơn thánh vì một tội trọng” không nên lãnh nhận Thánh Thể cho đến khi “giao hoà với Thiên Chúa và Giáo Hội”. Trích lời Đức Gioan Phaolô II, văn kiện viết rằng “khi một người được công chúng biết đến đã phạm tội trọng hay bác bỏ giáo huấn định tín của Giáo Hội và chưa giao hòa với Giáo Hội, thì việc rước lễ của người này chắc chắn sẽ gây gương mù gương xấu cho người khác. Đây là một lý do hơn nữa để tự hạn chế mình lãnh nhận Thánh Thể”.

Cuối cùng, văn kiện viết thêm: “Tuy nhiên, nếu một người Công Giáo trong cuộc sống bản thân hay nghề nghiệp có tiếng và ương ngạnh bác bỏ các tín lý đã được định tín của Giáo Hội, hay có tiếng và ương ngạnh rẫy bỏ giáo huấn đã định tín của Giáo Hội về các vấn đề luân lý, họ đã làm giảm cách nghiêm trọng sự hiệp thông của họ với Giáo Hội. Việc lãnh nhận Thánh Thể trong hoàn cảnh như thế sẽ không phù hợp với bản chất việc cử hành Thánh Thể, như thế, họ nên tự chế”.

Thành thử chiến lược của hơn 60 giáo phẩm phản đối dự án chỉ là đòn đánh phủ đầu để cuộc thảo luận không đi quá những giới hạn giáo lý vốn đã có sẵn. Vô tình, các ngài phần nào đứng chung hàng ngũ với giới truyền thông thế tục vốn không nhìn ra bất cứ điều gì thánh thiêng trong việc bàn luận về tính nhất quán của Thánh Thể.

Tờ New York Times, ngày 14 tháng 6, cho chạy hàng tít lớn: “Vatican Cảnh cáo các Giám Mục Hoa Kỳ: Đừng Bác bỏ việc Biden Rước lễ vì Phá Thai”. Có bao giờ Vatican cảnh cáo như thế đâu. Nếu nhận định của Catholic World News về cuộc gặp gỡ “hụt” của Biden với Đức Phanxicô mà đúng thì ngược lại mới đúng: Tòa Thánh khuyến khích các Giám Mục Hoa Kỳ bàn thảo việc có nên để Biden và những người Công Giáo như ông rước lễ hay không. Dù gì thì lá thư của Đức Hồng Y Ladaria cũng đã làm việc khuyến khích ấy rồi.

Không gì sai lạc bằng việc tờ báo này khẳng định: “Vatican đã cảnh cáo các Giám Mục bảo thủ Hoa Kỳ hãm thắng việc họ thúc đẩy không cho rước lễ các chính trị gia ủng hộ quyền phá thai, trong đó có Tổng Thống Biden, một người đi nhà thờ trung thành và là người Công Giáo Rôma đầu tiên chiếm được Phòng Bầu Dục trong 60 năm nay. Nhưng bất chấp dấu hiệu ngừng lại hết sức công khai của Rôma, các Giám Mục Hoa Kỳ vẫn cứ tiến tới và nhất quyết cưỡng bức cuôc tranh luận về vấn đề rước lễ tại cuộc gặp gỡ ảo bắt đầu vào hôm thứ Tư này”.

Họ lại còn xỏ xiên liên kết các vị trên với cựu Tổng Thống Donald J. Trump và cho rằng việc bỏ phiếu lần này sẽ phá vỡ cái bề mặt hợp nhất với Rôma, làm nổi bật sự phân cực chính trị trong Giáo Hội Hoa Kỳ và lập ra điều các sử gia Giáo Hội coi là tiền lệ nguy hiểm cho các hội đồng Giám Mục hoàn cầu.

Họ không tiếc lời làm giảm giá trị của các vị tiến hành cuộc bàn luận. Nói về Đức Tổng Giám Mục Gómez, họ không quên nhấn mạnh rằng “liên tiếp nhiều lần bị Đức Phanxicô làm ngơ trong việc nâng lên hàng Hồng Y”. Trong khi phần lớn các Giám Mục khác “lỡ bước với Đức Phanxicô và nghị trình của ngài muốn đặt việc thay đổi khí hậu, di dân và nghèo khó lên tuyến đầu của Giáo Hội”.

Nói cho ngay, chính những người như Cha Antonio Sparado, một linh mục Dòng tên và là người thân tín của Đức Phanxicô, đã bơm các ý niệm trên cho tờ New York Times, khi, theo tờ báo này, ngài viết “Quan tâm tại Vatican là không dùng Phép Thánh Thể như một vũ khí chính trị”.

Sự quan tâm ấy, thiết nghĩ, nên được Cha Sparado ngỏ với 67 vị giáo phẩm phản đối dự án bàn luận và bỏ phiếu kỳ này vì chính họ đã biến việc này thành một vấn đề chính trị, trong khi các Giám Mục Hoa Kỳ chỉ chú tâm làm sáng tỏ ý nghĩa nhất quán của phép Thánh Thể về phương diện giáo lý.