Hôm Chúa Nhật 20 tháng 6 vừa qua, Chúa Nhật thứ 12 Mùa Thường Niên, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit của Paris đã cử hành thánh lễ tại nhà thờ Saint-Germain l’Auxerrois.

Mở đầu bài giảng, Đức Tổng Giám Mục nói:

Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Chúng ta hãy băng qua bờ bên kia”.

Anh chị em đã sẵn sàng vượt qua bờ bên kia chưa?

Khi Chúa Giêsu đưa các môn đệ đến bờ bên kia, Ngài đưa họ từ thế giới Do Thái sang thế giới ngoại giáo, từ thế giới thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất đến một thế giới hoang mang, xa lạ và có rất nhiều niềm tin khác nhau.

Chúng ta có sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi dấn thân vào phía bên kia của một thế giới vô tri, thậm chí thù địch với đức tin không? Tắt một điều là anh chị em đã sẵn sàng trở thành những nhà truyền giáo ở Pháp, một đất nước đã trở nên bất khả tri, với nền đạo đức gần như suy đồi, hay đạo đức thậm chí không tồn tại, đặc biệt là khi nó được đặt trước chiêu bài “hữu cơ”.

Anh chị em không cần phải đi rất xa để đến bờ bên kia. Chỉ cần ra tàu điện ngầm, đi làm, đoàn tụ gia đình, đến sân vận động túc cầu.

Có lẽ anh chị em sợ những cơn bão chụp xuống vì sự táo bạo của mình? Giống như các môn đệ, anh chị em muốn Chúa Giêsu ra tay. Xét cho cùng, Người là Con Thiên Chúa, chính Người là Đấng cứu độ chúng ta. Hãy đánh thức Ngài dậy! Hãy làm sao để Ngài ra tay: “Hãy nhìn xem, Chúa ơi, chúng con bị cười nhạo, chúng con bị chế diễu, người ta thậm chí còn đi xa đến mức đánh đập chúng con chỉ đơn giản vì chúng con tôn vinh Chúa trên đường phố như chúng con đã từng làm từ trước đến nay, hết thế kỷ này sang thế kỷ khác, mà không ai làm phiền chúng con. Điều đó có quan trọng với Chúa không? Chúa ơi thức dậy mau!”

Anh chị em có thể nghĩ rằng Chúa đang ngủ trong con thuyền của Hội Thánh, khi con thuyền ấy đang đối mặt với mọi sóng gió? Trên thực tế, vấn đề đặt ra không phải là Chúa Giêsu dường như đang ngủ, khó khăn là những người đồng đội của Ngài, những “thủy thủ trong vùng nước ngọt” là môn đệ của ngày hôm qua và hôm nay, đang sợ những cảnh trái gió trở trời.

Sự thanh thản của chúng ta không đến từ hành động của Chúa Giêsu, Đấng sẽ làm mọi thứ cho chúng ta. Sự bình yên của chúng ta đến từ sự hiện diện của Người giữa chúng ta. Ngài đang ở trên thuyền. Hỡi những người hèn tin! Làm sao con tàu có thể chìm được khi Chúa Giêsu đang hiện diện? Hãy nhớ rằng Ngài là Con Thiên Chúa, Ngôi Lời hằng sống, nguồn mạch của sự sống.

Chẳng phải Chúa Giêsu hiện diện nơi hai hoặc ba người cầu nguyện nhân danh Ngài sao? Chẳng phải Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, nơi Ngài ban chính Mình Người làm lương thực cho chúng ta sao? Chẳng phải Chúa Giêsu sẽ hiện diện khi cánh cửa trái tim chúng ta mở ra cho Ngài sao? Chẳng phải Chúa Giêsu hiện diện khi Người đến để tha thứ qua miệng của thầy tế lễ sao?

Anh chị em đang ở trong con thuyền của Giáo hội, Giáo hội này đã làm cho anh chị em trở thành con trai và con gái của Thiên Chúa qua phép rửa, nuôi dưỡng anh chị em qua Bí tích Thánh Thể, và tha thứ cho anh chị em qua bí tích hòa giải

Phương châm của Paris là “fluctuat nec mergitur”, nghĩa là “giao động không nhận chìm được”. Nếu con thuyền của Paris bị sóng đánh mà không chìm, thì chúng ta càng có thể chắc chắn rằng con thuyền của Chúa sẽ không bao giờ chìm. Anh chị em có tin như thế không?

Vậy giờ đây, hỡi những nhà truyền giáo, anh chị em đã sẵn sàng để vượt qua bờ bên kia với Chúa Giêsu chưa?
Source:L'Eglise Catholique à Paris