1. Thăm dò ý kiến: Người Công Giáo Hoa Kỳ có cái nhìn thuận lợi về Đức Thánh Cha Phanxicô

Theo một cuộc khảo sát trực tuyến gần đây do Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố vào ngày 25 tháng 6, sự nổi tiếng của Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn “khá ổn định” đối với cả người Công Giáo Mỹ và người Mỹ nói chung.

Hơn sáu trong mười người trưởng thành ở Hoa Kỳ, cụ thể là 63%, có quan điểm “rất” hoặc “chủ yếu” ngưỡng mộ đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, theo cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng Ba bởi American Trends Panel.

Nhìn chung, trong số những người Công Giáo Hoa Kỳ, 82% nói rằng họ có quan điểm ủng hộ Đức Giáo Hoàng.

Claire Gecewicz, người tập trung vào nghiên cứu tôn giáo tại Trung tâm Nghiên cứu Pew và là tác giả của báo cáo, giải thích rằng “quan điểm về Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng khá ổn định trong các nhóm Công Giáo chuyên biệt”.

“Ví dụ, những người Công Giáo xác định là đảng viên Dân chủ hoặc nghiêng về đảng đó tiếp tục có quan điểm tích cực về Đức Phanxicô hơn so với những người của đảng Cộng hòa”.

“Trong cuộc điều tra mới nhất, 90% người Công Giáo Dân chủ đã bày tỏ một quan điểm thuận lợi về Đức Giáo Hoàng, so với 73% người Công Giáo Cộng hòa.”

Cuộc khảo sát cũng cho thấy sự khác biệt nhỏ trong ý kiến về Đức Thánh Cha Phanxicô giữa những người Công Giáo tham dự Thánh lễ thường xuyên và những người tham dự ít thường xuyên hơn. Trong số những người đi tham dự Thánh lễ hàng tuần, 84% cho biết họ có ý kiến rất hoặc phần lớn là ủng hộ Đức Thánh Cha Phanxicô, so với 82% người Công Giáo trả lời tương tự là những người tham dự Thánh lễ ít thường xuyên hơn, hoặc hoàn toàn không tham dự thánh lễ.

Pew cho biết sự nổi tiếng nói chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ở Hoa Kỳ đã tăng trở lại kể từ năm 2018, khi những tiết lộ mới xuất hiện liên quan đến cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục trong Giáo hội Hoa Kỳ và các vấn đề được đặt ra liên quan đến việc xử lý các cáo buộc chống lại cựu Hồng Y Theodore McCarrick của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Cuộc khảo sát cho thấy trong khoảng thời gian 13 tháng từ tháng 2 năm 2020 đến tháng 3 năm 2021, tỷ lệ phần trăm tổng số người được hỏi đưa ra đánh giá có lợi cho Đức Thánh Cha Phanxicô cao hơn so với tháng Giêng năm 2020.
Source:Catholic News Agency

2. Rước kiệu mừng biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Lezajsk, Ba Lan

Leżajsk là một thị trấn ở đông nam Ba Lan với khoảng 13,900 cư dân. Đây là vùng toàn tòng Công Giáo.

Leżajsk nổi tiếng với Vương Cung Thánh Đường và tu viện Bernadine do kiến trúc sư Antonio Pellacini xây dựng. Vương Cung Thánh Đường có một cây đàn ống được đánh giá cao từ hậu bán thế kỷ 17 và các buổi độc tấu đàn organ diễn ra ở đó. Nó là một trong những Di tích Lịch sử Quốc gia chính thức của Ba Lan, được chỉ định vào ngày 20 tháng 4 năm 2005, và được theo dõi bởi Ủy ban Di sản Quốc gia Ba Lan.

Hàng năm, đúng vào ngày 24 tháng Sáu có cuộc rước kiệu mừng biến cố Đức Mẹ hiện ra tại đây. Đây là một trong số các biến cố Đức Mẹ hiện ra được Tòa Thánh chính thức công nhận.

Năm 1578, một tiều phu ngoan đạo tên là Thomas Michalek, đi qua một khu rừng, đã thấy một ánh sáng rực rỡ, trong đó Đức Trinh Nữ hiện ra với anh. Đức Trinh Nữ nói: “Thomas, Mẹ đã chọn nơi này. Tại đây, Con Ta sẽ được yêu thương và kính trọng, và bất cứ ai kêu cầu sự chuyển cầu của ta, thì sẽ nhận được phước lành”. Đức Mẹ yêu cầu anh ta báo cho các nhà chức trách để xây dựng một nhà thờ. Nhưng Thomas vì sợ hãi, đã không làm gì cả.

Đức Mẹ lại hiện ra một lần nữa, yêu cầu anh ta hành động và chấm dứt sự im lặng của anh ta. Thomas đã đến gặp nhà chức trách để kể lại câu chuyện, nhưng người ta không tin anh. Không những thế, anh còn bị quan trấn thủ lôi ra tòa.

Không lâu sau, quan trấn thủ này chết đi. Thấy sự lạ cha xứ tin lời anh và đã cho xây dựng một nhà nguyện nhỏ.

Năm 1606, tiếng đồn nhiều người được ơn lạ khiến Đức Cha Maciej Pstrokonski, giám mục của Przemysl từ 1601 đến 1608 cho xây một nhà thờ lớn hơn trên địa điểm xảy ra sự kiện.

Ngày 2 tháng 7 năm 1724, Đức Cha Henryk Firlej, Giám mục của Przemysl từ 1631 đến 1635 xác nhận nguồn gốc siêu nhiên của các phép lạ diễn ra ở đây.

Ngày 8 tháng 9 năm 1752, chính Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 14 đã trao vương miện cho Đức Cha Waclaw Hieronim Sierakowski, Giám mục của Przemysl mang về đội trên tượng Đức Mẹ, sau khi đích thân ngài làm phép cho chiếc vương miện này.
Source:Miracle Hunter

3. Phản ứng của các giám mục tỉnh Saskatchewan trước các phát hiện mới về những ngôi mộ vô danh tại trường Nội Trú dành cho người bản địa

Các giám mục của tỉnh Saskatchewan của Canada thừa nhận sự cần thiết phải “ăn năn” và phải có công lý, sau khi có những phát hiện mới về hàng trăm ngôi mộ vô danh tại địa điểm của một trường nội trú cũ do Công Giáo điều hành ở Marieval.

“Chúng tôi xin gửi lời chia buồn nhưng chúng tôi biết rằng điều này là chưa đủ và lời nói của chúng tôi phải chuyển sang hành động cụ thể”, các giám mục cho biết trong một tuyên bố chung hôm thứ Năm.

Đức Tổng Giám Mục Donald Bolen của Regina, Đức Tổng Giám Mục Murray Chatlain của Keewatin-Le Pas, Đức Cha Mark Hagemoen của Saskatoon, Đức Cha Stephen Hero của Prince Albert, và Đức Cha Bryan Bayda, Giám mục Địa phận Ukraine của Saskatoon, đều ký vào tuyên bố chung.

Hôm thứ Năm, các nhà lãnh đạo thổ dân da đỏ Cowesses thông báo rằng 751 ngôi mộ vô danh đã được phát hiện tại địa điểm của Trường Nội Trú dành cho người bản địa tại Marieval trước đây. Các cộng đồng da đỏ là những người bản địa ở Canada cư trú ở phía nam của Bắc Cực, cùng với các cộng đồng Métis, là những người có chung di sản bản địa và Âu Châu. Cowesses là một nhóm người da đỏ ở miền nam Saskatchewan.

Trường Marieval do người Công Giáo điều hành từ năm 1899 đến năm 1969. Nó được xây dựng vào năm 1899. Dòng Các Cha Truyền Giáo của Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, và sau đó là Ủy ban Truyền Giáo cho người da đỏ và Eskimo, đã điều hành trường, trước khi chính phủ nắm quyền kiểm soát trường vào năm 1969. Chính phủ đã chuyển giao hoạt động của trường cho người da đỏ Cowesses vào năm 1987. Trường đóng cửa vào năm 1997.
Source:Catholic News Agency

4. Đức Tổng Giám Mục Cordileone quở trách các nhà lập pháp về cuộc tranh luận Rước lễ

Hôm 23 tháng 6 năm 2021, First Things đã công bố phản hồi từng điểm một của Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco đối với cái gọi là “Tuyên bố về các Nguyên tắc” của 60 nhà lập pháp Đảng Dân chủ, trong đó, họ phản đối cuộc bỏ phiếu của các giám mục Hoa Kỳ muốn hình thành một tài liệu về Thánh Thể.

Tất cả 60 nhà lập pháp Đảng Dân chủ ký vào tuyên bố này đều là những người ủng hộ việc phá thai. Họ yêu cầu các Giám Mục không được từ chối Thánh Thể vì sự ủng hộ phá thai của họ.

Bản phản hồi của Đức Tổng Giám Mục Cordileone đã đề cập đến những mâu thuẫn về luận lý và thực tế, cũng như những sai sót thần học trong bản “Tuyên bố về các Nguyên tắc”.

Các thành viên đảng Dân chủ cho rằng họ “đang dấn thân thực hiện các nguyên tắc cơ bản cốt lõi của giáo huấn xã hội Công Giáo: đó là giúp đỡ người nghèo, người thiệt thòi và người bị áp bức, bảo vệ những người rốt cùng trong chúng ta và bảo đảm rằng tất cả người Mỹ thuộc mọi tín ngưỡng đều được có những cơ hội quan trọng để chia sẻ những phước lành của đất nước vĩ đại này”. Đáp lại Đức Tổng Giám Mục Cordileone chỉ ra rằng “Một trong những 'nguyên tắc cơ bản' của niềm tin Công Giáo là không cố ý giết người, hoặc cấu kết để tạo điều kiện cho người khác giết hại mạng sống của người vô tội”.

Đức Cha Cordileone nhấn mạnh rằng: “Các nguyên tắc Công Giáo xây dựng dựa trên nhau một cách có hệ thống”. Việc bảo vệ tính mạng người vô tội, không có phương thế tự vệ là điều đầu tiên và cơ bản”. Ngài chỉ ra bản chất phi lý của việc theo đuổi điều thiện mà không bảo đảm lợi ích lớn hơn và cơ bản hơn làm nền tảng cho những điều thiện này.

Đức Tổng Giám Mục San Francisco cũng chỉ ra những mâu thuẫn thực tế trong tuyên bố. Ngài lưu ý rằng mặc dù các nhà lập pháp tuyên bố “những lời hoa mỹ đáng ngưỡng mộ” về các vấn đề như giảm bớt tình trạng trẻ em sống trong nghèo khó và công nhận phẩm giá con người, nhưng “các thành viên Công Giáo của Quốc hội ủng hộ các luật có tác dụng hủy hoại gia đình tự nhiên thông qua việc xác định lại hôn nhân, ly hôn tùy hứng, và các chính sách tương tự khác” làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo khó của nhiều trẻ em.

Ngài lập luận thêm rằng “gia đình tan vỡ là nguyên nhân hàng đầu của nghèo đói nhưng nó cũng dẫn đến một loạt các tệ nạn xã hội khác, chẳng hạn như bạo lực thanh thiếu niên, giam giữ và lạm dụng chất kích thích”.

Đức Tổng Giám Mục cũng chỉ ra mâu thuẫn thực tế trong các tuyên bố rằng các nhà lập pháp Dân chủ thúc đẩy các lựa chọn thay thế cho việc phá thai, chẳng hạn như nhận con nuôi.

Liên quan đến việc các thành viên bày tỏ mong muốn rằng mọi trẻ em được sống trong một ‘gia đình yêu thương’, Đức Tổng Giám Mục nhận xét chua chát rằng “gia đình yêu thương có nghĩa là gì khi các nhà lập pháp định nghĩa lại 'gia đình' là bất cứ điều gì người lớn muốn nó là, trong khi loại bỏ sự tồn tại của gia đình tự nhiên?”

Ngài cũng phản đối các chính sách có tác dụng “trừng phạt các cơ quan nhận con nuôi chỉ vì các cơ quan này muốn đặt trẻ em làm con nuôi trong những gia đình truyền thống”.

Ngoài ra, ngài cũng đề cập đến những sai sót thần học trong tài liệu, bao gồm sự cần thiết phải xem xét sự khác biệt về chủng loại và mức độ của các tội lỗi khác nhau, đồng thời sửa chữa sự trình bày sai lệch về vai trò của lương tâm.

Về tuyên bố cho rằng quyền ưu tiên của lương tâm có thể mang lại giá trị đạo đức trong việc coi phá thai là một điều tốt. Đức Tổng Giám Mục Cordileone nhận xét: “Đoạn văn này là một điều gì đó không hơn gì sự trốn tránh. Lương tâm không quyết định điều gì đúng hay sai cho bản thân. Chúng ta không tạo ra sự thật; chúng ta tìm kiếm sự thật với 'sự hướng dẫn của Giáo hội,' và sau đó phục tùng sự thật ấy”.

“Lương tâm là năng lực nhận biết và làm những gì đúng trong những tình huống cụ thể, bất kể chúng ta thấy điều đó thuận tiện về mặt chính trị hay không”.

Cuối cùng, ngài bác bỏ cáo buộc cho rằng các giám mục đang bắt đầu “vũ khí hóa Bí tích Thánh Thể” - là một cáo buộc mà Đức Tổng Giám Mục Cordileone kịch liệt phủ nhận.

“Động lực của các giám mục là mục vụ, là cứu rỗi các linh hồn và sửa chữa tai tiếng. Không có gì là trừng phạt trong việc nêu rõ và khẳng định lại sự thật của niềm tin Công Giáo, và những tác động của nó đối với một đời sống Công Giáo đích thực”, ngài nói.
Source:Catholic News Agency