Giới thiệu
Một trong những mục tiêu của Guardini là cảm thức cộng đồng, chống phá chủ nghĩa cá nhân đang không những lan tràn trong xã hội hậu thế chiến II mà cả trong phụng vụ Giáo Hội với việc càng ngày người tín hữu càng thiếu sót trong việc tham dự tích cực như một chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô.
Chính vì thế, một trong các công trình đầu tiên của Cha Guardini là cuốn Giáo Hội và Người Công Giáo, xuất bản năm 1922, trong đó, ngài khai triển tối đa chủ đề cộng đồng này. Đây là một loạt diễn từ của ngài đọc tại Hiệp Hội Học Thuật Công Giáo, đề cập tới một vấn đề mà thế giới Phương Tây đang phải đối đầu: thiếu cảm thức cộng đồng. Thời hiện đại đã phá hủy các dây liên kết của xã hội truyền thống và đẩy Giáo Hội ra bên lề, không còn là nguồn tạo hợp nhất xã hội, để lại đàng sau chủ nghĩa duy cá nhân vô chính phủ của tư bản tự do. Chủ nghĩa cộng sản đề nghị phương thức thay thế cho thứ vô chính phủ này, nhưng lại tiêu diệt tự do cá nhân. Chống các cực đoan cộng sản và duy cá nhân chủ nghĩa này, Guardini đề cao ý niệm Giáo Hội như Thân Thể Chúa Kitô, một kết hợp hữu cơ gồm những bản vị làm cho việc nở rộ trọn vẹn của “nhân cách tự do” trở thành khả hữu, việc nở rộ này vốn là điều kiện tiên quyết của mọi cộng đồng đích thực.
Sau đây, chúng tôi dựa vào bản tiếng Anh của Ada Lane, do Nhà Sheed & Ward Inc. New York xuất bản, để chuyển ngữ sang tiếng Việt tác phẩm trên của ngài.
GIÁO HỘI VÀ NGƯỜI Công Giáo
(Bản tiếng Anh của Ada Lane, do Nhà Sheed & Ward Inc. New York xuất bản)
Nội dung:
1. Ý thức Giáo Hội sống dậy trong linh hồn
2. Giáo Hội và Nhân cách
3. Con đường trở thành nhân bản
4. Con đường dẫn tới tự do
5. Cộng đồng
Lời bạt
I. Giáo Hội sống dậy trong linh hồn
Diễn trình TÔN GIÁO với tầm quan trọng khôn lường đã bắt đầu–Giáo Hội đang sống dậy trong linh hồn người ta.
Điều này phải được hiểu một cách chính xác. Tất nhiên Giáo hội vẫn liên tục sống động trong chính mình, và lúc nào cũng có tầm quan trọng quyết định đối với các chi thể của mình. Họ luôn chấp nhận giáo huấn của Giáo Hội, tuân theo mệnh lệnh của Giáo Hội; sức sống bất chiến bại của Giáo Hội luôn là chỗ dựa vững chắc và là nền tảng cho lòng tín thác của họ.
Nhưng, với sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân kể từ cuối thời Trung cổ, Giáo Hội bị coi như một phương tiện dẫn tới đời sống tôn giáo đích thực – như thể nó là một khuôn khổ do Thiên Chúa thiết kế hoặc như bình chứa sự sống – như một đường ống dẫn sự sống nhưng không phải như chính sự sống [1]. Nói cách khác, nó bị coi như một thứ ở bên ngoài mà từ đó con người có thể nhận được sự sống, không phải là một thứ mà con người phải được tháp nhập vào để có thể sống bằng sự sống của nó. Đời sống tôn giáo có xu hướng ngày càng xa rời cộng đồng và hướng tới phạm vi cá nhân. Do đó, Giáo hội đã trở thành bị coi như ranh giới của phạm vi này, và thậm chí còn như đối thủ của nó nữa. Dù sao, Giáo hội bị cảm nhận như một thứ quyền lực cùm chân nhân cách và do đó hạn chế đời sống tôn giáo. Và việc quy định bên ngoài này có dáng dấp phúc lợi, hay không thể tránh, hay áp chế tùy theo tính khí cá nhân.
Đó chắc chắn là cách trình bày phiến diện. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp ngoại lệ; diễn trình chuyển tiếp và phát triển đã làm cho bức tranh phức tạp hơn nhiều. Thái độ này cũng không có đối với Giáo hội mà không có sự vĩ đại của nó. Ngày nay, mọi khẩu hiệu của thời đại đều chống lại nó: nhưng chúng ta nên hỏi nó đã có những đóng góp giá trị nào cho đời sống tôn giáo nói chung. Có lẽ đây là thời điểm thích hợp để làm như vậy, chỉ vì trong nội tâm, chúng ta đứng ngoài nó và do đó có thể nhìn nó một cách khách quan.
Đâu là cơ sở của thái độ này? Câu trả lời đã được chỉ rõ – chủ nghĩa chủ quan và chủ nghĩa cá nhân của thời cận đại.
Tôn giáo bị coi là một điều gì đó thuộc lĩnh vực chủ quan – nó đơn giản là một điều gì đó ở bên trong một con người, một tình trạng của linh hồn họ. Chúng ta không nói về các lý thuyết khoa học hữu thức, nhưng nói về các khuynh hướng tâm linh của thời đại. Tôn giáo khách quan được Giáo hội đại diện, đối với cá nhân, chủ yếu là quy định của tôn giáo cá nhân và chủ quan này; một sự bảo vệ chống lại các bất cập của nó. Điều còn lại, tức tôn giáo khách quan trong sự cao quí bất vụ lợi của nó, và cộng đồng như một giá trị trong chính nó thường khiến cá nhân lạnh lùng và không khơi dậy một phản ứng nào trong trái tim họ. Ngay cả sự tán thành và hào hứng mà Giáo hội từng gợi lên phần lớn chỉ ở bên ngoài và có tính cá nhân chủ nghĩa, và về phương diện tâm lý, có một mối quan hệ mạnh mẽ với "chủ nghĩa yêu nước" trước đó. Khi nhìn kỹ hơn, chúng ta thấy thường xuyên không hề có niềm tin chân chính vào sự hiện hữu của các thực tại tôn giáo khách quan. Chủ nghĩa chủ quan này đã thống trị đời sống tôn giáo suốt hậu bán thế kỷ XIX và suốt tiền bán thế kỷ XX. Con người cảm thấy bị giam cầm trong chính bản thân họ. Đó là lý do tại sao từ Kant trở đi, và đặc biệt là trong chủ nghĩa duy tâm gần đây hơn, vấn đề nhận thức trở nên hết sức khẩn cấp – thực sự đối với nhiều người, nó cấu thành toàn bộ nền triết lý! Con người ở thời đại này coi sự hiện hữu của một đối tượng là đáng nghi ngờ. Họ không ý thức được một cách trực tiếp và mạnh mẽ thực tại của mọi sự, và cuối cùng chính thực tại riêng của họ. Các hệ thống tri thức như thuyết duy ngã nhất quán không dựa trên các kết luận hợp luận lý, nhưng là những diễn giải có tính thăm dò về kinh nghiệm bản thân này. Không thể giải thích dựa trên các cơ sở hoàn toàn có tính tri thức các nền triết lý như chủ nghĩa duy tâm mới mà đối với họ, chủ thể chỉ là một thực thể luận lý đơn thuần. Các nền triết lý này nảy sinh từ mưu toan muốn thay thế thực tại khách quan của sự vật, một điều đã trở nên đáng ngờ, bằng một thực tại luận lý. Đó là khởi nguồn của quan niệm coi tiên nghiệm (a priori) như là có giá trị khách quan về phương diện luận lý, mặc dù giá trị chủ quan của nó chỉ mang tính thực nghiệm [empirical]; và học thuyết cho rằng kinh nghiệm dựa trên chủ thể chứ không dựa trên sự vật, và các hình thức tương tự của chủ nghĩa chủ quan triết học. Không có trải nghiệm hàng đầu về thực tại. Đôi khi sự kiện này bất ngờ chớm nở đối với một người nghiên cứu triết học khi một người đại diện hàng đầu của chủ nghĩa duy tâm mới tuyên bố, tại một trường Đại học, chẳng hạn, rằng “Hữu thể” là một “giá trị”!
Không thể diễn đạt ngắn gọn hơn hoặc thẳng thắn hơn việc thái độ này bất khả như thế nào, và nó chỉ có thể bắt nguồn từ một sự bất lực tâm linh sâu xa. Thực tại như được trải nghiệm không còn bất cứ sự vững chắc hoặc sức mạnh nào nữa. Nó là một cái bóng vô hồn. Và trong nền triết lý này, chỉ còn việc diễn dịch điều mọi người cảm nhận cách này hay cách khác thành các công thức và thành ngữ của nó mà thôi. Bất chấp “chủ nghĩa hiện thực” được ca ngợi nhiều, bất chấp khoa học tự nhiên, thành tựu kỹ thuật và nền chính trị hiện thực, con người vẫn không nhìn thấy đối tượng thực, một món gì hoàn tất, thậm chí cả bản thân họ. Họ sống trong một lĩnh vực trung gian giữa hữu thể và hư vô, giữa các khái niệm và cơ chế, giữa các công thức và hệ thống, vốn tìm cách đại diện và điều khiển các đối tượng, nhưng thậm chí không mạch lạc nhất quán. Họ sống trong một thế giới của những hình thức và biểu tượng trừu tượng, một thế giới không được liên kết với thực tại mà các biểu tượng muốn nói đến. Chúng ta không quên nhà sản xuất hàng loạt, người biết chính xác công nhân, viên chức, người mua và nhà thầu nào ông ta sử dụng và có thông tin chi tiết về mọi sự trong sổ đăng ký của ông, bao gồm cả mô tả về mọi nguyên liệu và hàng hóa, được dán nhãn hiệu bằng các phương pháp nghiên cứu hóa lý chính xác nhất – nhưng lại không biết chút gì về các nhân viên của mình như những con người và không có cảm quan bẩm sinh nào đối với chất liệu tốt hoặc việc làm tốt.
Thái độ trên cũng làm cho ảnh hưởng của nó được cảm nhận trong lĩnh vực tôn giáo. Không điều gì không phải là trải nghiệm tức khắc hoặc một dữ kiện hợp luận lý có sức thuyết phục, mà được chấp nhận không cần hỏi han thêm. Cá nhân chỉ chắc chắn về điều họ tự mình trải nghiệm, tri nhận và khao khát, và mặt khác của các khái niệm, ý tưởng, và định đề trong suy nghĩ của riêng mình. Do đó, Giáo hội là điều cần thiết được trải nghiệm không phải như một thực tại tôn giáo tự biện minh, mà như giá trị giới hạn chủ quan; không như một cơ thể sống, mà như một định chế chính thức [2].
Do đó, đời sống tôn giáo mang tính cá nhân chủ nghĩa, rời rạc, và phi xã hội. Cá nhân sống cho chính mình. Đối với nhiều người, “bản thân tôi và Đấng dựng nên tôi” là công thức chuyên nhất. Cộng đồng không đứng hàng đầu; nó chiếm vị trí thứ hai. Nó không còn là một thực tại tự nhiên tự nó tồn tại trước. Nó hẳn được người ta nghĩ ra, được mong muốn, được cố ý lập ra. Người ta tin rằng một cá nhân nào đó đã tiếp cận một cá nhân khác, và hùn hạp với người này. Nhưng ngay từ đầu, anh ta không liên kết với một nhóm bằng hữu nào cả, không là thành viên của một cộng đồng hữu cơ, chia sẻ cuộc sống chung của nó. Quả thực, không có cộng đồng, chỉ đơn thuần là một tổ chức máy móc, và điều này, trong lĩnh vực tôn giáo cũng như trong mọi lĩnh vực khác. Trong việc thờ phượng Thiên Chúa, các tín hữu ý thức được một cách ít ỏi xiết bao bản thân họ như một cộng đồng! Cộng đồng đã tan rã xiết bao ngay trong lòng nó! Cá nhân giáo dân ý thức ít ỏi xiết bao về giáo xứ của họ, và chính Bí tích cộng đồng – tức việc Rước lễ – bị quan niệm trong một tinh thần cá nhân chủ nghĩa biết dường nào!
Thái độ trên được tăng cường bởi một nhân tố khác - tính khí duy lý của thời đại. Chỉ riêng điều đó được thừa nhận, nó vốn là điều có thể “nắm được” (comprehended) và “tính toán được”. Người ta đã có mưu toan thay thế các phẩm tính của mọi vật, như đã được ban cho trong tính thống nhất không thể hủy tiêu của đối tượng cụ thể, bằng các nhóm liên hệ được xác định một cách toán học; thay thế sự sống bằng các công thức hóa học. Thay vì linh hồn, người ta nói tới các diễn trình tâm linh [psychic]. Sự thống nhất sống động của nhân cách bị xem như một mớ sự kiện và hoạt động. Thời đại chỉ liên hệ trực tiếp với điều có thể chứng minh được bằng thử nghiệm. Điều gì nằm phía sau những điều có thể được các giác quan tri nhận, trước hết phải được làm cho đáng tin cậy bởi một diễn trình suy tư khác biệt. Các tầng sâu đầy mầu nhiệm của nhân cách cá nhân, bất cứ điều gì di chuyển và sống trong linh hồn, đều bị nghi vấn. Và sự thống nhất siêu ngã [supra-personal] của cộng đồng đã không còn được ai nhìn thấy nữa. Cộng đồng bị coi như một tập hợp đơn thuần các cá nhân, như một tổ chức mục đích và phương tiện. Bản thể mầu nhiệm của nó, sức mạnh sáng tạo của nó và các quy luật hữu cơ điều khiển sự tăng trưởng và phát triển cộng đồng, vẫn không thể nào tiếp cận được.
Tất cả các điều trên tự nhiên tạo ảnh hưởng của nó đối với quan niệm của người ta về Giáo hội. Trước hết, Giáo Hội xuất hiện như một định chế hợp pháp nhằm các mục đích tôn giáo. Không có tri nhận giới hạn nào đối với yếu tố mầu nhiệm trong Giáo Hội, thực thế, mọi sự đều nằm sau những mục tiêu có thể sờ thấy và trong các định chế hữu hình của Giáo Hội, và được diễn tả bằng khái niệm vương quốc của Thiên Chúa, Thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô.
* * * * *
Tuy nhiên, toàn bộ thái độ trên đang trải qua một thay đổi sâu xa. Nhiều sức mạnh mới mẻ đang hoạt động rộn ràng trong những tầng sâu thẳm đầy mầu nhiệm của bản chất con người trong đó các phong trào trí thức và tâm linh, hiện đang lên khuôn cho đời sống văn hóa nhân loại, nhận được gốc rễ và hướng đi của chúng. Chúng ta ý thức thực tại như một sự kiện hàng đầu. Nó không còn là một điều gì đó đáng ngờ nữa khiến ta được khuyến khích rút lui khỏi nó vì tính hợp lý luận lý xem ra còn vững chắc hơn và an toàn hơn. Thực tại trở nên vững chắc, thực sự vững chắc hơn, bởi vì có đó, phong phú hơn và toàn diện nhiều hơn. Bằng chứng đang tích lũy cho thấy người ta hiện sẵn lòng chấp nhận thực tại cụ thể như một sự kiện hiển nhiên, và dựa sự thật trừu tượng trên nó. Chúng ta không cần phải ngạc nhiên đối với Chủ nghĩa duy danh [Nominalism] mới này nữa. Ý thức thực tại đã bừng nở trên nhân loại với sức mạnh của một kinh nghiệm mới mẻ và đầy tính bản vị. Thời đại chúng ta đang tái khám phá đúng theo nghĩa đen rằng mọi sự vật đang hiện hữu, và hơn thế nữa với cá tính khôn lường, vì đầy sáng tạo và độc đáo. Điều cụ thể, trong sự viên mãn vô biên của nó, một lần nữa được cảm nghiệm, và niềm hạnh phúc được có khả năng dấn thân vào nó và nhập cuộc vào nó. Nó được cảm nghiệm như sự tự do và phong phú – tôi có thực, và cả điều này nữa cũng thế, tức điều đang đối diện với tôi trong sự phong phú tự xác định của nó! Và suy nghĩ là một mối liên hệ sống động giữa tôi và nó – có lẽ, ai mà biết được, cũng giữa nó và bản thân tôi? Hành động là một thông đạt thực sự với nó. Đời sống là một phát triển bản thân thực sự, một tiến bộ nơi sự vật, một hiệp thông với các thực tại, cho và nhận hỗ tương. Sự xa cách cực kỳ quan yếu mà trước đây được coi là tuyệt đỉnh của tính hợp lý, ngày càng trở nên không thể hiểu được nhiều hơn đối với chúng ta, một giấc mơ kinh hoàng, từng giam cầm con người trong một thế giới ý niệm trống rỗng, hết sinh khí, bị cắt đứt khỏi sự sống xum xuê của thế giới đời thực. Chủ nghĩa duy tâm hiện đại – mà chống lại nó các cuộc tấn công của luận lý bấy lâu nay tỏ ra vô dụng, vì nền tảng của hệ thống không phải là bằng chứng, mà là nền giáo điều trong thái độ tinh thần của toàn bộ thời đại - không còn cần phải bác bỏ nữa. Đáy đã rơi khỏi nó. Phép thuật của nó đã bị phá tan, và chúng ta tự hỏi nó ra sao mà chúng ta đã phải chịu đựng nó quá lâu như thế. Một sự thức tỉnh lớn lao đối với thực tại đang diễn tiến.
Và hơn nữa nó còn là một sự thức tỉnh đối với thực tại siêu hình. Tôi không tin rằng bất cứ người nào không ương ngạnh trì chí, không bám vào một thái độ được chấp nhận lâu trước đây, bất kỳ người nào đang sống trong thời đại hoặc thậm chí đi trước thời đại chúng ta, còn nghi ngờ thực tại của linh hồn một cách nghiêm túc nữa.
Đã có người nói tới một “thế giới đối tượng tâm linh” nghĩa là, thể tâm lý [the psychic] được cảm nghiệm như đủ thực chất để chúng ta nhất thiết phải chấp nhận toàn bộ trật tự vượt ra ngoài thể khả giác. Nhiệm vụ khó khăn hơn đối với nhà khoa học bây giờ là thực hiện bước chuyển tiếp từ lời phủ nhận trước đây, vốn đã trở thành một tín điều khoa học, bước qua việc thừa nhận thực tại hiển nhiên không thể tránh khỏi là linh hồn hiện hữu. Và sự hiện hữu của Thiên Chúa cũng hiển nhiên như vậy. Thuyết duy linh [Spiritualism] và thông nhân học [anthroposophy] – tự chúng vốn hết sức bất cập – chứng tỏ ý thức về thực tại siêu hình đã trở nên mạnh mẽ ra sao. Đứng trước các phong trào như thế, chúng ta thấy mình có nghĩa vụ bảo vệ tính thiêng liêng tinh tuyền của Thiên Chúavà linh hồn, trong khi đề cao thực tại trong trật tự riêng của các đối tượng thực nghiệm. Và sự hồi sinh kiểu tư duy như Platông cũng có cùng một phương hướng như thế. Các hình thức tâm linh một lần nữa được xem là các lực lượng siêu hình, và không còn chỉ đơn thuần tham dự vào cấu trúc luận lý của ý thức nữa. Và nhiều dấu hiệu khác của cùng xu hướng có thể được viện dẫn.
Cộng đồng được chấp nhận hoàn toàn một cách trực tiếp. Thái độ rút lui vào pháo đài cấm cửa của chính mình không còn được coi như thái độ cao quý duy nhất nữa, như hai mươi năm trước đây. Ngược lại, nó bị coi như không thể biện minh được, cằn cỗi và bất lực. Cũng mạnh mẽ như cảm nghiệm mọi sự đều hiện hữu và thế giới hiện hữu, là cảm nghiệm này: con người hiện hữu. Thật vậy, điều vừa rồi mạnh mẽ hơn nhiều, vì nó ảnh hưởng đến chúng ta một cách thân thiết hơn. Có những hữu thể nhân bản như chính tôi. Mỗi hữu thể đều giống như tôi, nhưng mỗi hữu thể cũng là một thế giới riêng của mình, có giá trị độc đáo.
Và từ nhận thức này nảy sinh niềm tin say mê này là: tất cả chúng ta thuộc về nhau; đều là anh chị em. Giờ đây, người ta coi như hiển nhiên việc cá nhân là thành viên của cộng đồng. Cộng đồng không bắt nguồn từ một người tự gắn mình với người khác hoặc từ bỏ một phần tính độc lập của mình. Cộng đồng cũng là một thực tại đệ nhất đẳng như sự hiện hữu của cá nhân. Và nhiệm vụ xây dựng cộng đồng cũng đệ nhất đẳng và nền tảng như nhiệm vụ hoàn thiện nhân cách.
Và ý thức phụ thuộc lẫn nhau này bảo đảm một biểu thức có ý nghĩa nhất; nó khai triển thành ý thức quốc gia. "Nhân dân" không có nghĩa là quần chúng, hoặc những người vô văn hóa hoặc "những người bán khai", những người mà đời sống tinh thần và tâm linh cũng như hệ thống sự kiện và giá trị của họ như chưa được phát triển. Tất cả những cách sử dụng thuật ngữ này bắt nguồn từ các ý niệm của chủ nghĩa tự do, phong trào ánh sáng ["Aufklarung"] và chủ nghĩa duy cá nhân. Giờ đây, một lưu ý hoàn toàn mới đang được nói ra; một điều gì đó có tính yếu tính đang được phát sinh. "Nhân dân" là sự liên hợp đệ nhất đẳng của các hữu thể nhân bản theo chủng tộc, xứ sở và các tiền nhân lịch sử có cùng một cuộc sống và số phận. Nhân dân là một xã hội loài người duy trì một sự liên tục không gián đoạn với gốc rễ bản nhiên và sự sống, và tuân theo luật lệ nội tại của họ. Nhân dân chứa đựng – không về mặt con số hoặc về mặt định lượng, nhưng về mặt phẩm chất yếu tính – toàn bộ nhân loại, ở mọi lứa tuổi, giới tính, tính khí, tình trạng tinh thần và thể chất; mà chúng ta phải thêm vào đó tổng số công việc và phạm vi sản xuất của nó như được xác định bởi giai cấp và ơn gọi. Nhân dân là nhân loại trong tính toàn diện triệt để của nó. Và một người thuộc "nhân dân" khi họ ôm lấy, có thể nói như thế, toàn bộ điều này trong chính họ. Con số ngược lại của họ là người "có văn hóa". Người này không phải là nhân dân, phát triển và trở nên trí thức, mà là một người được đào tạo sai, một chiều, mất phẩm giá và mất gốc. Họ là sản phẩm của chủ nghĩa nhân bản, và trên hết là Phong trào Ánh sáng [“Aufklarung”]. Họ là một loại nhân bản tự cắt rời khỏi các mối liên hệ khiến đời sống vật chất và tinh thần của con người trở thành hữu cơ. Họ đã, một mặt, rơi vào thế giới trừu tượng, mặt khác, rơi vào lĩnh vực vật chất thuần túy; khỏi sự kết hợp với thiên nhiên rơi vào kinh viện và giả tạo thuần túy; khỏi cộng đồng rơi vào cô lập. Niềm khao khát sâu sắc nhất của họ nên là được một lần nữa trở thành một người của nhân dân; không phải bằng những nỗ lực lãng mạn để phù hợp với những ý tưởng và phong tục phổ biến, nhưng bằng cách đổi mới tinh thần nội thẳm nhất của họ bằng việc tiệm tiến trở lại với cuộc sống đơn giản và trọn vẹn. Phong trào Thanh niên là một nỗ lực trong phương hướng này.
Và một thực tại mới đang bắt đầu xuất hiện trên đường chân trời. Ở đây, việc sử dụng từ ngữ cũng cần được thanh lọc. Nó không cần phải biểu thị quan niệm duy lý "nhân loại", nhưng là sự thống nhất sống động của loài người, của huyết thống, số phận, trách nhiệm và lao động; tình liên đới kia vốn thành định đề nhờ tín điều về tội nguyên tổ và ơn cứu chuộc đền thay, những mầu nhiệm không một nhà duy lý nào có thể hiểu được.
Bản ngã cá nhân ý thức được sự phong phú không chỉ nhờ trải nghiệm được những điều có thực, mà còn nhờ cộng đồng, vốn mở rộng sự tự ý thức về mình thành một ý thức về một bản ngã cộng đồng. Nhờ một thiện cảm trực tiếp, những gì thuộc về người khác trở thành của riêng tôi, và những gì thuộc về tôi trở thành của người ấy.
Cộng đồng được hình thành trọn vẹn có được sự hiện hữu của nó là nhờ sự kết hợp giữa nhận thức thực tại khách quan và ý thức cộng đồng. Luật pháp, công lý và trật tự của xã hội được coi là những hình thức nhờ đó cộng đồng hiện hữu và hoạt động và duy trì nền tảng sự ổn định của nó. Chúng không phải là các giới hạn đối với cuộc sống, mà là các tiền giả định của nó. Chúng không làm tê liệt nó, nhưng cho nó sức mạnh và giúp nó lên sinh lực. Tất nhiên, đến lượt chúng, chúng phải thực sự sống động. Và những thay đổi sâu xa sẽ diễn ra trong Cơ cấu Xã hội, các thay đổi luật lệ chẳng hạn, ngay khi người ta hiểu ra một cách tổng quát hơn rằng một cộng đồng quốc gia trưởng thành không cần một hệ thống luật lệ công cộng có tính cá nhân chủ nghĩa nhưng là một hệ thống có tính cộng đồng; không phải một hệ thống các nguyên tắc trừu tượng chỉ có trên giấy tờ, nhưng là một hệ thống được định hình bởi sự phát triển đầy sức sống của cộng đồng; rằng hiến pháp của nó không thể là sản phẩm của lý luận trừu tượng nhưng phải phát triển từ hữu thể và cuộc sống thực sự của dân tộc này [3].
Cùng một cách tương tự, dòng suối sự sống cũng đã phá bờ. Sát cánh với lý trí và ngang hàng với nó, là ý chí, sức mạnh sáng tạo và cảm quan. Được ban cho tầm quan trọng bằng, thực sự lớn hơn việc làm. Phát triển và lớn mạnh ngang hàng hoặc cao hơn hành động; Nhân cách mà chính thực tại của nó trước đây vốn từng bị nghi vấn nay được chấp nhận như đối tượng hiển nhiên nhất hoặc quen thuộc nhất của kinh nghiệm. Tính không thể hiểu được của nó là một dữ kiện cũng đệ nhất đẳng như tính có thể hiểu được về luận lý trong khái niệm trừu tượng của nó. Và vấn đề cần được giải quyết là mối liên hệ giữa khái niệm và trực giác, lý thuyết và kinh nghiệm, hiện hữu và hành động, hình thức và sự sống; cách trong đó một người phụ thuộc vào ngườ khác để hiện hữu, và sự thống nhất đạt được nhờ sự kết hợp của tất cả các nhân tố này.
Sự sống đó cũng đang khuấy động trong ý thức của chúng ta về cộng đồng. Chúng ta ý thức ngay lập tức và một cách sắc bén về cuộc sống cộng đồng mang chúng ta về dòng sống của nó, về những tầng sâu sáng tạo mà từ đó hữu thể và việc làm của cộng đồng phát sinh, vì chúng ta là hình thức nó mặc lấy và là luận lý được hình thức này diễn đạt. Sinh học, và hơn thế nữa, hữu thể học về cộng đồng đang được khai mở – các định luật trong bản chất thể lý và tinh thần của nó, nhịp điệu hữu cơ và các điều kiện quyết định sự phát triển, cũng như tập quán và văn hóa của nó; ý nghĩa yếu tính của các hiện tượng luân lý của nó; bản chất các định chế như gia đình, thị trấn, Nhà nước, luật pháp và tài sản.
* * * * *
Những thay đổi mang tính cách mạng đó nhất thiết phải có vang dội trong cộng đồng tôn giáo. Thực tại của sự vật, thực tại của linh hồn và thực tại của Thiên Chúa, giáp mặt với chúng ta với một tính ấn tượng mới. Đời sống tôn giáo, trong đối tượng, nội dung và sự phát triển của nó, cũng là thực tại; mối quan hệ giữa linh hồn sống động và Thiên Chúa hằng sống; một cuộc sống thực hướng về Người. Nó không phải là một cảm xúc đơn thuần hay lý thuyết đơn thuần; nó là bắt chước, vâng lời, tiếp nhận và cho đi [4]. Trong phong trào Thanh niên, trong đó các động cơ của thời đại mới phải được tìm kiếm, câu hỏi căn bản không còn là "Thiên Chúa có hiện hữu không?" nhưng “Người như thế nào? Tôi sẽ tìm thấy Người ở đâu? Làm thế nào để tôi hướng về Người? Làm sao tôi có thể đến được với Người?” Không còn phải là "Chúng ta có nên cầu nguyện không?" nhưng "Chúng ta nên cầu nguyện như thế nào?" không phải "Phong trào khổ hạnh có cần thiết không?" nhưng là "Loại khổ hạnh nào?"
Trong mối quan hệ tôn giáo này, đồng loại của chúng ta đóng một phần quan trọng.
Cộng đồng tôn giáo hiện hữu. Nó cũng không phải là một tập hợp của cá nhân tự lấy mình làm đủ, nhưng là thực tại thấu hiểu các cá nhân – tức Giáo hội. Giáo Hội ôm lấy người ta; Giáo Hội ôm lấy nhân loại. Giáo Hội thậm chí lôi cuốn cả các sự vật, thực sự, toàn thế giới, vào chính mình. Do đó, Giáo hội đang lấy lại tính rộng rãi vũ trụ từng là của Giáo Hội trong các thế kỷ đầu tiên và thời Trung cổ. Quan niệm về Giáo hội như "Corpus Christi mysticum" (nhiệm thể Chúa Kitô), vốn được khai triển trong các thư của Thánh Phaolô gửi cho tín hữu Êphêsô và Côlôsê, đang thủ đắc được một sức mạnh hoàn toàn mới. Dưới Chúa Kitô là Đầu, Giáo hội quy tụ lại với nhau “tất cả những gì ở trên trời, dưới đất, và dưới mặt đất”. Trong Giáo hội, mọi sự – thiên thần, con người, và sự vật – được liên kết với Thiên Chúa. Trong Giáo Hội, sự tái sinh vĩ đại đã bắt đầu mà vì nó toàn bộ sáng thế đang “rên rỉ và trong tình trạng lâm bồn”.
Sự thống nhất đó không phải là một trải nghiệm hỗn loạn; nó không đơn thuần chỉ là bộc phát của cảm xúc. Chúng ta quan tâm đến một cộng đồng được hình thành và định hình bởi tín điều, giáo luật và nghi lễ. Nó không chỉ đơn thuần là một xã hội, mà là một cộng đồng tôn giáo; không phải là một phong trào tôn giáo, nhưng chính là đời sống của Giáo hội; không phải là một chủ nghĩa lãng mạn tâm linh, nhưng là chính sự hiện hữu của Giáo Hội.
Tuy nhiên, ý thức về cộng đồng này đã được một ý thức về cuộc sống siêu nhiên nắm bắt và thấm nhiễm.
Như trong lĩnh vực tâm lý học tự nhiên "sự sống", vốn cùng một lúc hết sức mầu nhiệm, nhưng lại hết sức hiển nhiên hoàn toàn, đang được khắp mọi nơi công nhận, cả nó cũng nằm trong lĩnh vực siêu nhiên.
Ơn thánh là sự sống thực sự; hoạt động tôn giáo là sự phát triển của một sinh khí cao hơn; cộng đồng đang tham gia vào một sự sống chung, và tất cả các hình thức đều là hình thức của sự sống.
Và nếu trong lĩnh vực tự nhiên, chúng ta đã lãnh hội được một viễn kiến rõ ràng đối với các định luật cơ cấu và mục đích hữu cơ của sự sống; nếu chúng ta đã khám phá ra cách một sự vật phù hợp với một sự vật khác và các mục tiêu tri thức của con người nằm ở đâu; nếu ý thức về hữu cơ đã được đánh thức ở khắp nơi, thì cùng một điều này đang xảy ra ở đây. Các công thức sâu sắc của thần học một lần nữa cho thấy ý nghĩa bất tận của chúng đối với đời sống thiêng liêng mọi ngày. Sự sống của chúng ta, bất luận là sự sống của một cá nhân, hay sự sống của Giáo Hội, đều ở “trong Chúa Kitô, qua Chúa Thánh Thần tới Chúa Cha". Chúa Cha là Mục tiêu, và viễn kiến duy nhất đem lại mục tiêu cố định tập chú vào Người, Đối tượng vĩ đại và cuối cùng [5]. Người là quyền lực tối cao hơn hết và bao trùm mọi vật, và là sự khôn ngoan tràn ngập khắp thế giới, là sự cao cả nâng chúng ta ra khỏi những nẻo đường chật hẹp. Chúa Con là Đường, như chính Người đã nói với chúng ta. Bằng Lời của Người, bằng cuộc sống của Người, và bằng trọn Hữu thể của Người, Người mạc khải Chúa Cha và dẫn chúng ta đến với Chúa Cha: "Không ai đến với Chúa Cha nếu không qua tôi" Ai nhìn nhận Chúa Kitô, ai "thấy" Người, "Cũng thấy Chuá Cha". Theo tỷ lệ chúng ta trở thành một với Chúa Kitô, chúng ta mới đến gần Chúa Cha hơn. Và Chúa Thánh Thần, Thần khí của Chúa Giêsu, là Nhà Lãnh đạo, và chỉ đường cho chúng ta. Người ban cho ta ân sủng của Chúa Kitô, giảng dạy sự thật của Chúa Kitô, và làm cho các mệnh lệnh của Chúa Kitô được thi hành. Đây là lề luật điều hành việc tổ chức đời sống Kitô hữu – lề luật của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chỉ nơi nào có trật tự, Thiên Chúa mới ở đó. Chúa Cha đã sai Chúa Con, và Chúa Con đã sai Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha. Trong Giáo Hội, chúng ta trở nên một với Chúa Thánh Thần; Người hợp nhất chúng ta với Chúa Con, “và Người chắc chắn sẽ lấy của riêng và ban cho chúng ta”. Và trong Chúa Kitô, chúng ta trở về với Chúa Cha.
* * * * *
Một biến cố có tầm quan trọng to lớn đã xảy ra. Đời sống tôn giáo không còn chỉ xuất hiện trong bản ngã, nhưng đồng thời ở cực đối lập, trong cộng đồng khách quan và đã hình thành. Sự sống cũng bắt nguồn ở đó và do đó là sự chuyển động qua lại giữa hai cực này. Một lần nữa, nó là điều tự bản chất của nó vốn nên là, một hiện tượng căng thẳng, một cung lửa. Và nó chỉ trọn vẹn và tự do khi diễn trình của nó là một chiếc cung phát xuất từ hai cực. Mục tiêu không còn đơn thuần là ranh giới của chủ thể mà tôn giáo, theo nghĩa hẹp, bị giới hạn vào. Nó là một nhân tố có tính yếu tính của đời sống tôn giáo, được ban cho từ chính thuở ban đầu. Đó là giả định và nội dung của tôn giáo.
* * * * *
Đời sống tôn giáo được giải thoát khỏi sự giam hãm sinh tử bên trong chủ thể, và tự lôi cuốn vào mình sự viên mãn hoàn toàn của thực tại khách quan. Như trước đây Thời Trung cổ, mọi sự đang quay về với lĩnh vực tôn giáo, và hơn nữa với một màu sắc tôn giáo và như các giá trị tôn giáo.
Phần còn lại của nhân loại và sự vật trên thế giới này một lần nữa được phú bẩm cho một bầu không khí tôn giáo và tầm quan trọng tôn giáo sâu sắc. Kết quả là cảm quan đối với tính biểu tượng đang trở lại; các vật cụ thể một lần nữa trở thành các phương tiện và phát biểu của thực tại tâm linh. Chúng ta hiểu mọi bộ phận của thế giới thực có thể tìm thấy chỗ đứng của nó ra sao trong các nhà thờ chính tòa của thời Trung cổ, trong các “tổng luận” ["Summas"], trong các lịch sử phổ quát, các bách khoa toàn thư và chu kỳ truyền thuyết, và hơn nữa không phải như một phụ kiện không thích hợp, không phải như một phúng dụ [allegory] cài đặt từ bên ngoài, nhưng đầy nội dung tôn giáo và được phú ban một đặc tính tâm linh. Nhiều dấu hiệu cho thấy việc tái xuất hiện của một thế giới tôn giáo. Tuy nhiên, đây là một Giáo hội biết qui tụ dưới một vị đứng đầu "những gì ở trên trời, dưới đất và dưới lòng đất".
Thời điểm dường như đang đến gần cho một nền nghệ thuật tôn giáo đích thực, một nền nghệ thuật sẽ không bằng lòng diễn tả chủ thể tôn giáo bằng một bút vẽ không được thánh hiến, nhưng sẽ coi toàn bộ thế giới một cách tâm linh như một vương quốc thực tại bao la, bao gồm các quyền lực tốt và xấu [6], và trong đó Vương quốc của Thiên Chúa sẽ bị bão tố lay động.
Tuy nhiên, có thể tóm gọn tất cả những điều trên trong một từ ngữ: “Giáo Hội" Sự kiện kinh ngạc là Giáo hội một lần nữa đã trở thành một thực tại sống động và chúng ta hiểu rằng Giáo hội thực sự là Một và là Tất cả. Chúng ta lờ mờ đoán được một điều gì đó đầy say mê mà nhờ nó, các vị thánh vĩ đại đã bám lấy Giáo hội và chiến đấu cho Giáo Hội. Trong quá khứ, lời nói của các vị đôi khi nghe như các cụm từ trống rỗng. Nhưng bây giờ một ánh sáng đang bừng nở! Nhà tư tưởng, ngây ngất trong tinh thần, sẽ tri nhận được trong Giáo hội sự tổng hợp tối hậu và rộng lớn của mọi thực tại. Nhà nghệ thuật, với một sức mạnh đẩy lòng họ vào những tầng sâu thẳm, sẽ cảm nghiệm trong Giáo hội sự biến đổi cùng khắp, sự sàng lọc tinh tế và sự hiển dung tuyệt vời của mọi thực tại bằng vẻ rạng rỡ và vẻ đẹp tuyệt vời. Người biết nỗ lực luân lý sẽ thấy nơi Giáo hội sự viên mãn của hoàn thiện sống động, trong đó mọi khả năng của con người được đánh thức và được thánh hóa trong Chúa Kitô; sức mạnh tương phản một cách không khoan nhượng Có và Không, và đòi một chọn lựa giữa chúng; cuộc chiến quyết tâm cho Vương quốc Thiên Chúa chống lại điều ác.
Đối với nhà chính trị - độc giả hãy quên đi sự xấu xí vốn thường được ngụ ý trong thuật ngữ này; nó mới có thể mang một ý nghĩa cao quý – Giáo hội được mạc khải như là trật tự tối cao trong đó, mọi sinh linh đều tìm thấy sự nên trọn của nó và nhận ra toàn bộ ý nghĩa của hữu thể cá nhân của mình. Nó đạt được điều này trong mối liên hệ với các hữu thể và toàn bộ, và chính nhờ tính chất cá nhân độc đáo của mình, nó kết hợp với các đồng loại của nó để xây dựng “Kinh thành” [Civitas] tuyệt vời, trong đó mọi lực lượng và mọi tính đặc thù cá nhân rất sống động, nhưng đồng thời cũng rất vâng theo trật tự vũ trụ bao la phát xuất từ Thiên Chúa, Tam Vị Nhất Thể. Đối với người có tâm tính xã hội, Giáo hội cung cấp cảm nghiệm chia sẻ không dè dặt, trong đó tất cả đều thuộc về mọi người, và tất cả đều là một trong Thiên Chúa, hoàn toàn đến nỗi ta sẽ không thể hình dung được một sự thống nhất nào sâu sắc hơn.
Tuy nhiên, tất cả những điều trên không bị giới hạn trong sách vở và các bài diễn văn, mà phải tạo hiệu quả khi Giáo hội chạm tới cá nhân một cách gần gũi nhất - trong giáo xứ. Nếu diễn trình vốn được biết dưới tên “phong trào Giáo hội” đạt được tiến bộ, nó buộc phải dẫn tới việc đổi mới ý thức giáo xứ. Đây là đường lối được chỉ định trong đó Giáo hội phải trở thành một đối tượng của kinh nghiệm bản thân. Thước đo lòng trung thành đích thực của cá nhân– chứ không chỉ trong lời nói – đối với Giáo hội hệ ở mức độ họ sống với Giáo hội, biết rằng họ cùng chịu trách nhiệm chung đối với Giáo hội, và làm việc cho Giáo hội. Và ngược lại, các biểu hiện khác nhau của đời sống giáo xứ, đến lượt chúng, phải sao đó để cá nhân có thể hành xử theo cách này. Cho đến nay, chính đời sống giáo xứ đã bị nhiễm sâu xa bởi tinh thần cá nhân chủ nghĩa mà chúng ta đã nói ở trên. Quả thực, làm thế nào, nó có thể khác đi được?
Và Thêm sức là Bí tích nhờ đó Kitô hữu bước vào liên hệ đầy đủ với Giáo hội. Nhờ bí tích Rửa tội, họ đã trở thành một chi thể của Giáo hội, nhưng nhờ Bí tích Thêm sức, họ mới trở thành một trong những công dân của Giáo hội, nhận được sự ủy nhiệm và quyền hạn tự nhận lấy cho mình sự viên mãn của đời sống Giáo hội và bản thân để thi hành – theo mức độ và cách thức tương ứng với vị trí của mình như một giáo dân - "chức linh mục hoàng gia của dân thánh”.
* * * * *
Chính trong ánh sáng của những gì đã nói mà chúng ta có thể hiểu phong trào phụng vụ. Đây là một phong trào đặc thù mạnh mẽ và là một phong trào cự kỳ hiển hiện từ bên ngoài hơn là bên trong “phong trào Giáo hội”; đúng hơn, nếu xét phong trào sau ở khía cạnh chiêm niệm của nó. Qua nó, Giáo hội bước vào đời sống cầu nguyện như một thực tại tôn giáo và đời sống của cá nhân trở thành một phần cấu tạo ra đời sống của Giáo hội.
Ở đây, cá nhân là một người trong dân, không phải như thành viên của một nhóm nghệ sĩ và nhà văn bí truyền, chẳng hạn như, trong các cuốn sách của J. K. Huysmans, nhưng trong yếu tính là một người trong dân. Có nghĩa là, họ được bao gồm trong sự hợp nhất trong đó, cùng một lúc, có chỗ dành cho cả người trung bình lẫn những người có khả năng anh hùng phi thường hơn hết, sự hợp nhất bao gồm cả bề mặt lẫn những gốc rễ sâu nhất của nhân tính, lương tri rắn chắc và thông thường cùng với tính huyền nhiệm sâu sắc, một tính huyền nhiệm thậm chí biết bao gồm cả những niềm tin bình dân thô thiển gần như mê tín dị đoan: và tuy nhiên, nó lại có năng quyền duy nhất trong việc xét đoán các thực tại của đời sống và của Giáo hội vì chỉ có nó mới thực sự đối diện với đời sống – các khả thể phát triển của nó bị cản trở trong vô số khía cạnh bởi nghèo đói và môi trường chật hẹp xung quanh, nhưng nhìn chung, nó là nhân tính duy nhất trọn vẹn. Trong yếu tính, phụng vụ không phải là tôn giáo của các bậc trí giả, nhưng là tôn giáo của người dân (xem trang 19). Nếu người dân được giáo huấn đúng cách, và phụng vụ được thực hiện đúng cách, họ sẽ biểu lộ một cách hiểu đơn giản và sâu sắc về nó. Vì người dân không phân tích các khái niệm, nhưng suy niệm. Người dân sở hữu tính toàn vẹn bên trong của hữu thể tương ứng hoàn toàn với tính biểu tượng của ngôn ngữ, hình ảnh, hành động và đồ trang trí phụng vụ. Các bậc trí giả trước hết phải làm quen với thái độ này; nhưng đối với người dân, luôn là điều không thể nào quan niệm được nếu tôn giáo phải tự phát biểu bằng những ý tưởng trừu tượng và các khai triển hợp luận lý, chứ không phải bằng hữu thể và hành động, bằng hình ảnh và nghi thức.
Phụng vụ xuyên suốt là thực tại. Chính điều này phân biệt nó với lòng sùng đạo hoàn toàn có tính trí thức hoặc cảm xúc, với chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa lãng mạn tôn giáo. Trong nó, con người giáp mặt với thực tại vật lý – những con người, những sự vật, những nghi lễ, những đồ trang trí – và với các thực tại siêu hình- một Chúa Kitô thực sự, một ân sủng thực sự. Phụng vụ không chỉ đơn thuần là suy nghĩ, cũng không đơn thuần là cảm xúc; trước nhất và quan trọng nhất, nó là phát triển, là tăng trưởng, là chín mùi, hiện hữu. Phụng vụ là một diễn trình nên trọn, một tăng triển hướng đến trưởng thành. Toàn bộ thiên nhiên phải được phụng vụ gợi lên, và vì được ân sủng nắm lấy, phụng vụ phải nắm lấy ân sủng, tinh luyện và tôn vinh nó giống như Chúa Kitô, qua tình yêu bao trùm và mãnh liệt của Chúa Thánh Thần vì vinh quang Chúa Cha, mà sự Uy nghi cao cả vốn thu hút mọi loài về với Người.
Như thế, phụng vụ bao hàm mọi hữu thể hiện hữu, các thiên thần, con người và sự vật; mọi nội dung và sự kiện của cuộc sống; nói tóm lại, là toàn bộ thực tại. Và ở đây, thực tại tự nhiên trở thành lệ thuộc siêu nhiên; thực tại tạo vật có liên quan với thực tại không tạo dựng.
Thực tại đầy đủ trên được hình thành bởi các định luật xây dựng của Giáo hội – bởi tín điều, luật lệ về chân lý; bởi nghi lễ, bởi luật thờ phượng; và bởi giáo luật, luật trật tự.
Sự phát triển tự nó không diễn ra theo một chương trình hoặc các quy luật được suy nghĩ cẩn thận, nhưng giống như mọi sự sống ngày càng phát triển một cách nhịp nhàng. Nhưng lúc này, chúng ta không thể khai triển thêm điểm này.
Trong cấu trúc không gian, luôn có tỷ lệ và trạng thái cân bằng, còn nhịp nhàng diễn ra theo trình tự - lặp đi lặp lại có hệ thống trong thay đổi, đến nỗi bước sau lặp lại bước trước, nhưng đồng thời vượt quá nó. Bằng cách này, sự sống phát triển đến chỗ viên mãn của nó và sự biến đổi của linh hồn được hoàn thành.
Phụng vụ là một nhịp nhàng độc đáo. Các khám phá khôn lường vẫn đang chờ đợi chúng ta trong lĩnh vực này. Điều thời Trung Cổ cảm nghiệm như một điều tất nhiên, điều vốn đã chứa đựng trong bảng chữ đỏ (rubrics) của Giáo hội, nhưng đã biến mất khỏi ý thức của những người theo đạo, phải được khám phá trở lại.
Tuy nhiên, bản thể của nó là sự sống của Chúa Kitô. Điều Người là và làm đang sống lại như một thực tại huyền nhiệm. Sự sống của Người, thấm nhiễm vào những nhịp nhàng và biểu tượng đó, được đổi mới trong các mùa thay đổi trong năm của Giáo hội và trong bản sắc vĩnh viễn của Hy lễ và Bí tích. Diễn trình này là định luật hữu cơ nhờ đó tín hữu lớn mạnh “trở thành thước đo tuổi sự viên mãn của Chúa Kitô”. Sống theo phụng vụ không có nghĩa là sự nuôi dưỡng thị hiếu văn chương và mơ mộng, nhưng tự khuất phục mình theo trật tự do Chúa Thánh Thần thiết lập; nghĩa là được dẫn dắt bởi sự thống trị và tình yêu của Chúa Thánh Thần tới sự sống trong Chúa Kitô và trong Người cho Chúa Cha.
Chúng ta vẫn còn phải nhận ra việc trên đòi hỏi thứ kỷ luật liên tục nào, thứ đào luyện sâu sắc nào, và thứ rèn luyện đời sống nội tâm nào. Khi chúng ta nhận ra, sẽ không còn ai coi phụng vụ như một thứ duy thẩm mỹ.
Sáng thế như một toàn bộ được bảo bọc trong mối liên hệ với Thiên Chúa do việc cầu nguyện thiết lập ra; sự viên mãn của thiên nhiên, được gợi lên và hiển dung nhờ sự viên mãn của ân sủng, vốn được tổ chức bởi định luật hữu cơ của Thiên Chúa Ba Ngôi, và ngày càng phát triển vững vàng theo một nhịp điệu hoàn toàn đơn giản nhưng phong phú vô hạn; bình chứa và biểu thức sự sống của Chúa Kitô và Kitô hữu - đó chính là phụng vụ. Phụng vụ là sáng tạo, được cứu chuộc và khi cầu nguyện, vì đó là chính Giáo hội đang cầu nguyện.
Vào ngày lễ Ngũ Tuần, khi sự viên mãn của Chúa Thánh Thần xuống trên các tông đồ, tất cả những lưỡi lửa đó không đủ để công bố "các kỳ công của Thiên Chúa".
Thường có vẻ như hơi thở từ cơn bão cực mạnh đó đang khuấy động trong thời đại chúng ta! Tôn giáo của chúng ta trỗi dậy trước mắt chúng ta như một hình dạng uy nghi đến mức khiến chúng ta nghẹt thở.
Nhưng tại sao tôi lại nói về tôn giáo? Các Kitô hữu tiên khởi hay thời Trung cổ có nói về "Tôn giáo" theo nghĩa của chúng ta hay không? Đối với người Công Giáo, liệu có một thứ gọi là “tôn giáo” hay không? Họ là một đứa con của Thiên Chúa hằng sống, và một chi thể của Giáo hội sống động.
Ghi chú
1.Đi ều này và các nhận xét sau đó chỉ nhằm mục đích mô tả cách người ta cảm thấy và ý thức của họ là gì. Nó không quan tâm đến yếu tính và ý nghĩa của chính Giáo hội.
2. Đương nhiên, phần lớn trong chủ nghĩa cá nhân này là cần thiết và đúng sự thật. Những lời phê phán này chỉ nhằm mục đích chống lại tính một chiều sai lầm làm nghèo đi sự sống con người; chống lại chủ nghĩa chủ quan, chứ không chống tính chủ quan. Điều này sẽ hiển nhiên từ tất cả những điều tiếp sau đây.
3. Tại thời điểm này, ý nghĩa thực sự của chính trị trở nên rõ ràng. Nó không phải là kỹ thuật lừa dối, dối trá và bạo lực. Nhưng nó có nghĩa một nghệ thuật cao quý chấp nhận mọi hiện tượng cụ thể của cuộc sống, mọi chủng tộc, mọi giai cấp và chỗ đứng cho mọi người, không vi phạm các đặc tính khác biệt của họ, nhưng một cách khiến cuộc sống và các chức năng kết hợp của họ tạo nên một xã hội mạnh mẽ và giầu tiềm năng. Ở đây, các vấn đề luân lý và giáo dục can thiệp, một điều theo hiểu biết tốt nhất của tôi, hiếm ai ngoại trừ F.W. Foerster đã xử lý một cách nghiêm túc.
4. Sự lặp lại liên tục ý niệm “hiện thực hóa” trong các trước tác của Newman, người từng trải qua cuộc khủng hoảng cá nhân chủ nghĩa hết sức dữ dội, là đáng kể nhất. Qua ý niệm này, ngài có ý nói tới sự biến đổi của một đối tượng từ một thực thể ngôn từ và khái niệm thuần túy trở thành một trải nghiệm, trong đó nó được thấu hiểu như một thực tại. Điều này, ngược lại, sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta trở thành nghiêm túc.
5. Vì điều này đã bị nhiều người lãng quên, nên Harnack đã có thể trình bày thông điệp của Chúa Cha một cách một chiều như là nội dung việc làm của Chúa Kitô, đến nỗi, có thể nói, nó đã mang màu sắc của phái Thệ Phản. Mọi trang của Sách Nguyện [Breviary], mọi lời cầu nguyện trong Thánh lễ đều lớn tiếng công bố rằng mục tiêu và khát vọng của cả đời sống chúng ta là hướng tới Chúa Cha.
6. Vì niềm tin vào điều trái ngược với Thiên Chúa cũng có tính tôn giáo. Chỉ có sự lạnh lùng và tự hào trí thức là phi tôn giáo mà thôi. Ai tin vào ma quỷ như một thực tại, thì khi tin như vậy, cũng tin vào Thiên Chúa.
Kỳ tới: II. GIÁO HỘI VÀ NHÂN CÁCH