1. Đức Giáo Hoàng, các nhà lãnh đạo tôn giáo khác đưa ra lời kêu gọi trước COP26 về biến đổi khí hậu

Đức Thánh Cha Phanxicô và các nhà lãnh đạo tôn giáo khác đã đưa ra lời kêu gọi chung hôm thứ Hai 4 tháng 10 cho Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc, gọi tắt là COP26, vào tháng tới để cổ vũ cho việc đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm cứu hành tinh khỏi “một cuộc khủng hoảng sinh thái chưa từng có”.

Cuộc họp “Niềm tin và Khoa học: Hướng tới COP26” đã quy tụ các nhà lãnh đạo Kitô Giáo giáo bao gồm Đức Tổng Giám Mục Justin Welby của Anh Giáo thành Canterbury và Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, cũng như các đại diện của Hồi giáo, Do Thái giáo, Ấn Độ giáo, Sikh, Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo, Hỏa giáo và Kỳ Na giáo.

“COP26 ở Glasgow tiêu biểu cho một lời triệu tập khẩn cấp nhằm đưa ra các biện pháp ứng phó hiệu quả đối với cuộc khủng hoảng sinh thái chưa từng có và cuộc khủng hoảng về các giá trị mà chúng ta hiện đang trải qua, và nhằm mang lại hy vọng cụ thể cho các thế hệ tương lai,” Đức Giáo Hoàng nói.

“Chúng tôi muốn đồng hành với cuộc họp bằng sự cam kết và sự gần gũi về mặt tinh thần của chúng tôi,” ngài nói trong một bài diễn văn được trao cho những tham dự viên thay vì đọc to trong Điện Benedictionsso của Vatican để những người khác có nhiều thời gian hơn để nói.

Lời kêu gọi, trong đó mô tả biến đổi khí hậu là “mối đe dọa nghiêm trọng”, đã được trao cho Bộ trưởng Ngoại giao Ý Luigi Di Maio và Alok Sharma của Anh, chủ tịch COP26 ở Glasgow.

“Các nhà lãnh đạo đức tin đã đến đây ngày nay đại diện cho khoảng 3/4 dân số thế giới. Ông Sharma nói sau cuộc họp do Vatican, Anh và Ý tổ chức, đó là lý do tại sao tiếng nói của họ lại có ý nghĩa quan trọng.

Đức Tổng Giám Mục Welby, nhà lãnh đạo tinh thần của Anh giáo trên thế giới, đã kêu gọi một “kiến trúc tài chính toàn cầu ăn năn những tội lỗi trong quá khứ”, bao gồm những thay đổi trong các quy định về thuế để thúc đẩy hoạt động xanh.

“Trong 100 năm qua, chúng ta đã tuyên chiến với thiên nhiên. Cuộc chiến chống lại khí hậu ảnh hưởng đến những người nghèo nhất trong chúng ta,” Đức Tổng Giám Mục Welby nói.

Trong lời kêu gọi chung, các đại diện tôn giáo yêu cầu tất cả các chính phủ áp dụng các kế hoạch giúp hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và triệt tiêu mức thải carbon càng sớm càng tốt.

Các quốc gia giàu có hơn phải đi đầu trong việc giảm lượng khí thải của chính họ và tài trợ cho việc giảm mức thải của các quốc gia nghèo hơn.

“Chúng tôi cầu xin cộng đồng quốc tế, tập hợp tại COP26, thực hiện các hành động nhanh chóng, có trách nhiệm và chia sẻ để bảo vệ, khôi phục và chữa lành nhân loại bị tổn thương của chúng ta và ngôi nhà được giao phó cho chúng ta quản lý,” lời kêu gọi này là kết quả sau nhiều tháng họp trực tuyến giữa 40 hay hơn các nhà lãnh đạo tôn giáo.

Một số người tham gia nhấn mạnh rằng không quốc gia nào có thể đi một mình.

Rajwant Singh, một nhà lãnh đạo đạo Sikh từ Hoa Kỳ, cho biết: “Nếu một quốc gia chìm xuống, tất cả chúng ta đều chìm theo”.

Trong bài phát biểu bằng văn bản của mình, Đức Phanxicô nói rằng sự khác biệt về văn hóa và tôn giáo nên được coi là sức mạnh chứ không phải điểm yếu trong việc bảo vệ môi trường.

“Mỗi chúng ta đều có niềm tin tôn giáo và truyền thống tâm linh của mình, nhưng không có biên giới hay rào cản văn hóa, chính trị, xã hội nào ngăn cản chúng ta sát cánh cùng nhau,” ngài nói.


Source:Reuters

2. Lý do Đức Đạt Lai Đạt Ma không được mời đến cuộc họp quan trọng của các nhà lãnh đạo tôn giáo trước thêm COP26

Hôm 4 tháng 10, nhà báo Philiph Pullella của Reuters khi kết thúc cuộc phỏng vấn với Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Bộ trưởng Quan hệ với các dân nước của Vatican đã đặt ra câu hỏi sau:

“Xin Đức Cha giải thích tại sao những người tổ chức sự kiện hôm nay ở Vatican giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo để chuẩn bị cho COP 26 / Glasgow đã không mời Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần lưu vong của các Phật tử Tây Tạng, mà Trung Quốc không công nhận”

Đức Tổng Giám Mục Gallagher trả lời như sau:

“Đức Đạt Lai Lạt Ma biết rõ ngài được Tòa Thánh tôn trọng như thế nào nhưng ngài cũng đánh giá cao rằng mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc rất phức tạp và khó khăn và ngài luôn tôn trọng điều đó và chúng tôi đánh giá rất cao điều đó và vì vậy cuộc đối thoại tiếp tục diễn ra với Phật giáo trên nhiều cấp độ.”

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhận định rằng chính sách ngoại giao hòo hoãn với các chế độ độc tài có nguy cơ làm hạ giảm chứng tá luân lý của Giáo Hội Công Giáo khi Giáo Hội không chống lại sự đàn áp ở Hương Cảng, Trung Quốc, Venezuela, Belarus, Cuba, Nicaragua và những nơi khác.
Source:Sismografo

3. Cảnh giác những hình ảnh ma quỷ đưa ra để cám dỗ những người trẻ tuổi.

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #158: Satanic Images Tempt the Young”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 158. Những hình ảnh Satan cám dỗ người trẻ”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một phụ nữ trẻ, gọi là K, gần đây đã được giải phóng khỏi bị quỷ ám, tạ ơn Chúa. Nhưng Satan không cam chịu một thất bại nặng nề và hiện đang cố gắng giành lại quyền kiểm soát. Những người đã từng bị quỷ nhập trước đây cần phải cảnh giác và sống một cuộc sống mẫu mực, không có bất kỳ sơ hở.

Gần đây, K đã định tắt máy tính và rời khỏi phòng thì một hình ảnh tự động hiện lên trên màn hình. Đó là một bức ảnh quyến rũ của một ngôi sao nhạc pop. Ngôi sao nhạc pop này đã thừa nhận thực hành ma thuật và âm nhạc của cô ấy có những lời hát mang âm hưởng Satan. Trước đây, K là một tín đồ của âm nhạc. Satan biết điểm yếu của K, của chúng ta và dùng chúng để săn đuổi.

Tôi thường được hỏi về những nguy hiểm có thể xảy ra khi xem các bộ phim / chương trình truyền hình miêu tả tích cực về tội ác hoặc phù thủy. Các bậc cha mẹ cũng hỏi về việc con cái họ nghe nhạc kích động, chói tai, hoặc nhạc có chứa thông điệp về Satan. Ai đó có thể bị ám khi làm như vậy hay không?

Trong những năm gần đây, một số thanh thiếu niên đau khổ đã đến gặp tôi cùng với cha mẹ của họ để cầu nguyện giải thoát. Một điểm chung giữa họ là gắn bó với những buổi biểu diễn và âm nhạc đen tối như vậy. Một số thanh niên mắc chứng ma quỷ này đã đi xa đến mức xăm hình ma quỷ lên cơ thể hoặc trang điểm và mặc quần áo giống người Goth.

Kinh nghiệm của chúng tôi cho đến nay cho thấy rằng thực tế chỉ nghe nhạc như vậy hoặc ăn mặc theo phong cách đen tối như vậy sẽ không tự động dẫn đến việc bị ma quỷ khống chế hay chiếm hữu. Nhưng, những hành vi như vậy là một phần của bức tranh lớn hơn, đầy rắc rối.

Sử dụng âm nhạc và chương trình biểu diễn đen tối là dấu chỉ của việc họ đang rơi dần vào thế giới đen tối nói chung. Một số những người trẻ tuổi này đang thực hành ma thuật, bói toán hoặc các hành vi huyền bí khác. Những người khác tham gia các nhóm liên quan đến tâm linh Thời đại Mới. Âm nhạc và video đen tối đã nuôi dưỡng tâm trí họ bằng những thông điệp xấu xa và củng cố mối liên hệ của họ với ma quỷ.

Thủ đoạn của Satan trong trường hợp của cô K là dụ dỗ cô qua sự ưa thích của cô với một ngôi sao nhạc pop có nhiều vấn đề là một lời cảnh báo cho mối nguy hiểm khi đón nhận những hình ảnh từ thế giới bóng tối. Là một nhà tâm lý học, tôi hiểu thanh thiếu niên muốn nổi loạn chống lại xã hội đã được thiết lập; có rất nhiều thứ trong thế giới của chúng ta đã trở nên tồi tệ. Nhưng tuổi trẻ của chúng ta nên cẩn thận với việc kết hợp mình với ma quỷ là kẻ đã dẫn đầu cuộc nổi loạn ban đầu.

K đã khôn ngoan ném đi bộ sưu tập âm nhạc và kỷ vật của ngôi sao nhạc pop của mình. Cô đã học được bài học khó khăn khi bị ác quỷ bị tra tấn. Đối với cả người trẻ và người già, chúng ta nên lấp đầy tâm trí mình bằng những hình ảnh và thông điệp nuôi dưỡng con người mà chúng ta thực sự muốn và được kêu gọi trở thành.
Source:Catholic Exorcism

4. 5 vấn đề chính trong phiên tòa xét xử vụ “tòa nhà London” tại Vatican

Vào ngày 27 tháng 7 vừa qua, phiên tòa lịch sử xét xử “Tòa nhà London” đã bắt đầu, một phiên điều trần ngắn trong đó 10 người - bao gồm cả Hồng Y Angelo Becciu - bị buộc tội với các tội tài chính nghiêm trọng. Sau kỳ nghỉ hè, phiên tòa đã tiếp tục vào ngày 5 tháng 10 và dự kiến sẽ chiếm lĩnh các tin tức hàng đầu liên quan đến Vatican trong vài tháng tới.

Phiên tòa này là một vấn đề nghiêm trọng và có nhiều khả năng có những xuyên tạc làm ngã lòng các tín hữu. Chính vì thế, tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, đã tóm tắt và đưa ra 5 điểm chính sau đây:

Vấn đề thứ nhất: Thiệt hại đối với tài chính của Tòa thánh

Vào năm 2019, sau một báo cáo nội bộ, các quan chức tư pháp Vatican đã mở một cuộc điều tra về các điều kiện mua lại một tòa nhà ở London, tọa lạc tại số 60 Đại lộ Sloane, bởi Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh - là cơ quan hành chính trung ương của Tòa thánh. Khoản đầu tư, bắt đầu vào năm 2013, được tài trợ bằng tiền từ Quỹ Đồng Điền Thánh Phêrô, tức là tiền quyên góp của các tín hữu. Hoạt động này được giao phó cho một chủ ngân hàng người Anh gốc Ý, tên là Raffaele Mincione, và dường như đã bị chuyển hướng khỏi mục đích ban đầu.

Sau một cuộc điều tra kéo dài, các quan chức của văn phòng Chưởng Lý của Vatican tin rằng từ 76 đến 166 triệu euro đã được tính như là chi phí bổ sung mà Tòa Thánh phải gánh chịu. Mười người đã được tòa án quốc gia thành phố Vatican triệu tập để trả lời về hành động của họ.

Vấn đề thứ hai: Lần đầu tiên một Hồng Y bị xét xử bởi các giáo dân

Khởi nguồn của khoản đầu tư là Hồng Y Angelo Becciu, lúc bấy giờ là Tổng Giám Mục Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh (nhân vật “số 3” của Giáo triều Rôma), trước khi được tấn phong Hồng Y và trở thành Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh vào năm 2018. Hồng Y Angelo Becciu, người Ý, quê ở Sardinia đã bị Đức Giáo Hoàng Phanxicô cách chức vào tháng 9 năm 2020, hiện bị buộc tội tham ô, lạm dụng chức vụ và hối lộ.

Trước tiên, Hồng Y Becciu sẽ phải giải thích những điều kiện mà ngài đã cho phép thực hiện hoạt động tài chính này. Ngoài ra còn có vấn đề tuyển dụng Cecilia Marogna, một chuyên gia trong lĩnh vực “ngoại giao không chính thức,” đặt ra nhiều câu hỏi, cũng như khả năng chuyển hướng quỹ sang Sardinia. Mặc dù ngày nay chưa rõ sự liên quan chính xác của vị Hồng Y bị phế truất, nhưng chính bản cáo trạng của ngài đã là một sự kiện lịch sử. Theo kết quả của cuộc cải cách gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô, ngài thực sự là vị Hồng Y đầu tiên bị tòa án dân sự xét xử, đây là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy quá trình cải cách hệ thống tư pháp của Vatican do Đức Giáo Hoàng khởi động.

Vấn đề thứ ba: Sự phơi bày của một hệ thống tham nhũng ở trung tâm của Vatican

Ngoài trường hợp của Đức Hồng Y Becciu, phiên tòa sẽ là một cơ hội để xem xét “Phân Bộ Thường Vụ” hay “Phân bộ thứ nhất” rất kín đáo của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh mà ngài đã đứng đầu trong một thời gian dài. Mauro Carlino và Fabrizio Tirabassi, các thành viên của bộ máy quản trị trung ương tế nhị này, đang bị điều tra. Mối liên hệ của họ với giới kinh doanh Ý, Thụy Sĩ và Anh, cũng như với các cơ quan tài chính của Tòa Thánh, chẳng hạn như Cơ quan Giám sát và Thông tin Tài chính, gọi tắt là ASIF, sẽ được điều tra.

Hồ sơ dầy cộm kèm theo lệnh triệu tập của Chưởng Lý đề cập đến một “hệ thống” tham nhũng thực sự ở trung tâm của quốc gia nhỏ nhất thế giới, cho thấy sự kém cỏi nhất định ở cấp cao nhất. Mặc dù chương trình cải cách tài chính Vatican của Đức Giáo Hoàng Phanxicô dường như đã tiên báo phiên tòa này — Ví dụ, Phân bộ thứ nhất đã bị tước bỏ mọi quyền lực kinh tế vào tháng 12 năm ngoái — phiên tòa này dẫu sao cũng sẽ là phiên tòa xét xử phương thức hoạt động của cơ quan quản lý cấp cao này.

Vấn đề thứ tư: Sự trở lại của những con quỷ cũ

Trong khi triều đại của Giáo hoàng Phanxicô được một số người mô tả là một phong trào hiện đại hóa và đổi mới đối Giáo Hội Công Giáo, thì vụ việc liên quan đến tòa nhà ở London nhắc nhở chúng ta về một truyền thống đáng tiếc ở Vatican: đó là các vụ bê bối tài chính. Chúng là một tội ác thường xuyên trong gần 40 năm, từ vụ bê bối ngân hàng Ambrosiano - bị mafia lợi dụng - cho đến việc chủ tịch Viện Giáo Vụ, tức là ngân hàng Vatican, bị kết tội vào tháng Giêng năm ngoái. Những sự việc tưởng chừng đã bị lãng quên này lại tái hiện một cách đột ngột sau bản cáo trạng của Cecilia Marogna. Cuốn sổ địa chỉ của bà cố vấn Cecilia Marogna này, được người Ý gọi một cách tinh quái là “Phu nhân Hồng Y”, chứa tên của những nhân vật khét tiếng, đặc biệt là một số thành viên của nhóm “Nhà nghỉ P2” khét tiếng trong vụ tai tiếng Ambrosiano, và các tay súng của nhóm mafia Cosa Nostra.

Vấn đề thứ năm: Uy tín của Vatican đang bị đe dọa

Phiên tòa hầu chắc sẽ là một thời khắc quyết định đối với uy tín của Giáo Hội Công Giáo và triều đại của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Trước hết, về mặt tài chính: ngoài những thiệt hại trực tiếp, gây bất lợi cho hoạt động đúng đắn của Tòa thánh đang gặp khó khăn về tài chính, việc sử dụng tiền của các tín hữu vào hoạt động — sau này được Tòa thánh hoàn trả lại— là một tình tiết gia trọng. Vatican sợ rằng giáo dân, do một số vụ bê bối, sẽ ngừng tài trợ cho Tòa thánh… Và trên thực tế, việc giảm các khoản quyên góp đã có thể quan sát được.

Từ một góc độ khác, số phận của Hồng Y Becciu, một người bạn cá nhân của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đặt ra nguy cơ đáng kể cho hành động của ngài trong nỗ lực chống lại “tai ương” của chủ nghĩa giáo sĩ trị, sự cứng nhắc của hàng giáo phẩm trong Giáo hội mà Đức Giáo Hoàng đã không ngừng chống lại.

Sự tín nhiệm đối với việc quản trị Giáo Hội của ngài cũng được đưa ra xem xét rộng rãi, đặc biệt là khi việc ban hành hiến pháp mới để cải cách các phương pháp làm việc của Giáo triều Rôma. Nhưng một cách biểu tượng hơn nữa, và trên hết là uy tín luân lý của Giáo Hội Công Giáo đang bị đe dọa ở đây. Sự mâu thuẫn lớn giữa những lời hô hào của Đức Thánh Cha Phanxicô chống lại nền tài chính toàn cầu hóa và tình huống giống như mafia được quan sát thấy gần với Ngai Tòa Thánh Phêrô dường như khó có thể dung hòa.
Source:Aleteia