1. Tại sao Thánh Josaphat được đặt biệt danh là “kẻ trộm linh hồn”?

Trong thời gian Giáo hội có nhiều chia rẽ, Thánh Josaphat đã rất thành công trong việc “đánh cắp” các linh hồn cho Thiên Chúa.

Ukraine trong thế kỷ 16 vô cùng biến động, các tín hữu Kitô chia rẽ nhau. Một nhóm Kitô hữu muốn tách khỏi Rôma, trong khi nhóm kia muốn hoàn toàn hợp nhất với Đức Giáo Hoàng.

Thánh Josaphat ban đầu lớn lên ở bên các tín hữu Kitô muốn tách khỏi Rôma, nhưng cuối cùng đã bị thu hút bởi chân lý và vẻ đẹp của Giáo Hội Công Giáo.

Đức Giáo Hoàng Piô XI giải thích sự hấp dẫn ban đầu này trong thông điệp của ngài, Ecclesiam Dei.

Từ những năm đầu tiên của mình, ngài đã sống một cuộc sống thánh thiện. Mặc dù rất ấn tượng về sự lộng lẫy của phụng vụ Slavic, nhưng trước hết, ngài muốn tìm kiếm chân lý và vinh quang của Thiên Chúa. Vì thế, ngài không bị chi phối bởi các lập luận chia rẽ. Ngay từ khi còn là một đứa trẻ, ngài đã mến mộ sự hiệp thông. Hơn nữa, ngài cảm thấy mình được Chúa Quan Phòng đặc biệt kêu gọi để thiết lập lại sự hiệp nhất thánh thiện của Giáo Hội ở khắp mọi nơi.

Ngài coi trọng sứ mệnh thiêng liêng này, và sau khi được thụ phong linh mục, ngài cố gắng “thu phục” các linh hồn cho Giáo hội. Thánh Josaphat đã làm điều này với sự dịu dàng và từ bi, được dẫn dắt bởi tấm gương sống của ngài.

Quan tâm đến việc người dân của mình được đoàn tụ với Tòa thánh, ngài đã tìm kiếm mọi lý lẽ có sẵn để thúc đẩy và duy trì sự hợp nhất của Giáo hội. Những lập luận tốt nhất của ngài được rút ra từ các sách phụng vụ, được các Giáo phụ của Giáo hội chấp thuận, vốn được sử dụng phổ biến trong các tín hữu Đông phương, kể cả những người bất đồng chính kiến. Vì vậy, ngài đã chuẩn bị kỹ lưỡng để khôi phục sự hiệp nhất của Giáo hội. Là một người mạnh mẽ với sự nhạy cảm tốt, ngài đã thành công đến mức các đối thủ của ngài gọi ngài là “kẻ trộm linh hồn”.

Thánh Josaphat quan tâm đến mọi người, thực hành những gì ngài rao giảng, làm tất cả những gì có thể cho cả người giàu và người nghèo.

Sự thật đáng kinh ngạc là số lượng linh hồn mà ngài đã dẫn dắt trở lại sự hợp nhất với Tòa Thánh, bao gồm mọi tầng lớp, nông dân, thương gia, quý tộc, quận trưởng và thống đốc các tỉnh – đó là một sự thật được kể lại bởi Sokolinski ở Polotsk, bởi Tyszhkievicz của Novogrodek, và bởi Mieleczko của Smolensk. Sau khi được bổ nhiệm làm giám mục Polotsk, ngài đã mở rộng rất nhiều lĩnh vực mục vụ của mình. Công việc của ngài mang lại kết quả phi thường do tấm gương mà ngài đã đưa ra về một đời sống khiết tịnh, và khó nghèo. Ngài thậm chí đã đi xa đến mức mang lễ phục của mình ra tiệm cầm đồ để có tiền chăm sóc cho người nghèo.

Thánh Josaphat tiếp tục là nguồn cảm hứng cho tất cả chúng ta và là tấm gương về cách đạt được sự hiệp nhất trong Giáo hội. Nó phải được thực hiện như vậy thông qua đối thoại, nhưng trên hết, qua sự thánh thiện của cuộc sống.


Source:Aleteia

2. Các giám đốc ơn gọi nói, 'Chúa Giê-su không dùng tờ rơi' để thu hút các môn đệ

Cách tiếp cận mới về ơn gọi ở Tổng giáo phận New York nhắc nhở Cha George Sears về hành trình ơn gọi cá nhân của mình, trong đó cha hy vọng nó cho phép các thanh niên hiểu biết về các linh mục ngoài những gì họ nhìn thấy trên bàn thờ khi họ lớn lên trong các giáo xứ khác nhau.

Cha Sears, là cha quản nhiệm giáo xứ Thánh Danh Chúa Giêsu và Thánh Grêgôriô Cả ở Manhattan, vừa trở thành giám đốc ơn gọi cho tổng giáo phận vào ngày 28 tháng 10. Đức Hồng Y Timothy Dolan đã đồng loạt bổ nhiệm 15 vị thúc đẩy ơn gọi khu vực cho tổng giáo phận.

“Khi Chúa Giêsu gọi các môn đệ, ngài không đặt tờ rơi trong nhà hội hay đặt một số loại áp phích ở quảng trường làng. Đó là một lời mời cá vị”, Cha Sears nói với tờ Crux. “Vì vậy, những gì chúng tôi đang tìm cách làm ở New York là làm việc với một nhóm 15 linh mục và thực hiện một cách tiếp cận cá nhân hơn để xây dựng cộng đồng gồm những thanh niên đặc biệt nghiêm túc với đức tin của họ.”

Về mặt nào đó, cách tiếp cận này là một nỗ lực nhằm chia nhỏ khu vực trách nhiệm trong tổng giáo phận lớn thứ hai trên toàn quốc sau Tổng giáo phận Los Angeles với 2.81 triệu người Công Giáo. Cha Sears cho biết ý tưởng là để mỗi người trong số 15 linh mục thành lập các cộng đồng một cách hữu cơ thông qua việc “để mắt đến những người trẻ quan tâm đến các vấn đề về đức tin của họ,” và tổ chức các sự kiện đã phổ biến trong các giáo phận trên toàn quốc - như gặp gỡ hàng tuần / hàng tháng, nhóm cầu nguyện và “bẻ bánh”.

“Ý tưởng là có một nơi có hai hoặc ba linh mục ở đó thường xuyên để các ngài có thể hình thành mối quan hệ với những linh mục địa phương để các ngài có thể cảm thấy thoải mái khi hỏi những câu hỏi khó và đó có thể là nơi họ có thể khám phá vấn đề. Qua đó, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ tìm thấy rất nhiều ứng cử viên tuyệt vời cho chức linh mục, nhưng cũng cho đời sống tôn giáo và cuộc sống hôn nhân.”

Tổng giáo phận New York không đơn độc. Các giám đốc ơn gọi khác trong các giáo phận Công Giáo lớn của Hoa Kỳ cũng đang sửa đổi các văn phòng ơn gọi của các ngài và điều chỉnh một số cách tiếp cận mới. Trong Tuần lễ Ơn gọi Quốc gia, Crux cũng đã nói chuyện với các giám đốc ơn gọi về những thách thức mà các ngài phải đối mặt trong công việc kêu gọi ơn gọi hiện đại. Các câu trả lời khác nhau, tuy nhiên, tất cả chúng đều bắt nguồn từ một khái niệm mà nhiều người tin rằng đang gây khó khăn cho các khía cạnh khác nhau của Giáo Hội: đó là làn sóng thế tục hóa.

Cha Sears nói: “Ở một số khía cạnh, vì có rất nhiều điều không chắc chắn trên thế giới, nên mọi người tìm kiếm sự an toàn. Là Kitô Hữu, chúng ta được mời gọi đến một điều gì đó cao siêu hơn một chút và tôi nghĩ rằng đó có thể là một thách thức trong thế giới mà chúng ta đang sống.”

Bất kể làn sóng thế tục hóa, số lượng các tân chức trên toàn quốc vẫn ổn định trong những năm gần đây. Theo Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Cho Các Hoạt Động Tông Đồ, gọi tắt là CARA, tại Đại học Georgetown, chưa đến hết năm 2021, đã có 472 tân linh mục, so với 448 vị vào năm 2020 và 481 vị vào năm 2019.

Ơn gọi đến từ cộng đồng Việt Nam rất khả quan. Vì thế, người Việt Nam được đánh giá rất cao về mặt giữ đạo. Trong ảnh, quý vị và anh chị em có thể thấy Phó tế Vĩnh Viễn Vinh Sơn Công Nguyễn đang xông hương để chúc phúc cho năm linh mục mới được thụ phong tại Nhà thờ Thánh Thomas More ở Arlington, Virginia.
Source:Crux

3. Giáo Hội Công Giáo Ba Lan tổ chức ngày đoàn kết với Li Băng

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Warsaw vào ngày 10 tháng 11, Đức Cha Artur Miziński kêu gọi người Công Giáo ủng hộ sáng kiến này thông qua những lời cầu nguyện và quyên góp của họ.

Tổng thư ký của hội đồng giám mục Ba Lan nói: “Ngày nay Li Băng cần sự đoàn kết của chúng ta theo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô”.

Ngân hàng Thế giới đã mô tả tình hình tài chính của Li Băng đang ở vào một trong những “giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng nhất trên toàn cầu kể từ giữa thế kỷ 19”.

Họ ước tính rằng GDP thực tế của quốc gia Trung Đông này giảm hơn 20% vào năm 2020, với lạm phát gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp cao và cắt điện.

Miziński, một Giám Mục Phụ Tá của Lublin, đông nam Ba Lan, nói: “Chúng ta hãy thử nghĩ đến những anh chị em của mình vẫn ở Li Băng, nhưng không được trải nghiệm hòa bình và cuộc sống xứng đáng với điều kiện của con người.

“Vì vậy, chúng ta muốn giúp đỡ họ, chúng ta muốn giúp họ xây dựng lại những ngôi nhà bị hư hỏng, để không còn trẻ em ra đường, để trẻ em được đến trường. Để thời gian trôi qua, việc bình thường hóa các điều kiện sống xứng đáng với một con người sẽ là chuyện thường tình.”

Cũng phát biểu trong cuộc họp báo là Đức Tổng Giám Mục Georges Bacouni, của Li Băng, người nói rằng dân số gần 7 triệu dân của đất nước đang đối mặt với tình trạng nguy cấp sau vụ nổ hải cảng kinh hoàng ở thủ đô Beirut vào ngày 4 tháng 8 năm 2020.

Người Công Giáo Ba Lan đã tổ chức Ngày Đoàn kết với các Giáo Hội bị áp bức hàng năm vào Chúa Nhật thứ hai trong tháng 11 kể từ khi Hội đồng Giám mục Ba Lan tổ chức sự kiện này vào năm 2008.

Năm nay, ngày này được tổ chức bởi tổ chức giáo hoàng Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ và rơi vào ngày 14 tháng 11, có chủ đề “Đoàn kết với Li Băng.” Li Băng là quốc gia có tỷ lệ người Công Giáo lớn nhất Trung Đông.

Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Wojda của Gdańsk, miền bắc Ba Lan, nói rằng người Công Giáo có thể giúp đỡ người dân Libăng thông qua các khoản quyên góp, cầu nguyện và tìm hiểu về hoàn cảnh của đất nước này.

“Một cách đặc biệt, chúng ta, với tư cách là các tín hữu Kitô, có nghĩa vụ liên tục giúp đỡ những người cần”. Đức Cha Wojda là chủ tịch của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ ở Ba Lan.
Source:Catholic News Agency