1. Diễn từ của Đức Thánh Cha ngày Giới Trẻ Thế Giới 2021, Lễ Chúa Kitô Vua

Hàng năm, ngày Giới Trẻ Thế Giới cấp giáo phận được diễn ra vào Chúa Nhật Lễ Lá. Tuy nhiên, do tình trạng diễn biến phức tạp của đại dịch coronavirus, đây là lần đầu tiên ngày Giới Trẻ Thế Giới cấp giáo phận được dời vào ngày Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ.

Trong bối cảnh đó, lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 21 tháng 11, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Lễ Chúa Kitô Vua, và có một diễn từ cho các bạn trẻ của giáo phận Rôma và toàn thế giới.

Ngài nói:


Hai hình ảnh rút ra từ lời Chúa mà chúng ta đã nghe, có thể giúp chúng ta tiếp cận Chúa Giêsu với tư cách là Vua của Vũ trụ. Bài thứ nhất, trích từ Sách Khải Huyền và được tiên tri Đanien tiên báo trong bài đọc đầu tiên, được mô tả bằng những từ, “Con Người đến trong đám mây trên trời” (Kh 1: 7; Dn 7:13). Tham chiếu này đề cập đến sự tái lâm vinh hiển của Chúa Giêsu là Chúa vào cuối lịch sử. Hình ảnh thứ hai là từ Tin Mừng: Chúa Kitô đứng trước mặt Philatô và nói với ông: “Tôi là Vua” (Ga 18:37). Các bạn trẻ thân mến, thật tốt khi dừng lại và suy nghĩ về hai hình ảnh này của Chúa Giêsu, khi chúng ta bắt đầu hành trình hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 tại Lisbon.

Chúng ta hãy suy ngẫm về hình ảnh đầu tiên: Chúa Giêsu, Đấng đến giữa những đám mây. Hình ảnh này gợi lên sự quang lâm trong vinh quang của Chúa Kitô vào ngày cánh chung; nó làm cho chúng ta nhận ra rằng lời chung cuộc trên cuộc đời của chúng ta sẽ thuộc về Chúa Giêsu, chứ không thuộc về chúng ta. Vì thế, Kinh thánh cho chúng ta biết Ngài là Đấng “cưỡi trên mây” (Tv 68: 5), có quyền trên trời dưới đất (xem sđd, câu 34). Ngài là Chúa, là mặt trời ló dạng từ trên cao và không bao giờ lặn, là Đấng trường tồn trong khi mọi thứ qua đi, là niềm hy vọng chắc chắn và vĩnh cửu của chúng ta. Ngài là Chúa. Lời tiên tri hy vọng này soi sáng những đêm đen của chúng ta. Nó cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa thực sự đang đến, rằng Người hiện diện và đang làm việc, hướng dẫn lịch sử của chúng ta về phía chính Người, hướng tới mọi điều tốt lành. Ngài đến “với những đám mây” để trấn an chúng ta. Như muốn nói: “Thầy sẽ không bỏ các con một mình khi giông tố ập đến cuộc đời. Thầy luôn ở bên các con. Thầy đến để mang lại bầu trời tươi sáng”.

Mặt khác, tiên tri Đanien nói với chúng ta rằng ông đã nhìn thấy Chúa đến trong những đám mây trên trời trong một thị kiến ban đêm “đã ngắm nhìn và đã thấy” (Dn 7:13). Đó là những thị kiến ban đêm: Chúa cũng đến trong đêm, giữa những đám mây đen thường tụ tập trên cuộc đời chúng ta. Tất cả chúng ta đều biết những khoảnh khắc như vậy. Chúng ta cần phải có khả năng nhận ra Người, nhìn xa hơn màn đêm, ngước mắt lên để có thể nhìn thấy Người giữa bóng tối.

Các bạn trẻ thân mến, cầu mong các bạn cũng “ngắm nhìn những thị kiến trong đêm”! Điều đó có nghĩa là gì? Thưa: Nó có nghĩa là để cho đôi mắt của các bạn vẫn sáng ngay cả trong bóng tối. Đừng bao giờ ngừng tìm kiếm ánh sáng giữa bất kỳ bóng tối nào mà chúng ta có thể thường mang trong lòng hoặc nhìn thấy xung quanh mình. Hãy nâng tầm mắt của các bạn từ đất lên trời, không phải để chạy trốn thực tại mà là để chống lại sự cám dỗ bị giam cầm trong nỗi sợ hãi của chúng ta, vì luôn có nguy cơ rằng nỗi sợ hãi sẽ thống trị chúng ta. Đừng đóng cửa thu mình vào bản thân và vào những lời phàn nàn của chúng ta. Hãy nâng mắt lên! Đứng dậy! Đây là lời khích lệ mà Chúa nói với chúng ta, là lời mời gọi chúng ta hãy ngước mắt lên, hãy đứng dậy, và tôi muốn lặp lại điều đó trong Sứ điệp của tôi dành cho các bạn cho năm đồng hành cùng nhau này. Các bạn đã được tin tưởng giao cho một nhiệm vụ thú vị nhưng cũng đầy thách thức: đó là hãy đứng trên cao trong khi mọi thứ xung quanh chúng ta dường như đang sụp đổ; hãy chuẩn bị để là những tuần canh có thể nhìn thấy ánh sáng trong các thị kiến ban đêm; hãy trở thành những người xây dựng giữa nhiều tàn tích của thế giới ngày nay; hãy có khả năng mơ ước. Điều này rất quan trọng: một người trẻ không thể mơ ước thì thật đáng buồn là người ấy đã trở nên già trước tuổi! Hãy có khả năng ước mơ, bởi vì đây là những gì những người mơ ước làm: họ không ở trong bóng tối, nhưng thắp sáng một ngọn nến, một ngọn lửa hy vọng báo trước bình minh sắp đến. Hãy mơ ước, hãy vội vàng và dũng cảm nhìn về tương lai.

Tôi muốn nói với các bạn một điều: chúng ta, tất cả chúng ta, đều biết ơn các bạn khi các bạn mơ ước. “Nhưng có đúng thế không? Tuổi trẻ ước mơ, đôi khi họ gây ra lắm chuyện….” Hãy cứ ồn ào, bởi vì tiếng ồn của các bạn là kết quả của những giấc mơ của các bạn. Khi các bạn biến Chúa Giêsu trở thành giấc mơ của cuộc đời mình, và đón nhận Chúa Giêsu với niềm vui và lòng nhiệt tình dễ lây lan, điều đó có nghĩa là các bạn không muốn sống trong bóng đêm. Điều này tốt cho chúng ta! Cảm ơn các bạn vì những lúc các bạn dũng cảm làm việc để biến ước mơ thành hiện thực, khi các bạn luôn tin vào ánh sáng ngay cả trong những khoảnh khắc tăm tối, khi các bạn dấn thân nhiệt huyết để làm cho thế giới của chúng ta tươi đẹp và nhân bản hơn. Cảm ơn các bạn vì tất cả những khoảng thời gian đó khi các bạn nuôi dưỡng ước mơ tình huynh đệ, làm việc để chữa lành các vết thương gây ra trên những gì đã được Thiên Chúa tạo dựng, khi các bạn chiến đấu để bảo đảm việc tôn trọng phẩm giá của những người dễ bị tổn thương và lan tỏa tinh thần đoàn kết và chia sẻ. Cảm ơn các bạn trên tất cả, bởi vì trong một thế giới chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt, có xu hướng bóp nghẹt những lý tưởng vĩ đại, các bạn đã không đánh mất khả năng ước mơ trong thế giới này! Đừng sống cuộc sống của mình một cách tê liệt hoặc ngủ quên. Thay vào đó, hãy mơ và sống. Điều này giúp ích cho người lớn chúng ta và cả Giáo hội. Vâng, Giáo hội cũng vậy, chúng ta cần ước mơ, chúng ta cần nhiệt huyết tuổi trẻ để trở thành những nhân chứng luôn trẻ trung của Thiên Chúa!

Hãy để tôi nói cho các bạn một điều khác: nhiều giấc mơ của các bạn cũng giống như những giấc mơ của Phúc âm. Tình huynh đệ, đoàn kết, công lý, hòa bình: đây là những ước mơ chính Chúa Giêsu dành cho nhân loại. Đừng ngại gặp gỡ Chúa Giêsu: Ngài yêu ước mơ của các bạn và giúp các bạn biến chúng thành hiện thực. Đức Hồng Y Martini đã từng nói rằng Giáo hội và xã hội cần “những người mơ mộng luôn mở lòng ra đón nhận những điều bất ngờ của Chúa Thánh Thần” (Conversazioni notturne a Gerusalemme, Sul rischio della fede, p. 61). Hãy là những người mơ mộng, những người luôn mở lòng đón nhận những điều bất ngờ của Chúa Thánh Thần. Điều này là đẹp! Tôi hy vọng và cầu nguyện rằng các bạn sẽ là một trong những người mơ ước này!

Bây giờ chúng ta đến với hình ảnh thứ hai, là Chúa Giêsu, Đấng đã nói với Philatô: “Tôi là Vua”. Chúng ta bị đánh động bởi quyết tâm của Chúa Giêsu, lòng can đảm của Ngài, sự tự do tột đỉnh của Ngài. Chúa Giêsu bị bắt, bị điệu đến công đường, bị thẩm vấn bởi những người có quyền có thế, bị kết án tử hình. Trong một tình huống như vậy, Chúa Giêsu có mọi quyền để tự bảo vệ mình, và thậm chí “dàn xếp” bằng cách đi đến một thỏa hiệp. Thay vào đó, Chúa Giêsu không che giấu thân phận, không che giấu ý định của mình, hay lợi dụng cơ may mà chính Philatô cũng để lại cho Ngài. Với lòng can đảm xuất phát từ từ sự thật, Ngài trả lời: “Tôi là Vua”. Ngài nhận trách nhiệm về cuộc đời mình: Tôi có một sứ mệnh và tôi sẽ thực hiện nó để hoàn thành việc làm chứng cho Nước của Cha tôi. “Vì điều này”, Ngài nói, “Tôi sinh ra, và vì điều này, tôi đến trong thế gian, để làm chứng cho sự thật” (Ga 18:37). Đây là Chúa Giêsu, Đấng đã không quanh co khẳng định rằng Ngài đến để công bố bằng đời sống của mình rằng Vương quốc của Ngài khác với các vương quốc trên thế giới; rằng Thiên Chúa không trị vì để gia tăng quyền lực của mình và để đè bẹp người khác; Thiên Chúa không trị vì bằng vũ lực. Vương quốc của Ngài là Vương quốc của tình yêu: “Tôi là Vua”, nhưng là Vua của Vương quốc tình yêu; “Tôi là Vua” của Vương quốc của những người hiến mạng sống của mình để cứu người khác.

Các bạn trẻ thân mến, sự tự do của Chúa Giêsu lôi kéo chúng ta. Chúng ta hãy để sự tự do của Chúa Giêsu vang vọng trong chúng ta, trong những thử thách chúng ta; và đánh thức trong chúng ta lòng can đảm sinh ra từ chân lý. Chúng ta hãy tự hỏi mình điều này: Nếu tôi ở vị trí của Philatô, nhìn vào mắt Chúa Giêsu, tôi sẽ xấu hổ về điều gì? Đối diện với sự thật của Chúa Giêsu, sự thật là Chúa Giêsu, đâu là những cách tôi lừa dối hoặc ngụy tạo, những cách tôi làm Chúa Giêsu phật lòng? Mỗi chúng ta sẽ tìm ra những điều như thế. Hãy vạch chúng ra, loại bỏ chúng. Tất cả chúng ta đều có những thứ quanh co này, những thứ thỏa hiệp này, những “dàn xếp lắt léo mọi thứ” để thập tự giá biến mất. Thật tốt khi đứng trước Chúa Giêsu, Đấng là sự thật, để thoát khỏi những ảo tưởng của chúng ta. Thật tốt khi thờ phượng Chúa Giêsu, và kết quả là được tự do trong nội tâm, nhìn cuộc sống như thật, và không bị lừa dối bởi thời trang hiện tại và những phô trương của chủ nghĩa tiêu dùng gây lóa mắt, nhưng cũng có thể gây chết người. Các bạn ơi, chúng ta ở đây không phải để bị mê hoặc bởi tiếng còi của thế giới, mà để nắm lấy mạng sống của mình, để “lấy ra điều gì đó từ cuộc sống”, để sống trọn vẹn!

Bằng cách này, với sự tự do của Chúa Giêsu, chúng ta tìm thấy lòng can đảm mà chúng ta cần để bơi ngược dòng đời. Tôi muốn nhấn mạnh điều này: bơi ngược dòng đời, có dũng khí mới có thể bơi ngược dòng. Đó không phải là cơn cám dỗ hàng ngày xúi giục chúng ta chống lại người khác, như những nạn nhân thường xuyên của thuyết âm mưu và những người theo thuyết ấy, là những người luôn đổ lỗi cho người khác. Trái lại, bơi ngược dòng đời ở đây là chống lại xu thế ích kỷ, chống lại tư duy khép kín và cứng nhắc của chúng ta, vốn thường tìm kiếm các nhóm cùng chí hướng để tồn tại. Bơi ngược dòng đời là để trở nên giống Chúa Giêsu hơn. Vì Ngài dạy chúng ta chỉ nên đối phó với điều ác bằng sức mạnh nhẹ nhàng và khiêm hạ của điều thiện. Không đi tắt, không gian dối, không quanh co. Thế giới của chúng ta, bị bao vây bởi quá nhiều tệ nạn, không cần thêm bất kỳ thỏa hiệp mơ hồ nào nữa, không cần những con người tiến lùi như thủy triều – trở cờ đón gió xoay theo chiều nào có lợi cho họ - hoặc xoay sang phải hoặc trái, tùy thuộc vào những gì thuận tiện nhất; chúng ta không cần những người lưng chừng “ngồi trên hàng rào”. Một Kitô Hữu như thế dường như là một “người theo chủ nghĩa cân bằng” hơn là một Kitô Hữu. Họ là những người luôn thực hiện động tác giữ thăng bằng, tìm cách tránh làm bẩn tay mình, để không làm tổn hại đến tính mạng, không làm tính mạng lâm nguy. Hãy sợ trở thành những người trẻ như thế. Thay vào đó, hãy sống tự do và đích thực, hãy là lương tâm phê phán xã hội. Đừng ngại chỉ trích! Chúng tôi cần sự chỉ trích của các bạn. Chẳng hạn, nhiều người trong số các bạn chỉ trích ô nhiễm môi trường. Chúng tôi cần cái này! Hãy tự do trong những lời chỉ trích. Hãy say mê chân lý, để với ước mơ của mình, các bạn có thể nói: “Đời tôi không bị giam cầm bởi suy nghĩ của thế gian: Tôi được tự do, bởi vì tôi trị vì với Chúa Giêsu vì công lý, tình yêu và hòa bình!” Các bạn trẻ thân mến, hy vọng và lời cầu nguyện của tôi là mỗi người trong số các bạn có thể vui vẻ nói: “Với Chúa Giêsu, tôi cũng là một vị vua”. Tôi cũng trị vì: như một dấu chỉ sống động về tình yêu của Thiên Chúa, về lòng trắc ẩn và sự dịu dàng của Người. Tôi là một người mơ mộng, bị chói mắt bởi ánh sáng của Phúc Âm, và tôi nhìn với hy vọng trong những thị kiến ban đêm. Và bất cứ khi nào tôi gục ngã, tôi lại khám phá ra nơi Chúa Giêsu lòng can đảm để tiếp tục chiến đấu và hy vọng, can đảm để tiếp tục ước mơ. Ở mọi giai đoạn trong cuộc đời.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana


2. Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 21/11/2021

Chúa Nhật 21 tháng 11, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua cũng là Chúa Nhật cuối cùng của Năm Phụng Vụ. Tuần tới, Giáo Hội sẽ bắt đầu Năm Phụng Vụ mới với Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng. Bài Tin Mừng theo Thánh Gioan của Phụng Vụ hôm nay lên đến đỉnh điểm là lời xác nhận của Chúa Giêsu với quan Philatô: “Quan nói đúng: Tôi là Vua”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: “Ông có phải là Vua dân Do-thái không?” Chúa Giêsu đáp: “Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?” Philatô đáp: “Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?” Chúa Giêsu đáp: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này”. Philatô hỏi lại: “Vậy ông là Vua ư?” Chúa Giêsu đáp: “Quan nói đúng. Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi”.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Bài Tin Mừng trong Phụng vụ hôm nay, Chúa nhật cuối cùng của Năm Phụng vụ, lên đến đỉnh điểm là lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Tôi là vua” (Ga 18:37). Ngài nói những lời này trước mặt Philatô, trong khi đám đông hò hét lên án tử hình Ngài. Chúa nói: “Tôi là Vua”, và đám đông hét lên để kết án tử hình Ngài: thật là một sự tương phản tuyệt vời! Giờ quan trọng đã đến. Trước đây, dường như Chúa Giêsu không muốn mọi người tôn vinh Người là vua: chúng ta nhớ lần đó sau khi làm phép hóa bánh và cá ra nhiều, Người rút lui một mình vào nơi thanh vắng để cầu nguyện (x. Ga 6, 14-15).

Sự thật là vương quyền của Chúa Giêsu rất khác so với vương quyền của thế gian. “Chúa Giêsu nói với Philatô rằng Vương quốc của tôi không thuộc thế gian này” (Ga 18:36). Ngài không đến để thống trị, nhưng để phục vụ. Ngài không đến với các dấu chỉ quyền lực, nhưng với sức mạnh của các dấu chỉ. Ngài không mặc những phù hiệu quý giá, nhưng ở trần trên thập tự giá. Nhưng chính trong dòng chữ được đặt trên thập giá, Chúa Giêsu được xác định là “Vua” (x. Ga 19:19). Vương quyền của Ngài thực sự vượt quá các thông số của con người! Chúng ta có thể nói rằng Chúa Giêsu không phải là một vị vua như những người khác, nhưng Ngài là một vị vua cho những người khác. Chúng ta hãy nghĩ lại điều này: Chúa Giêsu Kitô, trước mặt Philatô, nói Ngài là vua khi đám đông chống lại Ngài, ngược lại khi họ theo Ngài và tung hô Ngài, thì Ngài lại tránh xa sự tung hô này. Có nghĩa là, Chúa Giêsu cho thấy mình có quyền tối thượng, thoát khỏi ham muốn danh vọng và vinh quang trần thế. Và chúng ta - chúng ta hãy tự hỏi mình - chúng ta có biết cách bắt chước Ngài về điều này không? Chúng ta có biết cách kiểm soát xu hướng liên tục muốn được tìm kiếm và tung hô, hay chúng ta lại làm mọi cách để được người khác quý trọng? Trong những gì chúng ta làm, đặc biệt là trong việc dấn thân theo Chúa Kitô, tôi tự hỏi mình: điều gì quan trọng? Tiếng vỗ tay là đáng giá hay sự phục vụ mới là đáng giá?

Chúa Giêsu không chỉ tránh xa mọi cuộc tìm kiếm sự vĩ đại trên trần gian, mà còn làm cho tâm hồn những người theo Ngài được tự do và tự chủ. Anh chị em thân mến, Ngài giải thoát chúng ta khỏi sự khuất phục sự dữ. Vương quốc của Ngài là giải phóng, Vương quốc ấy không có gì là áp bức. Ngài đối xử với mọi môn đệ như những người bạn, không phải như một ông chủ. Mặc dù Chúa Kitô là Đấng Tối Cao, Ngài không vạch ra ranh giới ngăn cách giữa mình và người khác; thay vào đó, Người muốn mọi người cùng chia sẻ niềm vui với Người (x. Ga 15:11). Theo Chúa Giêsu, chúng ta không mất gì, không mất gì cả, nhưng được phẩm giá. Bởi vì Chúa Kitô không muốn bao quanh mình với những sự phục dịch, nhưng muốn giải phóng con người. Và - bây giờ chúng ta hãy tự hỏi - tự do của Chúa Giêsu đến từ đâu? Chúng ta tìm hiểu bằng cách trở lại lời khẳng định của Ngài trước Philatô: “Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này chỉ để làm chứng về Chân lý” (Ga 18,37).

Sự tự do của Chúa Giêsu đến từ sự thật. Chính sự thật của Người đã giải thoát chúng ta (x. Ga 8,32). Nhưng chân lý của Chúa Giêsu không phải là một ý tưởng, một điều gì đó trừu tượng: chân lý của Chúa Giêsu là một thực tại, chính Người tạo ra chân lý bên trong chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi những hư cấu, khỏi những giả dối mà chúng ta có bên trong, khỏi thói nói một đàng làm một nẻo. Khi sống trong tình thân mật với Chúa Giêsu, chúng ta sống trong sự thật. Cuộc sống của một Kitô Hữu không phải là một vở kịch mà anh chị em có thể đeo chiếc mặt nạ phù hợp với mình nhất. Bởi vì khi Chúa Giêsu ngự trị trong trái tim, Người giải phóng trái tim chúng ta khỏi thói đạo đức giả, giải thoát nó khỏi những thứ thấp hèn, khỏi sự giả tạo. Bằng chứng tốt nhất cho thấy Chúa Kitô là vua của chúng ta là khả năng chúng ta có thể tách rời khỏi những gì làm ô nhiễm cuộc sống, những gì khiến nó trở nên mơ hồ, mờ đục, buồn bã. Khi cuộc sống mông lung, một chút ở đây, một chút ở đó, thật buồn, thật buồn. Tất nhiên, chúng ta phải luôn đối mặt với những hạn chế và khiếm khuyết: tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi. Nhưng, khi sống dưới vương quyền của Chúa Giêsu, chúng ta không trở nên hư hỏng, không trở nên giả dối, không có khuynh hướng che đậy sự thật. Không có cuộc sống hai mặt. Hãy nhớ kỹ: chúng ta là những kẻ tội lỗi, đúng như thế, tất cả chúng ta đều là những kẻ có tội! Tội thì có, nhưng băng hoại thì không bao giờ. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta mỗi ngày đều biết tìm kiếm chân lý của Chúa Giêsu, Vua vũ trụ, Đấng giải thoát chúng ta khỏi nô lệ trần gian và dạy chúng ta kềm chế những tệ nạn của mình.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, lần đầu tiên vào ngày Lễ trọng của Chúa Kitô Vua, Ngày Giới trẻ Thế giới được cử hành tại tất cả các Giáo hội địa phương. Vì lý do này, bên cạnh tôi có hai thanh niên đến từ Rôma, những người đại diện cho tất cả tuổi trẻ của Rôma. Tôi nhiệt liệt chào mừng các chàng trai và cô gái của Giáo phận chúng ta, và tôi hy vọng rằng tất cả những người trẻ trên thế giới sẽ cảm thấy mình là một phần sống động của Giáo hội, là những nhân vật chính trong sứ mệnh của các Giáo phận. Cảm ơn vì đã đến! Và đừng quên rằng cai trị nghĩa là phục vụ. Anh chị em thấy thế nào? Cai trị là để phục vụ. Tất cả cùng nhau hãy hô vang: Cai trị là để phục vụ. Như Vua của chúng ta dạy chúng ta. Bây giờ tôi sẽ để các bạn trẻ này chào anh chị em.

Cô gái nói: Chúc mừng Ngày Giới trẻ Thế giới đến tất cả các bạn!

Chàng trai: Chúng tôi làm chứng rằng tin vào Chúa Giêsu là điều tuyệt vời!

Đức Thánh Cha nhìn ra quảng trường Thánh Phêrô với đông đảo các cờ xí, và nói tiếp: Hãy nhìn kìa: đẹp quá! Cảm ơn.

Hôm nay cũng là Ngày Thủy sản Thế giới. Tôi chào tất cả ngư dân và cầu nguyện cho những người sống trong hoàn cảnh khó khăn hoặc đôi khi không may phải sống trong cảnh bị lao động cưỡng bức. Tôi khuyến khích các tuyên úy và các tình nguyện viên của Stella Maris tiếp tục phục vụ mục vụ cho những người này và gia đình của họ.

Và vào ngày này, chúng ta cũng nhớ đến tất cả các nạn nhân tai nạn giao thông: chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và chúng ta hãy cam kết ngăn chặn tai nạn.

Tôi cũng muốn khuyến khích các sáng kiến đang được tiến hành tại Liên Hợp Quốc nhằm mang lại sự kiểm soát tốt hơn đối với việc buôn bán vũ khí.

Hôm qua tại Katowice, Ba Lan, linh mục Giovanni Francesco Macha đã được phong chân phước. Ngài bị giết vì hận thù đức tin vào năm 1942, trong bối cảnh chế độ Đức Quốc xã đàn áp Giáo Hội. Trong bóng tối bị giam cầm, ngài tìm thấy nơi Chúa sức mạnh và sự bình an để đối mặt với thử thách đó. Cầu chúc cho gương sáng tử đạo của ngài là một hạt giống hy vọng và hòa bình mang lại nhiều hoa trái. Xin anh chị em một tràng pháo tay chúc mừng vị tân Chân Phước!

Tôi chào tất cả anh chị em, những tín hữu đến từ Rôma và những người hành hương từ nhiều quốc gia khác nhau, đặc biệt là những người đến từ Ba Lan và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Tôi chào các hướng đạo sinh của Tổng giáo phận Braga ở Bồ Đào Nha. Một lời chào đặc biệt dành cho cộng đồng Ecuador ở Rôma, nơi kỷ niệm Virgen de El Quinche. Tôi chào các tín hữu của giáo xứ Thánh Antimo, ở Napoli và anh chị em ở Catania; các chàng trai vừa được Thêm sức ở Pattada; và các tình nguyện viên của Ngân hàng Thực phẩm, những người đang chuẩn bị cho Ngày thu gom thực phẩm, vào thứ Bảy tới. Cám ơn rất nhiều! Và cám ơn anh chị em, những người con của Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt!
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana