1. Đức Hồng Y tổng trưởng Bộ Giám Mục nói phong chức linh mục cho phụ nữ là 'con đường sai lầm'

Mặc dù Đại hội đồng Giáo hội Mỹ Châu Latinh kéo dài một tuần đã đưa ra một chuỗi các đề xuất táo bạo, nhưng đề xuất tấn phong phụ nữ làm phó tế hoặc linh mục hiếm khi được đưa ra. Và trong lần duy nhất vấn đề này được đề cập đến, một vị Hồng Y hàng đầu của Vatican đã thẳng thừng bác bỏ.

“Chúng tôi vẫn cần nhiều tính đồng nghị,” Đức Hồng Y Marc Ouellet người Canada, tổng trưởng Bộ Giám mục và chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Mỹ Châu Latinh, cho biết trong một cuộc họp báo diễn ra hôm thứ Sáu, khi cuộc họp từ ngày 21 đến 28 tháng 11 kết thúc.

Khi được hỏi ý kiến về việc liệu tình trạng thiếu ơn gọi linh mục có thể dẫn đến việc thụ phong linh mục cho phụ nữ hay không, ngay cả khi chỉ giới hạn ở chức phó tế, vị giám mục nói rằng từ “quan điểm giáo lý”, “không có kết luận nào mở ra cánh cửa này”.

Ngài nói, vấn đề đã được nghiên cứu bởi một ủy ban do Bộ Giáo lý Đức tin thành lập, theo yêu cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô, để xem xét tính cách lịch sử của các nữ phó tế. Ủy ban đã được thành lập vào năm 2016. Đức Giáo Hoàng đã nói với các phóng viên vào tháng 5 năm 2019 rằng nhóm 12 thành viên đã không thể đưa ra “phản ứng dứt điểm” cho vấn đề này, do thiếu sự đồng thuận về vai trò của các nữ phó tế trong thời kỳ sơ khai của Giáo Hội.

“Cá nhân tôi tin rằng chúng ta phải phát huy những đặc điểm riêng mà phụ nữ có,” Đức Hồng Y Ouellet nói trong cuộc họp báo. “Con đường không hoàn toàn là đánh đồng nam nữ ở cấp thừa tác viên, bởi vì có một tầm quan trọng biểu tượng trong các vai trò bí tích.”

Ngài nói bằng tiếng Tây Ban Nha: “Điều quan trọng cần nhớ là Chúa đã lập một liên minh với nhân loại và biểu tượng hôn nhân là biểu tượng đặc quyền trong Giáo hội và trong Kinh thánh. Để bày tỏ mối quan hệ của Thiên Chúa với dân Ngài, của Chúa Kitô với Giáo hội. Chúa Kitô là nam, Giáo hội là nữ. Linh mục đại diện cho Chúa Kitô phải có sự thống nhất về mặt ngữ nghĩa, và đây là lý do tại sao việc trình bày Chúa Kitô với tư cách là một người chồng được dành riêng cho nam giới”.

“Điều đó là hiển nhiên”

Theo Đức Hồng Y Ouellet, những gì Giáo hội cần làm là phát triển hơn nữa các đặc sủng mà phụ nữ có, cho họ nhiều chỗ hơn, lắng nghe họ nhiều hơn và trao cho họ nhiều trách nhiệm hơn.

Ngài nói: “Người phụ nữ là một giáo lý viên xuất sắc. Cô ấy có thể là chưởng khố của một giáo phận, một luật sư giáo luật, làm việc trong lĩnh vực truyền thông và quản trị, có những vai trò rất quan trọng ở cả giáo phận và giáo xứ.”

Vị giám mục Canada nhấn mạnh vào việc nêu bật đặc sủng của phụ nữ. Ngài nói rằng họ phải được công nhận cụ thể, không cần giả vờ rằng, chỉ cần được thụ phong, phụ nữ sẽ được phép tiếp cận tất cả các không gian của Giáo hội. Đó là một con đường sai lầm, một con đường không tôn trọng đặc thù của người phụ nữ.”

Đức Hồng Y Ouellet nói, điều cần thiết là một cuộc cải cách đồng nghị sâu sắc hơn nhiều, điều đó là “cơ bản hơn việc áp đặt các vai trò giống nhau cho phụ nữ và nam giới. Sự thay đổi mà Giáo hội cần lớn hơn nhiều so với việc cho phụ nữ tiếp cận với chức vụ được truyền chức. Cuộc cách mạng phải sâu sắc hơn”.
Source:Crux

2. Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ định một nhà ngoại giao Vatican, làm đặc phái viên tiếp theo của ngài tại Medjugorje

Hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm một nhà ngoại giao lâu năm của Vatican làm đặc sứ của Đức Giáo Hoàng tại Medjugorje, sau cái chết của Đức Tổng Giám Mục Ba Lan Henryk Hoser vào tháng Tám vừa qua.

Kể từ năm 2017, Đức Tổng Giám Mục Hoser đã giám sát tình hình mục vụ ở Medjugorje, địa điểm được cho là Đức Mẹ hiện ra ở Bosnia và Herzegovina. Ngài đã qua đời ở Warsaw ở tuổi 78 sau một thời gian dài bị bệnh.

Hôm thứ Bẩy, 27 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Aldo Cavalli, 75 tuổi, làm đặc sứ của ngài tại cộng đồng giáo xứ Medjugorje trong một thời gian không xác định.

Đức Cha Cavalli là Sứ thần Tòa Thánh tại Hà Lan từ năm 2015. Ngài xuất thân từ giáo phận Bergamo, miền bắc nước Ý và gia nhập ngành ngoại giao của Vatican vào năm 1996.

Ngài cũng đã từng là Sứ Thần Tòa thánh tại Angola, São Tomé và Príncipe, Chí Lợi, Colombia, Malta và Libya.

Đức Thánh Cha Phanxicô lần đầu tiên bổ nhiệm một đặc sứ của Giáo hoàng đến Medjugorje vào năm 2017, với chỉ thị giám sát các nhu cầu mục vụ tại địa điểm được cho là Đức Mẹ hiện ra.

Tại Hà Lan, Cavalli đã giúp giải quyết các vấn đề xung quanh câu chuyện Đức Mẹ đã hiện ra với tước hiệu của “Đức Mẹ của Dân nước”.

Sự hiện ra được cho là đã xảy ra 56 lần với Ida Peerdeman ở Amsterdam từ năm 1945 đến năm 1959. Năm 1956, giám mục địa phương đã ra phán quyết rằng không có bằng chứng về nguồn gốc siêu nhiên của những lần hiện ra và các mặc khải. Bộ Giáo lý Đức tin đã xác nhận quan điểm này vào năm 1957, và vào các năm 1972 và 1974.

Năm 2002, Đức Cha Jozef Marianus Punt đã bác bỏ quyết định của người tiền nhiệm và tuyên bố các cuộc hiện ra có nguồn gốc siêu nhiên, làm dấy lên một cuộc tranh luận về việc liệu ngài có thẩm quyền lật ngược quyết định đã được Bộ Giáo Lý Đức Tin khẳng định hay không.

Năm 2020, Vatican tái khẳng định phán quyết năm 1974 liên quan đến các lần hiện ra, và vào tháng Giêng, Bộ Giáo Lý Đức Tin kêu gọi người Công Giáo không quảng bá “các cuộc hiện ra và các mặc khải” gắn với tước hiệu “Đức Mẹ Của Các Dân Nước”.

Medjugorje nằm trong khu vực Herzegovina ở phía Tây của nước Bosnia và Herzegovina, cách thị trấn Mostar 25km về phiá Tây Nam và gần với biên giới Crotia. Sáu thanh niên, thiếu nữ nói đã thấy Đức Mẹ hiện ra tại Medjugorje vào ngày 24/06/1981. Từ đó dòng người lũ lượt đến hành hương địa điểm này để cầu nguyện với Đức Mẹ dưới hai tước hiệu là “Đức Mẹ Medjugorje” hay “Đức Mẹ là Nữ Vương Hòa Bình”. Đến nay đã có hơn 40 triệu người đến hành hương tại đây mặc dù giáo quyền địa phương đã điều tra và không nhìn nhận tính chất siêu nhiên của sự kiện.

Tháng Ba năm 2010, dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, Vatican đã thiết lập một ủy ban do Đức Hồng Y Ruini lãnh đạo để điều tra về các cuộc cho là Đức Mẹ hiện ra tại Medjugorje. Cuộc điều tra đã chấm dứt vào ngày 18 tháng Giêng 2014.

Hôm 16 tháng 5, 2017, tờ Vatican Insider, một tờ báo được coi là thạo các tin nội bộ của Tòa Thánh đã gây sửng sốt cho nhiều người khi tường thuật rằng Ủy ban do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 thành lập để nghiên cứu các cuộc hiện ra của Đức Maria tại Medjugorje, Bosnia-Herzegovina, đã bỏ phiếu đồng thuận rằng bẩy cuộc hiện ra của Đức Mẹ trong khoảng thời gian từ ngày 24 tháng 6 đến ngày 3 tháng 7 năm 1981 là chân thật.

Tuy nhiên, các thành viên trong ủy ban điều tra tỏ ra nghi ngờ về hàng ngàn những thị kiến được cho là đã xảy ra kể từ sau ngày 4 tháng 7 năm 1981, và được cho là vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Hai trong số 17 thành viên của ủy ban cho rằng những thị kiến được cho là đã xảy ra sau ngày 4 tháng 7 năm 1981 không phải là siêu nhiên, trong khi 15 thành viên khác nói rằng họ không thể đưa ra các phán quyết.

Sau các báo cáo của Đức Cha Hoser, ngày 12 tháng 5, 2019 Đức Thánh Cha đã chính thức cho phép tổ chức các phái đoàn hành hương về Medjugorje.
Source:Catholic News Agency

3. Tổng giáo phận Paris trình bày kế hoạch cho nội thất Nhà thờ Đức Bà trong bối cảnh có những phản đối kịch liệt

Tổng giáo phận Công Giáo Paris sẽ trình bày kế hoạch trùng tu nội thất Nhà thờ Đức Bà vào tuần tới sau khi bác bỏ những lời chỉ trích rằng đề xuất của họ sẽ biến địa điểm này thành “một loại công viên giải trí”.

Các quan chức sẽ đệ trình đề xuất của họ lên Ủy ban Di sản và Kiến trúc Quốc gia của Pháp vào ngày 9 tháng 12 trong bối cảnh đang xảy ra một làn sóng phản đối mới về việc trùng tu nhà thờ bị hư hại nặng do hỏa hoạn vào năm 2019.

Theo AFP, tổng giáo phận phủ nhận thông tin từ các phương tiện truyền thông nước ngoài rằng nhà thờ Gothic nổi tiếng của Pháp, được xây dựng từ năm 1163 đến năm 1345, có nguy cơ bị biến thành một công viên giải trí hoặc tràn ngập các tác phẩm nghệ thuật đương đại chói tai gai mắt.

Tờ Daily Telegraph, một tờ báo của Anh, đưa tin vào ngày 26 tháng 11 rằng các nhà phê bình lo ngại những thay đổi này sẽ biến tòa nhà thành một “Disneyland phù hợp với các xu thế chính trị”.

Tờ này nói rằng “tòa giải tội, bàn thờ và các tác phẩm điêu khắc cổ điển sẽ được thay thế bằng các bức tranh tường nghệ thuật hiện đại, và các hiệu ứng âm thanh và ánh sáng mới để tạo ra ‘không gian cảm xúc’”.

Tờ báo nói thêm: “Sẽ có các nhà nguyện theo chủ đề trên 'con đường khám phá', tập trung vào Phi Châu và Á Châu, trong khi các trích dẫn từ Kinh thánh sẽ được chiếu lên các bức tường của nhà nguyện bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, bao gồm cả tiếng Quan Thoại”.

Maurice Culot, một kiến trúc sư đã xem các kế hoạch, nói với tờ báo: “Cứ như thể Disney đang bước vào Nhà thờ Đức Bà vậy”.

Kiến trúc sư này cho rằng: “Những gì họ đề xuất làm với Notre-Dame sẽ không bao giờ được thực hiện với Tu viện Westminster hoặc Đền Thờ Thánh Phêrô ở Rôma. Đó là một hình thức công viên, rất trẻ con và tầm thường so với sự hùng vĩ của nơi này”.

Trong một cuộc phỏng vấn với AFP, Cha Gilles Drouin, linh mục giám sát việc trùng tu nội thất, xác nhận có các đề xuất như thế nhưng lập luận rằng chúng không đủ để thay đổi về căn bản ngôi thánh đường.

Ngài giải thích rằng việc trùng tu nhằm mục đích bảo tồn nhà thờ như một nơi thờ phượng, nhưng cũng để chào đón và giáo dục du khách “không phải lúc nào cũng đến từ nền văn hóa Kitô.”

Ngài nói rằng các nhà nguyện dọc theo hai bên sẽ có “những bức chân dung từ thế kỷ 16 và 18 đối thoại với các đối tượng nghệ thuật hiện đại.”

“Nhà thờ luôn rộng mở cho nghệ thuật đương đại, ngay cả cây thánh giá lớn bằng vàng của nhà điêu khắc Marc Couturier đã do chính Đức Hồng Y Lustiger, lúc bấy giờ là tổng giám mục Paris, lắp đặt vào năm 1994”.

Chính phủ Pháp đang giám sát việc trùng tu và bảo tồn cấu trúc của nhà thờ, nhưng các viên chức của Giáo Hội chịu trách nhiệm về việc đổi mới nội thất của ngôi thánh đường.

Các kế hoạch cuối cùng phải được Bộ Văn hóa Pháp phê duyệt. Bộ trưởng Văn hóa Roselyne Bachelot trước đây đã gợi ý rằng nhà thờ phải được trùng tu “giống hệt” với trước khi hỏa hoạn.

Đây không phải là lần đầu tiên kế hoạch trùng tu gây ra tranh cãi. Các nhà phê bình tố cáo một đề xuất bị rò rỉ vào tháng 12 năm 2020 nhằm thay thế các cửa sổ kính màu lịch sử của kiến trúc sư Viollet-le-Duc bằng các thiết kế đương đại đầy màu sắc trong các nhà nguyện xung quanh gian giữa.

Một phát ngôn viên của tổng giáo phận nói với National Catholic Register vào thời điểm đó rằng “có lẽ không cần phải nhắc lại rằng Đức Tổng Giám Mục chưa bao giờ có ý định biến nhà thờ thành sân bay hay bãi đậu xe.”

Nhà thờ sẽ mở cửa trở lại để thờ phượng với Kinh Chiều Tạ Ơn Te Deum vào ngày 16 tháng 4 năm 2024, 5 năm sau vụ cháy. Cuối năm đó, Paris sẽ tổ chức Thế vận hội Mùa hè.
Source:Catholic News Agency