Hôm thứ Sáu 3 tháng 12, sinh hoạt đầu tiên của Đức Thánh Cha là chuyến thăm xã giao tới Đức Tổng Giám Mục Chrysostomos II, Tổng Giám mục Chính thống của Síp tại Tòa Tổng Giám mục ở Nicosia vào lúc 8:30; và gặp gỡ Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo tại nhà thờ chính tòa của Chính Thống Giáo ở Nicosia.

Sinh hoạt tiếp theo của Đức Thánh Cha Phanxicô là Thánh lễ tại “Sân vận động GSP” ở Nicosia.

Trong bài giảng thánh lễ trước một cộng đoàn lên đến hơn 10,000 người, Đức Thánh Cha nói:


Khi Chúa Giêsu đi ngang qua, có hai người mù kêu lên trong đau khổ và hy vọng: “Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót chúng tôi” (Mt 9:27). “Con vua Đavít” là một danh hiệu được gán cho Đấng Mêsia, Đấng mà các tiên tri đã tiên đoán sẽ đến từ dòng dõi Vua Đavít. Hai người trong bài Tin Mừng hôm nay bị mù, nhưng họ thấy được điều quan trọng nhất: họ nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Mêsia đã đến trong thế gian. Chúng ta hãy suy nghĩ về ba bước trong cuộc gặp gỡ này. Trong Mùa Vọng này, ba bước ấy có thể giúp chúng ta đón Chúa khi Người đến, khi Người đi ngang qua chúng ta.

Bước thứ nhất là họ đến gặp Chúa Giêsu để được chữa lành. Bản văn nói rằng hai người mù kêu cầu Chúa khi đi theo Người (xem câu 27). Họ không thể nhìn thấy Ngài, nhưng họ nghe thấy giọng nói của Ngài và đi theo bước chân của Ngài. Trong Chúa Kitô, họ đang tìm kiếm điều mà các tiên tri đã tiên báo: đó là những dấu hiệu về quyền năng chữa lành và lòng trắc ẩn của Thiên Chúa hiện diện ở giữa dân Ngài. Tiên tri Isaia đã viết: “Khi ấy mắt người mù sẽ được mở ra” (35: 5). Và một lời tiên tri khác, mà chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ nhất hôm nay, đã hứa rằng: “Trong sự u ám và tăm tối của họ, mắt người mù sẽ thấy” (29:18). Hai người đàn ông trong Tin Mừng đã tin cậy nơi Chúa Giêsu. Họ đi theo Ngài để tìm kiếm ánh sáng cho đôi mắt của họ.

Anh chị em thân mến, tại sao họ tin cậy nơi Chúa Giêsu? Bởi vì họ nhận ra rằng, trong bóng tối của lịch sử, Ngài là ánh sáng xua tan “bóng đêm” của trái tim và thế giới. Ánh sáng xua tan bóng tối và chiến thắng sự tối tăm. Chúng ta cũng có một loại “mù” trong tâm hồn. Giống như hai người mù ấy, chúng ta thường như những người đi đường, chìm đắm trong bóng tối của cuộc đời. Việc đầu tiên phải làm là đến với Chúa Giêsu, như Người đã nói với chúng ta: “Hỡi những ai lao nhọc, gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các ngươi được nghỉ ngơi” (Mt 11,28). Có ai trong chúng ta lại không đang mệt mỏi hoặc nặng trĩu cách này cách khác? Tất cả chúng ta đều như vậy. Tuy nhiên, chúng ta cưỡng lại việc chạy đến với Chúa Giêsu. Thường thì chúng ta thà khép mình, cô đơn trong bóng tối, cảm thấy có lỗi với bản thân và bằng lòng khi có nỗi buồn làm bạn đồng hành với mình. Chúa Giêsu là vị lương y thần thánh: chỉ một mình Người là ánh sáng đích thực chiếu soi mọi người (x. Ga 1: 9), là Đấng ban cho chúng ta muôn vàn ánh sáng, hơi ấm và tình yêu. Chỉ một mình Chúa Giêsu giải thoát con tim khỏi sự dữ. Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi mình: tôi vẫn bị bao bọc trong bóng tối của sự thất vọng và bất hạnh, hay tôi đi đến với Chúa Giêsu và trao cuộc đời tôi cho Người? Tôi có đi theo Chúa Giêsu, nói ra những nhu cầu của mình và giao sự cay đắng của mình cho Ngài không? Chúng ta hãy làm điều đó! Chúng ta hãy cho Chúa Giêsu cơ hội chữa lành trái tim của chúng ta. Đó là bước đầu tiên; nhưng việc chữa lành nội tâm cần hai bước nữa.

Bước tiếp theo: Họ chia sẻ nỗi đau của mình. Tin Mừng không nói Chúa chữa lành cho hai người mù này như thế nào, như trong trường hợp của người mù Batimê (x. Mc 10, 46-52) là người mù từ thuở mới sinh (x. Ga 9: 1-41). Ở đây có hai người mù. Họ cùng nhau ở ven đường. Họ chia sẻ nỗi đau, nỗi bất hạnh khi bị mù, và mong muốn có được ánh sáng rực rỡ trong trái tim đầy “bóng tối” của họ. Phúc Âm đề cập đến họ ở dạng số nhiều, vì họ làm mọi việc cùng nhau: cả hai đều đi theo Chúa Giêsu, cả hai đều kêu cầu Người và xin chữa lành; không phải mỗi người cho riêng mình, mà cùng nhau, như một. Điều quan trọng là họ nói với Chúa Kitô: Xin thương xót chúng tôi. “chúng tôi” chứ không phải là “tôi”. Họ cùng nhau kêu cầu giúp đỡ. Đây là một dấu chỉ hùng hồn về đời sống Kitô Hữu và là đặc điểm riêng biệt của tinh thần Giáo hội: đó là suy nghĩ, nói và hành động như “chúng ta”, từ bỏ chủ nghĩa cá nhân và cảm giác tự mãn đã lây nhiễm trong lòng.

Trong sự chia sẻ đau khổ và tình bạn huynh đệ của họ, hai người đàn ông mù này có nhiều điều để dạy chúng ta. Mỗi người trong chúng ta đều mù lòa theo một cách nào đó do hậu quả của tội lỗi, là điều ngăn cản chúng ta “nhìn” Thiên Chúa như Cha của mình và nhìn nhau như anh chị em. Vì đó là những gì tội lỗi làm; nó bóp méo thực tế: nó khiến chúng ta coi Chúa như một hôn quân bạo tàn và coi nhau là những vấn đề. Đó là công việc của những kẻ cám dỗ, những kẻ bóp méo mọi thứ, đưa chúng ta đến những suy nghĩ tiêu cực, để khiến chúng ta rơi vào tuyệt vọng và cay đắng. Và sau đó chúng ta trở thành con mồi cho một nỗi buồn khủng khiếp, một điều nguy hiểm mà không đến từ Thiên Chúa. Chúng ta không được đối mặt với bóng tối một mình. Nếu chúng ta chịu đựng sự mù quáng bên trong nội tâm một mình, chúng ta có thể bị đè bẹp. Chúng ta cần sát cánh bên nhau, chia sẻ nỗi đau và cùng nhau đối mặt với con đường phía trước.

Anh chị em thân mến, khi đối mặt với bóng tối nội tâm của chính chúng ta và những thử thách trước mặt chúng ta trong Giáo hội và trong xã hội, chúng ta được mời gọi đổi mới ý thức về tình huynh đệ của mình. Nếu chúng ta vẫn chia rẽ, nếu mỗi người chỉ nghĩ đến mình hoặc cho mình hoặc cho nhóm của mình, nếu chúng ta không chịu gắn bó với nhau, nếu chúng ta không đối thoại và bước đi cùng nhau, chúng ta sẽ không bao giờ được chữa lành hoàn toàn khỏi sự mù quáng của mình. Sự chữa lành diễn ra khi chúng ta mang nỗi đau của mình cùng nhau, khi chúng ta đối mặt với vấn đề của mình cùng nhau, khi chúng ta lắng nghe và nói chuyện với nhau. Đó là ân sủng của việc sống trong cộng đồng, nhận ra tầm quan trọng của việc ở cùng nhau, và trở thành cộng đồng. Đây là điều tôi yêu cầu nơi anh chị em: đó là anh chị em phải luôn ở bên nhau, luôn đoàn kết; anh chị em phải cùng nhau tiến về phía trước với niềm vui như những anh chị em tín hữu Kitô, con cái của cùng một Cha. Và tôi cũng yêu cầu điều đó cho chính mình.

Và bây giờ, bước thứ ba: Họ hân hoan loan báo Tin Mừng. Sau khi Chúa Giêsu chữa lành cho họ, hai người đàn ông trong Tin Mừng, mà chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của chính chúng ta, bắt đầu loan tin mừng cho toàn vùng, bàn tán về nó khắp nơi. Có một chút trớ trêu trong việc này. Chúa Giêsu đã bảo họ đừng nói cho ai biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng họ lại làm ngược lại (x. Mt 9: 30-31). Từ những gì chúng ta được cho biết, rõ ràng là ý định của họ không phải là không vâng lời Chúa; họ chỉ đơn giản là không thể kiềm chế niềm phấn khích của họ trước ơn chữa lành và niềm vui của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Đây là một dấu chỉ đặc biệt khác của Kitô Hữu: niềm vui sướng khôn tả của Phúc âm, “tràn ngập tâm hồn và cuộc sống của tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu” (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 1); niềm vui của Tin Mừng đương nhiên dẫn đến việc làm chứng và giải thoát chúng ta khỏi nguy cơ của một đức tin riêng tư, âu sầu và cáu kỉnh.

Anh chị em thân mến, thật vui khi thấy anh chị em sống với niềm vui sứ điệp giải phóng của Tin Mừng. Tôi cảm ơn anh chị em vì điều này. Đó không phải là việc chiêu dụ tín đồ - làm ơn, đừng bao giờ tham gia vào việc chiêu dụ tín đồ! - nhưng hãy làm chứng; không phải là một chủ nghĩa luân lý phán xét mà là một lòng thương xót bao trùm; không phải là sự sùng đạo hời hợt mà là tình yêu được sống hết mình. Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục tiến bộ trên con đường này. Giống như hai người mù trong Tin Mừng, chúng ta hãy một lần nữa gặp gỡ Chúa Giêsu, và trở thành nhân chứng không sợ hãi về Chúa Giêsu cho tất cả những ai chúng ta gặp gỡ! Chúng ta hãy đi ra ngoài, mang theo ánh sáng mà chúng ta đã nhận được. Chúng ta hãy đi ra ngoài để soi sáng màn đêm thường bao quanh chúng ta! Chúng ta cần những Kitô Hữu được soi sáng, nhưng trên hết là những người tràn đầy ánh sáng, những người có thể chạm vào sự mù quáng của anh chị em chúng ta bằng tình yêu dịu dàng và bằng những cử chỉ và lời an ủi thắp lên ánh sáng hy vọng giữa bóng tối. Hãy là những Kitô hữu có thể gieo hạt giống Tin Mừng trên những cánh đồng khô cằn của cuộc sống hàng ngày, và mang lại hơi ấm cho những vùng đất hoang vu đau khổ và nghèo đói.

Thưa anh chị em, Chúa Giêsu cũng đang đi qua các đường phố của Síp, các đường phố của chúng ta, nghe thấy tiếng kêu của những người mù chúng ta. Ngài muốn chạm vào mắt chúng ta, chạm vào trái tim chúng ta, và dẫn chúng ta đến ánh sáng, cho chúng ta sự tái sinh tâm linh và sức mạnh mới. Đó là điều mà Chúa Giêsu muốn làm. Người hỏi chúng ta câu hỏi tương tự như câu hỏi mà Người đã hỏi hai người mù: “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?” (Mt 9:28). Chúng ta có tin rằng Chúa Giêsu có thể làm được điều này không? Chúng ta hãy làm mới niềm tin của chúng ta nơi Người. Chúng ta hãy thưa với Người: Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin rằng ánh sáng của Chúa lớn hơn bóng tối của chúng con; chúng con tin rằng Chúa có thể chữa lành cho chúng con, chúng con tin Chúa có thể tái tạo mối hiệp nhất của chúng con, Chúa có thể làm tăng niềm vui của chúng con. Cùng với toàn thể Giáo hội, chúng ta hãy cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến! [Tất cả lặp lại: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!]

Lời chào của Đức Thánh Cha Phanxicô khi kết thúc Thánh lễ tại Sân vận động GSP

Anh chị em thân mến,

Tôi mới là người phải gửi lời cảm ơn đến tất cả anh chị em! Sáng mai, trước khi lên đường, tôi sẽ có dịp từ biệt Tổng thống Cộng hòa, đang có mặt tại đây, nhưng ngay bây giờ tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến mọi người về sự chào đón và tình cảm mà anh chị em đã dành cho tôi. Cảm ơn anh chị em!

Ở đây ở Síp này, tôi cảm thấy một chút gì đó trong bầu không khí đặc trưng của Vùng đất Thánh, nơi sự cổ kính và sự đa dạng của các truyền thống Kitô Giáo làm phong phú thêm cho mỗi người hành hương. Điều này là tốt cho tôi và cũng rất đáng khích lệ khi gặp gỡ các cộng đồng tín hữu đang sống trong hiện tại với hy vọng và cởi mở với tương lai, và những người chia sẻ tầm nhìn lớn hơn này với những người cần nhất. Tôi nghĩ đặc biệt đến những người di cư đang tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, cùng với những người anh chị em của tôi từ nhiều hệ phái Kitô khác nhau, mà tôi sẽ có cuộc gặp gỡ cuối cùng trên hòn đảo này.

Xin gửi lời cảm ơn đến tất cả những người đã giúp tổ chức chuyến thăm này! Xin hãy cầu nguyện cho tôi. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Đức Mẹ che chở anh chị em. Efcharistó! [Cảm ơn bạn!]
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana