Sự hoán cải và niềm tín thác của bà vào tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đã vạch ra con đường chữa lành và tha thứ cho những ai biết ăn năn.



Khi việc phong thánh cho Dorothy Day, người sáng lập Phong trào Công nhân Công Giáo bước vào giai đoạn kế tiếp, nó sẽ mang lại hy vọng lớn lao cho những người đang phải chịu đau khổ vì việc phá thai trong quá khứ.

Sau khi tự mình phá thai bất hợp pháp vào năm 1919, những đau khổ sau đó của bà cũng giống như những đau khổ mà hàng triệu phụ nữ và nam giới đang phải trải qua ngày nay. Sự hoán cải và niềm tín thác của bà vào tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa vạch ra con đường chữa lành và tha thứ cho những ai biết ăn năn.

Mặc dù Dorothy không công khai nói về việc phá thai của mình, nhưng bà đã viết về nó trong cuốn tự truyện của mình, The Eleventh Virgin (Trinh nữ Thứ Mười Một). Bà cảm thấy có vẻ như đạo đức giả khi lên tiếng phản đối việc phá thai, điều mà nhiều phụ nữ đã từng phá thai ngày nay vẫn cảm thấy. Bà cũng lo ngại rằng một số người sẽ sử dụng nó để biện minh cho việc phá thai, điều mà bà hết sức phản đối.

Năm 1974, bất chấp sự im lặng của mình, bà là người ký đơn phản đối việc phá thai đã được hợp pháp hóa, chưa đầy một tháng sau phán quyết Roe kiện Wade.

Một vị thánh từng phá thai

Câu chuyện phá thai của Dorothy sẽ còn vang dội với nhiều người. Giống như vô số phụ nữ trẻ, bà nói về việc sợ hãi về nhà và đối diện với sự phản đối của mẹ khi biết tin mình mang thai. Bà đã trì hoãn, tôi chắc chắn với hy vọng tìm được cách để giữ lại đứa con của bà và đang ở tháng thứ tư của thai kỳ khi bà nói với cha của đứa bé.

Theo lời của bà, “Tôi đã có thai. Anh ấy (bạn trai của bà tên là Lionel) nói rằng nếu tôi có con, anh ấy sẽ bỏ tôi. Tôi muốn có em bé, nhưng tôi muốn Lionel nhiều hơn thế. Vì vậy, tôi đã phá thai và tôi đã mất cả hai”. Sau này, bà nói “Tôi luôn hối hận về việc phá thai của mình”.

Sau khi phá thai, Dorothy rơi vào trạng thái trầm cảm và bà toan tự tử, bà cũng sợ rằng mình sẽ không bao giờ có thể sinh thêm được một đứa con nữa.

Mỗi biểu hiện của việc phá thai, sự ép buộc, sự sợ hãi, sự trầm cảm và sự hối hận và tuyệt vọng sâu xa là điều rất phổ biến đối với phụ nữ đã phá thai, nhưng việc xã hội tiếp tục phủ nhận tác động của việc phá thai để lại nhiều cảm giác như họ là người duy nhất chịu đau khổ.

Khi bạn đang đau khổ, thì khó mà tin rằng có sự tha thứ, hoặc bất cứ niềm hy vọng nào cho tội lỗi nghiêm trọng này. Đối với những người bị khóa kín trong nỗi đau, dường như phá thai là “việc không thể tha thứ được”, nhưng không có tội lỗi nào là không thể tha thứ đối với Thiên Chúa.

Cuộc đời của Dorothy là bằng chứng cho điều này. Thiên Chúa luôn luôn tìm kiếm chúng ta và kêu gọi chúng ta trở lại với Người. Người luôn mong muốn sự chữa lành và sự hòa giải của chúng ta. Người luôn chờ đợi chúng ta; chúng ta chỉ cần sẵn lòng đến với Người.

Một thông điệp của hy vọng và tha thứ

Có lẽ Thiên Chúa đã mang lại án phong thánh cho Dorothy Day, một phần, để hàng triệu linh hồn đánh mất Chúa vì tội phá thai nhờ gương đức tin của bà, biết rằng có hy vọng, có lòng thương xót, và không những có sự chữa lành nhưng nhờ ân sủng của Người còn có sự thánh thiện nữa.

Khi nói về Dorothy Day lúc mở án phong thánh cho bà, Đức Hồng Y John O’Connor, đã nói thế này: “Chắc chắn, cuộc đời của bà là khuôn mẫu cho tất cả mọi người trong thiên niên kỷ thứ ba, nhưng đặc biệt là đối với những phụ nữ đã hoặc đang cân nhắc việc phá thai. Một sự thật nổi tiếng là Dorothy Day đã thực hiện việc phá thai trước khi bà trở về với Đức tin. Bà hối tiếc về điều đó mỗi ngày trong đời. Sau khi hoán cải từ một cuộc sống tương tự như cuộc sống trước khi hoán cải của Thánh Augustinô thành Hippo, bà đã chứng tỏ là một người bảo vệ sự sống con người cách kiên cường. Sự hoán cải của khối óc và con tim mà bà đã nêu gương có ý nghĩa to lớn đối với tất cả phụ nữ ngày nay trên hai mặt trận. Đầu tiên, nó thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa, lòng thương xót ở chỗ một người phụ nữ phạm tội nặng vẫn có thể tìm thấy sự hiệp nhất mạnh mẽ với Thiên Chúa khi hoán cải. Thứ hai, nó chứng tỏ rằng người ta có thể chuyển từ hành động bạo lực tận cùng chống lại sự sống vô tội trong bụng mẹ sang một vị trí hoàn toàn thánh thiện và cổ vũ hòa bình. Nói tóm lại, tôi cho rằng việc bà phá thai không nên loại trừ án phong thánh mà còn làm tăng cường nó”.

Ngày Dorothy được rửa tội gia nhập Giáo Hội Công Giáo là Ngày lễ các Thánh Anh Hài, ngày 28 tháng 12 năm 1927. Tôi thấy điều này rất có ý nghĩa. Một phần của quá trình hàn gắn sau phá thai là phát triển mối quan hệ thiêng liêng với đứa con bị phá thai của bạn. Để đặt tên cho nó và cầu nguyện cho nó. Để lấy lại bằng ân sủng đã mất bởi tội trọng.

Trong “Tin Mừng Sự Sống”, Thánh Gioan Phaolô II, khi ngỏ lời với các phụ nữ phá thai đã nói: “Bây giờ tôi muốn nói một lời đặc biệt với những phụ nữ đã phá thai. Giáo hội nhận thức được nhiều nhân tố có thể đã ảnh hưởng đến quyết định của chị em, và Giáo Hội không nghi ngờ rằng trong nhiều trường hợp, đó là một quyết định đau đớn và thậm chí tan nát cõi lòng. Vết thương trong tim chị em có thể vẫn chưa lành. Chắc chắn, những gì đã xảy ra là và vẫn còn là sai lầm khủng khiếp. Nhưng chị em đừng nản lòng và đừng đánh mất hy vọng. Thay vào đó, chị em hãy cố gắng hiểu những gì đã xảy ra và đối đầu với nó một cách trung thực. Nếu chị em chưa làm như vậy, hãy khiêm tốn vượt qua và tin tưởng để ăn năn. Cha của lòng thương xót đã sẵn sàng ban cho chị em sự tha thứ của Người và sự bình an của Người trong Bí tích Hòa giải. Chị em có thể hết sức tin cậy giao phó con mình cho cùng một vị Cha này và lòng thương xót của Người".

Tôi sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng đứa con của Dorothy, kẻ đang “sống trong Chúa” là công cụ để bà, nhờ lời cầu nguyện, trở lại với đức tin và tình yêu sâu xa của bà đối với Thiên Chúa và niềm tín thác vào tình yêu và lòng thương xót của Người.

Nếu bà còn sống đến hôm nay, tôi tin rằng Dorothy Day có thể sẽ cùng chúng tôi tham gia các buổi canh thức cầu nguyện hàng tháng “Nhân chứng cho sự sống” của chúng tôi tại Planned Parenthood, (chính thức là bệnh xá Margaret Sanger) trên Phố Mott ở Thành phố New York, một nơi mà bà biết rất rõ. Tôi tin rằng cùng với việc làm của bà cho những người đói khát, bị bỏ rơi và vô gia cư, bà sẽ phục vụ những người đã phá thai. Bà sẽ tuyên bố rằng "chúng ta được yêu thương". Bà sẽ là nhân chứng cho lòng thương xót mà Thiên Chúa dành cho từng người đã phá thai.

Tôi không nghi ngờ gì rằng chính Dorothy đã phải chịu rất nhiều “đau khổ thầm lặng” do việc bà phá thai. Tôi chắc chắn rằng bà đang cầu nguyện và chuyển cầu trước ngai Thiên Chúa, đưa nhiều linh hồn trở về với trái tim nhân từ của Người!

Chúng ta được diễm phúc trở thành nhân chứng cho sự hoán cải cõi lòng của bà, thấy những khả thể và ước muốn của Thiên Chúa qua ân sủng của Người, mang lại sự chữa lành và sự thánh thiện cho mỗi người chúng ta bất kể tội lỗi gì, kể cả tội phá thai.

Nguồn: https://aleteia.org/2021/12/15/what-dorothy-day-means-to-those-healing-from-a-past-abortion/#