1. Người Nga lên tiếng phản đối chiến tranh và nhắc nhở chúng ta phải dám đứng lên vì chính nghĩa

Có những lúc chúng ta phải đứng lên và nói lên tiếng nói của mình, và điều này cũng áp dụng cho cả con cái của chúng ta.

Thật không dễ dàng để đối mặt và mạo hiểm cuộc sống của mình cho những gì mình tin là đúng. Tuy nhiên, nhiều công dân Nga đã xuống đường khắp cả nước để phản đối việc Nga xâm lược Ukraine.

Những công dân này có nguy cơ ngồi tù, và thậm chí có thể mất mạng, để tiếng nói của họ được lắng nghe. Theo báo cáo trên Daily Mail, Điện Cẩm Linh đã đưa ra lời cảnh báo cho bất kỳ ai dám công khai chỉ trích quyết định gây chiến của Tổng thống Vladimir Putin. “Những bình luận tiêu cực về cuộc xâm lược Ukraine của Putin sẽ bị coi là ‘phản quốc’.

Tuy nhiên, lời đe dọa này vẫn không ngăn được người dân Nga tràn ra đường biểu tình. Theo báo cáo, hơn 1,000 người đã tuần hành tại Điện Cẩm Linh hô vang “Ngưng ngay chiến tranh!” và nhanh chóng bị tạm giữ. Các cuộc biểu tình tiếp theo đã diễn ra ở các thành phố lớn khác, bao gồm cả thành phố St. Petersburg, quê hương của Putin.

Các videos cho thấy đám đông đang hô vang “Người Nga phản đối chiến tranh.”

Yekaterina Kuznetsova, một kỹ sư 40 tuổi tham gia biểu tình chia sẻ: “Đây là một ngày nhục nhã và khủng khiếp nhất trong cuộc đời tôi. Tôi thậm chí không thể đi làm. Đất nước của tôi là một kẻ xâm lược. Tôi chán ghét Putin. Còn phải làm gì nữa mới khiến người ta mở mang tầm mắt?”

Và Dmitry Muratov, biên tập viên của tờ báo duy nhất chống Putin của Nga, Novaya Gazeta, đang dũng cảm lên kế hoạch xuất bản ấn bản tiếp theo của tờ báo của mình bằng tiếng Nga và tiếng Ukraine để bày tỏ sự ủng hộ, tuyên bố: “Chúng tôi không coi người Ukraine là kẻ thù”

Sự dũng cảm của những người Nga này trong việc chống lại quyết định hiếu chiến của nhà lãnh đạo Nga là một lời nhắc nhở cho tất cả chúng ta rằng khi những điều sai trái đang diễn ra, chúng ta không thể chỉ ngồi một chỗ và không làm gì cả. Chúng ta phải đứng lên và nói lên tiếng nói của mình, và điều này cũng áp dụng cho con cái của chúng ta. Chúng ta phải khuyến khích các em lên tiếng chống lại những kẻ bắt nạt trong lớp học, ủng hộ lẽ phải và bênh vực những người không thể tự vệ.

Điều đó không dễ dàng, đôi khi rất đáng sợ, nhưng chúng ta có nhiều tấm gương đầy cảm hứng trong đức tin Công Giáo về những người đã nói lên tiếng nói của họ để người khác được sống trong hòa bình và tự do.
Source:Aleteia

2. Đức Tổng Giám Mục Lori phàn nàn về việc Hoa Kỳ chú tâm vào cái gọi là quyền phá thai trong khi cuộc xâm lược Ukraine đang diễn ra

Hôm thứ Hai, ngày 28 tháng 2, Thượng viện đã bỏ phiếu về Đạo luật Bảo vệ Sức khỏe Phụ nữ, HR 3755. Dự luật cực đoan, được đặt tên giả mạo này sẽ áp đặt phá thai theo yêu cầu trên toàn quốc ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ thông qua luật liên bang. Tệ hơn nữa, nó sẽ loại bỏ các luật bảo vệ sự sống khiêm tốn và được ủng hộ rộng rãi ở mọi cấp chính quyền - cấp liên bang, tiểu bang và địa phương. Nó sẽ loại bỏ việc thông báo cho cha mẹ đối với trẻ em gái vị thành niên đang muốn phá thai. Nó sẽ buộc tất cả người Mỹ ủng hộ việc phá thai ở Hoa Kỳ và ở nước ngoài bằng tiền thuế của họ. Nó cũng có khả năng buộc các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các chuyên gia thực hiện, hỗ trợ và giới thiệu các dịch vụ phá thai trái với niềm tin sâu sắc của họ, cũng như buộc người sử dụng lao động và công ty bảo hiểm phải chi trả cho việc phá thai.

Đức Tổng Giám Mục Lori, chủ tịch Ủy ban về các hoạt động phò sinh và Đức Hồng Y Dolan, chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo đã thúc giục các Thượng nghị sĩ phản đối HR 3755.

Các ngài nêu rõ rằng phá thai là hành vi ngược lại với việc chăm sóc sức khỏe của phụ nữ và là một hành vi vi phạm nhân quyền cực độ. Nó không có sự biện minh rõ ràng nào về mặt sức khỏe của phụ nữ. Đáp ứng nhu cầu của phụ nữ bằng cách thúc đẩy phá thai tự chọn do người đóng thuế tài trợ, như dự luật này sẽ làm, là một thất bại trong việc yêu thương và phục vụ phụ nữ. Cung cấp dịch vụ phá thai miễn phí hoặc chi phí thấp, thay vì các nguồn lực cần thiết để chăm sóc cho con cô ấy, không phải là “sự lựa chọn” mà là sự ép buộc.
Source:votervoice.net

3. Hai linh mục Công Giáo Miến Điện bị quân đội đảo chính bắt giữ

Hai linh mục Công Giáo từ Taunggyi đã bị bắt bởi binh lính của quân đội Miến Điện gần giáo phận Pekhon. Vào ngày 21 tháng Hai, Cha John Paul Lwel và Cha John Bosco thuộc Học viện Truyền giáo Thánh Têrêsa Con Đường Nhỏ, đang trên đường đi giúp một nhóm người di tản ở Bang Shan thì họ bị dừng lại tại một trạm kiểm soát. Ngoài hai linh mục, tài xế và một nam thanh niên khác ngồi trên xe cùng họ cũng bị đưa đi.

Các nguồn tin của AsiaNews cho biết tất cả các vị trên đã bị kiểm tra điện thoại của họ, một thói quen đã trở thành thông lệ. Quân đội cho rằng vụ bắt giữ là do phát hiện ra các bức ảnh có logo của Chính phủ Thống nhất Quốc gia lưu vong, do các cựu thành viên quốc hội, chủ yếu thuộc đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi thành lập, và các bức ảnh khác của những người có liên quan đến Quân đội Kháng chiến.

Việc chiếc xe nhằm chở hàng viện trợ cho những người tị nạn càng làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn: các tướng lĩnh, nghi ngờ Giáo hội đang bảo vệ các dân quân chống đảo chính. Trong năm qua, các lực lượng quân đội đã liên tục bắt giữ tùy tiện các nữ tu và linh mục ở các bang Kayah, Shan và Chin, nơi tập trung đông các tín hữu Kitô.

Tuy nhiên, “nếu quân đội muốn thực hiện một số vụ bắt giữ nhất định vào một ngày nhất định và ở một địa điểm nhất định, thì họ sẽ có cớ để làm như vậy. Ngay cả khi ở nhà cũng không còn an toàn vì việc kiểm tra diễn ra bất kỳ lúc nào ngày cũng như đêm”.

Việc bắt giữ hai linh mục diễn ra đồng thời với việc gia tăng các cuộc đụng độ ở giáo phận Pekhon, phía nam bang Shan, nơi lực lượng của quân đội tiến hành các cuộc không kích và tạo ra một làn sóng di cư khác của những người di tản.

Sau cuộc đảo chính của quân đội Miến Điện, thường được gọi là Tatmadaw, vào ngày 1 tháng 2 năm 2021, xung đột dân sự đã nổ ra khắp đất nước. Quân đội kiểm soát khu vực trung tâm, trong khi lực lượng dân quân chống đảo chính sắc tộc tập trung ở biên giới, bao vây các lực lượng quân sự.

Vào tháng 12, giáo phận Loikaw, thủ phủ của bang Kayah, bị đánh bom. Trong số gần 70,000 cư dân của nó, ít nhất 60,000 hiện đã chuyển đến các thành phố lân cận Taungoo và Taunggyi, hoặc đã vượt qua biên giới sang Thái Lan. Theo số liệu của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc, hiện có hơn 400,000 người tị nạn nội địa.
Source:Asia News