Theo tin Tòa Thánh, thứ 4, ngày 16 tháng 3 năm 2022, tại Hội trường Yết kiến Phaolô VI, Đức Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về tuổi già, nhấn mạnh tới khía cạnh tuổi già là tiên tri chống sa đọa. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào Bản Tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Câu chuyện trong kinh thánh - với ngôn ngữ tượng trưng của thời kỳ nó được viết ra - cho chúng ta biết một điều gì đó gây ngỡ ngàng. Thiên Chúa quá chán ghét sự độc ác tràn lan của con người, vốn đã trở thành một phong cách sống bình thường, đến nỗi Người nghĩ rằng mình đã sai lầm khi tạo ra họ và quyết định tận diệt họ. Một giải pháp triệt để. Nó thậm chí còn có thể là sự thay đổi đầy nghịch lý về lòng thương xót. Không còn con người, không còn lịch sử, không còn phán xét, không còn kết án. Và nhiều nạn nhân tiền định của thối nát, bạo lực, bất công sẽ được dung tha mãi mãi.

Há đã không xảy ra với chúng ta đôi khi hay sao trong đó - bị choáng ngợp bởi cảm giác bất lực trước cái ác hoặc bị mất tinh thần bởi "các nhà tiên tri bất hạnh" - chúng ta nghĩ rằng thà chúng ta không sinh ra thì hơn? Chúng ta có nên công nhận một số lý thuyết gần đây, vốn tố cáo loài người như một cản trở về phương diện tiến hóa có hại cho sự sống trên hành tinh của chúng ta không? Tất cả đều tiêu cực? Không.

Thật vậy, chúng ta đang bị áp lực, phải chịu những căng thẳng đối nghịch khiến chúng ta bối rối. Một mặt, chúng ta có niềm lạc quan của một tuổi trẻ vĩnh cửu, được nuôi dưỡng bởi sự tiến bộ phi thường của kỹ thuật, một tiến bộ mô tả một tương lai đầy những máy móc hữu hiệu hơn và thông minh hơn chúng ta, sẽ chữa khỏi bệnh tật của chúng ta và nghĩ cho chúng ta những giải pháp tốt nhất để không chết: thế giới của người máy. Mặt khác, trí tưởng tượng của chúng ta xem ra ngày càng tập trung vào việc diễn tả một thảm họa cuối cùng sẽ tận diệt chúng ta. Điều gì xảy ra với một cuộc chiến tranh hạt nhân thực sự. “Ngày sau” điều này - nếu vẫn còn ngày tháng và con người - sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Phá hủy mọi thứ để bắt đầu lại từ đầu. Lẽ dĩ nhiên, tôi không muốn tầm thường hóa ý niệm tiến bộ. Nhưng dường như biểu tượng hồng thủy ngày càng có chỗ đứng trong tiềm thức của chúng ta. Bên cạnh đó, đại dịch hiện nay đè nặng lên sự suy nghĩ bất cần ai của chúng ta về những điều quan trọng, đối với cuộc sống và số phận của nó.

Trong câu chuyện kinh thánh, khi nói đến việc cứu sự sống trên trái đất khỏi băng hoại và hồng thủy, Thiên Chúa giao nhiệm vụ cho lòng trung thành của người già nhất, Ông Nô-ê “công chính”. Liệu tuổi già có cứu được thế giới không, tôi tự hỏi? Theo nghĩa nào? Và tuổi già sẽ giải cứu thế giới ra sao? Và triển vọng là gì? Sự sống sau cái chết hay chỉ sống sót cho đến lúc hồng thủy?

Một lời của Chúa Giê-su, gợi lên “thời Nô-ê”, sẽ giúp chúng ta khám phá sâu hơn ý nghĩa của đoạn Kinh thánh mà chúng ta đã nghe. Khi nói về thời kỳ cuối cùng, Chúa Giê-su nói: “Thời Nô-ê thế nào, thì thời của Con Người cũng như thế. Người ta ăn, người ta uống, người ta cưới nhau, người ta hiến thân trong hôn nhân, cho đến ngày khi ông Nô-ê vào tàu, thì trận hồng thủy đến phá hủy tất cả ”(Lc 17:26-27). Quả thật, chuyện ăn uống, lấy vợ lấy chồng là những chuyện hết sức bình thường và dường như không phải là điển hình của sa đọa. Sa đọa ở đâu? Sa đoạ ở chỗ nào trong đó? Thực ra, Chúa Giê-su nhấn mạnh sự kiện này là con người, khi chỉ biết hưởng thụ cuộc sống, họ đánh mất cả ý thức về sự sa đọa, điều này làm thối hoại phẩm giá của họ và chuốc độc ý nghĩa. Khi ý thức sa đọa mất đi, và sa đọa trở thành một điều bình thường: mọi thứ đều có cái giá của nó, mọi thứ! Ý kiến, hành vi công lý, đều được mua và bán. Điều này là phổ biến trong thế giới kinh doanh, trong thế giới của nhiều ngành nghề. Và sa đọa thậm chí còn được trải nghiệm một cách bất cần ai, như thể nó là một phần bình thường của hạnh phúc con người. Khi anh chị em đi làm một việc gì đó, và nó chậm tiến triển, diễn trình làm việc đó tiến hơi chậm, anh chị em thường nghe nói: “đúng, nhưng nếu bạn cho tôi một tiền thưởng, tôi sẽ làm nó nhanh hơn”. Rất thường xuyên như thế. “Hãy cho tôi một điều gì đó thì tôi sẽ làm nó tiến hơn”. Tất cả chúng ta đều biết thế. Thế giới sa đọa dường như là một phần bình thường của con người, và điều này thật tồi tệ. Sáng nay tôi đã nói chuyện với một người phụ nữ; bà nói với tôi về vấn đề này ở quê hương của bà. Tiện ích của đời sống được tiêu dùng và hưởng thụ mà không quan tâm đến phẩm chất của cuộc sống tinh thần, không quan tâm đến môi trường sống của ngôi nhà chung. Mọi thứ đều bị khai thác, mà không quan tâm đến nỗi khổ và sự thất vọng mà nhiều người phải gánh chịu, cũng không nghĩ đến cái ác đầu độc cộng đồng. Miễn là cuộc sống bình thường có thể được lấp đầy bằng “phúc lợi”, chúng ta không muốn nghĩ về những gì làm cho nó trở nên trống rỗng công lý và tình yêu. “Nhưng tôi vẫn ổn! Tại sao tôi phải nghĩ về các vấn đề, về chiến tranh, về nỗi đau khổ của con người, về tất cả sự nghèo đói, tất cả những điều xấu xa đó? Không, tôi ổn mà. Tôi không quan tâm đến người khác”. Đây là ý nghĩ trong tiềm thức dẫn chúng ta đến việc sống trong tình trạng sa đọa.

Tôi tự hỏi, sa đọa có thể trở thành bình thường hay không? Thưa anh chị em, rất tiếc, có. Chúng ta có thể hít thở bầu không khí sa đọa giống như chúng ta hít thở oxy. “Nhưng nó là chuyện bình thường; nếu bạn muốn tôi làm việc này nhanh hơn, bạn sẽ cho tôi cái gì? ” Thật là bình thường! Đó là điều bình thường, nhưng nó là một điều xấu, nó không tốt! Điều gì dọn đường cho điều này? Điều duy nhất là: tính bất cần ai trở thành chỉ biết chăm lo cho bản thân: đây là cửa ngõ dẫn đến sa đọa, nhấn chìm cuộc đời của tất cả chúng ta. Sa đọa được hưởng lợi ích rất nhiều từ sự bất cần ai chẳng hợp với Thiên Chúa chút nào này. Khi mọi thứ đang diễn ra êm xuôi đối với một người nào đó, và những người khác không quan trọng đối với anh ta hoặc cô ta: sự thiếu suy nghĩ này làm suy yếu khả năng phòng thủ của chúng ta, làm thui chột lương tâm của chúng ta và biến chúng ta - thậm chí vô tình - thành đồng phạm. Bởi vì sa đọa không đơn độc: nó luôn có đồng bọn. Và tham nhũng luôn luôn lan rộng, nó lan rộng.

Tuổi già nằm ở vị thế tốt để nắm bắt sự lừa dối của việc bình thường hóa cuộc sống bị ám ảnh bởi sự hưởng thụ và trống rỗng nội tâm tính: cuộc sống không suy nghĩ, không hy sinh, không cái đẹp, không chân lý, không công lý, không tình yêu: tất cả chỉ là sa đọa. Sự nhạy cảm đặc biệt của những người già chúng ta, của tuổi già đối với sự quan tâm, suy nghĩ và tình cảm làm cho chúng ta thành nhân bản, một lần nữa nên trở thành ơn gọi của nhiều người. Và nó sẽ là quyết tâm yêu thương của những người cao niên đối với những thế hệ mới. Chúng ta sẽ là những người gióng lên hồi chuông cảnh báo, cảnh tỉnh: “Hãy ý thức, đây là sa đọa, nó sẽ chẳng mang lại gì cho bạn cả”. Ngày nay rất cần sự khôn ngoan của người cao niên để chống lại sa đọa. Những thế hệ mới mong đợi ở chúng ta, những người cao niên, một lời nói tiên tri, mở ra những cánh cửa cho những tầm nhìn mới bên ngoài thế giới sa đọa bất cần ai đó, thế giới của thói quen sa đọa đó. Phước lành của Thiên Chúa chọn tuổi già, vì đặc sủng này rất nhân bản và nhân bản hóa. Đâu là ý nghĩa của tuổi già của tôi? Mỗi người trong chúng ta, những người cao niên đều có thể tự hỏi mình điều này. Ý nghĩa là thế này: làm một nhà tiên tri chống sa đọa và nói với những người khác: “Hãy dừng lại, tôi đã đi con đường này và nó không dẫn bạn đến đâu cả! Bây giờ tôi sẽ kể cho bạn nghe kinh nghiệm của tôi”. Chúng ta, những người cao tuổi, nên là nhà tiên tri chống lại sự sa đọa, cũng như Nô-ê là nhà tiên tri chống lại sự sa đọa thời ông, bởi vì ông là người duy nhất được Thiên Chúa tin cậy. Tôi hỏi tất cả anh chị em - và tôi cũng tự hỏi chính bản thân tôi: ngày nay trái tim tôi có rộng mở để trở thành một nhà tiên tri chống lại sự sa đọa hay không? Điều tồi tệ, là khi những người cao niên không trưởng thành, và trở thành những người già với những thói hư hỏng của lớp trẻ. Hãy nghĩ đến câu chuyện kinh thánh về các thẩm phán xử bà Susanna: họ là tấm gương của tuổi già sa đọa. Và chúng ta, với kiểu tuổi già này, sẽ không thể trở thành những nhà tiên tri cho các thế hệ trẻ.

Và Nô-ê là điển hình của tuổi già vẫn còn khả năng sinh sản này: nó không sa đọa, nó có khả năng sinh sản. Nô-ê không rao giảng, không phàn nàn, không buộc tội, mà là lo cho tương lai của thế hệ đang gặp nguy hiểm. Những người cao niên chúng ta phải chăm sóc những người trẻ tuổi, những đứa trẻ đang gặp nguy hiểm. Ông xây dựng con tầu tiếp đón và để người và động vật vào đó. Trong mọi hình thức chăm sóc sự sống, Nô-ê tuân theo lệnh truyền của Thiên Chúa, lặp lại cử chỉ dịu dàng và hào phóng của sáng thế, mà thực tế là ý nghĩ từng linh hứng cho mệnh lệnh của Thiên Chúa: một phước lành mới, một tạo thế mới (x. St. 8: 15-9,17). Ơn gọi của Nô-ê vẫn luôn liên quan tới chúng ta. Một lần nữa, thánh tổ phụ phải cầu bầu cho chúng ta. Và chúng ta, đàn bà và đàn ông ở một độ tuổi nào đó - để không chỉ nói về người già, vì một số người sẽ bị xúc phạm - chúng ta đừng quên rằng chúng ta có khả thể khôn ngoan để nói với người khác: "Hãy xem, con đường sa đọa này không dẫn đến đâu ”. Chúng ta phải giống như rượu ngon, càng lâu năm, càng có thể đưa ra một thông điệp tốt chứ không phải một thông điệp xấu.

Hôm nay tôi kêu gọi tất cả những người ở bất cứ độ tuổi nào, chứ đừng nói là người già. Hãy cẩn thận: bạn có trách nhiệm tố cáo sự sa đọa của con người nơi chúng ta đang sống và trong đó lối sống của chủ nghĩa duy tương đối này tiếp diễn, hoàn toàn tương đối, như thể mọi thứ đều hợp pháp. Chúng ta tiến lên phía trước. Thế giới cần những người trẻ mạnh mẽ, những người tiến lên và những người lớn tuổi khôn ngoan. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho ơn khôn ngoan.