Hôm thứ Ba, nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã bày tỏ lo ngại về kế hoạch cho các gia đình Ukraine và Nga cùng nhau vác thánh giá tại các các chặng Đàng Thánh Giá do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự tại Đấu trường La Mã vào Thứ Sáu Tuần Thánh.
Theo một tuyên bố báo chí ngày 12 tháng 4 từ Văn phòng Thư ký ở Rôma của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk cho biết: “Tôi coi một ý tưởng như vậy là không đúng lúc, mơ hồ và nó không tính đến bối cảnh Nga đang xâm lược quân sự chống lại Ukraine.”
“Đối với những người Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, các văn bản và cử chỉ của chặng thứ 13 trong Đàng Thánh Giá này là không mạch lạc và thậm chí gây khó chịu, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc tấn công thứ hai, thậm chí đẫm máu hơn của quân đội Nga vào các thành phố và làng mạc của chúng tôi. Tôi biết rằng những người anh em Công Giáo Rôma của chúng tôi chia sẻ những suy nghĩ và mối quan tâm này”.
Sự can thiệp của Đức Tổng Giám Mục Shevchuk xảy ra sau phản kháng của Andrii Yurash, tân đại sứ Ukraine cạnh Tòa thánh. Vị tân Đại Sứ bày tỏ lo ngại về Đàng Thánh Giá này trong một bài đăng trên mạng xã hội hôm thứ Ba. Ông Andrii viết rằng “chúng tôi đang giải quyết vấn đề này, cố gắng giải thích những khó khăn trong việc tiếp nhận nó và những hậu quả có thể xảy ra.”
Hôm thứ Hai, Vatican đã công bố các bài suy niệm và cầu nguyện cho Via Crucis, hay Đàng Thánh Giá của Đức Giáo Hoàng, trong đó tập trung vào nhiều “thập giá” trong cuộc sống gia đình.
Ở thứ 13, “Chúa Giêsu chết trên Thánh giá”, một gia đình Ukraine và một gia đình Nga đã đọc một bài suy niệm mà họ đã viết cùng nhau về cuộc sống của họ đã bị tàn phá bởi nỗi đau chiến tranh như thế nào.
“Chết chóc ở khắp mọi nơi. Cuộc sống dường như mất đi giá trị của nó. Mọi thứ thay đổi trong vài giây. Cuộc sống của chúng con, những ngày của chúng con, tuyết mùa đông vô tư, đưa lũ trẻ đến trường, đi làm, những cái ôm, tình bạn... mọi thứ. Mọi thứ bỗng nhiên mất đi ý nghĩa và giá trị. “Ngài đang ở đâu? Chúa đang trốn ở đâu? Chúng con muốn cuộc sống của chúng con trở lại như trước. Tại sao tất cả những điều này xảy ra? Chúng con đã làm gì sai? Tại sao Chúa từ bỏ chúng con? Tại sao Chúa từ bỏ dân tộc của chúng con? Tại sao Chúa lại phân rẽ gia đình của chúng con như thế này? Tại sao chúng con không còn khao khát ước mơ và tiếp tục sống? Tại sao vùng đất của con lại trở nên tối tăm như Golgotha?” Chúng con không còn nước mắt. Sự tức giận đã nhường chỗ cho sự cam chịu. Lạy Chúa, chúng con biết rằng Chúa yêu thương chúng con, nhưng chúng con không cảm nhận được tình yêu này và nó đẩy chúng con đến chỗ tuyệt vọng. Chúng con thức dậy vào buổi sáng và cảm thấy hạnh phúc trong một vài khoảnh khắc, nhưng sau đó chúng con đột nhiên nghĩ rằng sẽ khó khăn như thế nào để bản thân có thể chấp nhận tất cả những hiện thực này. Chúa ơi, Chúa đang ở đâu? Xin hãy nói chuyện với chúng con giữa sự im lặng của chết chóc và chia rẽ, và dạy chúng con trở thành những người kiến tạo hòa bình, những người anh chị em và xây dựng lại những gì bom đạn đã cố gắng phá hủy.”
Lời cầu nguyện sau bài suy niệm gọi cạnh sườn Chúa bị lưỡi đòng đâm thâu qua là nguồn hòa giải cho tất cả các dân tộc; và cầu xin cho “các gia đình bị tàn phá bởi nước mắt và máu có thể tin vào sức mạnh của sự tha thứ và làm cho tất cả chúng con trở thành những người kiến tạo hòa bình và hòa hợp.”
Hai gia đình dự kiến sẽ cùng nhau vác một cây thánh giá bằng gỗ ở chặng thứ 13 ở Đấu trường La Mã trước khi chuyển nó cho một gia đình người di cư, những người sẽ vác cây thánh giá đến chặng cuối cùng.
Ban thư ký của Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương ở Rôma cho biết Đức Tổng Giám Mục Shevchuk đã thúc giục Vatican xem xét lại kế hoạch sau khi ngài “nhận được nhiều lời kêu gọi từ các tín hữu của Giáo hội và xã hội dân sự, cả từ Ukraine và nước ngoài,” yêu cầu ngài “chuyển tới Đức Thánh Cha sự phẫn nộ và bác bỏ kế hoạch này của người Ukraine trên khắp thế giới”.
“Người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương nói rằng ngài đã truyền đạt cho Vatican vô số phản ứng tiêu cực của nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân, những người tin chắc rằng các cử chỉ hòa giải giữa các dân tộc của chúng ta sẽ chỉ có thể thực hiện được khi chiến tranh kết thúc và những kẻ phạm tội chống lại loài người phải bị lên án một cách chính đáng.”
Source:Catholic News Agency