1. Đức Thánh Cha Phanxicô coi việc Tổng thống Biden, một người Công Giáo, ủng hộ quyền phá thai, là thái độ không nhất quán
Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả đó là một “sự không nhất quán” khi Tổng thống Joe Biden, một người Công Giáo, ủng hộ phá thai.
Trong cuộc phỏng vấn với Univisión và Televisa phát sóng ngày 12 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về phá thai và lập trường của Biden, sau khi được hỏi về việc có nên cho các chính trị gia cổ vũ phá thai rước lễ hay không.
Đức Thánh Cha khẳng định rằng có những dữ liệu khoa học cho thấy “một tháng sau khi thụ thai, DNA của thai nhi đã tồn tại và các cơ quan đã được sắp xếp theo trật tự. Có sự sống của con người”.
“Chẳng phải đó là sự loại bỏ một mạng người sao?” ngài hỏi.
Đối với các hành động bảo vệ việc phá thai của tổng thống Hoa Kỳ, Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố rằng ngài để cho “lương tâm” của Biden phán xét.
“Hãy để Biden nói chuyện với mục tử của ông ấy về sự không nhất quán đó,” Đức Giáo Hoàng nói.
Mặc dù là một người Công Giáo, Biden đã nhiều lần ủng hộ quyền phá thai bất chấp giáo huấn của Giáo hội rằng mạng sống con người phải được tôn trọng và bảo vệ ngay từ khi được thụ thai.
Tuần trước, Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm bảo vệ quyền tiếp cận phá thai để đáp lại quyết định của Tòa án Tối cao lật ngược phán quyết trong vụ án Roe kiện Wade, là phán quyết hợp pháp hóa việc phá thai trên khắp Hoa Kỳ
Tổng thống gọi đây là “thời điểm để khôi phục các quyền đã bị tước đoạt khỏi chúng ta và thời điểm để bảo vệ quốc gia của chúng ta khỏi một chương trình nghị sự cực đoan trái ngược với mọi thứ mà chúng ta, những người Mỹ, tin tưởng.”
Vào tháng 9 năm 2021, Biden cho biết ông ta không “đồng ý” rằng sự sống bắt đầu từ lúc thụ thai.
“Tôi đã và đang tiếp tục là một người ủng hộ mạnh mẽ cho phán quyết Roe kiện Wade,” ông nói tại Tòa Bạch Ốc khi trả lời câu hỏi của một phóng viên về vấn đề phá thai. “Tôi tôn trọng họ - những người tin rằng cuộc sống bắt đầu từ thời điểm thụ thai và tất cả - tôi tôn trọng điều đó. Không đồng ý, nhưng tôi tôn trọng điều đó,” Biden nói.
Đức Hồng Y Wilton Gregory của Washington đã bình luận ngay sau đó rằng “Giáo Hội Công Giáo dạy và đã dạy rằng cuộc sống - cuộc sống con người - bắt đầu từ lúc thụ thai. Vì vậy, tổng thống không thể hiện giáo huấn Công Giáo “.
Đức Hồng Y Gregory nói với một nhà báo vào tháng 11 năm 2020 rằng ngài sẽ không từ chối Thánh Thể với một chính trị gia ủng hộ việc luật hóa phá thai trong luật liên bang và người đóng thuế tài trợ cho việc phá thai. Biden hỗ trợ cả hai chính sách.
Vào tháng 6 năm 2021, hội đồng giáo xứ của giáo xứ Holy Trinity của tổng thống Washington, đã tuyên bố đồng thuận với ý kiến của Hồng Y Gregory “liên quan đến các vấn đề xung quanh việc trao Thánh Thể cho các chính trị gia Hoa Kỳ.”
Tuyên bố cho biết: “Nhà thờ Công Giáo Holy Trinity sẽ không từ chối Thánh Thể cho những người tự lên nhận Thánh Thể.”
“Là một giáo xứ có bề dày lịch sử chào đón tất cả mọi người, chúng tôi đồng tình và ủng hộ đường lối mục vụ của Đức Tổng Giám Mục của chúng tôi.”
Source:Catholic News Agency
2. Đức Cha người Costa Rica đón nhận Thừa sai Bác ái bị trục xuất khỏi Nicaragua, trong đó có một sơ Việt Nam
Hôm 6 tháng 7, Đức Cha Eugenio Salazar Mora, Giám Mục giáo phận Tilarán-Liberia ở Costa Rica, đã quỳ gối khi chào mừng bề trên của Dòng Thừa sai Bác ái, người đã bị chính phủ của Tổng thống Daniel Ortega trục xuất khỏi Nicaragua.
Các chị em của dòng do Thánh Teresa thành Calcutta thành lập đã được chào đón đến Costa Rica tại một giáo xứ ở thị trấn Cañas.
Một đoạn video được giám mục đăng trên Facebook cho thấy ngài chào hỏi từng nữ tu một, họ lần lượt hôn chiếc nhẫn giám mục của ngài. Khi đến gặp bề trên, Salazar đã quỳ xuống và chính ngài là người hôn tay vị nữ tu.
Giáo phận Tilarán-Liberia giải thích rằng “dấu hiệu tôn kính mà Đức Cha dành cho mẹ bề trên là dấu hiệu cho thấy sự kính trọng trước thái độ sẵn sàng phục vụ cộng đồng này của các nữ tu”.
“Khi tiếp nhận các chị em, chúng tôi đã tiếp nhận Chúa Giêsu Kitô”
Trong một video khác, được đăng vào ngày 7 tháng 7, vị giám mục nói rằng ngài không biết lý do bọn cầm quyền Nicaragua trục xuất các nữ tu, những người “thầm lặng phục vụ, vì tâm linh của họ không tìm kiếm sự công nhận, không tham gia vào các cuộc tranh cãi, và họ cống hiến nỗi đau của họ cho người dân Nicaragua.”
“Họ đã có những khoảng thời gian khó khăn, lo sợ cho sự an toàn cá nhân của mình, biết rằng họ thuộc nhiều quốc tịch khác nhau và một số trong số họ đã lớn tuổi. Họ đã rất lo lắng cho đến khi họ đến lãnh thổ Costa Rica,” vị giám mục nói tiếp.
“Nếu điều đó tùy thuộc vào họ, họ sẽ ở lại Nicaragua; họ yêu Nicaragua, người dân Nicaragua, đặc biệt là những người đang cần nhất,” Đức Cha nói.
Ngài nhấn mạnh: “Tôi không thấy có lỗi gì về phía họ, họ chỉ là những người phụ nữ, theo chân Chúa Giêsu Kitô, những người chỉ nhằm mục đích phục vụ người nghèo, làm nhiều điều mà nhiều người khác không làm”.
“Nhưng, đó là cuộc sống của Kitô hữu; chiều kích tử đạo cũng là một phần của linh đạo Kitô giáo. Giáo hội của Chúa Giêsu Kitô là Giáo hội bị đàn áp - nếu không nó sẽ không thuộc về Chúa Giêsu Kitô,” Đức Cha Salazar nói.
Theo gương Thánh nữ Têrêxa thành Calcutta, “họ chỉ tìm kiếm một đặc ân: yêu thương và phục vụ người nghèo, những người túng thiếu nhất”.
Sau khi yêu cầu những lời cầu nguyện cho Nicaragua, vị giám mục nhấn mạnh rằng “khi tiếp nhận các chị em, chúng tôi đã tiếp nhận Chúa Giêsu Kitô. Các chị là những người phụ nữ dũng cảm, giản dị”
Chế độ của Ortega, nắm quyền trong 15 năm, đã trục xuất 18 Nhà truyền giáo bác ái khỏi quốc gia Trung Mỹ vào ngày 6 tháng 7.
Theo hãng thông tấn EFE, việc giải thể Hội Thừa sai Bác ái và 100 tổ chức phi chính phủ khác ở Nicaragua đã được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 6 trên cơ sở “khẩn cấp” và không có bất kỳ tranh luận nào.
Quốc hội, cơ quan lập pháp của Nicaragua, được kiểm soát bởi Mặt trận Giải phóng Quốc gia Sandinista, do Ortega lãnh đạo.
Trong số 18 chị em, có bảy người Ấn Độ, hai người Mễ Tây Cơ, hai người Phi Luật Tân, hai người Guatemala, hai người Nicaragua, một người Tây Ban Nha, một người Ecuador và một người Việt Nam.
Cuối thông điệp của mình, Đức Cha Salazar nói rằng “tình yêu sẽ vượt qua, tình yêu sẽ chiến thắng. Chúa có lời cuối cùng chứ không phải con người. Nicaragua tiến lên, những Kitô hữu Nicaragua tiến lên! Chúa Kitô Vua muôn năm!”
Source:Catholic News Agency
3. Giáo phái Thống nhất là gì?
Tetsuya Yamagami, kẻ bắn chết Cố Thủ Tướng Shinzo Abe cho rằng anh ta căm thù Giáo phái Thống nhất nên đã ra tay sát hại ông vì cho rằng ông có liên quan đến giáo phái này. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản tường trình của CNN qua phần trình bày của Thụy Khanh về Giáo phái Thống nhất.
Giáo phái Thống nhất, ban đầu được gọi là Hiệp Hội Thánh Linh Cho Sự Thống Nhất Của Kitô Giáo Thế Giới, được thành lập bởi Ông Văn Tiên Minh (Moon Sun-myung, 문선명) vào năm 1954. Cần nói ngay rằng dù danh xưng của HIệp Hội này đề cập đến Thánh Linh và Kitô Giáo, The National Council of Churches in Korea hay Hội Đồng Quốc Gia Các Giáo Hội Kitô Nam Hàn không công nhận giáo phái này là Kitô Giáo vì tin tưởng của họ khác xa với niềm tin Kitô truyền thống.
Giáo phái này nổi lên vào cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960, một thời kỳ đầy biến động ở Hàn Quốc, vào thời điểm Hàn Quốc đang chuyển đổi từ một quốc gia nghèo đói bị chia cắt bởi nội chiến thành một trong những nền kinh tế hiện đại nhất thế giới.
Đến những năm 1980, giáo phái này đã vươn ra toàn cầu và ngày nay nó vẫn nổi bật ở các vùng của Á Châu. Nó tiếp tục trở thành tiêu đề quốc tế vì các đám cưới tập thể, trong đó hàng ngàn cặp kết hôn với nhau cùng một lúc. Thậm chí, một số cô dâu và chú rể gặp nhau lần đầu tiên trong ngày cưới của họ.
Ông Văn Tiên Minh, được những người theo dõi gọi là “Cha Văn”, qua đời ở Hàn Quốc vào năm 2012 ở tuổi 92.
Tận dụng các chiến thuật của những người bán hàng tận nhà, Giáo phái Thống nhất nhắm vào những người già, đau buồn, cô đơn và việc khai thác hình ảnh của các nhà lãnh đạo chính trị nổi tiếng. Theo các nhà điều tra nghiên cứu về tinh thần và tài chính của Ông Văn Tiên Minh, Giáo hội Thống nhất đã dành nhiều thập kỷ để thiết lập tại Nhật Bản những trung tâm lợi nhuận đáng tin cậy nhất của mình.
Hình thức chủ yếu để khai thác hình ảnh của các nhà lãnh đạo chính trị nổi tiếng là mời họ nói chuyện bằng một số tiền thù lao hậu hĩnh về những vấn đề mà họ tâm đắc, và sẵn sàng nói, không có tiền họ cũng nói vì đó là những vấn đề mà họ quan tâm. Thủ Tướng Shinzo Abe và cả tổng thống Donald Trump đều là những người được mời nói chuyện. Họ nhận lời nhưng không có nghĩa là họ tán thành đường lối của giáo phái này. Cho rằng những diễn giả này là các thành viên của giáo phái thì còn xa sự thật hơn nữa.
Bây giờ, sau khi kẻ tình nghi là kẻ ám sát cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói với cảnh sát rằng anh ta đổ lỗi cho một nhóm tôn giáo khiến mẹ anh ta phá sản, và giáo phái Thống nhất xác nhận rằng mẹ của kẻ xả súng là một thành viên của chi nhánh Nhật Bản, vai trò của giáo phái, từ lâu đã gây tranh cãi tại Nhật Bản, lại một lần nữa bị soi xét.
Tetsuya Yamagami, kẻ bị tình nghi, khai với cảnh sát rằng mẹ anh ta đã bị hủy hoại tài chính sau khi bị áp lực quyên góp số tiền lớn cho giáo phái Thống Nhất.
Tomihiro Tanaka, người điều hành chi nhánh Nhật Bản của nhà thờ, cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai rằng mẹ của Yamagami gia nhập tổ chức vào năm 1998, sau đó bỏ đi một thời gian và quay trở lại vào năm nay. Một viên chức giáo phái cho biết ông không có thông tin về các khoản quyên góp của người mẹ cho tổ chức và cũng không có hồ sơ về việc bản thân Yamagami đã từng thuộc về giáo phái hay chưa.
Hôm thứ Ba, các hãng truyền thông Nhật Bản đưa tin rằng các lỗ đạn đã được tìm thấy trên mặt tiền của tòa nhà của giáo phái Thống nhất ở Nara. Theo đài truyền hình Nhật Bản Fuji News Network, nghi phạm nói với các nhà điều tra rằng anh ta đã thử súng ở đó trước khi bắn Abe.
Giáo phái Thống nhất kiểm soát hàng chục cơ sở ở Nhật Bản, trong đó có một cơ sở ở Nara, cách nơi Cố Thủ Tướng Abe bị bắn hôm thứ Sáu vài trăm mét.
Cựu Thủ Tướng Abe, giống như nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác, đã xuất hiện tại các sự kiện liên quan đến giáo phái Thống nhất với tư cách là một diễn giả được trả tiền, gần đây nhất là vào tháng 9 trên một chương trình có sự tham gia của cựu tổng thống Donald Trump, đã phát biểu qua liên kết video.
Cho đến nay, cảnh sát tỏ ra không mấy tin tưởng vào lời khai của hung thủ.
Source:Washington Post