Địa Chỉ Của “Hộ Chiếu Kitô Hữu”

(Chúa Nhật 19 TN C 2022)

Trong tiến trình lịch sử cứu độ, có lẽ chúng ta đã quá quen với hai giai đoạn liên quan đến hai nhân vật Cựu Ước: Giai đoạn khởi đầu dòng tộc Israel với tổ phụ Abraham và giai đoạn “Israel chính thức trở thành một dân tộc, dân của Giao ước”, giai đoạn Xuất Hành với lãnh tụ Môsê. Vâng, một người là Tổ phụ của dân Israel, được mệnh danh là “Cha của những kẻ có niềm tin”; một người là nhà Giải phóng và vị Lãnh Đạo xuất chúng của dân ưu tuyển của Thiên Chúa, được mệnh danh là vị “Đại Tiên tri” và nhà thiết lập lề Luật cho dân tộc của Giao ước cũ. Và cả hai đều là “biểu tượng”, là hình ảnh tiên trưng đậm nét về Đấng Mêsia, Đấng Cứu Thế phải đến để thiết lập “Triều đại nước Thiên Chúa”.

Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay trân trọng nhắc đến hai nhân vật vĩ đại nầy:

Nếu thư Do Thái (Bđ 2) đã dành nhiều dòng để ca tụng Tổ phụ Abraham như: “Nhờ đức tin, Abraham đáp lại tiếng Chúa gọi, để ra đi đến xứ ông sẽ được lãnh làm gia nghiệp, và ông ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đến cư ngụ trong đất Chúa hứa, như trong đất khách quê người, sống trong lều trại, cũng như Isaac và Giacóp, những kẻ đồng thừa tự cùng một lời hứa... Nhờ đức tin, khi bị thử lòng, Abraham đã dâng Isaac. Ông hiến dâng con một mình...”, thì sách Khôn Ngoan (Bđ 1), mặc dù không minh nhiên nhắc đến tên Môsê, nhưng đã nhấn mạnh đến niềm tin của các “vị cha ông” thời Xuất Hành, những kẻ phó thác hoàn toàn cho “Lời hứa” của Thiên Chúa: “Chính đêm ấy, cha ông chúng ta đã biết trước, để biết chắc mình đã tin tưởng vào lời thề nào mà được can đảm...”...

Phải chăng đây chính là những sứ điệp để giúp chúng ta có được những “chìa khoá thích hợp” mà đi sâu vào nội dung sứ điệp của Chúa Giêsu về “thái độ tỉnh thức khôn ngoan” và mạnh mẽ sống phút giây hiện tại như Tin Mừng Luca vừa được công bố: “Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức... Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình.”

Từ những hướng dẫn của Lời Chúa đó, chúng ta có thể nhận ra sứ điệp đầu tiên được chuyển tải: thế giới hôm nay, Giáo Hội hôm nay cần thiết biết bao những “Abraham đích thực”, những con người dám đặt điểm tựa cuộc đời trên chính Lời Giao Ước của Thiên Chúa ! Bởi nếu không, thế giới, Giáo Hội hay mỗi người cho dù đang sống đó, nhưng là một cuộc sống bấp bênh, vô định, nếu không nói là sẽ dẫn tới bến bờ của thất vọng, bế tắt... Chính khi đặt cuộc đời mình, những bước đi của cuộc sống mình trên Lời Giao ước của Thiên Chúa, mà Abraham đã trở thành “Cha của một dân tộc như sao trên trời như cát bãi biển…”. Vâng, một cuộc đời, cho dù có phiêu lưu tới những chân trời xa xôi bát ngát, cho dù phải cô độc với tuổi già vô sinh, cho dù chỉ có mỗi một người con một mà đành phải hy sinh hiến tế… nhưng vì một cuộc đời đã “ký giao ước với Thiên Chúa là tình yêu và trung tín”, nên Abraham đã “chẳng sợ hãi gì”, cứ thế mà ung dung lên đường, tiến về phía trước. Cần thiết biết bao những “người cha như thế’ trong đại gia đình thế giới hôm nay !

Cũng vậy, ngày hôm nay, cần biết bao những Môsê cùng với dân tộc của ông trong những giây phút quyết định của “đêm định mệnh” Vượt Qua: những con người vĩ đại, dám chọn lựa dứt khoát: sẵn sàng dứt bỏ Pharaon với kiếp đời tăm tối nô lệ, cho dù an yên bên nồi thịt với củ hành củ tỏi, để ra đi về miền đất hứa với lời Giao ước của Giavê, cho dù phải đối diện với không biết bao nhiêu gian nan khổ ải.

Vâng, cũng như Abraham, hòn đá tảng để Môsê và dân Israel đặt niềm tin lại cũng chính là “Lời hứa hẹn của Thiên Chúa”: “Ta đã thấy nỗi khổ của dân ta, và Ta muốn giải thoát chúng” ! Và họ đã chiến thắng nỗi sợ hãi để cùng nhau sát cánh lên đường.

Nói cho cùng, “một dân tộc như sao trên trời, như cát đại dương” đối với Abraham, hay một “miền đất hứa chảy sữa mật ong” đối với Môsê không phải là một thực tại xa vời huyễn tưởng, mà là một hiện thực, một “bàn tay của Thiên Chúa” đang nắm, một lối bước của Giavê đang đồng hành. Chính niềm tin sắt đá và sống động như thế, đã làm cho các ngài trở nên vĩ đại và đã làm cho dân tộc các ngài và muôn dân trong quan hệ đức tin với các ngài cũng trở nên bất tử.

Nhưng dân tộc mà Abraham là tổ phụ và Môsê giải thoát và chính các ngài, tất cả đều chỉ là tiên trưng, là ngón tay trỏ hướng về một Đấng Mêsia từ trời và một Vương Quốc bao la vĩnh cửu, không dừng lại ở “mười hai chi tộc” và hạn chế với một rẻo đất hẹp khô cằn bên bờ Địa Trung Hải.

Vâng, đó chính Là Đức Kitô, Đấng đến để mạc khải mầu nhiệm Nước Trời và đưa toàn thể nhân loại đi vào trong Vương Quốc đó.

Với dụ ngôn “người tôi tớ thắt lưng đàng hoàng, cầm đèn cháy sáng, trong tư thế đợi chủ trở về…”, Đức Kitô muốn làm sống lại hình ảnh của một Abraham luôn tỉnh thức trước tiếng gọi mời lên đường của Tiên Chúa; nhất là của một Môsê và dân Israel canh thức trong đêm Vượt Qua khỏi cuộc đời tăm tối nô lệ Ai Cập để lên đường xuất hành về đất hứa. Vâng, cuộc đời của những ai được gọi mời theo Đức Kitô, cũng phải chọn thái độ “đừng sợ” và sắp sẵn với giây phút hiện tại để đón gặp chính Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ và dẫn đưa chúng ta vào tham dự bàn Tiệc Nước Trời.

Trong cuộc hành trình của đời sống hôm nay, làm sao tránh khỏi những “đêm tối thập giá”, những đau thương vụn vỡ như muối xát vào tim, những thấp thỏm lo âu trước bao nhiêu giới hạn và nhỏ bé của kiếp phận con người… Thế nhưng, như Đức Cố Hồng Y, Tôi tớ Chúa, F.X. Nguyễn Văn Thuận, giữa những ngày đen tối tù ngục, ngài đã chọn con đường “đong đầy giây phút hiện tại bằng tình yêu”. Vâng, vị mục tử và là chứng nhân của niềm hy vọng, đã hoàn tất cuộc đời dương thế như “người tôi tớ tốt lành”, đang chờ ngày Giáo Hội tôn vinh trên bàn thờ hiển thánh.

Như vậy, sứ điệp Lời Chúa hôm nay có thể tóm tắt thành một “công thức”: Sống giây phút hiện tại trong tỉnh thức phục vụ, và hướng về tương lai trong tin yêu phó thác. Đó chính là cuộc sống đức tin của các Tổ Phụ như Abraham, Môsê… hiện thực trong những cuộc “xuất hành” thời cựu ước; hay cũng chính là thái độ tỉnh thức phục vụ của người đầy tớ khôn ngoan mà Đức Kitô đã hàm ý trong dụ ngôn trong Tin Mừng. Chúng ta cùng nối tiếp cuộc lên đường vượt qua của những Abraham, Môsê, Đức Kitô, để biến cuộc đời hôm nay, những chọn lựa của hiện tại nầy, là những quyết định thuộc về Thiên Chúa và ra tay xây dựng những “kho tàng trên trời”, những kho tàng mà trong mắt Đức Kitô, lại là những người nghèo ốm đói cần sẻ chia, những bệnh nhân, tội nhân cần thăm viếng, những người đui què mẻ sứt cần được yêu thương phục vụ...

Như vậy, cho dù đang đứng trước một thế giới đầy bấp bênh của dịch bệnh, chiến tranh, thiên tai, đói nghèo..., người Kitô hữu không được quyền nãn lòng, thất vọng, buông xuôi.. mà vẫn mỉm cười đón nhận cách thanh thản và đầy tràn tin yêu. Bởi, như lời của Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, tất cả những đám mây đen đó, tiêu cực đó, khổ đau hoạn nạn đó... chỉ là “khúc dạo đầu của niềm vui và hy vọng mà đức tin dẫn đến” đích điểm chính là “Nước Trời đã được dọn sẵn”.

Vâng, trong tấm căn cước của người Kitô hữu, hay tấm “hộ chiếu mang danh Kitô hữu”, địa chỉ chính thức, cả nơi sinh và nơi đến, thường trú hay tạm trú..., đơn giản, đó chính là “NƯỚC TRỜI” ! Amen.

Trương Đình Hiền