Theo Peter Jessere Smith của Hãng tin CNA, chỉ thị dài 97 trang của Tòa Thánh được Đức Giáo Hoàng Phanxicô chuẩn nhận đã phác thảo cách thức đào tạo hôn nhân dựa trên thời kỳ dự tòng của Phép rửa, nhưng một số giáo phận và giáo xứ của Hoa Kỳ đã và đang tiến hành phương thức này từ lâu.



Khi Gerardo và Bernice Robledo lần đầu tiên suy xét bí tích hôn phối cách đây gần 10 năm, cặp này đã lựa chọn kết hôn dân sự.

Trong khi các thành viên có thiện chí trong gia đình gây áp lực để họ kết hôn trong Giáo Hội Công Giáo, cặp này trả lời, "Không." Họ đã không thực hành đức tin của họ vào thời điểm đó, và trong thẳm sâu, họ cho rằng lãnh nhận một bí tích trong trường hợp này là không thích đáng.

Gerardo nói với tác giả bản tin này, “Về mặt thiêng liêng, chúng tôi chưa sẵn sàng”.

Nhiều năm sau, trong tư cách thành viên của cộng đồng giáo xứ Athens, Texas, khi nghe bài giảng về lòng thương xót của Chúa, vợ chồng Robledos cảm thấy được truyền cảm hứng muốn lãnh nhận bí tích hôn nhân. Cuối cùng họ đã sẵn sàng để cho ân sủng của bí tích hoạt động trong cuộc sống của họ.

Và họ háo hức muốn được kết hôn một cách bí tích ngay lập tức. Và giáo xứ của họ đã giúp họ bằng cách nói với họ rằng họ sẽ lãnh nhận bí tích trong sáu tháng - sau một thời kỳ chuẩn bị được gọi là “thời kỳ dự tòng hôn nhân” (marriage catechumenate).

Bernice nói: “Nó thực sự giúp chúng tôi. Thiên Chúa muốn chúng tôi làm điều đó vì lý do chính đáng." Hành trình sáu tháng đã giúp họ vượt qua một số nỗi đau chưa được giải quyết trong mối quan hệ của họ, khám phá những điều mới mẻ về nhau và làm sâu sắc hơn tình yêu của họ trước đám cưới tại giáo xứ của họ vào tháng 6 năm 2020.

Chị nói, “Vào thời điểm đó, tôi cảm thấy như thể, ê, chúng tôi thực sự đã sẵn sàng để làm điều này. Và chúng tôi đã làm điều đó vì lý do đúng đắn."

Vào ngày 15 tháng 6, Tòa Thánh thông báo rằng Đức Giáo Hoàng muốn Giáo Hội Công Giáo định hướng lại một cách căn bản việc đào tạo hôn nhân như một "hành trình kiểu thời kỳ dự tòng hướng tới cuộc sống hôn nhân."

Tài liệu dài 97 trang hiện được xuất bản bằng tiếng Ý và tiếng Tây Ban Nha, và nó cung cấp các nguyên tắc tổng quát để các giáo phận thí nghiệm kiểu dự bị hôn nhân này.

Ba phần

Được phác thảo một cách tổng quát, Tòa Thánh hình dung một thời kỳ dự tòng hôn nhân gồm ba phần. Nó đề nghị một “chuẩn bị gần” diễn ra trong một năm, tùy thuộc vào kinh nghiệm đức tin và sự tham gia của cặp đính hôn vào đời sống của Giáo hội, tiếp theo là việc chuẩn bị cận kề trong những tháng trước đám cưới. Việc này có thể bao gồm nghi thức đính hôn, trong số các dấu hiệu khác, dẫn đến việc lãnh nhận bí tích hôn phối. Sau đó, phần thứ ba sẽ là “dẫn nhập vào mầu nhiệm” [mystagogy] hôn nhân, một giai đoạn đào tạo sau đám cưới bao gồm ít nhất hai đến ba năm đồng hành cùng các cặp vợ chồng qua những bước đầu tiên của cuộc sống hôn nhân.

Các mốc thời gian dường như mang nhiều tính hướng dẫn hơn là yêu cầu. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh trong phần giới thiệu của ngài về “Hành trình dự tòng hôn nhân” rằng việc đào tạo hôn nhân cần phải giống như “một chiếc áo phải được ‘thợ may đo’ cho những người sẽ mặc nó.”

Ngài viết tiếp, “Thực thế, đây là những hướng dẫn đòi phải được chuyển đổi, thích ứng và đưa vào thực hành trong các hoàn cảnh xã hội, văn hóa và giáo hội cụ thể nơi mỗi Giáo hội đặc thù hiện hữu”.

Thời kỳ dự tòng hôn nhân đã được thảo luận tại Thượng hội đồng về Gia đình năm 1980 và được đề xuất bởi Thánh Gioan Phaolô II trong tài liệu năm 1981 về vai trò của gia đình Kitô giáo trong thế giới hiện đại, Familiaris Consortio. Tuy nhiên, ý tưởng này không được duy trì, và thay vào đó, Giáo Hội chuyển sang việc dạy giáo lý theo kiểu lớp học tiền Cana.

Nhưng Thượng Hội đồng về Gia đình năm 2015 đã tái đề nghị kiểu thời kỳ dự tòng hôn nhân này, và một số giáo phận và giáo xứ bắt đầu có sáng kiến thí nghiệm nó. Dù Đức Giáo Hoàng Phanxicô không đề cập trực tiếp đến kiểu dự tòng hôn nhân này trong tông huấn Amoris Laetitia của ngài, nhưng ngài luôn kích thích một chiến dịch bền vững cho kiểu dự tòng hôn nhân này trong Giáo hội.

Kế hoạch của Tòa Thánh dành cho kiểu dự tòng hôn nhân này cũng dự kiến việc sử dụng “nghi thức đính hôn” để biểu thị quyết định kết hôn của cặp đôi và có thể đánh dấu giai đoạn chuẩn bị cuối cùng trước khi lãnh nhận bí tích.

Drew Hall, một giáo dân tại Nhà thờ Công Giáo Mount Calvary ở Baltimore, nói với tờ Register rằng anh và vợ anh, Natalie, khi đính hôn, đã theo gương bạn bè trong việc sử dụng "nghi thức đính hôn" như một dấu hiệu công khai của tình yêu của họ và cam kết kết hôn với nhau trong Giáo hội.

Anh nói, “Nó thực sự có tính xây dựng vì nó giống như đóng dấu cho việc đính hôn của bạn”. Theo anh, nghi thức đính hôn đã thực sự giúp làm rõ ý định kết hôn của họ với sự chúc phúc của Thiên Chúa và với tư cách là “một phần của cộng đồng Giáo Hội”, và bao gồm việc làm phép chiếc nhẫn đính hôn. Lễ đính hôn của họ vào tháng 7 năm 2021; họ đã kết hôn vào tháng 1 năm 2022.

Anh nói về việc đính hôn “Nó thực sự tuyệt vời. Chúng tôi đã có một buổi chiêu đãi nhỏ ở tầng dưới sau đó, và mọi người liên tục nói với chúng tôi,‘Nghi thức này thật đẹp. Thật là một ý tưởng tuyệt vời. Chúng tôi chưa bao giờ nghe nói về nó trước đây’. Vì vậy, đó cũng là một cơ hội truyền giảng Tin Mừng."



Thích ứng với thách thức

Việc hướng Giáo hội về một thời kỳ dự tòng hôn nhân xuất hiện vào thời điểm các cuộc hôn nhân bí tích đã giảm 70% chỉ riêng ở Hoa Kỳ kể từ năm 1969.

Theo dữ kiện từ Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng về việc làm Tông đồ (CARA) của Đại học Georgetown, số lượng các cuộc hôn nhân bí tích hàng năm đã giảm từ 426,300 (năm 1969) xuống dưới 148,000 (năm 2014), trong khi số người Hoa Kỳ tự nhận mình là người Công Giáo đã tăng lên 21 triệu, từ 54.1 triệu lên 75.4 triệu trong cùng một thời kỳ.

Julia Dezelski, phó giám đốc Văn phòng Giáo dân, Hôn nhân, Đời sống Gia đình và Tuổi trẻ tại Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, nói với Register, “Giáo hội, cả hoàn cầu lẫn ở Hoa Kỳ cần một cuộc cải tổ toàn diện vì tình trạng hôn nhân ngày nay”.

Dezelski nhấn mạnh rằng Giáo hội ở Hoa Kỳ có “dư việc chuẩn bị hôn nhân,” từ các chương trình giảng dạy giáo lý cho đến các khóa tóm tắt hôn nhân. Tuy nhiên, Dezelski cho biết thời kỳ dự bị hôn nhân đang tìm cách giải quyết các yếu tố đang thiếu, đặc biệt là việc đồng hành, vì quá nhiều cuộc hôn nhân Công Giáo đã kết thúc bằng ly hôn, tái hôn hoặc thủ tục tuyên bố vô hiệu.

Trong khi dân số Công Giáo có tỷ lệ ly hôn giảm so với dân số chung, theo nghiên cứu của Pew năm 2015, 25% người Công Giáo ly hôn, với 9% đã tái hôn; trong khi 30% dân số nói chung đã ly hôn, với 13% đã tái hôn.

Dezelski cho biết thời kỳ dự tòng xuất phát từ một thực hành Kitô giáo cổ xưa, trong đó những người trưởng thành trở lại đạo phải tiến đến chỗ biết Chúa Giêsu Kitô trước khi họ được rửa tội thông qua một quá trình đào tạo "rất kỹ lưỡng". Bà cho rằng Đức Giáo Hoàng muốn có điển hình đó cho hôn nhân bí tích.

Bà nói, “Tôi nghĩ chắc chắn chúng ta đang đi đúng hướng, với loại hướng dẫn như thế này từ Tòa Thánh, về cách bắt đầu lại và cải cách việc chuẩn bị hôn nhân của chúng ta.Từ những gì tôi biết về các vị hướng dẫn đời sống hôn nhân và gia đình trên khắp đất nước ở cấp giáo phận, tôi nghĩ sẽ có rất nhiều sự hỗ trợ.”

Làm cho các cặp kết hôn bén rễ sâu vào Giáo Hội

Hoa Kỳ đã có các giáo phận và giáo xứ đang thí nghiệm diễn trình đào tạo hôn nhân theo kiểu thời kỳ dự tòng.

Tại Giáo phận Tyler, Texas, nơi Robledos sinh sống, cặp này đã sử dụng diễn trình dự tòng của thừa tác vụ Chứng tá Tình yêu Hôn nhân, bao gồm việc chuẩn bị dựa trên các nhân đức, trong đó các cặp được một cặp vợ chồng Công Giáo ngoan đạo do họ lựa chọn đồng hành. Việc chuẩn bị theo kiểu dự tòng “Chứng tá Tình yêu” và Dẫn nhập Mầu nhiệm Hãy là Ánh sáng [Be Light] được sử dụng tại 400 giáo xứ thuộc các giáo phận và tổng giáo phận trên khắp Hoa Kỳ.

Vợ chồng Robledos tìm được cặp vợ chồng dìu dắt của họ khi tham dự một khóa tĩnh tâm ở giáo xứ và kết nối với họ vì họ đã có con và có thể có liên hệ với những kinh nghiệm của họ. Bernice nói: “Thật tuyệt vời khi gặp được những người dìu dắt của chúng tôi. Kinh nghiệm của họ đã có tác động sâu sắc đến chúng tôi."

Deanna Johnston, giám đốc đời sống gia đình của Viện Giáo lý và Truyền bá Phúc âm Thánh Philip của Giáo phận Tyler, cho hay, việc chuẩn bị hôn nhân theo kiểu thời kỳ dự tòng nhằm giúp các cặp đính hôn có được “một cuộc hôn nhân Công Giáo tốt đẹp và thánh thiện”. Việc này đòi phải cùng “đi với họ tới ngày cưới và xa hơn nữa”.

Bà cho biết thời kỳ dự tòng hôn phối ở Tyler bao gồm 9 đến 12 tháng đào tạo và sau đó mời các cặp vợ chồng tham gia các biến cố đào tạo nhằm vào 5 năm đầu tiên sau ngày cưới, và thậm chí xa hơn nữa.

Bà nói, “Không thể có chuyện chúng tôi đưa các cặp đôi vào một lớp học. Chúng tôi không thể làm điều đó nữa."

Johnston cho biết mô hình thời kỳ dự tòng hôn nhân giúp Giáo hội “có ý hướng hơn” với thời gian ở với các cặp vợ chồng, và nó hòa nhập họ sâu hơn vào đời sống của Giáo hội. Vợ chồng Robledos tham dự Thánh lễ hàng tuần, nơi Bernice hiện là người đọc sách thánh, và họ tham gia vào các hoạt động của giáo xứ.

Johnston cho biết thời kỳ dự tòng hôn nhân thừa nhận rằng ngay những người Công Giáo được đào tạo tốt cũng cần được đào tạo để lãnh nhận bí tích.

Bà nói, “Ngay cả khi họ đã được đào tạo tốt trong giáo huấn của Giáo hội, họ cũng có thể chưa bao giờ kết hôn trước đây”.

Những người điển hình đã đính hôn và kết hôn dân sự

Sự thúc đẩy của Tòa Thánh đối với mô hình thời kỳ dự tòng hôn phối cũng đang tạo cơ hội cho các giáo phận nhận ra rằng các cặp vợ chồng Công Giáo đang tìm cách kết hôn bí tích có thể đã đính hôn và chưa bao giờ kết hôn, hoặc chỉ kết hôn dân sự.

Johnston cho biết các giới chức giáo phận Tyler ước tính một nửa trong số 310 đám cưới vào năm 2021 liên quan đến các cặp đã kết hôn dân sự nay lãnh nhận bí tích hôn nhân (trong luật Giáo hội còn được gọi là “hữu hiệu hóa” [convalidation]). Johnston cho biết các cặp vợ chồng nói tiếng Tây Ban Nha có nhiều khả năng đã kết hôn dân sự khi họ đến với bí tích. Bà nói thêm, những người Công Giáo nói tiếng Anh có nhiều khả năng chưa kết hôn khi tìm kiếm bí tích hôn nhân, nhưng gần đây, bà lưu ý, số lượng kết hôn dân sự đang gia tăng.

Theo cơ quan nghiên cứu Pew năm 2015, một trong ba người Công Giáo đã kết hôn dân sự thay vì kết hôn trong Nhà thờ.

Bà nói: “Ở nhiều giáo xứ, họ chỉ hữu hiệu hóa hoặc một nửa số đám cưới là hữu hiệu hóa”.

Nhưng Johnston nhấn mạnh rằng những người Công Giáo kết hôn dân sự được cổ vũ hơn những người đã đính hôn để đón nhận bí tích hôn nhân và chuẩn bị về phương diện bí tích cho bí tích này.

Bà nói, “Với những cặp đã đính hôn, tôi có xu hướng thấy thái độ 'Tôi làm việc này vì tôi phải làm' nhiều hơn, mặc dù có những cặp thực sự mong muốn bí tích vì họ hiểu rằng đó là một phần quan trọng để sống cuộc hôn nhân với Chúa Kitô ở trung tâm. Với các cặp kết hôn dân sự, tôi khá nhất quán thấy rằng họ tiếp cận Bí tích Hôn phối vì một cuộc gặp gỡ, hoặc một khoảnh khắc hoán cải. Họ phát biểu bằng cách này hay cách khác rằng họ nhận ra có điều gì đó còn thiếu sót trong cuộc hôn nhân của họ”.

Xây dựng thời kỳ dự tòng

Việc khai triển thời kỳ dự tòng hôn nhân sẽ không phải là một diễn trình một sớm một chiều. Tại Giáo phận Lansing, Michigan, Richard Budd, giám đốc đời sống gia đình của giáo phận, nói với Register rằng giáo phận đã dành 4-5 năm để phát triển thời kỳ dự tòng hôn nhân, thí nghiệm nó ở các giáo xứ trong 18 tháng trước khi chính thức phát động vào năm 2020.

Mô hình thời kỳ dự tòng hôn nhân của giáo phận có bốn giai đoạn được mô phỏng theo mô hình thời kỳ dự tòng phép rửa: “Phúc âm hóa, Dạy giáo lý, Thanh tẩy và Khai sáng, và dẫn nhập mầu nhiệm”. Mô hình này rất linh động đối với cuộc hành trình dự tòng, cho phép các mục tử tùy ý để cặp vợ chồng hoàn thành cuộc hành trình trong sáu tháng, hoặc lâu hơn, nếu cần, để chuẩn bị đầy đủ cho bí tích.

Khi nói đến độ dài của thời kỳ dự tòng hôn nhân, Budd giải thích rằng các cặp vợ chồng được hưởng phương thức vừa tầm cỡ với mình để đào tạo hôn nhân, bao lâu họ biết rằng Giáo hội không lãng phí thời gian của họ. Ông nhấn mạnh rằng hầu hết các cặp không muốn kết hôn ngay lập tức, nhưng dành một đến hai năm để lên kế hoạch cho đám cưới của họ. Một lý do khiến các cặp liên lạc với giáo xứ sau khi chọn địa điểm làm đám cưới là vì họ được thông báo là chỉ nên liên lạc với giáo xứ khoảng sáu tháng trước đám cưới.

Ông nói: “Bây giờ chúng tôi yêu cầu các giáo xứ yêu cầu các cặp vợ chồng liên hệ với họ ngay lập tức”.

Sau đó, các cặp chỉ có thể định ngày sau khi hoàn tất buổi gặp gỡ ngắn gọn tiền hôn nhân, chẳng hạn như FOCCUS hoặc PREPARE / ENRICH, giúp ghi nhận các điểm mạnh, các lĩnh vực cần phát triển hoặc dấu hiệu của mối quan hệ. Sau đó, họ gặp linh mục hoặc phó tế, những vị có thể đề xuất cách tiếp cận vừa tầm cỡ với họ để họ có nền tảng vững chắc cho một cuộc hôn nhân thành công.

Đó có thể tối thiểu là sáu tháng, hoặc chín tháng, hoặc hơn nếu cần. Các cặp dìu dắt mà họ chọn sẽ đồng hành với họ trong suốt diễn trình này, trong khi các giáo xứ có thể sử dụng nhiều tài liệu giáo lý khác nhau để đáp ứng các yêu cầu chuẩn bị của giáo phận.

Budd cho biết phương thức của giáo phận thừa nhận rằng Giáo hội không thể mong đợi ân sủng hôn phối sẽ hoàn thành công việc của nó nơi các cặp vợ chồng trừ khi họ chấp nhận để Chúa Giêsu Kitô bước vào cuộc hôn nhân của họ bằng bí tích này.

Ông nói, “Nếu họ không biết Chúa Kitô là ai, họ sẽ không biết làm thế nào để lớn lên trong ân sủng đó”.

Dẫn nhập mầu nhiện hôn phối

Cha Matthew DeGance, tạm cai quản giáo xứ Công Giáo Thánh Helen ở Bờ biển Vero, Florida, người cũng sử dụng chương trình đào tạo hôn nhân theo kiểu thời kỳ dự tòng gọi là “Chứng tá Tình yêu” tại giáo xứ của mình, cho biết các cặp vợ chồng dìu dắt mà cặp đính hôn chọn là những cộng tác viên chủ yếu trong việc cung cấp thi giờ, chú tâm và chứng tá cho cặp đôi đang tìm kiếm bí tích hôn nhân mà chính giáo sĩ không thể tự mình cung cấp.

Vị linh mục nói, “Theo những gì tôi thấy, nó đang hoạt động trên diện rộng”, bao gồm cả các chiều kích kinh tế xã hội, sắc tộc và chủng tộc trong các giáo xứ mà ngài đã phục vụ. “Nó đang hoạt động với người nói tiếng Tây Ban Nha; nó đang hoạt động với người nói tiếng Anh, cả với những người mà tôi nghĩ chỉ đến để kiểm tra các hộp và gật đầu của họ. Họ quay lại với tôi và nói, ‘Điều đó thực sự tốt. Nó đã mở nhiều cánh cửa mà con vốn không mong đợi và những đường dây liên lạc mà con không mong đợi theo bất cứ cách nào.’"

Cha DeGance cho biết ngài xây dựng việc đào tạo hậu hôn nhân, hay việc dẫn nhập vào mầu nhiệm hôn nhân, xung quanh các biến cố mà các cặp vợ chồng muốn tham gia, chẳng hạn như khiêu vũ trong bữa ăn tối hoặc đêm uống rượu ăn pho mát. Ngài nói, “thao tác phong phú hóa”, có thể chỉ là “cuộc nói chuyện chứng tá” hoặc bài trình bầy về các giải quyết xung đột, có thể chiếm từ 15 đến 30 phút trong một biến cố kéo dài hai tiếng rưỡi. Thông qua những biến cố này, giáo xứ có thể mời gọi các cặp tiến xa hơn bằng cách kết nối thành một nhóm nhỏ, giống như nhóm đã sử dụng “Khóa học Hôn nhân” của Alpha.

Vị linh mục nói, “Chúng tôi muốn cung cấp cho những cặp này cơ hội gặp gỡ những cặp vợ chồng khác để thấy một cách sống lành mạnh trong cuộc sống gia đình”.

Johnston cho biết Giáo phận Tyler đang áp dụng một phương thức tương tự đối với việc dẫn nhập vào mầu nhiệm hôn nhân, đầu tiên nghĩ đến 5 năm đầu tiên, trong đó các cặp vợ chồng dễ bị thất bại nhất trong hôn nhân, và lâu hơn thế nữa. Có thể có nhiều lựa chọn khác nhau ở cấp giáo xứ, giáo hạt hoặc giáo phận: chẳng hạn như các biến cố “đêm hẹn hò”, trong đó các cặp có thể kết nối với nhau và có sự hỗ trợ của Giáo hội để “đối phó với thực tại cuộc sống của họ”.

Bà nói, “Chúng ta phải kết nối mọi người với nhau. Việc này phải diễn ra thông qua các mối quan hệ và xây dựng lòng tin."

Gerardo và Bernice Robledo nói với tờ Register rằng gần đây họ đã trở về sau một đêm hẹn hò "Nước hóa Rượu" được Viện Thánh Philip tổ chức đã giúp họ hiểu sâu hơn về bí tích và hiệp thông với các cặp đã kết hôn khác.

Bernice nói: “việc đào tạo liên tục đó, học hỏi nhiều hơn và vui chơi cùng lúc, thật tuyệt khi có được điều đó”.

Gerardo nói thêm, “Đặc biệt là trong thế giới chúng ta đang sống ngày nay. Nếu sau này các giáo xứ có nhiều thứ như vậy hơn cho các cặp vợ chồng, thì điều đó sẽ giúp ích rất nhiều”.