Chúa Nhật 14 tháng 8, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 20 Mùa Quanh Năm.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng:

“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!

Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Trong Tin Mừng của phụng vụ hôm nay, có một diễn tả về Chúa Giêsu luôn đánh động chúng ta và thách thức chúng ta. Khi đang cùng đi với các môn đệ, Chúa Giêsu nói: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12:49). Chúa đang nói về ngọn lửa gì vậy? Và những lời này có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay, đâu là ý nghĩa ngọn lửa mà Chúa Giêsu mang đến?

Như chúng ta đã biết, Chúa Giêsu đến để mang đến cho thế giới Phúc Âm, tức là tin mừng về tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Vì vậy, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Tin Mừng giống như một ngọn lửa, bởi vì nó là một sứ điệp mà khi nó bùng lên trong lịch sử, sẽ đốt cháy những cân bằng cũ trong cuộc sống, đốt cháy những cân bằng cũ trong não trạng của chúng ta, thách thức chúng ta thoát ra khỏi chủ nghĩa cá nhân của mình, thách thức chúng ta vượt qua tính ích kỷ, thách thức chúng ta chuyển từ nô lệ của tội lỗi và sự chết sang cuộc sống mới của Đấng Phục sinh, của Chúa Giêsu Phục sinh. Nói cách khác, Tin Mừng không để mọi thứ như chúng vốn có; Khi Tin Mừng đi qua, và được lắng nghe và tiếp nhận, mọi thứ không y như chúng vốn có. Tin Mừng kích động sự thay đổi và mời gọi sự hoán cải. Tin Mừng không tạo ra một nền hòa bình thân mật giả tạo, nhưng gây ra sự bồn chồn khiến chúng ta phải hành động, và thúc đẩy chúng ta mở lòng ra với Chúa và với anh em của chúng ta. Tin Mừng giống như lửa: trong khi sưởi ấm chúng ta bằng tình yêu của Chúa, Tin Mừng muốn đốt cháy lòng ích kỷ của chúng ta, để soi sáng những mặt tối của cuộc sống - tất cả chúng ta đều có những mặt tối như thế! - Tin Mừng đến để thiêu đốt những thần tượng giả tạo đang nô dịch chúng ta.

Theo sự trỗi dậy của nhà tiên tri trong Kinh thánh - chẳng hạn, chúng ta hãy nghĩ đến Êlia và Giêrêmia - Chúa Giêsu được thổi bùng lên bởi tình yêu của Thiên Chúa và để tình yêu ấy lan rộng khắp thế giới, Ngài đã tiêu hao hết cá nhân mình, yêu thương đến cùng, nghĩa là cái chết, và cái chết trên thập giá (xem Phil 2: 8). Người được đầy dẫy Chúa Thánh Linh, Đấng được so sánh với lửa, với ánh sáng và sức mạnh, Người vén màn thiên nhan nhiệm mầu của Thiên Chúa và ban sự sung mãn cho những người bị coi là hư mất, phá bỏ rào cản của sự loại trừ, chữa lành những vết thương trên cơ thể và linh hồn, và đổi mới một tôn giáo vốn đã bị giản lược thành các thực hành bên ngoài. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu là lửa: Ngài thay đổi, thanh lọc.

Vậy, lời đó của Chúa Giêsu có ý nghĩa gì đối với chúng ta, đối với mỗi người chúng ta - đối với tôi, đối với anh chị em - lời này của Chúa Giêsu, về lửa, có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Thưa: lời ấy mời gọi chúng ta thắp lại ngọn lửa đức tin, để nó không trở thành vấn đề thứ yếu, hay một phương tiện đối với hạnh phúc của mỗi cá nhân, giúp chúng ta có thể trốn tránh những thử thách của cuộc sống hoặc dấn thân trong Giáo hội và xã hội. Thật vậy - như một nhà thần học đã nói - đức tin vào Chúa “trấn an chúng ta - nhưng không phải ở mức độ của chúng ta, hoặc để tạo ra một ảo tưởng tê liệt, hoặc một sự hài lòng tự mãn, nhưng để thôi thúc chúng ta hành động” (De Lubac, The Discovery of God ). Tóm lại, đức tin không phải là một “bài hát ru” chúng ta vào giấc ngủ. Niềm tin chân chính là ngọn lửa, ngọn lửa sống để giúp chúng ta luôn tỉnh táo và năng động ngay cả khi đêm xuống!

Và sau đó, chúng ta có thể tự hỏi: tôi có say mê Phúc Âm không? Tôi có thường xuyên đọc Phúc âm không? Tôi có mang sách Phúc Âm với tôi không? Đức tin mà tôi tuyên xưng và ca tụng có đưa tôi đến sự yên tĩnh tự mãn hay nó đốt cháy ngọn lửa làm chứng trong tôi? Chúng ta cũng có thể tự hỏi mình câu hỏi này. Giáo hội: trong các cộng đoàn của chúng ta, ngọn lửa Thánh Thần có bùng cháy với lòng say mê cầu nguyện và bác ái, và niềm vui đức tin không? Hay chúng ta kéo mình theo sự mệt mỏi và thói quen, với khuôn mặt ủ rũ, trên môi luôn than thở và những câu chuyện phiếm mỗi ngày? Thưa anh chị em, chúng ta hãy tự kiểm tra điều này, để chúng ta cũng có thể nói, giống như Chúa Giêsu: chúng ta được đốt cháy bởi ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa, và chúng ta muốn lan tỏa nó ra khắp thế giới, để mang nó đến với mọi người, để mỗi người người ta có thể khám phá ra sự dịu dàng của Chúa Cha và cảm nghiệm niềm vui của Chúa Giêsu, Đấng mở rộng trái tim - và Chúa Giêsu mở rộng trái tim! - và làm cho cuộc sống tươi đẹp. Chúng ta hãy cầu xin Đức Thánh Trinh Nữ về điều này: xin Mẹ, Đấng đã đón nhận ngọn lửa của Chúa Thánh Thần, cầu bầu cho chúng ta.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Tôi muốn thu hút sự chú ý của anh chị em đến cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng đang ảnh hưởng đến Somalia và các khu vực khác nhau của các nước láng giềng. Người dân vùng này vốn đã sống trong những điều kiện rất bấp bênh, nay lại gặp nguy hiểm đến tính mạng do hạn hán. Tôi hy vọng rằng tình đoàn kết quốc tế có thể ứng phó hiệu quả với tình huống khẩn cấp này. Thật không may, chiến tranh làm chệch hướng sự chú ý và nguồn lực, nhưng đây là những mục tiêu đòi hỏi sự cam kết cao nhất: cuộc chiến chống đói, y tế và giáo dục.

Tôi gửi lời chào nồng nhiệt tới anh chị em, những tín hữu của Rôma và những người hành hương từ nhiều quốc gia khác nhau. Tôi thấy cờ Ba Lan, Ukraine, Pháp, Ý và Á Căn Đình! Rất nhiều khách hành hương. Đặc biệt, tôi chào các nhà giáo dục và giáo lý viên từ đơn vị mục vụ Codevigo, Padua, các sinh viên đại học của Phong trào Thanh niên Salêdiêng ở Triveneto, và những người trẻ của đơn vị mục vụ Villafranca, Verona.

Và một ý nghĩ đặc biệt đến với nhiều người hành hương đang tập trung ngày hôm nay tại Đền thờ Lòng Chúa Thương Xót ở Krakow, nơi cách đây hai mươi năm Thánh Gioan Phaolô II đã thực hiện hành động Ủy thác Thế giới cho Lòng Thương xót Chúa. Hơn bao giờ hết, ngày nay chúng ta thấy ý nghĩa của cử chỉ đó, mà chúng ta phải đổi mới trong lời cầu nguyện và trong cuộc sống làm chứng. Lòng thương xót là con đường cứu rỗi cho mỗi người chúng ta và cho toàn thế giới. Và chúng ta hãy cầu xin Chúa thương xót, thương xót và thương xót đặc biệt cho những người Ukraine tử đạo.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật nhiều may mắn. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt tất cả anh chị em và đặc biệt là những người trẻ tuổi của phong trào Immacolata.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana