Francis X. Maier, thành viên cao cấp về nghiên cứu Công Giáo tại Trung tâm Chính sách Công và Đạo đức, và từng tham dự khá nhiều Thượng Hội Đồng Giám Mục trong tư cách nhân viên của một nghị phụ nổi tiếng, nhân đọc tâm sự của Đức Phanxicô ngỏ cùng các đồng tu Dòng Tên Canada gần đây, đã có những cảm nghĩ không mấy hòa nhịp sau đây trên tờ The First Things ngày 9 tháng 8:

Vào ngày 29 tháng 7, tờ La Civiltà Cattolica đã đăng một cuộc phỏng vấn với Đức Giáo Hoàng Phanxicô mà ta cần đọc cẩn thận. Những lời của Đức Thánh Cha mà tôi đặc biệt quan tâm liên quan đến tính đồng nghị và đối thoại:

“Năm 2001, tôi là tường trình viên của Thượng Hội đồng Giám mục... Tôi nhớ các ý kiến đã được thu thập và gửi đến văn phòng tổng thư ký. Sau đó, tôi thu thập tài liệu và chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu. Thư ký Thượng hội đồng đến gặp tôi, đọc tài liệu và bảo tôi bỏ chi tiết này hay chi tiết kia. Có những thứ ngài không cho là phù hợp và ngài đã kiểm duyệt chúng. Tóm lại, đã có sự lựa chọn sẵn tư liệu. Người ta hiểu thượng hội đồng rất ít...

Đối với tôi, dường như điều cơ bản để tôi phải nhắc lại, như tôi thường làm, là thượng hội đồng không phải là một cuộc họp chính trị cũng không phải là một ủy ban cho các quyết định của quốc hội. Đó là sự phát biểu của Giáo hội mà nhân vật chính là Chúa Thánh Thần. Nếu không có Chúa Thánh Thần thì không có Thượng hội đồng. Có thể có dân chủ, quốc hội, tranh luận, nhưng không có “thượng hội đồng”. Nếu anh em muốn đọc cuốn sách thần học hay nhất về Thượng Hội Đồng, thì hãy đọc lại Tông đồ Công Vụ. Ở đó anh em có thể thấy rõ rằng nhân vật chính là Chúa Thánh Thần...

Điều quan trọng hơn hết là cuộc đối thoại phải được mở rộng. Đối thoại không bao giờ là dư thừa giữa các chuyên gia truyền thông và chắc chắn với các giám mục. Trao đổi, đối đầu và đối thoại là nền tảng cho truyền thông”.

Bây giờ điều xảy ra là tôi đã là nhân viên, tại chỗ ở Rôma, cho một giám mục đại biểu dự ba thượng hội đồng khác nhau. Trong năm 2015 và 2018, tôi cũng đã giúp đỡ gần chục đại biểu giám mục nói tiếng Anh khác từ ba lục địa khác nhau. Kinh nghiệm của các ngài không hoàn toàn phù hợp với những nhận xét đầy hy vọng của Đức Thánh Cha ở trên. Hãy xem xét những lời lẽ sau đây (tìm thấy trong cuốn Things Worth Dying For: Thoughts on a Life Worth Living) của Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput lúc bấy giờ là của Philadelphia, người đã phục vụ một nhiệm kỳ trong Hội đồng Thường trực của Thượng hội đồng Giám mục:

“Thượng hội đồng đầu tiên mà tôi tham dự, vào năm 1997, tập trung vào Châu Mỹ. Tôi là một trong những đại biểu do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trực tiếp chỉ định. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời, sự tham gia thực sự đầu tiên của tôi trên phạm vi quốc tế để phục vụ Giáo hội hoàn vũ. Tại đó, tôi đã gặp Đức Tổng Giám Mục lúc bấy giờ là Jorge Bergoglio từ Buenos Aires. Ngài là một người gây ấn tượng và có những đóng góp tốt cho cuộc thảo luận. Chúng tôi ngồi gần nhau vì chúng tôi được bổ nhiệm làm tổng giám mục cùng thời điểm. Thượng hội đồng đã khiến tôi tìm kiếm một mối quan hệ gần gũi hơn với các Giáo hội ở Mexico và Châu Mỹ Latinh, và những người Công Giáo Latino ở Hoa Kỳ.

Hai thượng hội đồng khác — vào năm 2015 về gia đình, và năm 2018 về giới trẻ và đức tin — rất khác. Tôi là đại biểu của hội đồng giám mục Công Giáo Hoa Kỳ và có nhiều kinh nghiệm hơn, nên có lẽ tôi đã cảm nhận được động lực chính trị của thượng hội đồng rõ ràng hơn.

Tôi rất thất vọng vì những gì tôi thấy như là sự thao túng tại các thượng hội đồng và chương trình nghị sự của chúng bởi các phần tử bên trong và bên ngoài Giáo hội. Thay vì là dịp để trao đổi ý kiến một cách trung thực, cả hai thượng hội đồng đều bị chi phối bởi những nỗ lực tái thiết kế đường hướng của Giáo hội. Thượng Hội Đồng phải là nơi người ta được nói một cách tự do và quan tâm lắng nghe người khác. Nhưng cả hai Thượng Hội Đồng đều là những thao tác quyền lực chứ không phải là những nỗ lực để đạt được một quan điểm chung một cách trung thực thông qua việc lắng nghe và sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần. Cả hai thượng hội đồng đó đều không khuyến khích hay làm tôi hài lòng. Trên thực tế, tôi đã bị chướng tai gai mắt sâu xa bởi sự vận động chính trị diễn ra ở cả hai. Thượng hội đồng gia đình là một thượng hội đồng rất quan trọng với một số căng thẳng rất gay gắt. Thượng Hội Đồng về tuổi trẻ thiếu một số tiếng nói quan trọng và dường như bỏ lỡ nhiều cơ hội để nói bất cứ điều gì có ý nghĩa, hoặc xử lý với các vấn đề có thực của Giáo hội trong thời đại của chúng ta”.

Nhân dịp nói về chủ đề này, chúng ta nên xem lại “Vụ Mười ba vị Hồng Y”. Đối với những người có trí nhớ kém, 13 vị Hồng Y đã soạn một bức thư riêng cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Thượng hội đồng năm 2015 bày tỏ mối quan ngại của họ về giọng điệu thao túng của các thủ tục tiến hành. Bức thư mang tính chất huynh đệ, tôn kính và hoàn toàn nằm trong mô tả công việc của họ với tư cách là những cố vấn thân cận cho Đức Thánh Cha. Nó không bao giờ có ý định công khai, nhưng nó đã bị rò rỉ bởi các nguồn không xác định để làm mất uy tín của các Hồng Y và làm giảm giá trị mối quan tâm của các ngài.

Nhưng các Hồng Y khó mà đơn độc. Cũng tại thượng hội đồng năm 2015, Đức Tổng Giám Mục Philip Tartaglia lúc bấy giờ của Glasgow đã soạn một bức thư riêng tương tự, với giọng điệu hiếu thảo và tôn kính — và tôi trực tiếp biết điều này, vì ngài đã cho tôi xem văn bản cuối cùng ngay trước khi ngài gửi nó — với cùng những lo lắng nghiêm túc. Tartaglia đích thân trao nó cho Đức Thánh Cha, người đã nhận nó một cách cáu kỉnh, trách ngài một cách thô lỗ vì đã viết nó, rồi bỏ đi. Tartaglia, một con người trung thành, niềm nở, trở về trong sầu khổ và vô cùng rung động. Trong thực tế, "đối thoại" đã hóa ra ngắn ngủi.

Bầu không khí của Thượng hội đồng 2018 không khác biệt bao nhiêu. Vấn đề "tính đồng nghị" đã xuất hiện ex nihilo [từ hư vô] trên một nghị trình về cuối diễn trình tiến hành; một điều bất ngờ không liên quan gì đến chủ đề đức tin và người trẻ của Thượng hội đồng.

Các nhà viết tiểu sử thánh cho triều giáo hoàng hiện tại có thể thấy những nhận xét của tôi ở đây là không công bằng, hoặc tệ hơn. Nếu thế, sự nịnh hót của họ sẽ không hề phục vụ Đức Thánh Cha. Các nhân đức trung thành và vâng lời lẫn nhau trong hôn nhân — những đức tính mà tôi khá quen thuộc sau 52 năm với chiếc nhẫn cưới — không bao giờ loại trừ sự ngay thẳng và khi cần thiết, một số lời chỉ trích làm tỉnh trí. Cũng chính cùng một điều này cần áp dụng vào đời sống giáo hội. Cùng với gợi ý khôn ngoan của Đức Thánh Cha rằng chúng ta nên đọc Tông đồ Công vụ, chúng ta cũng có thể có lợi khi xem qua Thư Galát 2:11–14. Tình yêu không phải lúc nào cũng ngọt ngào. Đức Phanxicô đã nhiều lần kêu gọi sự trung thực, cởi mở và đối thoại trong Giáo hội. Tôi ngưỡng mộ những lời nói của ngài, và tôi tin rằng ngài có ý nói như vậy. Bài này là một điển hình về điều những từ ngữ đó bao hàm và thực sự có ý nói. Tôi cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô mỗi ngày và, nếu có phần miễn cưỡng hơn, cho cả các người tùy tùng của ngài. Nhưng tình yêu, tình yêu chân chính, đòi phải có sự thật. Ít khi dùng nó cho sự nô dịch hoặc những lời khen ngợi không chính đáng.

Tiến trình đồng nghị mà Giáo hội đã bắt đầu — nếu được thực hiện tốt và trung thực, và không có “thông diễn học gián đoạn” vốn đã ám ảnh đời sống Công Giáo kể từ Công đồng Vatican II — có thể dẫn đến một sự đổi mới đức tin Kitô giáo. Với lịch sử gần đây, nó sẽ không dễ dàng. Nhưng chúng ta khẩn cấp cần sự đổi mới đó.

Xin Chúa ban cho Đức Thánh Cha sự khôn ngoan và kỹ năng để giúp điều đó xảy ra.