Hội nghị toàn thể Âu Châu được tổ chức vào ngày 2 tháng 9 tại Karlsruhe bắt nguồn từ câu chuyện ngụ ngôn trong Kinh thánh về Người Samaritanô nhân hậu, Luca 10, phản ánh bối cảnh về tình yêu thương từ bi của Chúa Giêsu Christ.

Đức Tổng Giám Mục Yevstratiy của Chernihiv và Nizhyn thuộc Chính thống Ukraine cho biết: “Trong hơn ba thế kỷ, Đế quốc Nga và Liên bang Xô Viết đã cố gắng xóa bỏ căn tính của người Ukraine. Nhưng, chúng tôi đang đấu tranh thành công cho tự do của chúng tôi, cho tương lai độc lập của chúng tôi.”

Đức Tổng Giám Mục Yevstratiy đánh giá cao các tổ chức đại kết vì lập trường mạnh mẽ của họ trước cuộc xâm lược của Nga và lời kêu gọi của họ đối với Thượng phụ Kirill của Nga. Ngài nói: “Không ai có quyền nhân danh Chúa mà ủng hộ cho hành động xâm lược, không ai có quyền biện minh cho tội ác chiến tranh và hành động diệt chủng”.

Giáo sư Sergii Bortnyk thuộc Giáo Hội Chính thống Ukraine đã chia sẻ cách mà Giáo Hội của ông đang giúp đỡ các nạn nhân chiến cuộc. “Nhiều tín hữu đã trở thành tình nguyện viên. Giáo Hội của chúng tôi nhận và phân phối các loại trợ giúp nhân đạo khác nhau - đặc biệt là từ các quốc gia láng giềng và từ các hội thánh chị em của chúng tôi,” ông nói.

Tổng thư ký Hội nghị các Giáo Hội Âu Châu, Tiến sĩ Jørgen Skov Sørensen nhấn mạnh “Ukraine là mối quan tâm không chỉ của Âu Châu mà còn của thế giới”.

“Do quá khứ ở Âu Châu gần đây của chúng ta, chiến tranh trên đất Âu Châu mang ý nghĩa vượt qua thời gian và địa điểm thực tế của chúng trong lịch sử. Nó gợi lên những ký ức đã qua lâu rồi. Và nó thách thức sự tin tưởng mạnh mẽ của Âu Châu rằng phần này của thế giới đã - hoặc đang - phát triển thành một lục địa hòa bình lâu dài sau chiến tranh.”.

Sørensen đã chia sẻ cách Hội nghị các Giáo Hội Âu Châu tổ chức Hội nghị Âu Châu vào tháng Hai sau khi Nga xâm lược Ukraine, nơi chương trình được thiết lập để giải quyết nỗi sợ hãi, sự không chắc chắn và cú sốc đã nhấn chìm Âu Châu vào thời điểm đó. “Chúng tôi đã lắng nghe tiếng của người Ukraine, và của toàn Âu Châu. Chúng tôi đã phân tích. Chúng tôi đã cầu nguyện cùng nhau.”

Tiến sĩ Dagmar Pruin, chủ tịch Tổ chức Bánh mì cho Thế giới Kathesiahenhilfe đã chia sẻ cuộc chiến ở Ukraine đã mang lại những đau khổ khôn lường cho người dân như thế nào. Bà nói: “Sự tàn phá, di dời, tra tấn và những cái chết bạo lực là thực tế của hàng triệu người.”

Pruin đã nói về những thách thức đáng kể mà các cơ quan Giáo Hội phải đối mặt trong việc cung cấp viện trợ cho các nạn nhân của chiến tranh, đặc biệt là khi có nhu cầu lớn phát sinh từ các thảm họa khác, bao gồm cả biến đổi khí hậu. Bà nhấn mạnh rằng công việc nhân đạo của các Giáo Hội đang và phải tiếp tục được bắt nguồn từ tầm nhìn yêu thương.
Source:oikoumene.org