Sáng Chúa nhật, ngày 25 tháng Chín năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thành phố Matera, cách Rôma khoảng 400 cây số về hướng đông nam, để chủ sự thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể toàn quốc Italia lần thứ 27 tiến hành tại đây, từ ngày 22 tháng Chín với chủ đề: “Chúng ta hãy trở lại với hương vị Bánh. Tiến tới một Giáo hội Thánh Thể và đồng hành”.

Vì thời tiết xấu, nên Đức Thánh Cha không dùng trực thăng được như chương trình dự định và ngài rời Vatican sớm hơn để đáp máy bay từ phi trường Ciampino để tới Matera, để bắt đầu thánh lễ tại đây lúc gần 9 giờ sáng.

Hiện diện tại sân thể thao Matera có hơn 10.000 tín hữu, trong đó có các phái đoàn chính thức đến từ 180 giáo phận toàn quốc. Đồng tế với Đức Thánh Cha, có hơn 100 Hồng Y, giám mục và đông đảo các linh mục.

Đức Thánh Cha vẫn đau đầu gối nên ngài chủ tọa và đọc các phần có thể trong thánh lễ, trong khi Đức Hồng Y Matteo Zuppi, Tổng giám mục Giáo phận Bologna, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, thay ngài cử hành các nghi thức khác tại bàn thờ, đặc biệt là Kinh nguyện Thánh Thể.

Bài giảng Đức Thánh Cha

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha diễn giải bài Tin mừng kể lại dụ ngôn người phú hộ, áo quần sang trọng, hằng ngày yến tiệc linh đình, trong khi người nghèo khổ, ông Lazzaro, mình mẩy ghẻ lở, ở trước cổng nhà, mong được ăn những gì từ bàn tiệc người giàu rơi xuống. Trước tình cảnh đó, Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: bí tích Thánh Thể, nguồn mạch và là tột đỉnh đời sống Kitô, mời gọi chúng ta điều gì?

Trước tiên, Thánh Thể nhắc nhở chúng ta về vị trí tối thượng của Thiên Chúa. Người phú hộ trong dụ ngôn không cởi mở đối với tương quan cùng Thiên Chúa. Ông ta chỉ nghĩ đến cuộc sống sung túc, thỏa mãn những nhu cầu của mình, hưởng thụ cuộc sống. Ông hài lòng và tôn thờ giàu sang trần thế, thỏa mãn và say sưa về tiền bạc của mình. Ông ta chẳng có tên, và Tin mừng chỉ gọi ông là người giàu có. Trái lại, người nghèo khó có một tên là Lazaro, nghĩa là “Thiên Chúa giúp đỡ”. Tuy ở trong thân phận nghèo khổ và ở ngoài lề, ông có thể bảo tồn nguyên vẹn phẩm giá của mình, vì ông ta sống trong tương quan với Thiên Chúa. Trong tên của ông đã có một cái gì đó của Thiên Chúa và Thiên Chúa là niềm hy vọng không lay chuyển của đời ông.

Và Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “đó là thách đố trường kỳ mà Thánh Thể đề ra cho cuộc sống chúng ta: thờ lạy Thiên Chúa chứ không tôn thờ bản thân. Đặt Chúa ở trung tâm chứ không đặt sự phù du của cái tôi... Vì nếu chúng ta tôn thờ chính mình, thì chúng ta sẽ chết ngộp trong cái tôi nhỏ bé của mình; nếu chúng ta tôn thờ giàu sang của trần thế này, thì chúng sẽ chiếm hữu chúng ta và biến chúng ta thành nô lệ. Ai tôn thờ Thiên Chúa thì không nô lệ cho một ai. Chúng ta hãy tái khám phá kinh nguyện thờ lạy: đây là kinh nguyện sẽ giải thoát chúng ta và trả lại cho chúng ta phẩm giá làm con Chúa”.

Ngoài quyền tối thượng trên đây của Thiên Chúa, Thánh Thể còn kêu gọi chúng ta yêu thương anh chị em. Bánh Tuyệt Hảo này là Bí tích tình thương. Chính Chúa Kitô hiến mình và bị bẻ ra cho chúng ta, và Chúa cũng yêu cầu chúng ta làm như vậy để đời sống chúng ta trở thành bột được xay ra và trở thành bánh nuôi sống anh chị em. Người phú hộ trong Tin mừng lỗi bổn phận đó. Ông ta sống trong sung túc và yến tiệc hằng ngày mà chẳng nhận thấy tiếng kêu thầm lặng của người nghèo Lazaro, nằm kiệt lực trước cửa nhà ông....

Áp dụng vào thực tế ngày nay, Đức Thánh Cha nói: “Anh chị em, thật là đau lòng khi thấy rằng dụ ngôn này vẫn còn là điều xảy ra ngày nay: những bất công, chênh lệch, tài nguyên trái đất được phân chia bất công, sự lạm dụng của những kẻ cường quyền đối với người yếu, sự dửng dưng đối với tiếng kêu của người nghèo, vực thẳm mỗi ngày chúng ta đào sâu tạo nên tình trạng gạt ra ngoài lề, không thể để chúng ta dửng dưng. Vì thế, ngày hôm nay, cùng nhau chúng ta nhìn nhận rằng Thánh Thể là lời ngôn sứ về một thế giới mới, là sự hiện diện của Chúa Giêsu Đấng yêu cầu chúng ta hãy dấn thân để có một sự hoán cải đích thực: từ dửng dưng đến cảm thương, từ phung phí đến chia sẻ, từ ích kỷ đến yêu thương, từ cá nhân chủ nghĩa đến tình huynh đệ”.

Nhắc đến chủ đề Đại hội Thánh Thể toàn quốc lần này là: “Chúng ta hãy trở lại với hương vị Bánh. Tiến tới một Giáo hội Thánh Thể và đồng hành”, Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Chúng ta hãy trở về với hương vị bánh, vì trong khi chúng ta đói tình thương và hy vọng, hoặc chúng ta bị bẻ ra vì những chao đảo và những đau khổ của cuộc sống, Chúa Giêsu đã trở nên lương thực nuôi sống và chữa lành chúng ta. Chúng ta hãy trở về với hương vị bánh, vì trong khi trên thế giới tiếp tục xảy những bất công và kỳ thị đối với những người nghèo, Chúa Giêsu ban cho chúng ta Bánh chia sẻ và hằng ngày sai chúng ta đi như những tông đồ của tình huynh đệ, công lý và hòa bình. Chúng ta hãy trở về với hương vị của bánh để trở thành một Giáo hội Thánh Thể, đặt Chúa Giêsu nơi trung tâm và trở nên bánh dịu dàng và cảm thương đối với mọi người. Chúng ta hãy trở về với hương vị bánh để nhắc nhớ rằng, trong khi cuộc sống trần thế này của chúng ta tiêu hao đi, Thánh Thể báo trước cho chúng ta lời hứa phục sinh và hướng dẫn chúng ta tiến về đời sống mới chiến thắng sự chết”.

Đức Thánh Cha cũng nhắn nhủ rằng: “Khi niềm hy vọng của chúng ta bị tắt lịm và chúng ta cảm thấy cô đơn trong tâm hồn, mệt mỏi trong nội tâm, bị tội lỗi dày vò, lo sợ không vượt thắng nổi, chúng ta hãy trở lại với hương vị bánh. Hãy trở về cùng Chúa Giêsu, thờ lạy Chúa, đón nhận Chúa Giêsu. Vì Chúa chiến thắng sự chết và luôn đổi mới đời sống chúng ta”.

Kinh Truyền tin

Cuối thánh lễ, Đức Hồng Y Zuppi, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, đại diện mọi người cám ơn Đức Thánh Cha và khẳng định rằng trong thánh lễ này có sự hiện diện của toàn thể Giáo hội tại Ý, với các vị chủ chăn hiện diện tại đây.

Rồi Đức Thánh Cha chủ sự kinh Truyền tin với mọi người hiện diện. Trong lời nhắn nhủ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha cám ơn tất cả những người tham dự, và đặc biệt là Đức Hồng Y Matteo Zuppi, Tổng giám mục Bologna, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý. Ngài chúc mừng cộng đoàn giáo phận Matera-Irsina vì đã nỗ lực tổ chức và đón tiếp mọi người, đồng thời ngài cám ơn tất cả những người đã cộng tác vào Đại hội Thánh Thể này.

Đức Thánh Cha phó thác cho Đức Mẹ hành trình của Giáo hội tại Ý để trong mỗi cộng đoàn, mọi người cảm thấy hương thơm của Chúa Kitô là Bánh hằng sống từ Trời xuống, đồng thời cầu khẩn sự chuyển cầu của Đức Mẹ cho những nhu cầu cấp thiết nhất của thế giới.

Sau khi đọc kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha kêu gọi cho đất nước Miến Điện, khi nói: “Tôi đặc biệt nghĩ đến nước Miến Điện. Từ hơn hai năm nay, đất nước cao quý này chịu đau thương vì những cuộc xung đột võ trang và bạo lực, làm cho bao nhiêu người chết và phải tản cư. Tuần này, chúng tôi nhận được tiếng kêu đau thương vì các trẻ em chết tại một trường bị dội bom. Ước gì tiếng kêu của các trẻ em ấy được lắng nghe! Những thảm trạng này không được xảy ra!

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Xin Mẹ Maria Nữ Vương Hòa Bình an ủi nhân dân Ukraine và ban cho các vị thủ lãnh các dân nước một ý chí mạnh mẽ để tìm ra ngay những sáng kiến hữu hiệu hầu chấm dứt chiến tranh”.

Hướng về Cameroon, Đức Thánh Cha nói: “Tôi cũng hiệp với các giám mục Cameroon kêu gọi trả tự do cho tám người bị bắt cóc tại giáo phận Mamfé, trong đó có năm linh mục và một nữ tu. Tôi cầu nguyện cho họ và cho nhân dân thuộc giáo tỉnh Bamenda: xin Chúa ban ơn hòa bình cho các tâm hồn và cho đời sống xã hội tại đất nước yêu quí ấy.”

Sau cùng, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng trong ngày Chúa nhật hôm nay, 25 tháng Chín, Giáo hội cử hành Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn, với chủ đề: “Xây dựng tương lai với những người di dân và tị nạn”. “Chúng ta hãy canh tân quyết tâm xây dựng tương lai theo ý định của Thiên Chúa: một tương lai trong đó mỗi người tìm được chỗ của mình và được tôn trọng; trong đó những người di dân, tị nạn, người tản cư và nạn nhân nạn buôn người có thể sống an bình và trong phẩm giá. Vì Nước Thiên Chúa được thực hiện với họ, không có những người bị loại trừ. Và cũng nhờ những anh chị em ấy mà các cộng đoàn có thể tăng trưởng trên bình diện xã hội, kinh tế, văn hóa và tinh thần; và sự chia sẻ các truyền thống khác nhau làm cho dân Chúa được phong phú. Tất cả chúng ta hãy dấn thân xây dựng một tương lai bao gồm và huynh đệ hơn!”

Kết thúc thánh lễ, Đức Thánh Cha ra phi trường Matera để đáp máy bay trở về Vatican.