SUY NIỆM VÀ CẦU NGUYỆN LỄ KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
https://www.youtube.com/watch?v=II86z603Vyg

LÀM CHỨNG
Lễ Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam : Mt 10, 17-22

Suy niệm

Chúa Giêsu không ngần ngại cảnh báo cho các môn đệ biết một thực tế rất phũ phàng và cay đắng, là họ sẽ bị bách hại, và có thể kết thúc một cách bi thảm, để những ai muốn theo Ngài phải cân nhắc. Một khi đã quyết định chọn lựa thì phải dấn thân đến cùng, và “kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát”. Chúa Giêsu đã đi bước trước, Ngài là vị tử đạo đầu tiên vì Tin Mừng mà Ngài rao giảng. Ngài là con đường dẫn đến sự sống đích thực, nhưng thế gian lại yêu sự tối tăm hơn ánh sáng. Các môn đệ cũng đồng số phận với Thầy, bị khinh khi, bị lăng nhục và thù ghét vì “danh Thầy”; cuối cùng cũng là sự hiến mạng vì Thầy để trở thành lời nhân chứng cho sự thật.

Không một tôn giáo nào bị bách hại nặng nề, lâu dài và thảm thương như Kitô giáo. Cho dù có những thế lực thù địch quyết loại trừ Kitô giáo bằng mọi cách, nhưng đạo thánh Chúa vẫn không bị tiêu diệt, mà trái lại còn tăng trưởng mạnh mẽ cả về phẩm chất lẫn số lượng. Đó là những bí ẩn của lịch sử không thể lý giải bằng lý lẽ tự nhiên, nhưng chỉ có thể hiểu được dưới ánh sáng đức tin. Ngay từ những năm tháng đầu tiên loan báo Tin Mừng, Hội Thánh đã trải qua gần 300 năm bị bách hại dưới thời các hoàng đế La-Mã. Rồi từ đó, Phúc Âm được rao giảng ở đâu, thì ở đó sớm muộn gì các Kitô hữu cũng bị bách hại.

Lịch sử Hội Thánh là một lịch sử đầy những cuộc tử đạo, ở khắp mọi miền trên thế giới, vào hết mọi thời kỳ trong lịch sử. Ngay trên mảnh đất Việt Nam thân yêu này, 118 vị thánh đã được phúc tử đạo. Dĩ nhiên đây chỉ là con số tiêu biểu cho khoảng 130.000 các tín hữu đã phải chết vì đạo. Đó là chưa kể bao nhiêu tín hữu phải sống cảnh màn trời chiếu đất, vì cuộc bách hại trải qua 7 thời kỳ cấm đạo, từ năm 1625-1885, nghĩa là kéo dài đến 261 năm. Điều này vừa cho thấy sự ác liệt và thảm khốc của những cuộc bắt đạo, vừa cho thấy sức chịu đựng kiên cường và lòng trung thành đối với đức tin của cha ông chúng ta, những vị tiên phong hào hùng nêu gương cho con cháu.

Thật khó hiểu đối với những người không có đức tin. Vui tươi trước những may lành và thành công thì ai cũng muốn làm; hãnh diện vì giàu sang sung sướng thì ai cũng muốn được, nhưng vui tươi và sẵn sàng lãnh nhận gian nan, thử thách, đau khổ và cả cái chết là một điều hết sức kỳ lạ, khác thường, không thể hiểu được. Nhưng những điều này lại rất dễ hiểu đối người Kitô giáo, vì nó phát xuất từ một đức tin mãnh liệt với tình yêu mến sâu xa đối với Thiên Chúa và con người. Thật ra, cuộc sống trong mọi chiều kích nhân sinh, vẫn luôn là một cuộc chiến ác liệt giữa sự thiện và sự ác, giữa ánh sáng và bóng tối.

Chết vì đạo chính là chết vì tình yêu, vì sự thật, vì sự thiện, nên phải có một sức mạnh của ơn thánh Chúa chứ không do sức riêng của con người. Chết mà không hận thù oán ghét, không than trách buồn phiền hay bất mãn. Trái lại, vẫn hân hoan vui sướng vì Chúa, vẫn đầy tình thương và tha thứ đối với những kẻ hành hình mình. Tử đạo như thế khác xa với mọi thứ tử đạo khác: do sự cuồng tín tôn giáo; do sự cuồng ngạo văn hóa; hoàn toàn khác với những thứ anh hùng liệt sĩ phát xuất từ các phe nhóm chính trị, xã hội hoặc đảng phái.

Ngày nay, tuy không còn phải chịu những bách hại như trong quá khứ, nhưng chúng ta đang phải đối diện với một cuộc tấn công khác còn nguy hiểm gấp bội, đó là sức mạnh của tiền bạc, địa vị, khoái lạc, tự do buông thả, nhất là trong những xã hội mà người ta muốn loại trừ Thiên Chúa khỏi đời sống con người. Những sức mạnh này đã làm cho nhiều tín hữu gục ngã, mất đức tin và xa rời Hội Thánh. Không nói chi bên ngoài mà ngay trong lòng Giáo Hội, ngày càng có nhiều giáo phái, nhiều chia rẽ và bất đồng, khiến mất đi sự hiệp nhất dần dần. Tuy nhiên, cũng là những cuộc thanh lọc đức tin cần thiết để thấy được mức độ chín chắn và trưởng thành của đời Kitô hữu, nhưng xem ra, đó lại là hậu quả của những cuộc bách hại tinh thần không thể tránh khỏi.

Các vị tử đạo đã làm chứng bằng cái chết. Chúng ta được mời gọi làm chứng bằng cuộc sống. Trong một xã hội còn nhiều bóng tối và mây mù giăng mắc, những khuynh hướng và những trào lưu đi ngược với đời sống đức tin, nên việc làm chứng nào cũng đòi phải hy sinh, mất mát, thiệt thòi, vì đòi ta lội ngược dòng với thế gian tội lụy. Làm sao cho tất cả mọi hành vi, thái độ và ứng xử của chúng ta luôn tỏa chiếu ánh sáng và sức mạnh của Tin Mừng, tạo nên một sức hấp dẫn đối với những người chung quanh, để Chúa ngày càng được nhận biết và yêu mến.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Bao người công chính đã bị bách hại,
bao người chân thật đã phải tù đày,
chỉ vì dám đấu tranh cho công lý,
dám liên đới và thực thi trách nhiệm.
Sống công chính đòi con dám xả thân,
dám hành động vì ích lợi của tha nhân,
dám coi thường quyền lợi của bản thân,
và luôn biết hành động trong sự thật.
Trông nhìn lại thời Giáo Hội sơ khai,
các tín hữu phải chịu những họa tai,
vì theo Chúa trên con đường làm chứng,
là yêu thương và tha thứ không ngừng.
Bách hại đâu phải chuyện của quá khứ,
mà nay vẫn tiếp diễn bằng nhiều thứ,
như vu khống, chế giễu và phỉ báng,
biến tín hữu thành hạng người lố bịch.
Không hẳn chúng con chết vì đức tin,
nhưng sẽ bị chế giễu vì danh Chúa,
bị coi là mê muội và yếu đuối,
nên Chúa cần con sống hơn là chết,
để người ta thấy tình yêu là trên hết,
và cũng chính là sự thật luôn vững bền.
Xin cho con dám vượt lên chính mình,
để con sống một niềm tin chân chính,
theo gương cha ông anh hùng tử đạo,
dám hiến thân vì Chúa đổ máu đào.
Xin cầu cho chúng con là con cháu,
biết can trường trong thử thách đau thương,
biết làm chứng cho Chúa giữa đời thường,
để mọi người đón nhận Chúa tình thương. Amen.