1. Chính quyền Ukraine đột kích tu viện Chính thống giáo trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa để thăm dò “các hoạt động lật đổ”
Cơ quan an ninh Ukraine cho biết họ đã đột kích vào một tu viện Chính Thống Giáo lịch sử ở Kyiv hôm thứ Ba như một phần trong nỗ lực chống lại “các hoạt động lật đổ của các cơ quan đặc vụ Nga” bị nghi ngờ đang hoạt động ở nước này.
Cuộc đột kích vào tu viện Kyiv-Pechersk Lavra nhằm mục đích “ngăn chặn việc sử dụng Lavra như một cơ sở nằm vùng của 'thế giới Nga'“ và “sử dụng các cơ sở của Giáo Hội Chính thống Ukraine để che giấu các nhóm phá hoại và trinh sát, các công dân nước ngoài, cất giữ vũ khí, v.v,” Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, cho biết trong một tuyên bố.
Lavra là tu viện của Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC – đó là một nhánh của Chính Thống Giáo ở Ukraine có truyền thống trung thành với Thượng phụ Kirill, lãnh đạo của Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga. Kirill là đồng minh thân cận của Vladimir Putin và là người ủng hộ cuộc chiến của ông với Ukraine. Vào tháng 5, UOC cắt đứt quan hệ với Mạc Tư Khoa và tuyên bố “độc lập hoàn toàn”.
Điện Cẩm Linh đã lên án cuộc đột kích và nói rằng đây là một ví dụ khác về sự thù địch của Ukraine đối với Chính thống giáo Nga.
“Phía Ukraine từ lâu đã có chiến tranh với Giáo hội Chính thống Nga,” phát ngôn viên Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm thứ Ba.
“Tôi muốn nói rằng đây có thể được coi là một mắt xích khác trong chuỗi hành động thù địch chống lại Chính thống giáo Nga.”
Thượng Phụ Kirill cũng phản ứng với cuộc đột kích, mô tả đó là một “hành động đe dọa”.
“Giáo Hội Chính thống Nga, phục vụ ở Nga, Ukraine và Belarus, đã là mục tiêu bị chính quyền vô thần tiêu diệt.”
“Chúng tôi cầu nguyện cho những người đồng đạo ở Kyiv-Pechersk Lavra, những người trở thành nạn nhân của tình trạng vô luật pháp, và chúng tôi kêu gọi tất cả những người quan tâm làm mọi thứ có thể để cuộc đàn áp chấm dứt, và ngôi đền cổ vẫn là nơi cầu nguyện cho hòa bình.”
Lavra được thành lập vào thế kỷ 11. Tu viện này là một nơi hành hương, và là một Di sản Thế giới của UNESCO. Nó cũng là một trong những điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng nhất ở Kyiv.
Tưởng cũng nên biết thêm: Trong thời kỳ cộng sản, tại Ukraine chỉ có một Giáo Hội Chính Thống là Giáo Hội Chính Thống trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Sau khi cộng sản sụp đổ, tại Ukraine có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.
Hai nhóm Chính Thống Giáo thứ hai và thứ ba của Ukraine đã nhập lại thành một. Hôm 5 tháng Giêng, 2019, trước sự hiện diện của các thành viên phái đoàn chính phủ Ukraine Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của Tòa Thượng Phụ Constantinope đã ký kết Tomos, tức là sắc lệnh công nhận Chính Thống Giáo Ukraine, gọi tắt là OCU, là một Giáo Hội Chính Thống độc lập, và trao Tomos cho Đức Thượng Phụ Epiphaniy của Kyiv và Toàn Ukraine.
Các quan chức Ukraine coi nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa là một công cụ để điện Cẩm Linh tác động lên nội tình của Ukraine. Trước tình cảm bài Nga tại Ukraine, xu hướng sụp đổ của Chính Thống Giáo trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa là có thể thấy trước. Hiện nay họ vẫn tồn tại được là vì bọn cầm quyền cộng sản Nga đã đưa một số lớn di dân sang Ukraine. Đám con cháu người Nga, nhận tiền của Putin và Kirill, làm mọi cách để UOC tồn tại được.
Tháng 7 vừa qua, SBU đã bắt một linh mục người Nga, bạn cùng lớp với Thượng Phụ Kirill vì ông ta giữ 5 khẩu súng lục trong nhà xứ của mình. Linh mục giữ súng trái phép để làm gì? Vụ đột kích vào tu viện Lavra là một vấn đề nhạy cảm, nhưng có thể hiểu được. Cho đến nay, các quan chức tình báo của Ukraine vẫn chưa công bố đã tìm thấy gì trong tu viện Lavra hay không. Tuy nhiên, tính đến sáng thứ Tư 23 tháng 11, tu viện đã được mở cửa hoạt động như bình thường.
Source:The Guardian
2. Những gì phương Tây không nhận ra là Cuộc đàn áp Kitô giáo ngày càng tồi tệ
Tổ chức Viện trợ Giáo hội Đau khổ phát hành báo cáo mới “Bị bách hại và Lãng quên?” nói rằng một số tình huống đã đạt đến mức độ diệt chủng: “Một phần của vấn đề là nhận thức sai lầm về văn hóa ở phương Tây tiếp tục phủ nhận một thực tế là Kitô hữu vẫn là nhóm tín ngưỡng bị đàn áp quyết liệt nhất.”
“Thế giới đã quay lưng lại với Nigeria. Một cuộc diệt chủng đang diễn ra, nhưng không ai quan tâm,” cha Andrew Adeniyi Abayomi, cha phó của Nhà thờ Thánh Phanxicô ở Owo, Bang Ondo, Nigeria nhận xét cay đắng như trên.
Điều gì đã khiến ngài xác tín rằng một cuộc diệt chủng đang diễn ra ở Nigeria? Trước hết, ngài đã sống sót sau cuộc tấn công vào nhà thờ của mình vào Chúa Nhật Lễ Hiện xuống vừa qua, khi các tay súng giết chết ít nhất 40 giáo dân trong Thánh lễ. Ngài nói rằng mặc dù cuộc tấn công kéo dài 20 phút đau đớn, trong khi ngài che chắn cho những đứa trẻ đang sợ hãi và những người khác trong phòng thánh, “ nhân viên an ninh và cảnh sát gần đó đã không đến giải cứu chúng tôi” Cha Abayomi viết như trên trong lời tựa báo cáo mới có nhan đề “Bị bách hại và Lãng quên? Báo cáo về các Kitô hữu bị áp bức vì Đức tin của họ 2020-22” của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN.
ACN, một tổ chức bác ái Công Giáo phục vụ các nhu cầu mục vụ và nhân đạo của Giáo hội đang bị đàn áp và đau khổ, báo cáo rằng hơn 7,600 Kitô hữu đã bị giết ở Nigeria trong giai đoạn được xem xét từ tháng 10 năm 2020 đến tháng 9 năm 2022.
“Các Kitô hữu bị giết trên khắp Phi Châu, các nhà thờ của họ bị tấn công và các ngôi làng bị san bằng,” Cha. Abayomi nói. “Ở Pakistan, họ bị giam giữ một cách bất công vì tội báng bổ. Các cô gái Kitô chưa đủ tuổi bị bắt cóc, hãm hiếp, buộc phải cải đạo và kết hôn với những người đàn ông trung niên ở các quốc gia như Ai Cập, Mozambique và Pakistan. Ở Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, các chính phủ độc tài đè bẹp các tín hữu dưới chân, theo dõi mọi hành động của họ.”
Báo cáo mới cho biết tại 75% các quốc gia được khảo sát, tình trạng áp bức hoặc bách hại các Kitô hữu đã gia tăng trong giai đoạn được xem xét. ACN nói rằng ở Á Châu, chủ nghĩa độc đoán của nhà nước là nhân tố quan trọng gây ra sự đàn áp tồi tệ hơn đối với các Kitô hữu ở Miến Điện, Trung Quốc, Việt Nam và các nơi khác.
Các Kitô hữu Trung Quốc đang phải đối đầu với cuộc đàn áp tồi tệ nhất kể từ sau Cách mạng Văn hóa. Các nhà thờ do nhà nước quản lý đang bị giám sát gắt gao, người dưới 18 tuổi bị cấm đến nơi thờ phượng, chia sẻ tài liệu tôn giáo trực tuyến bị cấm và các nhà thờ được yêu cầu trưng bầy hình ảnh của Tập Cận Bình và các biểu ngữ tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc bên cạnh - hoặc đôi khi thay thế hẳn cho các hình ảnh tôn giáo. Không có một giám mục hoặc linh mục Công Giáo nào trong tù trước thỏa thuận được trả tự do.
Tệ hơn nữa, một số giáo sĩ Công Giáo đã bị bắt kể từ khi có thỏa thuận này - và vì thỏa thuận này một số giám mục trung thành với Rôma trong nhiều thập niên đã bị buộc phải nghỉ hưu nhường chỗ cho các ứng viên ưa thích của Bắc Kinh. Chỉ hai tháng sau khi thỏa thuận được công bố, Đức Cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn (Shao Zhumin, 邵祝敏) của Ôn Châu đã bị bắt lần thứ năm trong hai năm. Vào tháng Giêng năm 2020, Đức Cha Vinh Sơn Quách Hy Cẩm (Guo Xijin - 郭希錦) của Mân Đông - người đã bị giáng chức xuống vị trí Giám Mục Phụ Tá để nhường chỗ cho một giám mục do Bắc Kinh bổ nhiệm - đã bị chính quyền buộc phải rời khỏi nơi cư trú của ngài nơi đã bị đóng cửa. Kết cục, ngài đã ngủ ở ngưỡng cửa văn phòng nhà thờ của mình; sau khi quốc tế phản đối kịch liệt, ngài đã được phép trở lại căn hộ của mình, nhưng với các tiện ích bị cắt giảm.
Vào tháng 6 năm 2020, Đức Cha Augustinô Thôi Thái (Cui Tai - 崔泰), Giám mục phó giáo phận Tuyên Hóa (Xuanhua - 宣化), lại bị bắt đi – sau khi đã phải chịu 13 năm giam giữ. Nơi ở của ngài vẫn chưa được biết. Vào ngày 21 tháng 5 năm 2021, cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ Đức Cha Giuse Trương Vĩ Trụ (Zhang Weizhu, 张伟柱) của Giáo phận Tân Hương ở tỉnh Hà Nam, một ngày sau khi họ bắt giữ bảy linh mục của ngài và một số lượng không xác định chủng sinh vì bị cáo buộc vi phạm các quy định mới của đất nước về các vấn đề tôn giáo. Ngài đã bị giam giữ kể từ đó và nơi ở của ngài cũng không rõ. Không ai biết hai vị giáo phẩm này đang được giam giữ ở đâu.
Năm nay, một trong những giám mục cao cấp và được kính trọng nhất của Giáo hội, Giám mục hưu trí 90 tuổi của Hương Cảng, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, đã bị bắt; ngài hiện đang bị xét xử.
Source:Aleteia
3. Thánh lễ Latinh tìm thấy một cử tọa người Mỹ mới, bất chấp chỉ thị của Đức Giáo Hoàng
Tờ New York Times có bài tường trình nhan đề “The Latin Mass Finds A New American Audience, Despite Pope’s Directives” nghĩa là “Thánh lễ Latinh tìm thấy một cử tọa người Mỹ mới, bất chấp chỉ thị của Đức Giáo Hoàng.”
“Tôi không nói tiếng Latinh […] Nhưng có cảm giác như mình đang kết nối nhiều hơn với Chúa.” Đây là điều mà một người Công Giáo đã nói với tờ New York Times trong một bài báo dài về việc ngày càng có nhiều tín hữu chọn tham dự thánh lễ được cử hành theo sách lễ năm 1962. Người phóng viên viết rằng những người Công Giáo này đôi khi sẵn sàng đi nhiều dặm để tìm một nhà thờ và một linh mục cử hành nghi thức mà cho đến gần đây được gọi là Hình thức Ngoại thường của Nghi lễ Rôma. Có 17,000 giáo xứ ở Hoa Kỳ và số nơi cử hành Thánh lễ bằng tiếng Latinh đang gia tăng, tờ báo ghi nhận.
Dường như có ít nhất 600 địa điểm trong cả nước cử hành điều nhiều người mô tả là Thánh lễ “truyền thống”. Theo tờ New York Times, nghi lễ này thu hút những người theo chủ nghĩa truyền thống, các gia đình trẻ, những người mới cải đạo và cả những người chống lại Đức Phanxicô. Vị Giáo hoàng người Á Căn Đình đã cắt giảm đáng kể khả năng cử hành Thánh lễ Tridentinô trong khi người tiền nhiệm của ngài, là Đức Bênêđictô XVI, đã chọn đường lối cởi mở hơn về vấn đề này.
Bài báo lập luận rằng có một số lý do dẫn đến sự hồi sinh của Thánh lễ Latinh. Chẳng hạn, do đại dịch, các giáo xứ thông thường dường như vẫn đóng cửa lâu hơn, khiến một số người Công Giáo, mong muốn được sống lại những nghi thức phụng vụ đẹp đẽ, đã tìm kiếm những địa điểm mở cửa khác. Ngoài ra, nhiều tín hữu nói rằng họ đã phát hiện ra những người theo chủ nghĩa truyền thống và những người có ảnh hưởng đã hướng dẫn họ đến với Thánh lễ Latinh truyền thống. Một lý do khác giải thích tại sao nhiều người Công Giáo quay trở lại với truyền thống này là Giáo hội ở Mỹ ngày càng đặt câu hỏi về vai trò văn hóa và chính trị của mình trong một tình trạng thế giới khó khăn. Nhà báo New York Times báo cáo rằng nhiều cuộc khảo sát cho thấy các tín hữu thích Thánh lễ Latinh có quan điểm bảo thủ, đặc biệt về các vấn đề liên quan đến phá thai và hôn nhân đồng tính. Bài báo cũng nhấn mạnh sự chia rẽ sâu sắc tồn tại trong Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, vì một số giám chức đã giảm đáng kể việc sử dụng sách lễ năm 1962 trong khi những người khác, chỉ thực hiện một chút các chỉ thị của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tự sắc Traditionis Custodes của ngài.
Source:New York Times
4. Hội đồng Giám mục Bolivia kêu gọi chấm dứt cảnh huynh đệ tương tàn tại nước này
Hội đồng Giám mục Bolivia kêu gọi chấm dứt tình trạng “anh em giết nhau” tại nước này, tôn trọng và bảo đảm cho những người không đồng ý với nhà cầm quyền.
Từ ngày 22 tháng Mười vừa qua, Bolivia đang ở trong tình trạng đình công vô thời hạn để đòi chính phủ thực hiện cuộc kiểm tra dân số vào năm tới, thay vì vào năm 2024. Cuộc đình công bắt đầu từ thành phố Santa Cruz, là đầu tàu kinh tế của Bolivia, rồi lan sang các miền khác, tạo nên những cuộc đụng độ, bạo động, giữa những người phò và người chống, và nay có màu sắc chính trị giữa những người ủng hộ và chống chính phủ của Tổng thống Luis Arce.
Trong thông cáo chung kết công bố hôm 18 tháng Mười Một vừa qua, sau khóa họp thứ 60 của Hội đồng Giám mục, các giám mục Bolivia khẳng định rằng: “Nhân danh Thiên Chúa, chúng tôi kêu gọi chấm dứt sự thù nghịch, đố kỵ giữa các anh chị em Bolivia với nhau, chúng tôi kêu gọi những người hữu trách hãy mở ra không gian đối thoại đích thực, bao dung và hòa giải, khơi dậy tình huynh đệ giữa tất cả mọi người. Chúng tôi cũng kêu gọi tôn trọng và bảo đảm cho những người, trong công lý và luật pháp, không đồng ý với quan điểm của những người đang cai trị chúng ta, để họ không trở thành nạn nhân của những cuộc bách hại, và nạn sử dụng công lý không đúng đắn. Chúng tôi kêu gọi các nhân viên công lực đừng trở thành những tác nhân gây nên đụng độ và bạo lực, nhưng hành động theo sứ mạng của mình, bảo vệ toàn thể dân chúng”.
Văn phòng bảo vệ dân quyền ở Bolivia cũng đã ra thông báo nhìn nhận rằng “tất cả các cuộc biểu tình xã hội đều hợp pháp”, nhưng Văn phòng bác bỏ sự không khoan nhượng của những người giữ vai chính trong cuộc xung đột. Họ duy trì những nút chặn đường, đồng thời Văn phòng kêu gọi “đừng vi phạm bằng những hành vi bạo lực khi thi hành quyền phản đối. Ngoài ra, Văn phòng dân quyền kêu gọi cảnh sát Bolivia chu toàn phận sự của mình trong khuôn khổ pháp luật, tương ứng với các nhu cầu, và bảo vệ sự toàn vẹn của những nhân viên công lực và an ninh, cũng như các thường dân”.
Source:Fides