1. Đức Giáo Hoàng vướng vào tranh cãi về sự tàn ác của người Chechnya và người Buryat trong quân đội Nga

Đức Giáo Hoàng đã vướng vào những tranh cãi với Nga sau khi gọi người Chechnya và người Buryat trong quân đội Nga là những kẻ tàn ác nhất.

Theo trang tin Kommersant của Nga, hôm thứ Hai, ngày 28 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra tuyên bố trên khi bình luận về cuộc chiến ở Ukraine trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí America của Dòng Tên.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi những tuyên bố của Đức Giáo Hoàng là một “sự xuyên tạc sự thật.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Khi tôi nói về Ukraine, tôi đang nói về một dân tộc đã chịu tử đạo. Nếu bạn có những người trở thành tử vì đạo, thì cố nhiên bạn có những người hành hạ họ”.

“Khi tôi nói về Ukraine, tôi nói về sự tàn bạo bởi vì tôi có rất nhiều thông tin về sự tàn bạo của quân đội. Theo quy luật, những người tàn ác nhất có lẽ là những người đến từ Nga, nhưng không tuân thủ các quy tắc truyền thống của Nga, chẳng hạn như người Chechenya, người Buryat, v.v.”

Đức Giáo Hoàng đã cho thấy ngài sẵn sàng đến thăm Kyiv nhưng chỉ khi ngài cũng đến thăm Mạc Tư Khoa, đồng thời nói thêm rằng ngài đã nhiều lần gửi cho phía Nga danh sách các tù nhân chiến tranh Ukraine. Ông nói, phản ứng của họ đối với lời đề nghị trao đổi luôn là tích cực.

Vatican đã nhiều lần đề nghị làm trung gian hòa giải sau cuộc xâm lược Ukraine nhưng cho đến nay vẫn chưa có phản hồi tích cực từ bên nào. Lời đề nghị mới nhất được đưa ra vào ngày 27 tháng 11 bởi Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh.

Một số nguồn tin cho biết Điện Cẩm Linh hiện sẵn sàng thảo luận về Ukraine với Vatican, nhưng họ vẫn chưa chấp nhận lời đề nghị làm trung gian hòa giải.

Liệu những bình luận gây tranh cãi về sự tàn ác của người Chechnya và Buryat trong quân đội Nga, có làm hỏng bất kỳ cuộc thảo luận nào như vậy hay không vẫn còn phải chờ xem.

Maria Zakharova hằn học cho rằng những tuyên bố của Đức Giáo Hoàng với tạp chí America của Dòng Tên là một “minh chứng cho tâm tình bài Nga” của ngài. Điều này gây ngạc nhiên cho nhiều người vì khi chỉ trích sự tàn ác của người Chechnya và Buryat, xem ra Đức Thánh Cha có ý muốn nói tốt cho người Nga. Các thống kê cho thấy quân Nga chính cống cũng tàn bạo không kém người Chechnya và Buryat trong các tội ác như hiếp dâm, cướp bóc, bắn giết dân lành. Một sự thật cũng không thể chối cãi là cuộc chiến này do Putin, một người Nga chính cống, không phải Chechnya hay Buryat, gây ra. Và các quyết định bắn phóng hỏa tiễn vào thường dân, vào các cơ sở hạ tầng dân sự để cướp đoạt của dân Ukraine nguồn điện, nguồn nhiệt khi mùa Đông ập đến đã được quyết định bởi các tướng lĩnh Nga chính cống, không phải người Chechnya hay Buryat. Còn ông Thượng Phụ Kirill thì sao? Ông ta là người Nga chính cống, truyền thống Nga đầy mình!
Source:Euro News

2. Vatican phản đối Trung Quốc bội ước trong thỏa thuận bổ nhiệm Giám Mục

Vào ngày 22 tháng 10 năm nay, lễ Thánh Gioan Phaolô II, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc Đại hội Đảng lần thứ 20, Vatican xác nhận đã gia hạn lần thứ hai thỏa thuận về vấn đề bổ nhiệm Giám Mục. Một tháng sau đó, Tòa Thánh đã phản đối Trung Quốc bội ước, chà đạp thỏa thuận này. Những người đã từng bất hạnh phải sống với cộng sản và có chút trí khôn bình thường đều không ngạc nhiên trước diễn biến này.

Tờ Crux có bài tường trình nhan đề “In rare public protest, Vatican calls out China over bishop’s appointment”, nghĩa là “Trong một cuộc phản đối công khai hiếm hoi, Vatican lên án Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

ROME – Lần đầu tiên kể từ khi ký kết một thỏa thuận gây tranh cãi với Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục cách đây bốn năm, Vatican hôm thứ Bảy đã lên án Bắc Kinh vi phạm các điều khoản của thỏa thuận bằng cách bổ nhiệm một giám mục vào một giáo phận không được Rôma công nhận.

Đức Cha Gioan Bành Vệ Chiếu (Peng Weizhao, 彭卫照), được Đức Thánh Cha Phanxicô bí mật bổ nhiệm làm giám mục Giáo phận Dư Giang (Yujiang, 余江) vào năm 2014, bốn năm trước khi Vatican ký thỏa thuận tạm thời với Trung Quốc. Là một giám mục “hầm trú”, Đức Cha Gioan Bành Vệ Chiếu đã bị bắt và giam giữ bởi chính quyền Trung Quốc trong sáu tháng. Cuối cùng ngài được thả, nhưng chức vụ của ngài bị chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ.

Tuy nhiên, vào ngày 24 tháng 11, ngài đã tham gia các tổ chức Công Giáo Trung Quốc được nhà nước công nhận trong một buổi lễ đánh dấu việc ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá của Giáo phận Giang Tây, một giáo phận ma được chính quyền Trung Quốc dựng nên nhưng không được Rôma công nhận.

Theo AsiaNews, khoảng 200 người đã tham dự buổi lễ, được tổ chức tại Nam Xương và được chủ trì bởi giám mục địa phương, Gioan Baotixita Lý Tô Quang (Li Suguang, 李稣光). Ông Quang là phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Trung Quốc, là tổ chức không được Tòa Thánh công nhận.

Trong một tuyên bố ngày 26 tháng 11, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết Tòa Thánh “ngạc nhiên và lấy làm tiếc” khi biết về việc Đức Cha Gioan Bành Vệ Chiếu được bổ nhiệm về giáo phận Giang tây, và nói rằng giáo phận Giang Tây của Trung Quốc “không được Tòa thánh công nhận”.

“Sự kiện này đã không diễn ra theo tinh thần đối thoại hiện có giữa phía Vatican và phía Trung Quốc và với những gì đã được quy định trong Thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các giám mục, ngày 22 tháng 9 năm 2018,” tuyên bố cho biết.

Vatican cho biết họ cũng đã nhận được thông tin nói rằng việc bổ nhiệm về phía dân sự của Đức Cha Bành đã xảy ra trước “áp lực nặng nề và lâu dài từ chính quyền địa phương”.

“Tòa thánh hy vọng rằng các tình tiết tương tự sẽ không lặp lại, và đang chờ các thông tin liên lạc thích hợp về vấn đề này từ các cơ quan chức năng và tái khẳng định hoàn toàn sẵn sàng tiếp tục đối thoại trong tinh thần tôn trọng liên quan đến tất cả các vấn đề cùng quan tâm”

Đức Cha Bành, 56 tuổi, học tại Chủng viện Quốc gia ở Bắc Kinh và được thụ phong linh mục năm 1989, kế vị Đức Cha Tôma Tăng Cảnh Mục (Zeng Jingmu, 曾景牧) làm giám mục Dư Giang sau khi được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm vào năm 2014.

Đức Cha Tôma Tăng Cảnh Mục, cũng là một giám mục “hầm trú”, đã bị bắt và ở tù 23 năm. Ngài mất năm 2016 ở tuổi 93.

Sau các cuộc đàm phán vào năm 2018, thỏa thuận tạm thời giữa Trung Quốc và Tòa thánh chưa bao giờ được công khai, tuy nhiên, như một phần của thỏa thuận, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đồng ý dỡ bỏ vạ tuyệt thông đối với bảy giám mục được tấn phong mà không có sự cho phép của Vatican và người ta tin rằng Đức Thánh Cha có thể đưa ra quyết định cuối cùng từ một danh sách các ứng viên Giám Mục do nhà cầm quyền Trung Quốc đề xuất.

Trong bốn năm qua, thỏa thuận, được gia hạn lần thứ hai vào tháng 10 vừa qua, đã bị tranh cãi và chỉ trích nặng nề bởi các giáo sĩ nổi tiếng như Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, là người hôm thứ Sáu đã bị tòa án Hương Cảng kết án theo một pháp lệnh an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt vì ngài ủng hộ phong trào ủng hộ dân chủ của thành phố.

Vatican vẫn chưa đưa ra tuyên bố nào về bản án Trung Quốc dành cho Đức Hồng Y Quân.

Báo cáo của tờ Crux tới đây là hết. Chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm rằng đây không phải là những vi phạm thỏa thuận đầu tiên về phía Trung Quốc.

Năm 2020 và 2021, Giám mục Tôma Trần Thiên Hạo (Chen Tianhao, 陈天皓) và Giám mục Phanxicô Thôi Khánh Kỳ (Cui Qingqi, 崔庆琪) đã nhậm chức trong các giáo phận tương ứng của họ, với sự sắp xếp và công bố của chính quyền Trung Quốc, mà không có bất cứ thông báo nào rằng họ đã được lựa chọn và phê duyệt bởi Tòa thánh, và các cuộc bổ nhiệm họ không xuất hiện trong bản tin hàng ngày về các cuộc bổ nhiệm do văn phòng báo chí Vatican phát hành.

Thay vào đó, trong cả hai trường hợp, Vatican đã chỉ xác nhận các cuộc bổ nhiệm vài ngày sau đó, sau khi giới truyền thông lên tiếng hỏi, đồng thời nhấn mạnh rằng cả hai trường hợp đều đã có thông báo và sự chấp thuận trước.

Vào thời điểm đó, các viên chức cao cấp của Vatican gần gũi với diễn trình đã nói khác với trình thuật chính thức về vụ việc.

Một người nói với The Pillar rằng “Rôma không thông báo các cuộc bổ nhiệm vì không ai biết” chúng sắp diễn ra.
Source:Crux

3. COMECE nhiệt liệt chào mừng Đức Giám Mục Treanor được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh mới tại Liên Hiệp Âu Châu

Hôm Thứ Bảy, ngày 26 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Noël Treanor, Giám mục của giáo phận Down và Connor của Ái Nhĩ Lan, làm Sứ thần Tòa thánh mới tại Liên minh Âu Châu, kế nhiệm Đức Cha quá cố Aldo Giordano.

Trước thông tin này, Chủ tịch COMECE là Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, cho biết: “Thay mặt Hội đồng COMECE và Ban thư ký, tôi muốn bày tỏ niềm vui của mình về thông báo này. Trong nhiều thập kỷ, Đức Cha Treanor là nhân vật tối quan trọng của Giáo hội tại Liên minh Âu Châu. Ngài đã đồng hành cùng tiến trình hội nhập Âu Châu một cách phi thường. Xem xét kinh nghiệm lâu năm của ngài tại COMECE, tôi chắc chắn rằng sự hợp tác của chúng ta sẽ đặc biệt mạnh mẽ và hiệu quả để thúc đẩy lợi ích chung ở Âu Châu. Tôi chúc ngài được nhiều ơn Chúa. Xin Chúa trợ giúp anh ấy trong sứ mệnh quan trọng của mình”.

Sứ thần Tòa thánh mới có kiến thức sâu rộng về hoạt động của các tổ chức Âu Châu do kinh nghiệm của ngài với tư cách là Tổng thư ký của COMECE từ 1993 đến 2008, và Đại diện của Giám mục Ái Nhĩ Lan tại COMECE từ 2009 đến 2022, cũng như Chủ tịch Ủy ban Tư pháp và Hòa bình Âu Châu từ 2018 đến 2022.
Source:comece.eu

4. Đức sẽ tuyên bố nạn đói của người Ukraine dưới thời Stalin là một cuộc diệt chủng

Bundestag hay Quốc Hội của Đức đang có kế hoạch thông qua một nghị quyết tuyên bố nạn đói của hàng triệu người Ukraine dưới thời Joseph Stalin là một tội ác diệt chủng. Đây là một động thái mà các nghị sĩ hy vọng sẽ là một lời “cảnh báo” tới Mạc Tư Khoa khi Ukraine phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng đói có thể xảy ra vào mùa đông này.

Nghị quyết, sẽ được ba đảng cầm quyền và các nhà lãnh đạo phe đối lập bảo thủ cùng nhau đưa ra bỏ phiếu vào tuần tới, sẽ mô tả Holodomor 1932-1933 là một phần của “danh sách các tội ác vô nhân đạo của các hệ thống toàn trị đã giết chết hàng triệu sinh mạng ở Âu Châu trong nửa đầu thế kỷ 20”.

“Người dân trên khắp Ukraine, không chỉ ở các vùng sản xuất ngũ cốc, bị ảnh hưởng bởi nạn đói và đàn áp”, nghị quyết nêu rõ. “Điều này đáp ứng định nghĩa lịch sử-chính trị từ quan điểm ngày nay về tội diệt chủng.”

Các nạn nhân của Holodomor - tiếng Ukraine có nghĩa là vì “chết vì đói” - theo truyền thống được tưởng niệm ở Ukraine vào ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng 11.

Kyiv coi sự kiện lịch sử này là một phần trong chiến dịch có chủ ý của chế độ Stalin nhằm tập thể hóa nông nghiệp và loại bỏ tận gốc phong trào dân tộc chủ nghĩa non trẻ của Ukraine. Các nhà sử học ước tính khoảng 4 triệu đến 7.5 triệu người đã thiệt mạng trong thảm họa do Stalin gây ra.

Mạc Tư Khoa luôn bác bỏ cáo buộc lịch sử của Kyiv, coi những cái chết này là do nạn đói đã tàn phá các khu vực Trung Á và Nga.

“Putin là một phần trong truyền thống tàn ác và tội ác của Stalin,” Robin Wagener, nghị sĩ đảng Xanh của Đức, người khởi xướng nghị quyết, nói. “Ngày nay, khủng bố Nga một lần nữa ám ảnh Ukraine. Một lần nữa, kế hoạch là sử dụng bạo lực và khủng bố để tước đoạt kế sinh nhai của Ukraine, để khuất phục cả một quốc gia,” ông nói với báo Frankfurter Allgemeine Zeitung.

Knut Abraham, thanh tra viên của Liên minh Dân chủ Kitô giáo thuộc ủy ban của quốc hội về các vấn đề pháp lý và nhân quyền, cho biết nghị quyết này nhằm gửi một tín hiệu tới Mạc Tư Khoa. “Sự công nhận này thậm chí còn quan trọng hơn vì Ukraine một lần nữa trở thành mục tiêu gây hấn của Nga”.
Source:The Guardian