1. Quân Ukraine tấn công mạnh ở Zaporizhzhia và Luhansk. Đoàn xe Nga bỏ chạy lâm cảnh bất hạnh

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Tư 30 tháng 11, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết trong 24 giờ qua, lực lượng phòng không Ukraine đã tiến hành 9 cuộc tấn công vào quân địch, các cụm vũ khí và thiết bị quân sự và các vị trí của hệ thống hỏa tiễn phòng không.

Quân Nga tiếp tục bố trí lại nhân lực, quân trang để bổ sung cho các đơn vị bị tổn thất và thành lập các đơn vị mới.

Trong ngày, quân Nga đã tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn vào các đối tượng dân sự ở khu định cư Kivsharivka, vùng Kharkiv, 26 cuộc không kích và 10 cuộc tấn công bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt vào các vị trí của quân đội Ukraine.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, xác nhận từ ngày Chúa Nhật 27 tháng 11 đến nay, quân Ukraine đã mở các cuộc tấn công nhằm vào các đơn vị của Nga tại các thị trấn Polohy, Tokmak và Basan ở vùng Zaporizhzhia. Quân Nga được tường trình là bỏ chạy khỏi Tomak trong một đoàn xe gồm 7 chiếc Kamaz do 3 xe tăng và 5 chiếc thiết giáp hộ tống. Không quân Ukraine đã tấn công vào đoàn xe. Các phương tiện cơ giới đều bị phá hủy nhưng một số binh sĩ Nga may mắn sống sót tiếp tục chạy bộ về thành phố Enerhodar.

Ông từ chối cho biết thêm chi tiết để bảo mật kế hoạch hành quân, nhưng rõ ràng là quân Ukraine đang cố tái chiếm lại thành phố Enerhodar. Điều này phù hợp với tin tức của các phương tiện truyền thông Nga cho rằng quân Nga có thể sẽ rút lui khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và trao lại quyền quản trị nhà máy này cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA.

Enerhodar là thành phố nơi có Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, tạo ra gần một nửa lượng điện của đất nước có nguồn gốc từ năng lượng hạt nhân và hơn 20% tổng lượng điện nói chung của Ukraine. Enerhodar cũng có một nhà máy nhiệt điện gần đó.

Vào ngày 28 tháng 2, Bộ Quốc phòng Nga thông báo rằng họ đã chiếm được thành phố Enerhodar và Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Tuy nhiên, thị trưởng của Enerhodar, Dmytro Orlov, bác bỏ thông tin cho rằng thành phố và nhà máy điện đã bị chiếm. Người dân địa phương sau đó đã chặn đường đến nhà máy và lối vào thành phố, buộc lực lượng Nga phải quay trở lại.

Vào ngày 1 tháng 3, các quan chức Ukraine tuyên bố rằng các lực lượng Nga đã bao vây thành phố, với một đoàn xe Nga tiến vào Enerhodar vào khoảng 2 giờ chiều. Theo Orlov, thành phố gặp khó khăn trong việc kiếm thức ăn. Vào buổi tối, một cuộc biểu tình của cư dân địa phương đã chặn lực lượng Nga tiến vào thành phố.

Vào sáng ngày 2 tháng 3, Orlov tuyên bố rằng quân đội Nga lại tiếp cận thành phố. Người biểu tình lại chặn đường; những người biểu tình mang cờ Ukraine và sử dụng xe chở rác để ngăn cản lính Nga. Orlov nói với Ukrinform rằng hai người đã bị thương khi binh lính Nga bị cáo buộc ném lựu đạn vào đám đông dân thường. Đến 6 giờ chiều, cuộc biểu tình bao gồm hai trăm cư dân, cũng như công nhân nhà máy điện. Rafael Grossi, Tổng Giám đốc IEAE tuyên bố rằng IAEA đã được chính quyền Nga thông báo rằng các lực lượng Nga đang kiểm soát lãnh thổ xung quanh nhà máy điện hạt nhân.

Sáng 4 tháng 3, một đoàn gồm 10 xe bọc thép và hai xe tăng của Nga tiến vào Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Địa phương quân Ukraine phóng hỏa tiễn chống tăng, phá hủy chiếc xe tăng dẫn đầu, quân Nga đáp trả bằng nhiều loại vũ khí, vào trung tâm huấn luyện và tòa nhà hành chính chính. Các lực lượng Nga cũng nhiều lần bắn vũ khí hạng nặng về hướng các tòa nhà chứa các lò phản ứng. Trong khoảng hai giờ chiến đấu ác liệt, một đám cháy đã bùng phát, quân Ukraine đành phải rút lui vì sợ rò rỉ chất phóng xạ.

Cùng ngày, các lực lượng Nga cũng tiến vào Enerhodar và nắm quyền kiểm soát thành phố kẻ từ đó. Chính quyền quân sự Ukraine đã xác nhận vào ngày 7 tháng 3 rằng Enerhodar nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng Nga.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết trong cuộc phản công trong vùng Zaporizhzhia 480 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến, cùng với 3 xe tăng và 5 xe thiết giáp.

Ông lưu ý rằng, đó là chưa kể tổn thất của quân Nga tại Lutuhyne trong vùng Luhansk, và cũng chưa kể đến số binh sĩ Nga chết vì lạnh cóng sâu trong các giới tuyến do Nga kiểm soát. Ông nói mỉa mai rằng Putin đang nếm trải những cay đắng của Napoleon khi tấn công vào mùa Đông.

Tính chung, lực lượng Vũ trang Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 88,380 binh sĩ Nga tại Ukraine từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 29 tháng 11.

Tổng thiệt hại chiến đấu của quân xâm lược cũng bao gồm 2,911 xe tăng, 5,866 xe thiết giáp, 1,901 hệ thống pháo, 395 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 209 hệ thống phòng không, 280 máy bay chiến đấu, 261 máy bay trực thăng, 1,555 máy bay không người lái tác chiến và chiến thuật, 531 hỏa tiễn hành trình, 4,423 xe chở quân và chở dầu, 16 tàu chiến và 163 thiết bị đặc biệt.

2. Ngoại trưởng Lithuania nhìn thấy mùa Đông là cơ hội tốt để giải quyết cuộc chiến và hối thúc NATO đưa thêm cho Ukraine các khí tài chiến tranh

Phát biểu với các phóng viên trước cuộc họp của các ngoại trưởng NATO tại Bucharest, Romania, hôm thứ Ba, Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania Gabrielius Landsbergis cho biết Ukraine cần “phòng không, phòng thủ hỏa tiễn” và NATO “không cạn kiệt” xe tăng hay bất cứ thứ gì.

Ông nói: “Mọi thứ chúng ta có cần phải được vận chuyển ngay lập tức. NATO không thiếu xe tăng hay đạn dược.”

Thừa nhận rằng có thể có “những khó khăn” với việc cung cấp các loại đạn dược khác, Landsbergis nói rằng các nước NATO “về cơ bản có số lượng đạn dược gần như không giới hạn cho xe tăng chiến đấu chủ lực.”

3. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cân nhắc chuyển giao hệ thống Patriot cho Ukraine

Các đồng minh NATO tái khẳng định sẵn sàng cung cấp thêm hỗ trợ quân sự cho Ukraine, đặc biệt là các hệ thống phòng không hiện đại, bao gồm cả hệ thống Patriot, nhưng trong khi các cuộc thảo luận về các hệ thống này đang diễn ra, NATO đang tập trung vào việc cung cấp đạn dược và phụ tùng thay thế cho các hệ thống phòng không tiên tiến mà Ukraine đã nhận được.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết điều này tại một cuộc họp báo trong ngày làm việc đầu tiên của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương ở Bucharest hôm thứ Ba

“Cuộc thảo luận với Ukraine một phần là về việc cung cấp các hệ thống mới, chẳng hạn như Patriots, và hiện đang có một cuộc thảo luận về vấn đề đó. Nhưng nó cũng liên quan rất nhiều đến việc bảo đảm rằng các hệ thống mà chúng tôi đã cung cấp đang hoạt động và hiệu quả. Và để làm như vậy, chúng tôi cần bảo đảm rằng chúng tôi cung cấp phụ tùng thay thế, cho phép người Ukraine bảo trì các hệ thống và cả đạn dược. Đây là một thách thức lớn mà chúng ta phải đối mặt hiện nay,” ông Stoltenberg nói.

Ông nhắc lại rằng các đồng minh NATO đã cung cấp cho Ukraine những hệ thống tiên tiến nhất, chẳng hạn như NASAMS của Na Uy hay IRIS-T của Đức. Các hệ thống này cho thấy kết quả cao, bằng chứng là hiệu quả phòng thủ của Ukraine trong các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga. Hiện tại, điều rất quan trọng là cung cấp cho các hệ thống này đạn dược, cũng như phụ tùng thay thế để bảo trì và sửa chữa chúng.

4. Mỹ đang xem xét gửi hệ thống phòng không Patriot tới Ukraine

Mỹ đang xem xét gửi hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot tới Ukraine để hỗ trợ khả năng phòng không của họ trước các cuộc tấn công sắp tới của Nga, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói với các phóng viên hôm thứ Ba.

“Tất cả các khả năng đang được cân nhắc”, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Chuẩn Tướng Pat Ryder, cho biết như trên khi được hỏi liệu Mỹ có đang cân nhắc gửi các tổ hợp Patriot đặc biệt tới Ukraine hay không. “Patriot là một trong những khả năng phòng không đang được xem xét”, ông nói thêm.

Hệ thống hỏa tiễn phòng không Patriot - Patriot là viết tắt của cụm từ “Phased Array Tracking Radar to Intercept of Target” nghĩa là “Phân Giải Chuỗi Tín Hiệu Radar Để Đánh Chặn Mục Tiêu” được thiết kế để chống lại và tiêu diệt các hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn, máy bay tiên tiến và hỏa tiễn hành trình.

Tướng Pat Ryder nói thêm rằng phòng không Ukraine là “ưu tiên hàng đầu” của Mỹ.

“Chúng tôi đang xem xét tất cả các khả năng có thể giúp Ukraine chống lại các cuộc tấn công của Nga, vì vậy tất cả các khả năng đều được thảo luận và chúng tôi đang xem xét những gì Hoa Kỳ có thể làm, chúng tôi đang xem xét những gì các đồng minh và đối tác của chúng tôi. có thể làm và sự kết hợp của các khả năng sẽ rất hữu ích”.

“Chúng tôi thảo luận về nhiều khả năng và sự hỗ trợ với Ukraine, chúng tôi thường xuyên tham vấn với Ukraine, chúng tôi thường xuyên tham vấn với các đồng minh và đối tác của mình về nhu cầu phòng thủ của họ,” Ryder nói. “Ngay bây giờ, chúng tôi chưa có kế hoạch cung cấp các khẩu đội Patriot cho Ukraine, nhưng một lần nữa chúng tôi sẽ tiếp tục có những cuộc thảo luận đó, và khi nào và nếu có điều gì cần thông báo về vấn đề đó, chúng tôi sẽ thông báo.”

Ryder cho biết, một phần của thách thức khi gửi các khẩu đội Patriot hoặc vũ khí tiên tiến khác tới Ukraine là những hệ thống đó yêu cầu phải được “bảo trì và các binh sĩ phải được huấn luyện về những thứ đó”.

“Không có hệ thống nào trong số này là plug and play hay gắn vào là xài được ngay, bạn không thể đưa ra trên chiến trường và bắt đầu sử dụng chúng, vì vậy đó là những thứ được tính đến khi nói đến các hệ thống tiên tiến hơn,” Ryder nói.

Ông Ryder cho biết thêm, phòng không Ukraine vẫn là “ưu tiên hàng đầu” của Mỹ.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét làm việc với các đồng minh và đối tác về những gì chúng tôi có thể cung cấp cho Ukraine càng nhanh càng tốt để họ có thể bắt đầu sử dụng những khả năng đó ngay lập tức,” Ryder nói.

5. Mỹ có thể coi lính đánh thuê Tập đoàn Wagner của Nga là tổ chức khủng bố

Tòa Bạch Ốc đang cân nhắc xem có nên coi Tập đoàn Wagner của Nga là một tổ chức khủng bố nước ngoài hay không.

Hai người quen thuộc với vấn đề này cho biết chính quyền Biden chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Việc dán nhãn cho Wagner là một tổ chức khủng bố nước ngoài sẽ cho phép Hoa Kỳ truy tố hình sự đối với nhóm này và các thành viên của nhóm, cũng như theo dõi tài sản của nhóm này trên toàn cầu. Theo báo cáo, Tập đoàn Wagner đóng một vai trò quan trọng trong các hoạt động thù địch của Nga chống lại Ukraine và đang tăng cường sự hiện diện ở Phi Châu.

Tập đoàn Wagner, còn được gọi là PMC Wagner, là một tổ chức bán quân sự của Nga. Nó được mô tả như một công ty quân sự tư nhân, hay một mạng lưới lính đánh thuê hay quân đội riêng của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm thanh toán các thành phần và các hoạt động mờ ám khác nhằm khống chế xã hội Nga. Nhóm này hoạt động ngoài vòng pháp luật vì các nhà thầu quân sự tư nhân chính thức bị cấm ở Nga. Mặc dù bản thân Tập đoàn Wagner không bị chi phối bởi ý thức hệ, nhưng các yếu tố khác nhau của Wagner có liên quan đến chủ nghĩa phát xít mới và những kẻ cực đoan cực hữu.

Nhóm này trở nên nổi tiếng toàn cầu trong cuộc chiến ở Donbas ở Ukraine, nơi nhóm này hỗ trợ các lực lượng ly khai của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk tự tuyên bố từ năm 2014 đến năm 2015. Các nhà thầu của nhóm được cho là đã tham gia vào nhiều cuộc xung đột khác nhau trên khắp thế giới — bao gồm cả các cuộc xung đột dân sự, các cuộc chiến ở Syria, Libya, Cộng hòa Trung Phi và Mali, thường chiến đấu theo phe của các lực lượng liên kết với chính phủ Nga. Các đặc vụ của Wagner đã phạm tội ác chiến tranh ở những khu vực mà họ được triển khai. Các cáo buộc bao gồm cưỡng hiếp và cướp bóc của thường dân, và tra tấn những người đào ngũ bị buộc tội.

Bởi vì nó hoạt động để hỗ trợ các lợi ích của Nga, nhận thiết bị quân sự từ Bộ Quốc phòng Nga và sử dụng các căn cứ của quân đội Nga để đào tạo, Tập đoàn Wagner thường được coi là một đơn vị nối dài của Bộ Quốc Phòng Nga hoặc cơ quan tình báo quân sự của Nga, gọi tắt là GRU. Yevgeny Prigozhin, một doanh nhân có quan hệ thân thiết với Putin là chủ của Wagner. Sau nhiều năm phủ nhận mối liên hệ với nhóm Wagner, vào tháng 9 năm 2022, Prigozhin thừa nhận rằng ông đã 'thành lập' nhóm bán quân sự này. Tập đoàn Wagner được chính phủ Nga sử dụng để phủ nhận sự dính líu của Nga trong một số cuộc xung đột nhất định, đồng thời che giấu số lượng thương vong và chi phí tài chính cho các can thiệp nước ngoài của Nga với công chúng; gần đây nhất nó gắn liền với cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga, nơi nó được tường trình là đã được triển khai để ám sát các nhà lãnh đạo Ukraine.

Những người gia nhập Wagner thường là các binh lính và sĩ quan Nga đã giải ngũ. Trong cuộc chiến tại Ukraine, Wagner cũng tuyển mộ các tù nhân và người bị kết án để đưa ra ra tiền tuyến.

6. Kostin tại cuộc họp G7 ở Berlin: 18 quốc gia đã điều tra tội ác chiến tranh của Nga

Mười tám quốc gia đã mở cuộc điều tra quốc gia về tội ác chiến tranh của Nga, đây là nền tảng vững chắc để xây dựng quan hệ đối tác thực sự.

Tổng công tố Ukraine Andriy Kostin cho biết điều này tại cuộc họp của các bộ trưởng tư pháp các nước G7.

Kostin đã tham gia cuộc họp đầu tiên của các bộ trưởng tư pháp của các nước G7.

Tại một cuộc họp ở Berlin hôm thứ Ba, các bộ trưởng đã thảo luận về việc phối hợp các nỗ lực trong cuộc điều tra tội ác chiến tranh ở Ukraine.

Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann lưu ý rằng thế giới đã đoàn kết khi đối mặt với một mối đe dọa chung.

Theo ông Kostin, 18 quốc gia đã mở cuộc điều tra quốc gia về tội ác chiến tranh của Nga, đây là cơ sở vững chắc để xây dựng quan hệ đối tác thực sự.

“Berlin ngày nay là một 'Ramstein hợp pháp'. Đã đến lúc cần có sự phản kháng chung và quyết đoán đối với kẻ xâm lược”, ông nói.

Ngoài ra, Kostin kêu gọi các nước G7 đóng góp vào việc thành lập Tòa án Đặc biệt về Tội xâm lược.

“Chúng ta phải hành động ngay bây giờ, khi chúng ta có những diễn biến tích cực. Thế giới sẽ không an toàn cho đến khi kẻ xâm lược bị ngăn chặn, cô lập và trừng phạt”.

Kostin cũng kêu gọi các đối tác hỗ trợ các nhân viên thực thi pháp luật Ukraine. Số lượng tội phạm chiến tranh đang tăng lên mỗi ngày và các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng vẫn tiếp tục.

Ông nói thêm: “Các công tố viên thực hiện nhiệm vụ của họ ngay cả dưới làn đạn của kẻ thù, nhưng chúng tôi cần sự giúp đỡ để tiếp tục công việc này.

7. Thêm ba tàu ngũ cốc rời cảng Ukraine đến Á Châu và Âu Châu

Ba tàu nữa chở 61,000 tấn nông sản cho các nước Á Châu và Âu Châu đã rời các cảng Hắc Hải của Ukraine.

Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine cho biết 23 tàu nữa đang được chất lên 856,000 tấn nông sản Ukraine.

Tổng cộng, kể từ ngày 1 tháng 8, 504 tàu đã vận chuyển 12.27 triệu tấn ngũ cốc và thực phẩm từ các cảng của Ukraine đến các nước ở Á Châu, Âu Châu và Phi Châu.

Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã ký Sáng kiến về vận chuyển ngũ cốc và thực phẩm an toàn từ các cảng Odesa, Chornomorsk và Pivdennyi ở Istanbul vào ngày 22 tháng 7. Con tàu chở ngũ cốc đầu tiên của Ukraine đã rời cảng Odesa vào ngày 1 tháng 8.

Ukraine, Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý tại Istanbul vào ngày 17 tháng 11 để gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải thêm 120 ngày.

8. Các bộ trưởng tư pháp G7 thông qua Tuyên bố Berlin: Nga phải chịu trách nhiệm về tội ác ở Ukraine

Sau cuộc họp của Bộ trưởng Tư pháp các nước G7 với sự tham gia của Ukraine, Tuyên bố Berlin đã được thông qua và đạt được thỏa thuận phối hợp chặt chẽ điều tra các tội ác chiến tranh ở Ukraine và đưa những kẻ phạm tội ra trước công lý.

“Không thể miễn trừ tội ác chiến tranh và các hành động tàn ác khác. Truy tố hình sự các tội phạm quốc tế cốt lõi là ưu tiên hàng đầu đối với chúng tôi… Mục tiêu chung của chúng tôi là thiết lập trách nhiệm của những kẻ phạm tội trong các thủ tục tố tụng được tiến hành tuân thủ quy định của pháp luật và thủ tục tố tụng để đạt được trách nhiệm giải trình tối đa và mang lại công lý cho nạn nhân và những người sống sót “.

Cuộc điều tra về các tội ác theo luật pháp quốc tế được thực hiện ở Ukraine đã trở thành chủ đề chính của cuộc họp bao gồm các Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, cùng với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Ukraine, Ủy viên Tư pháp Liên Hiệp Âu Châu, Công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế, Tổng công tố Ukraine và Tổng công tố liên bang Đức.

Cuộc họp ở Berlin là cuộc họp đầu tiên. Các bộ trưởng tư pháp G7 dự kiến sẽ gặp lại nhau vào năm tới.

“Chúng ta gặp nhau lần đầu tiên. Cuộc chiến tranh tội phạm xâm lược Ukraine của Putin đã đưa chúng ta vào một kỷ nguyên mới. Chúng ta phản đối sự bất công lịch sử bằng sự đoàn kết và quyết tâm”, người chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng Tư pháp Liên bang Đức Marco Buschmann tuyên bố.

Ông lưu ý đã thống nhất phối hợp hoạt động của các cơ quan điều tra, kiểm sát để tránh trùng lặp. Các Bộ trưởng Tư pháp cũng quyết định thành lập một đầu mối liên lạc quốc gia để truy tố tội phạm quốc tế ở mỗi quốc gia.

Ngoài những điểm thuần túy kỹ thuật, theo Buschmann, Berlin hôm nay gửi đi một tín hiệu chính trị: “Chúng tôi cho thấy rõ ràng rằng các nước G7 không chỉ mạnh về kinh tế, chúng tôi là một cộng đồng của các giá trị, chúng tôi cảm thấy trách nhiệm của mình đối với các nguyên tắc dân chủ tự do – chủ nghĩa nhân văn, nhân quyền, tôn trọng pháp luật. Một tín hiệu rõ ràng: không thể miễn trừ tội ác chiến tranh.”

Bộ trưởng Tư pháp Liên bang Đức thừa nhận rằng việc xét xử tội phạm ở Ukraine sẽ kéo dài trong nhiều năm, thậm chí có thể là nhiều thập kỷ, nhưng những người bạn của Ukraine sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng và kiên nhẫn. Ngoài Ukraine, Văn phòng Công tố Liên bang Đức, Tòa án Hình sự Quốc tế và chính quyền các nước khác cũng tiến hành điều tra. Chỉ riêng ở Ukraine, theo Buschmann, 45,000 tội ác đã được ghi nhận và 2,000 nghi phạm đã được xác định. Điều này cho thấy quy mô của nhiệm vụ này.

Buschmann nhấn mạnh tội phạm chiến tranh không có thể tránh được sự trừng phạt và sẽ không cảm thấy an toàn dù chúng ở đâu. Ông bày tỏ tin tưởng rằng cuối cùng lãnh đạo cao nhất của Liên bang Nga, Valdimir Putin, cũng sẽ phải ra hầu tòa chứ không chỉ những thủ phạm trực tiếp.

Bình luận về ý tưởng thành lập tòa án đặc biệt để truy tố tội xâm lược của Ukraine, ông Buschmann cho rằng điều quan trọng là nó củng cố Tòa án Hình sự Quốc tế. “Có nhiều lựa chọn khác nhau, chúng tôi đang tham khảo ý kiến về vấn đề này... Tòa án đặc biệt là một trong những lựa chọn”.