1. Khôi hài: Quân Nga phục kích quân Ukraine lại bị tập kích sau lưng

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Năm 1 tháng 12, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết trong 24 giờ qua không quân và pháo binh Ukraine đã tiến hành 17 cuộc tấn công vào các cụm thiết bị và binh lính Nga.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Trung Tá Oleksandr Motuzianyk cho biết:

“Trong ngày qua, Không quân Ukraine đã tiến hành 15 cuộc tấn công vào các cụm binh lính, vũ khí và thiết bị quân sự của quân xâm lược, trong đó có 2 cuộc tấn công vào các vị trí của hệ thống hỏa tiễn phòng không của quân Putin. Lực lượng hỏa tiễn và pháo binh Ukraine đã mở hai cuộc tấn công bắn trúng hai cụm vũ khí và thiết bị quân sự và một sở chỉ huy cấp trung đoàn. Thương vong tại sở chỉ huy của quân Nga vẫn đang được làm rõ.”

Giao tranh diễn ra ác liệt nhất xung quanh Bakhmut khi Lữ Đoàn Dù 71 của quân Ukraine tiếp tục các hoạt động tảo thanh để bảo đảm cho thị trấn không bị quân Nga pháo kích bằng súng cối ở các vị trí gần đó. Trong một diễn biến khá khôi hài, quân Nga đã phục kích một đơn vị của Lữ Đoàn Dù 71. Chiến thuật này khá cổ điển và hoàn toàn dễ bị phát hiện. Các máy bay không người lái trinh sát của lực lượng phòng vệ quốc gia đã phát hiện và báo cho lính dù Ukraine. Cuối cùng, chính những binh sĩ Nga đang chờ phục kích quân Ukraine lại bị tập kích từ sau lưng.

Các quan sát viên cho rằng Bakhmut không phải là một vị trí chiến lược. Quân đội Nga đang bị giết với các con số hàng trăm người mỗi ngày, có ngày lên đến hàng ngàn, khi ném mình vào làn đạn của Ukraine ở những nơi không quan trọng lắm đối với nỗ lực chiến tranh tổng thể.

Có lẽ họ chỉ muốn giành một chiến thắng cho Putin. Trong mắt họ, Bakhmut có lẽ là địa điểm dễ ăn nhất. Tuy nhiên, việc Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine đưa Lữ Đoàn Dù 71 lên tăng viện cho chiến trường Bakhmut có thể sẽ khiến người Nga nghĩ lại. Quân Ukraine đang chuyển từ tư thế phòng thủ ở Bakhmut sang tư thế tấn công ra các khu vực xung quanh.

Trung Tá Oleksandr Motuzianyk cho biết tính chung trong ngày 30 tháng 11, ít nhất 500 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 3 xe tăng và 6 xe thiết giáp. Quân Nga đã bỏ lại 1 hệ thống pháo và 1 hệ thống phòng không khi rút lui khỏi các khu định cư gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ông lưu ý rằng con số thương vong của quân Nga chưa kể đến con số thiệt mạng vì thời tiết giá lạnh. Từ các máy bay không người lái trinh sát, nhiều binh sĩ Nga được ghi nhận là gục chết bên trong các chiến hào.

Từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 30 tháng 11, Lực lượng Vũ trang Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 88,880 binh sĩ Nga. Ngoài ra, quân đội Ukraine đã phá hủy của Nga 2,914 xe tăng, 5,872 xe bọc thép, 1,902 hệ thống pháo, 395 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 210 hệ thống phòng không, 280 máy bay, 261 máy bay trực thăng, 1,562 máy bay không người lái tác chiến-chiến thuật, 531 hỏa tiễn hành trình, 16 tàu thuyền, 4,429 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 163 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Bộ Ngoại Giao Ukraine lên tiếng về vụ bom thư tại đại sứ quán Ukraine ở Tây Ban Nha: Đây là cuộc tấn công vào cơ quan ngoại giao

Hôm 30 tháng 11, các phương tiện thông tin đại chúng Tây Ban Nha đã đưa tin về vụ nổ tại Đại sứ quán Ukraine ở Madrid. Tham tán đại sứ quán bị thương nhẹ và phải nhập viện - chiếc phong bì phát nổ trên tay anh ta. Các nhân viên còn lại không bị thương.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba gọi vụ bom thư tại Đại sứ quán Ukraine ở Tây Ban Nha là một cuộc tấn công vào phái bộ ngoại giao và là một cuộc tấn công khủng bố.

“Đây là một vụ việc rất nghiêm trọng. Đây là vụ tấn công nhằm vào cơ quan đại diện ngoại giao, được luật pháp quốc tế bảo vệ nên hiện cảnh sát Tây Ban Nha đã tiến hành điều tra. Chúng tôi giải quyết vấn đề cẩn thận nhất có thể”

Kuleba cũng thông báo rằng tham tán đã trở lại đại sứ quán và được hỗ trợ y tế, không có mối đe dọa nào đến tính mạng của anh ta.

“Khi một thủ phạm của vụ tấn công khủng bố này được xác định, chúng tôi sẽ thực hiện mọi biện pháp để kẻ khủng bố này hoặc những kẻ khủng bố này bị trừng phạt nghiêm khắc,” Bộ trưởng lưu ý.

3. Quốc Hội Đức công nhận Holodomor là tội ác diệt chủng người Ukraine

Bundestag hay Quốc Hội của Đức đã công nhận Holodomor năm 1932-1933 là tội ác diệt chủng người Ukraine.

Nghị quyết đã được thông qua theo đa số phiếu, không đếm, bằng cách giơ tay.

Bốn phe đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết. Cánh tả và đảng Giải pháp thay thế cho nước Đức bỏ phiếu trắng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cảm ơn các thành viên Bundestag vì quyết định lịch sử công nhận Holodomor năm 1932-1933 là tội ác diệt chủng đối với người dân Ukraine.

“Đức công nhận Holodomor năm 1932-1933 là tội ác diệt chủng. Tôi cảm ơn các thành viên của Bundestag vì quyết định lịch sử này. Sự thật luôn chiến thắng,” Zelenskiy nói.

Andriy Yermak, Chánh Văn phòng Tổng thống, cũng cảm ơn Bundestag về quyết định này.

“Holodomor năm 1932-1933 là tội ác diệt chủng. Tôi cảm ơn Bundestag – đây là công lý lịch sử được thế giới công nhận. Chúng ta phải làm sáng tỏ cho thế giới thấy rõ quốc gia chịu trách nhiệm về tội ác này”

4. Zelenskiy kêu gọi Đức cung cấp hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã kêu gọi các chính trị gia Đức đưa ra quyết định về việc cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không Patriot.

Người đứng đầu nhà nước đã nói điều này trong một bài phát biểu qua video vào cuối ngày thứ 280 của cuộc chiến.

Zelenskiy nhắc lại rằng vào ngày 30 tháng 11, quốc hội Đức đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết công nhận Holodomor năm 1932-1933 là tội ác diệt chủng đối với người dân Ukraine. Ông nói rằng quyết định này là cần thiết cho công lý và sự thật. Ngoài ra, nguyên thủ quốc gia lưu ý rằng đây là một tín hiệu rất quan trọng đối với nhiều quốc gia khác rằng chủ nghĩa phục thù của Nga sẽ không thành công trong việc viết lại lịch sử.

“Chúng tôi ca ngợi một quyết định nữa của Đức, chắc chắn sẽ trở thành lịch sử - chuyển giao hệ thống Patriot cho Ukraine. Tất cả các thế hệ người Ukraine sẽ cảm ơn Thủ tướng Scholz, cũng như toàn bộ thế hệ các chính trị gia Đức hiện đại,” ông nói.

Hệ thống Patriot rất cần thiết để phản pháo trong các trường hợp bị quân Nga pháo kích. Quan ngại thường thấy của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu khi cung cấp các vũ khí hiện đại cho Ukraine là lo sợ Ukraine sẽ dùng các khí tài ấy để tấn công vào Nga. Đó không phải là trường hợp của hệ thống Patriot. Vì thế, Tổng thống Zelenskiy hy vọng Ukraine sẽ sớm nhận được các hệ thống Patriot mà nhiều người tin rằng sẽ bảo vệ vùng trời giúp quân Ukraine vượt sông dễ dàng bằng các phà phao.

5. Điện Cẩm Linh tuyên bố cần có “ý chí chính trị” để nối lại đàm phán với Kyiv

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết hôm thứ Ba rằng cần phải có “ý chí chính trị” để nối lại đàm phán với Kyiv, nhưng trong tình hình hiện tại, các cuộc đàm phán với Ukraine là “bất khả thi vì phía Ukraine từ chối”.

Khi được hỏi cần phải làm gì để nối lại chúng, ông nói một cách mơ hồ rằng, “cần phải có ý chí chính trị và sự sẵn sàng thảo luận về những yêu sách của Nga mà ai ở Kyiv cũng biết.”

Peskov đã đưa ra những bình luận trong một cuộc họp báo với các nhà báo.

Những yêu sách của Nga là gì?

Hôm thứ Ba 15 tháng 11, trong cuộc nói chuyện với các nhà lãnh đạo đang tham dự G20 tại Bali, Indonesia, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã phác thảo 10 điều kiện tiên quyết để đàm phán với Nga, trong đó điều kiện tiên quyết là Nga phải rút quân khỏi các lãnh thổ chiếm đóng trái phép của Ukraine.

Đáp lại, cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện là phó chủ tịch Hội Đồng An Ninh Quốc Gia ngạo nghễ tuyên bố rằng 10 điều kiện là nhiều quá, phía Nga chỉ đưa ra một điều kiện với người Ukraine là hãy đầu hàng ngay lập tức. Phải chăng đó là “yêu sách của Nga mà ai ở Kyiv cũng biết” như Peskov nói.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói tại hội nghị đảng SPD rằng Putin phải rút quân khỏi Ukraine và chấm dứt chiến tranh vì hòa bình không thể ra lệnh như kiểu nói chuyện của Dmitry Medvedev.

Thủ tướng Đức Scholz nói với người Nga rằng: “Hãy chấm dứt cuộc chiến này, rút quân của các bạn và dọn đường cho các cuộc đàm phán về hòa bình mà Nga không thể ra lệnh cho hòa bình đối với Ukraine… Không ai được phép chiếm đoạt lãnh thổ của người khác”.

Một số bối cảnh: Mạc Tư Khoa đã liên tục cáo buộc Kyiv rút khỏi các cuộc đàm phán. Khi được hỏi hôm thứ Hai về khả năng Vatican có thể làm trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán Nga-Ukraine - mà Vatican đã nhiều lần đề nghị hay không - Peskov cho biết họ hoan nghênh những sáng kiến như vậy, nhưng nói thêm rằng các nền tảng cho các cuộc đàm phán “hiện không được yêu cầu” từ phía Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã ký một sắc lệnh vào đầu tháng 10 chính thức loại trừ khả năng đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin để đáp trả việc Nga sáp nhập 4 khu vực của Ukraine, là điều bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế.

Nhưng nói chuyện với CNN vào giữa tháng 11, Zelenskiy cho biết ông không loại trừ các cuộc đàm phán hòa bình với tổng thống Nga ở Mạc Tư Khoa, miễn tổng thống ấy không phải là Putin. Trong thời kỳ đầu của cuộc chiến, Zelenskiy đã nhiều lần đề nghị ngồi lại nói chuyện với Putin và các quan chức Nga, nhưng đều bị phía Nga bác bỏ.

6. Zelenska gặp người tị nạn Ukraine ở London

Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska đã gặp gỡ những người tị nạn Ukraine ở London.

“Trong mỗi chuyến đi, điều rất quan trọng đối với tôi là được gặp gỡ những người Ukraine bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ. Để hỏi xem chúng ta có thể làm gì khác để việc ở lại nước ngoài của họ dễ dàng hơn. Tôi muốn lắng nghe người dân của chúng ta, bởi vì điều đó luôn rất cảm động,” Zelenska nói.

Chuyến đi London cũng không ngoại lệ. Cùng với Vua Charles III, Đệ nhất Phu nhân đã gặp gỡ cộng đồng Ukraine tại Nhà thờ Công Giáo Ukraine. Tháng 8 năm ngoái, cùng với Hiệp hội những người Ukraine ở Vương quốc Anh, cộng đoàn Công Giáo này đã thành lập một trung tâm độc đáo: Trung tâm Chào mừng Ukraine.

“Kể từ khi Nga chuyển sang chiến thuật khủng bố năng lượng, chúng tôi hiểu rằng mùa đông năm nay sẽ khó khăn nhất trong tất cả những năm độc lập. Vì vậy, tôi rất biết ơn vì ít nhất một bộ phận người Ukraine, đặc biệt là người già, trẻ em, có thể chờ qua mùa lạnh mà không có nguy cơ bị mất điện”, Zelenska nói.

Cô nói thêm rằng Ukraine nhận được sự hỗ trợ liên tục từ Vương quốc Anh trong hầu hết các lĩnh vực nhân đạo, bao gồm thiết bị y tế, xe cứu hỏa và xe cứu thương, tái thiết cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường sắt và năng lượng, hỗ trợ cho các nhà giáo dục.

“Và hôm nay, gặp gỡ những người Ukraine, tôi một lần nữa tin chắc rằng người dân của chúng tôi được che chở bởi những người bạn mà họ chào đón từ tận đáy lòng,” Zelenska nói.

7. Chuyên gia truyền hình Nga thừa nhận giới tinh hoa đang lo lắng về hậu quả sau chiến tranh nhưng tuyên bố rằng Nga là quốc gia hiếu hòa, hiền nhất thế giới, nên không có gì phải sợ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian TV Pundit Admits Elites Are Worried About Repercussions After War”, nghĩa là “Chuyên Gia Truyền Hình Nga Thừa Nhận Giới Tinh Hoa Đang Lo Lắng Về Hậu Quả Sau Chiến Tranh”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một nhà tuyên truyền của Điện Cẩm Linh đã nói rằng giới tinh hoa của Nga không nên sợ phải đối mặt với một phiên tòa ở La Haye về các hành động của Mạc Tư Khoa ở Ukraine.

Margarita Simonyan, tổng biên tập của mạng truyền hình RT, chuyên ủng hộ đường lối của Điện Cẩm Linh, biện minh cho việc Nga tiếp tục ném bom Ukraine là “điều duy nhất chúng ta có thể làm trong tình huống này”.

Cô ấy nói với người dẫn chương trình Russia-1 Vladimir Solovyov, “Chúa biết chúng ta không muốn điều này,” khi cô ấy đề cập đến các chuyên gia khác và những người nắm quyền.

Cô ta cũng gợi ý rằng Nga cần phải có hành động trong bối cảnh Ukraine “sẵn sàng chiếm lấy Crimea của chúng ta” — Crimea là bán đảo mà Mạc Tư Khoa đã sáp nhập của Ukraine vào năm 2014.

“Chúng ta là những người tử tế, lịch sự và đôi khi quá hiền lành,” cô ta nói, khi đề cập đến những người “ở tầng lớp rất cao, những người sợ gọi mọi thứ như chúng vốn có vì những gì người ta ở đó có thể nghĩ.”

“Chúng ta không nên quan tâm đến những gì người ta ở đó có thể nghĩ,” cô nói, trước khi tiếp tục giải thích ý của cô ta trong cụm từ “người ta ở đó”.

“Những người sợ tòa án La Haye” nên sợ “thua cuộc, bị sỉ nhục và phản bội người dân của mình”.

Trong trường hợp Nga thất bại ở Ukraine, cô ấy tin rằng mọi người sẽ đáng trách trong mắt La Haye, kể cả “người quét đường quét những viên đá cuội phía sau Điện Cẩm Linh.”

“Nếu bạn sợ La Haye, hãy tránh xa khu rừng,” ý muốn nói là rời khỏi nước Nga, cô ta nói, khiến Solovyov suy nghĩ về hậu quả của một thất bại quân sự của Nga.

“Nếu điều này xảy ra, sẽ chẳng còn gì cả,” Solovyov nói, đồng thời cho biết thêm rằng điều này là khiến cả thế giới “ra tro bụi”. Solovyov và các vị khách của ông đã nhiều lần mô tả cách Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các nước phương Tây đã ủng hộ Kyiv.

Cuộc trao đổi đã được nhà báo và nhà quan sát Nga Julia Davis đăng trên Twitter. Julai viết: “Ở Nga, các nhà tuyên truyền hàng đầu và bạn bè của họ ở những vị trí cao đang lo lắng về khả năng thất bại trong cuộc chiến với Ukraine và bị xét xử tại La Haye.”

Tuần trước, Đại sứ Lưu động của Hoa Kỳ về Tư pháp Hình sự Toàn cầu Beth Van Schaack đã cáo buộc Nga về các tội ác chiến tranh “có hệ thống” được tiến hành mà các cấp cao nhất của Điện Cẩm Linh đều biết và ủng hộ.

Van Schaack nói trong một cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ rằng có rất nhiều bằng chứng được thu thập bởi các tổ chức phi chính phủ, giới truyền thông và các nhà điều tra tội ác chiến tranh.

Bà cho biết bằng chứng chỉ ra các tội ác chiến tranh “được thực hiện ở mọi khu vực mà lực lượng Nga đã triển khai”, bao gồm các cuộc tấn công nhằm vào dân thường, cơ sở hạ tầng dân sự và ngược đãi dân thường và tù nhân.

Điện Cẩm Linh, mà Newsweek đã liên hệ để yêu cầu bình luận, đã phủ nhận việc họ tấn công vào dân thường và bác bỏ các cáo buộc về tội ác chiến tranh.

David Crane, công tố viên trưởng sáng lập của Tòa án đặc biệt dành cho Sierra Leone, một tòa án quốc tế về tội phạm chiến tranh, nói với Newsweek vào tháng 9 rằng ông dự kiến sẽ có một hành động pháp lý chống lại Nga liên quan đến tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người “trong vòng 12 tháng”.

Crane, học giả tại Đại học Luật Syracuse, New York, nói rằng cùng với tội ác chiến tranh, Mạc Tư Khoa cũng nên bị truy tố vì tội xâm lược.

“Toàn bộ mục đích của Liên Hiệp Quốc là giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và chỉ sử dụng vũ lực như là phương sách cuối cùng và hành động gây hấn của Nga hoàn toàn là một sự sỉ nhục đối với mô hình của Liên Hiệp Quốc.”