1. Điều tra dân số tiết lộ thực tế đáng buồn, Kitô hữu chỉ còn là thiểu số ở Anh; vô thần phát triển mạnh

Theo cuộc điều tra dân số gần đây nhất, chưa đến một nửa số người ở Anh và xứ Wales tự coi mình là Kitô Hữu - đây là lần đầu tiên một tôn giáo chính thức của đất nước bị biến thành thiểu số.

Nước Anh đã trở nên ít tôn giáo hơn — và ít người da trắng hơn — trong thập kỷ qua kể từ cuộc điều tra dân số gần đây nhất, theo số liệu từ cuộc điều tra dân số năm 2021 do Văn phòng Thống kê Quốc gia công bố hôm thứ Ba.

Khoảng 46.2% dân số Anh và xứ Wales tự nhận mình là Kitô Hữu vào ngày điều tra dân số năm 2021, giảm so với tỷ lệ 59.3% một thập kỷ trước đó. Dân số Hồi giáo tăng từ 4.9% lên 6.5% trong tổng số, trong khi 1.7% được xác định là người theo Ấn Giáo, tăng từ 1.5%.

Hơn 1 trong 3 người — 37% — cho biết họ không theo tôn giáo nào, tăng từ 25% vào năm 2011.

Các khu vực khác của Vương quốc Anh, Tô Cách Lan và Bắc Ireland, báo cáo kết quả điều tra dân số của họ một cách riêng biệt.

Các nhà vận động chủ nghĩa thế tục cho biết sự thay đổi này sẽ kích hoạt một suy nghĩ lại về cách các tôn giáo cố thủ trong xã hội Anh. Vương quốc Anh có các trường học của Giáo hội Anh do nhà nước tài trợ, các giám mục Anh giáo ngồi trong thượng viện của Quốc hội, và quốc vương là “người bảo vệ đức tin” và nhà lãnh đạo tối cao của Giáo Hội Anh.

Andrew Copson, giám đốc điều hành của tổ chức bác ái Humanists UK, cho biết “sự gia tăng mạnh mẽ của những người không theo tôn giáo” đã khiến Vương quốc Anh “gần như chắc chắn là một trong những quốc gia ít tôn giáo nhất trên trái đất”.

Ông nói: “Một trong những điều nổi bật nhất về những kết quả này là không có quốc gia nào ở Âu Châu có cơ chế tôn giáo như chúng tôi về mặt luật pháp và chính sách công, đồng thời lại có dân số không theo tôn giáo cao như vậy.”

Đức Tổng Giám Mục York Stephen Cottrell, một trong những giáo sĩ cao cấp nhất của Giáo hội Anh, cho biết dữ liệu này “không phải là một bất ngờ lớn”, nhưng là một thách thức đối với các Kitô hữu phải làm việc chăm chỉ hơn để thúc đẩy đức tin của họ.

Ngài nói: “Chúng ta đã bỏ lại phía sau thời đại mà nhiều người gần như tự động được xác định là Kitô hữu, nhưng các cuộc khảo sát khác đều cho thấy những người đó vẫn tìm kiếm sự thật và sự khôn ngoan tâm linh cũng như một loạt các giá trị để sống theo.

Gần 82% người dân ở Anh và xứ Wales được xác định là người da trắng trong cuộc điều tra dân số, giảm từ 86% vào năm 2011. Khoảng 9% cho biết họ là người Á Châu, 4% người da đen và 3% có nguồn gốc dân tộc “hỗn hợp hoặc đa sắc tộc”, trong khi 2% xác định với một nhóm dân tộc khác.
Source:AP

2. Đức Hồng Y Louis Raphael Sako, Giáo chủ Công Giáo Canđê, cho biết mỗi tháng có 20 gia đình Kitô rời khỏi Iraq.

Hãng tin Fides của Bộ Loan báo Tin mừng, truyền đi ngày 25 tháng Mười Một vừa qua, đưa tin: Đức Hồng Y Sako cho biết các tín hữu Kitô, phần lớn tập trung tại các thành thị ở vùng Bình nguyên Ninive và các vùng khác ở miền bắc nước này, họ tiếp tục rời khỏi Iraq với nhịp độ 20 gia đình mỗi tháng.

Những nhận định báo động trên đây được truyền đi qua các kênh thông tin của Tòa Thượng phụ, theo đó hơn một nửa số Kitô hữu Iraq đã xuất cư trong những thập niên gần đây, và nhiều người khác đang “ở trong danh sách chờ đợi”. Đức Hồng Y nói đến nhiều yếu tố xã hội, chính trị, môi trường đã góp phần tạo nên tình trạng trên đây một cách từ từ và âm thầm: ví dụ tình trạng bấp bênh về chính trị và xã hội, bất an, thiếu cơ may bình đẳng, nạn kỳ thị và những biện pháp thiệt thòi trong công ăn việc làm, thiếu các quy luật pháp lý bảo vệ sự bình quyền hoàn toàn giữa mọi công dân, kể cả các tín hữu Kitô, trước mặt pháp luật. Đặc biệt, Đức Hồng Y Sako nói đến tình trạng thiếu một luật lệ về vị thế pháp lý của các tín hữu Kitô khiến họ tiếp tục bị kỳ thị dễ dàng. Ví dụ, luật về hôn nhân, thừa kế hoặc việc giữ nuôi các con cái vị thành niên. Luật pháp Iraq vẫn theo truyền thống pháp chế Hồi giáo, chiếu theo luật Sharia.

Đức Hồng Y Sako cũng nói rằng: “Nếu có ai không muốn chúng tôi ở lại đất nước này như những công dân có cùng phẩm giá như những người khác, thì xin hãy nói thẳng, để chúng tôi có thể đương đầu với vấn đề này trước khi quá trễ”.

3. Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh Ante Jozic nói Vladimir Makei là một người thích đối thoại

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Belarus Vladimir Makei là một người thích đối thoại, Sứ thần Tòa Thánh, Đức Tổng Giám Mục Ante Jozic, người đã tham dự buổi lễ tiễn biệt Vladimir Makei ở Minsk vào ngày 29 tháng 11, nói với BelTA.

“Cái chết của Vladimir Makei là một mất mát to lớn, không chỉ đối với quốc gia các bạn mà còn đối với tất cả chúng tôi, những người biết ông ấy và những người đã làm việc với ông ấy ở đây, ở phương Tây và phương Đông. Ông là một người đối thoại, và tôi cảm nhận được điều đó mỗi khi chúng tôi gặp nhau,” Sứ Thần Tòa Thánh nói.

Đại diện của Vatican bày tỏ hy vọng rằng quá trình đối thoại mà Vladimir Makei theo đuổi sẽ không thay đổi và đóng góp cho hòa bình và hòa hợp.

“Anh ấy là tấm gương để nhiều người trong chúng tôi noi theo,” Đức Cha Ante Jozic nói thêm.

Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh Ante Jozic là nhân vật quan trọng cuối cùng mà Ngoại trưởng Vladimir Makei gặp gỡ trước khi đột tử.

Cơ quan thông tin chính thức của Belarus cho biết Ngoại trưởng Vladimir Makei đã gặp Sứ thần Tòa Thánh, vào ngày 25 tháng 11, tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh.

Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại Giao Belarus nói rằng:

“Cuộc trò chuyện xoay quanh lễ kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao giữa Cộng hòa Belarus và Tòa thánh, sự tương tác giữa Vatican và Minsk, cũng như tình trạng hiện tại của Giáo Hội Công Giáo Rôma ở Cộng hòa Belarus,”

Các bên tái khẳng định cam kết tăng cường đối thoại và hợp tác liên tôn giáo trong các lĩnh vực khác nhau.

Các nguồn tin Công Giáo từ Belarus cho biết đây có lẽ là lần đầu tiên Makei viếng thăm Tòa Sứ thần Tòa Thánh. Theo quy tắc ngoại giao, ông ta sẽ triệu tập Sứ thần Tòa Thánh đến Bộ Ngoại Giao. Chi tiết này cho thấy ông ta có thể muốn nhờ Tòa Thánh giúp cho một điều gì đó.

Chỉ vài giờ sau cuộc gặp gỡ giữa Makei và Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho biết cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy rằng cô ta “vô cùng sốc” trước tin tức về cái chết của Bộ trưởng Ngoại giao Belarus Vladimir Makei.

Makei qua đời ở tuổi 64, Bộ Ngoại giao Belarus cho biết hôm thứ Bảy. Bộ Ngoại Giao Nga cho biết ông “đột ngột qua đời hôm nay” mà không cung cấp thêm chi tiết về hoàn cảnh xung quanh cái chết của ông.

Các nhà lãnh đạo đối lập với Lukashenko cho rằng chính Nga đã giết chết Makei để dằn mặt Lukashenko, và nếu Lukashenko duy trì quan điểm hiện nay, kịch bản nhiều người thấy nhất là sau cái chết của Makei sẽ là cái chết của Lukashenko vì cả hai ông này đều bác bỏ yêu cầu của Putin tấn công vào Ukraine.
Source:Belta