1. Các trang web của Vatican bị đánh sập đồng loạt: bóng ma của cuộc tấn công do hacker Nga gây ra nhưng văn phòng báo chí phủ nhận

Tờ ilgazzettino của Ý cho biết hôm thứ Tư 30 tháng 11, tất cả các trang web của Vatican đều bị đánh sập, có lẽ do hacker Nga gây ra nhưng văn phòng báo chí phủ nhận. Tờ báo viết như sau:

Không có gì chắc chắn nhưng mọi thứ sẽ khiến người ta nghĩ đến một cuộc tấn công “ddos” /đi đốt/ vào mạng Vatican sau khi cùng một lúc tất cả các trang web của Vatican không thể truy cập được. DDOS là chữ viết tắt của Distributed Denial-Of-Service nghĩa là từ chối dịch vụ truy cập. Một cuộc tấn công “ddos”là một nỗ lực ác ý nhằm làm gián đoạn lưu lượng truy cập bình thường của máy chủ, dịch vụ hoặc mạng được tấn công bằng cách khống chế mục tiêu hoặc cơ sở hạ tầng xung quanh bằng một lượng lớn đột ngột lưu lượng truy cập Internet. Các cuộc tấn công DDoS thường diễn ra khi điện tặc huy động một số lượng máy tính truy cập vào máy bị tấn công. Các cuộc tấn công này đạt được hiệu quả còn cao hơn bằng cách sử dụng nhiều hệ thống máy tính không phải của điện tặc nhưng bị điện tặc xâm nhập để làm nguồn lưu lượng tấn công.

Để dễ hiểu chúng ta chúng ta có thể hiểu một cuộc tấn công DDoS giống như một vụ tắc đường bất ngờ làm tắc nghẽn đường cao tốc, ngăn không cho các phương tiện thông thường đến đích.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh giải thích việc tất cả các trang web của Vatican đều không thể truy cập được trong vài giờ là do bảo trì thường xuyên. Tuy nhiên, theo nhận định của tờ ilgazzettino, trong vài giờ, tất cả các trang web của các cơ quan giáo triều khác nhau đã bị ngoại tuyến, khiến cho bất kỳ ai vào thời điểm đó đều không thể truy cập được, cho thấy đó không phải là một cuộc bảo trì diễn ra trong trật tự. Nói chung, khi tiến hành bảo trì quan trọng hoặc đột xuất, các trang web thông báo luôn được sử dụng để báo hiệu việc tạm dừng một cách tạm thời cho người dùng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, các trang web của Vatican không có thông báo gì cả, và không thể truy cập được một cách bất thường.

Tờ ilgazzettino cho rằng, các cuộc tấn công “Ddos” thường là đặc điểm của các tin tặc Nga. Tin tặc Nga nổi tiếng với kiểu tấn công này.

Cuộc tấn công của điện tặc Nga vào các trang web của Vatican đã diễn ra ngay sau khi Đại Sứ Nga cạnh Tòa Thánh đưa công hàm phản đối một nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Tưởng cũng nên nhắc lại, Nga đã chính thức gửi công hàm phản đối tới Vatican về những lời lên án mới nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với các hành động tàn bạo ở Ukraine, trong đó Đức Giáo Hoàng đổ lỗi phần lớn sự tàn ác cho người Chechnya và các nhóm thiểu số khác trong một nỗ lực rõ ràng là để giải thoát cho quân đội Nga khỏi bị chỉ trích.

Trong các bình luận của mình, Đức Phanxicô nói rằng, trong khi chính nhà nước Nga xâm lược Ukraine, “Nói chung, những kẻ tàn ác nhất có lẽ là những người thuộc Nga nhưng không thuộc truyền thống Nga, chẳng hạn như người Chechnya, người Buryats, vân vân.”

Sự phân biệt rõ ràng của Đức Giáo Hoàng giữa một bên là người Chechnya phần lớn theo đạo Hồi và người Buryat theo đạo Phật, và bên kia là những chiến binh sắc tộc Nga, đã khiến Mạc Tư Khoa khó chịu, là một điều khá bất ngờ đối với các quan sát viên.

Đại sứ của Điện Cẩm Linh tại Tòa thánh, Alexander Avdeev, nói với cơ quan RIA Novosti rằng ông đã gặp một quan chức Vatican hôm thứ Hai để bày tỏ “sự phẫn nộ” của mình về những bình luận của Đức Phanxicô, được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Dòng Tên America được xuất bản hôm thứ Hai.

“Tôi bày tỏ sự phẫn nộ trước những lời bóng gió như vậy và lưu ý rằng không gì có thể lay chuyển được sự gắn kết và thống nhất của người dân Nga đa quốc gia,” Avdeev nói theo báo cáo của RIA Novosti.
Source:ilgazzettino.it

2. Cuộc phỏng vấn với Đức Thánh Cha Phanxicô gây ra phẫn nộ ở Nga

Trong bài “‘Racist’ interview with Pope Francis causes fury in Russia” nghĩa là “Cuộc phỏng vấn phân biệt chủng tộc với Đức Thánh Cha Phanxicô gây ra phẫn nộ ở Nga”, tờ The Guardian cho biết như sau:

Đức Phanxicô nói người thiểu số Chechnya và Buryat trong quân đội Nga ở Ukraine tàn ác hơn những người lính khác

Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm dấy lên cơn thịnh nộ ở Nga sau một cuộc phỏng vấn, trong đó ngài cho rằng các thành viên Chechnya và Buryat thuộc sắc tộc thiểu số trong lực lượng vũ trang của Nga đã thể hiện sự tàn ác ở Ukraine hơn là những người lính Nga chính cống.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Công Giáo America xuất bản hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha nói rằng những người lính từ Buryatia, nơi Phật giáo là một tôn giáo chính, và nước cộng hòa Chechnya đa số theo đạo Hồi, là “những kẻ tàn ác nhất” khi chiến đấu ở Ukraine.

Ngài nói: “Nói chung, những kẻ tàn ác nhất có lẽ là những người thuộc Nga nhưng không thuộc truyền thống Nga, chẳng hạn như người Chechnya, người Buryats, vân vân.”

Nga đã động viên một cách không cân xứng trong các dân tộc thiểu số để cung cấp lực lượng chiến đấu chính của họ ở Ukraine.

Các nhóm nhân quyền và các tổ chức truyền thông độc lập đã ghi lại bằng chứng rõ ràng về tội ác chiến tranh của lực lượng Nga, nhưng không có dữ liệu nào cho thấy binh lính từ các dân tộc thiểu số chiến đấu ở Ukraine đã cư xử ở Ukraine tồi tệ hơn các thành viên dân tộc Nga.

Các bình luận của Đức Giáo Hoàng đã bị các quan chức Nga nhanh chóng lên án vào tối thứ Hai.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova nói với hãng thông tấn Nga TASS: “Đây không chỉ là còn là tâm tình bài Nga nữa, nó là sự bóp méo sự thật ở mức độ mà tôi thậm chí không thể gọi tên”.

Sau đó, Zakharova đã gửi một Tweet cáo buộc Đức Giáo Hoàng đang cố gắng chia rẽ các lực lượng Nga: “Chúng tôi là một gia đình với người Buryats, người Chechnya và các đại diện khác của đất nước đa sắc tộc và đa tôn giáo của chúng tôi,” cô ta viết.

Alexandra Garmazhapova, người sáng lập tổ chức phản chiến Giải phóng Buryatia khỏi ách xâm lược của Nga, gọi những bình luận này là “không thể tha thứ và phân biệt chủng tộc”.

Garmazhapova nói: “Tôi vô cùng thất vọng khi đọc những tuyên bố phân biệt chủng tộc, không thể bào chữa này.”

“Nga đang tiến hành một cuộc chiến tranh đế quốc do Vladimir Putin bắt đầu và lãnh đạo, ông ta về mọi mặt không phải là thành viên của một dân tộc thiểu số nào cả. Đức Giáo Hoàng lẽ ra phải lên án cá nhân ông ấy, nhưng ngài đã quyết định không nhắc đến tổng thống Nga.”

Đề cập đến sự ủng hộ công khai cho cuộc chiến của Thượng Phụ Kirill là người đứng đầu Giáo Hội Chính thống Nga, Garmazhapova nói thêm: “Chúng ta đừng quên rằng Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga là một trong những bên ủng hộ lớn nhất cho cuộc chiến.”

Garmazhapova cũng chỉ ra một cuộc điều tra của Ukraine đã xác định một nhóm binh lính sắc tộc Nga chính cống là nghi phạm chính đằng sau vụ giết thường dân ở vùng ngoại ô Bucha của Kyiv vào mùa xuân năm ngoái.

Cô ấy nói: “Những bình luận này là sai ở rất nhiều cấp độ.”

Đây không phải là lần đầu tiên Đức Giáo Hoàng phải đối mặt với những tranh cãi về quan điểm của ngài đối với Ukraine. Kyiv đã nhiều lần phản kháng kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga vào tháng Hai vì Đức Thánh Cha đã không lên án thỏa đáng Điện Cẩm Linh về vai trò của họ trong cuộc xung đột.

Đức Phanxicô trước đây cũng đã nói rằng cuộc xâm lược Ukraine của Mạc Tư Khoa “có lẽ bằng cách nào đó đã bị phương Tây khiêu khích”, đề cập đến một cuộc trò chuyện trước đó với một nguyên thủ quốc gia giấu tên, người bày tỏ lo ngại rằng Nato đang “sủa trước cổng của Nga” theo cách có thể dẫn đến để chiến tranh.

Trong một lời phân bua rõ ràng đối với những cáo buộc cho rằng ngài không trực tiếp chỉ trích Putin, Đức Giáo Hoàng nói với tạp chí America: “Đôi khi tôi cố gắng không nêu rõ để không xúc phạm và đúng hơn là lên án chung, mặc dù ai cũng biết tôi đang lên án ai. Tôi không nhất thiết phải nêu đích danh họ.”

Ngài nói tiếp: “Tại sao tôi không nêu đích danh Putin? Bởi vì nó không cần thiết; nó đã được biết đến. Tuy nhiên, đôi khi mọi người bám vào một chi tiết. Mọi người đều biết lập trường của tôi, dù có Putin hay không có Putin, mà không cần nêu đích danh ông ấy”.
Source:The Guardian

3. Kadyrov và người đứng đầu Phật tử Nga chỉ trích những tuyên bố của Đức Giáo Hoàng về cuộc xung đột ở Ukraine

Tờ Interfax của Nga cho biết như sau: Ramzan Kadyrov, người đứng đầu nước cộng hòa Chechnya thuộc Nga, đã đáp lại những nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô, sau khi ngài đã nói cách đây vài ngày rằng những đội quân tàn ác nhất trong chiến dịch đặc biệt của Nga ở Ukraine là những kẻ “không theo truyền thống Nga,” chẳng hạn như người Chechnya và người Buryat.

Hôm thứ Tư, Kadyrov đã lưu ý trên kênh Telegram của mình rằng “chúng tôi không bắt đầu bất kỳ trận chiến nào mà không đề xuất hòa bình trước”. “Và kể từ khi bắt đầu hoạt động quân sự đặc biệt, chúng tôi đã thực hiện nó hàng chục lần. Chính những người lính Ukraine từng bị chúng tôi giam cầm sẽ cho bạn biết về cách đối xử của người Chechnya đối với những người bị bắt giữ - liệu điều đó có tàn ác hay không”, Kadyrov viết.

Không có một người nghiện rượu hay ma túy nào trong quân đội Chechnya, nhưng “mọi người lính đều rất sùng đạo và mọi người lính đều biết rằng ngay cả trong chiến tranh, người ta không được quên danh dự, nhân phẩm và sự tôn trọng ngay cả đối với kẻ thù,” Kadyrov nói.

“Và, nói chung, làm thế nào có thể xác định trên chiến trường xem kẻ thù là người vui vẻ, ủ rũ, đa cảm hay độc ác? Hơn nữa, làm thế nào có thể xác định bằng mắt thường sắc tộc của một quân nhân Nga trong một lực lượng hỗn hợp, bởi vì đất nước chúng ta là nơi sinh sống của hơn 190 dân tộc? Người đứng đầu Vatican tất nhiên không thể trả lời câu hỏi này. Ngài đơn giản đã trở thành nạn nhân của sự tuyên truyền đến từ các phương tiện truyền thông nước ngoài,” Kadyrov nói.

Về phần mình, nhà lãnh đạo tinh thần của Phật tử Nga, Pandito Hambo Lama Damba Ayusheyev, cũng đã mô tả những lời buộc tội của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là bất công.

“Tôi nghĩ rằng những người Công Giáo Rôma ở Âu Châu không hiểu rằng cuộc sống ở Siberia lạnh giá và ở Viễn Đông khiến con người trở nên kiên cường, nhẫn nại và chịu đựng nhiều gian khổ hơn. Đó là lý do tại sao người dân của chúng tôi không tàn ác, mà họ chỉ đơn giản là phải một lần nữa bảo vệ quê hương của mình khỏi chủ nghĩa phát xít với lòng tự trọng, như ông nội và ông cố của chúng tôi đã làm,” Ayusheyev nói trên Telegram.

Trung tâm tâm linh của cộng đồng Phật giáo Nga nằm ở Buryatia.
Source:Russian Interfax

4. Bài Giáo Lý cùa Đức Giáo Hoàng Phanxicô về biện phân

Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Tiếp tục suy tư về sự biện phân, và đặc biệt về kinh nghiệm thiêng liêng được gọi là “sự an ủi”, mà chúng ta đã nói vào Thứ Tư tuần trước, chúng ta tự hỏi: làm thế nào nhận ra sự an ủi đích thực? Đây là một câu hỏi rất quan trọng để có sự biện phân tốt, để không bị nhầm lẫn trong việc tìm kiếm điều thiện đích thực của chúng ta.

Chúng ta có thể tìm thấy một số tiêu chuẩn trong một đoạn của Linh Thao của Thánh Inhaxiô thành Loyola. Thánh Inhaxiô nói, "Nếu trong các suy nghĩ, mọi sự đều tốt từ phần đầu, phần giữa và phần cuối, và nếu mọi sự đều hướng về điều thiện, thì đó là dấu hiệu của thiên thần tốt lành. Mặt khác, có thể trong dòng suy nghĩ, một điều gì đó xấu xa hoặc làm ta chia trí hoặc ít tốt hơn những gì linh hồn đã định làm trước đó, hoặc điều gì đó làm suy yếu linh hồn, khiến nó bồn chồn, đặt nó vào thế bồn chồn và lấy đi sự bình yên, lấy đi của nó sự thanh tĩnh và yên tĩnh nó vốn có trước đó: thì đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy các suy nghĩ này phát xuất từ một tinh thần xấu xa" (n. 333). Vì đó đúng là sự thật: có những niềm an ủi chân thật, nhưng cũng có những niềm an ủi không chân thật. Và vì thế, chúng ta phải hiểu rõ con đường an ủi: nó đi như thế nào và nó dẫn tôi đến đâu? Nếu nó đưa tôi đến một điều gì đó không ổn, không tốt, thì niềm an ủi này không có thật, là "giả mạo" chúng ta hãy nói vậy.

Và đây là những chỉ dẫn có giá trị, đáng được nhận định ngắn gọn. Điều đó có nghĩa gì khi nguyên tắc hướng tới điều tốt, như Thánh Inhaxiô nói về một niềm an ủi tốt? Chẳng hạn, tôi nghĩ đến việc cầu nguyện, và tôi thấy rằng nó đi kèm với tình cảm đối với Chúa và người lân cận, nó mời gọi chúng ta thực hiện những cử chỉ quảng đại, bác ái: đó là một nguyên tắc tốt. Thay vào đó, có thể nảy sinh ý nghĩ trốn tránh một công việc hoặc một nhiệm vụ đã được giao phó cho tôi: mỗi khi tôi phải rửa bát đĩa hoặc dọn dẹp nhà cửa, tôi rất muốn bắt đầu cầu nguyện! Điều này xảy ra trong tu viện. Nhưng cầu nguyện không phải là trốn tránh bổn phận của mình, trái lại, cầu nguyện giúp chúng ta nhận ra điều tốt lành mà chúng ta được mời gọi thực hiện, ở đây và bây giờ. Đó là về nguyên tắc.

Sau đó là các phương tiện: Thánh Inhaxiô nói rằng phần đầu, phần giữa và phần cuối phải tốt. Nguyên tắc như sau: tôi muốn cầu nguyện để khỏi phải rửa bát: hãy đi rửa bát đi đã rồi hãy cầu nguyện. Sau đó là phần giữa, tức là điều đến sau, điều theo sau ý nghĩ này. Tiếp tục với thí dụ trước, nếu tôi bắt đầu cầu nguyện và, như người Biệt phái cầu nguyện trong dụ ngôn (x. Lc 18:9-14), tôi có xu hướng tự mãn và coi thường người khác, có thể với một trái tim hiềm thù và chua chát, thì đây chính là những dấu hiệu cho thấy tinh thần ma quái đã sử dụng suy nghĩ này như một chìa khóa để thâm nhập vào trái tim tôi và truyền cảm xúc của nó cho tôi. Nếu tôi đi cầu nguyện và những lời của người Biệt phái khét tiếng hiện ra trong tâm trí tôi - "Lạy Chúa, tôi tạ ơn Chúa vì tôi cầu nguyện, tôi không giống như những người khác không tìm kiếm Chúa, không cầu nguyện" - ở đây, lời cầu nguyện này quả kết thúc một cách tồi tệ. Sự an ủi của lời cầu nguyện này là cảm thấy mình giống như một con công dương dương tự đắc trước mặt Thiên Chúa, và đó là một phương tiện không đi đến đâu.

Và sau đó là phần cuối: phần đầu, phần giữa và phần cuối. Kết thúc là một khía cạnh mà chúng ta đã gặp, đó là: một ý nghĩ dẫn tôi đến đâu? Thí dụ, ý tưởng cầu nguyện đưa tôi đến đâu. Thí dụ, ở đây có thể xảy ra việc tôi làm việc chăm chỉ vì một công việc cao đẹp và xứng đáng, nhưng nó thúc đẩy tôi không cầu nguyện nữa, vì tôi bận nhiều việc quá, tôi thấy mình ngày càng gây hấn và nhiều thói hư hơn, tôi tin rằng mọi sự đều phụ thuộc vào tôi, đến mức mất niềm tin vào Thiên Chúa, đây rõ ràng là hành động của tinh thần xấu xa. Tôi bắt đầu cầu nguyện, sau đó trong lời cầu nguyện, tôi cảm thấy toàn năng, mọi sự phải nằm trong tay tôi vì tôi là người duy nhất biết cách tiến hành công việc: rõ ràng là không có tinh thần tốt lành ở đó. Chúng ta phải xem xét cẩn thận con đường cảm xúc của chúng ta, con đường cảm xúc tốt, con đường an ủi, khi chúng ta muốn làm điều gì đó. Thế nào là phần đầu, thế nào là phần giữa và thế nào là phần cuối.

Phong cách của kẻ thù – khi chúng ta nói đến kẻ thù, chúng ta nói đến ma quỷ, bởi vì ma quỷ tồn tại, hắn tồn tại! – phong cách của hắn, như chúng ta biết, là trình bầy bản thân một cách tinh vi, trá hình: hắn bắt đầu từ những gì thân thiết nhất đối với chúng ta rồi lôi kéo chúng ta đến với hắn, từng chút một: cái ác thâm nhập một cách giấu diếm mà chúng ta không hề hay biết. Và với thời gian, sự mềm mại trở thành sự cứng rắn: suy nghĩ này tự bộc lộ như nó là trên thực tế.

Do đó, điều quan trọng là phải xem xét một cách kiên nhẫn nhưng không thể thiếu nguồn gốc và sự thật của các suy nghĩ của mình; đây là lời mời gọi học hỏi từ các kinh nghiệm, từ những gì xảy ra với chúng ta, để không lặp lại những sai lầm tương tự. Càng tự biết mình, chúng ta càng hiểu rõ nơi ma quỷ xâm nhập, “mật khẩu” của nó, cửa vào trái tim chúng ta, đó là những điểm mà ở đó chúng ta nhạy cảm nhất, để chú ý đến chúng cho tương lai. Mỗi người chúng ta đều có những điểm nhạy cảm nhất, những điểm yếu nhất trong nhân cách của chính mình: và từ đó tinh thần xấu xa len lỏi vào dẫn dắt chúng ta đi vào con đường lầm lạc, hoặc đưa chúng ta xa rời con đường chân thiện. Tôi đi cầu nguyện nhưng điều đó làm tôi xa rời việc cầu nguyện.

Các thí dụ có thể được nhân thừa theo ý muốn, phản ảnh thời đại của chúng ta. Đây là lý do tại sao việc kiểm điểm lương tâm hàng ngày là điều rất quan trọng: trước khi kết thúc một ngày, anh chị em hãy dừng lại đôi chút. Chuyện gì đã xảy ra? Không phải trên báo, không phải trong cuộc sống: điều gì đã xảy ra trong trái tim tôi? Trái tim tôi có lưu ý không? Nó có lớn ra không? Có phải đó là con đường đã đi qua mọi sự mà tôi không hề hay biết? Điều gì đã xảy ra trong trái tim tôi? Và sự kiểm điểm này rất quan trọng, nó là nỗ lực quý giá để đọc lại trải nghiệm từ một quan điểm đặc thù. Nhận ra những gì đang xảy ra là điều quan trọng, đó là dấu hiệu cho thấy ơn Chúa đang hoạt động trong chúng ta, giúp chúng ta lớn lên trong tự do và ý thức. Chúng ta không đơn độc: chính Chúa Thánh Thần ở cùng chúng ta. Chúng ta hãy xem sự việc diễn ra như thế nào.

Niềm an ủi đích thực là một kiểu xác nhận rằng chúng ta đang làm điều Thiên Chúa muốn nơi chúng ta, rằng chúng ta đang đi trên con đường của Người, nghĩa là trên con đường của sự sống, của niềm vui, của bình an. Trên thực tế, sự biện phân không chỉ tập trung vào điều tốt hay điều tốt nhất có thể, mà còn vào điều tốt cho tôi ở đây và bây giờ: Tôi được kêu gọi lớn lên ở đấy, bằng cách đặt giới hạn cho những đề xuất quyến rũ nhưng không thực tế, để không bị lừa dối trong việc tìm kiếm những điều tốt đẹp thực sự.

Anh chị em thân mến, chúng ta phải hiểu, tiến lên trong việc thấu hiểu những gì đang xảy ra trong trái tim chúng ta. Và để làm được điều đó, chúng ta cần kiểm điểm lương tâm, để xem điều gì đã xảy ra hôm nay. “Hôm nay tôi tức giận, tôi không làm việc này việc nọ…”: nhưng tại sao? Vượt trên lý do tại sao là tìm kiếm gốc rễ của những sai lầm này. “Nhưng, hôm nay tôi hài lòng nhưng tôi thấy nhàm chán vì phải giúp đỡ những người này, nhưng cuối cùng tôi cảm thấy hài lòng, hài lòng với việc giúp đỡ này”: và có Chúa Thánh Thần. Anh chị em hãy học cách đọc trong cuốn sách trái tim chúng ta những gì đã xảy ra trong ngày. Anh chị em làm điều đó đi, chỉ hai phút thôi, nhưng nó sẽ rất tốt cho anh chị em, tôi bảo đảm với anh chị em.