1. Ukraine cho biết Nga đã rút lực lượng khỏi các thị trấn đối diện Kherson

Quân đội Ukraine cho biết Nga đã rút một số binh sĩ khỏi các thị trấn ở bờ đối diện của sông Dnipro với thành phố Kherson. Đây là báo cáo chính thức đầu tiên của Ukraine về việc Nga rút quân khỏi khu vực hiện là tiền tuyến chính ở phía nam sau cuộc tháo chạy khỏi thành phố Kherson.

Tuyên bố chỉ đưa ra những chi tiết hạn chế nhưng ám chỉ rằng đã có các lực lượng Ukraine vượt qua sông Dnipro tiến đánh phần phía Đông của con sông. Các quan chức Ukraine cũng nhấn mạnh rằng Nga đã tăng cường pháo kích vào phần phía Tây của con sông, làm mất điện trở lại ở Kherson nơi điện chỉ mới bắt đầu được khôi phục gần 3 tuần sau khi quân đội Nga rời thành phố và tháo chạy qua sông.

Reuters đưa tin rằng: Kể từ khi Nga bỏ Kherson vào tháng trước, chín tháng sau cuộc xâm lược Ukraine, dòng sông hiện tạo thành toàn bộ phần phía nam của mặt trận.

Nga đã yêu cầu dân thường rời khỏi các thị trấn trong vòng 15 km quanh sông và rút chính quyền dân sự khỏi thành phố Nova Kakhovka. Các quan chức Ukraine trước đây cho biết Nga đã rút một số pháo binh gần sông đến các vị trí an toàn ở xa hơn, nhưng cho đến nay họ vẫn chưa nói rằng lực lượng Nga đang rời khỏi thị trấn.

Quân đội cho biết: “Số lượng binh sĩ và thiết bị quân sự của Nga đã giảm ở khu định cư Oeshky”, đề cập đến thị trấn đối diện với thành phố Kherson, ở phía xa của cây cầu bắc qua Dnipro đã bị phá hủy.

“Quân địch đã rút khỏi một số khu định cư của tỉnh Kherson và phân tán trong các dải rừng dọc theo đoạn đường cao tốc Oeshky - Hola Prystan”. Đó là đoạn đường dài 25 km xuyên qua các thị trấn ven sông nằm rải rác trong rừng trên bờ đối diện thành phố Kherson.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết hầu hết quân đội Nga trong khu vực là lực lượng dự bị được huy động gần đây, cho thấy rằng quân đội chuyên nghiệp được đào tạo tốt nhất của Mạc Tư Khoa đã bỏ đi và đưa các tân binh ra làm bia đỡ đạn cho họ.

2. Ukraine cho biết Putin mất 6,000 quân trong 2 tuần khi những điểm yếu của Nga bị phơi bày

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Loses 6,000 Troops in 2 Weeks as Russia's Weaknesses Exposed: Ukraine”, nghĩa là “Ukraine cho biết Putin mất 6,000 quân trong 2 tuần khi những điểm yếu của Nga bị phơi bày.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mất hơn 6,000 quân trong hai tuần, làm tăng thêm đáng kể con số thương vong khổng lồ của Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.

Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết trong ước tính mới nhất hôm thứ Tư rằng Nga đã mất 88,880 nhân sự kể từ khi bắt đầu cuộc chiến vào ngày 24 tháng 2. Đây là mức tăng 6.170 so với ước tính số người chết của Nga là 82.710 vào ngày 16 tháng 11, hai ngày thứ Tư trước đó. Con số vào ngày thứ Sáu 2 tháng 12, đã lên đến 89,440 tử sĩ Nga.

Theo Bộ Tổng tham mưu Ukraine, ngoài việc mất hàng nghìn binh sĩ, Nga còn phải đối mặt với tổn thất đáng kể về pháo binh và phương tiện trong thời gian hai tuần qua. Từ ngày 16 tháng 11 đến ngày thứ Tư vừa qua, Ukraine cho biết Nga đã mất 43 xe tăng, 75 xe bọc thép, 69 phương tiện và thùng nhiên liệu, theo tính toán của Newsweek.

Sau hơn chín tháng tham chiến mà một số người ủng hộ Điện Cẩm Linh kỳ vọng sẽ mang lại chiến thắng nhanh chóng cho Nga, quân đội của Putin vẫn chưa đạt được mục tiêu đã đề ra là “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine”. Trong khi đó, Nga gần đây đã phải đối mặt với một số thất bại đáng xấu hổ, bao gồm cả những thành tựu trong các cuộc phản công của Ukraine và việc rút quân khỏi thành phố Kherson ở khu vực phía nam vào đầu tháng này.

Dan Soller, cựu đại tá tình báo quân đội Hoa Kỳ, nói với Newsweek tuần trước rằng việc xây dựng các công sự biên giới của Nga gần khu vực phía đông Kharkiv của Ukraine, và những khu vực mà Ukraine đang tiến hành các cuộc phản công, phản ánh rằng Nga phải phòng thủ hơn là tấn công trong cuộc chiến.

Soller cũng lưu ý rằng Nga đã cố gắng chiếm thành phố Bakhmut, một “trung tâm giao thông” ở khu vực phía đông Donetsk, trong một thời gian dài, một động thái có khả năng cho phép Nga bảo vệ cả Donetsk và khu vực Luhansk và chống lại những bước tiến xa hơn của Ukraine. Nhưng ông nghi ngờ về việc liệu Nga có thực sự có thể chiếm được Bakhmut hay không, và ngay cả khi họ làm được, thì “về mặt chiến lược, mọi thứ khác đều đã mất”.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho biết trong bản đánh giá ngày 29 tháng 11 rằng các lực lượng Nga đã đạt được một số “lợi ích nhỏ mọn” xung quanh Bakhmut, nhưng những tiến bộ này có thể không đáng kể so với các tổn thất kinh hoàng của Nga.

“ISW tiếp tục đánh giá rằng các lực lượng Nga suy yếu xung quanh Bakhmut khó có thể đặt Bakhmut dưới mối đe dọa bị bao vây trong tương lai gần,” bản đánh giá cho biết.

Bất chấp tất cả những điều này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết trong cuộc họp báo ngày 24 tháng 11 rằng Nga “không có lựa chọn nào khác” ngoài việc đạt được các mục tiêu của mình ở Ukraine.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận.

3. Người đứng đầu NATO nói rằng “còn quá sớm” để quyết định về yêu cầu của Ba Lan chuyển hệ thống Patriot tới Ukraine

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm thứ Năm cho biết vẫn còn “quá sớm” để đưa ra kết luận về lời kêu gọi của Ba Lan chuyển các hệ thống phòng không Patriot do Đức cung cấp tới Ukraine.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz ở Berlin, ông Stoltenberg cho biết: “Điều quan trọng là phải tách cuộc thảo luận về ba chiếc Patriot mà Đức đề nghị giúp bảo vệ không phận Ba Lan khỏi vấn đề tăng cường phòng không cho Ukraine.”

Ông nói: “Tất cả chúng ta đều đồng ý về nhu cầu cấp thiết phải giúp đỡ Ukraine, bao gồm cả các hệ thống phòng không,” đồng thời cho biết thêm rằng việc bảo đảm hoạt động tốt của các hệ thống đã được chuyển giao cũng quan trọng không kém việc cung cấp các hệ thống mới.”

Ông Stoltenberg nói: “Cần có đạn dược cho các hệ thống hiện có, cần có phụ tùng thay thế và bảo trì.

Hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba kêu gọi Đức cung cấp hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine “ngay khi” có thể. Bình luận của Kuleba được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak tuần trước cho biết Berlin nên gửi các hệ thống phòng không hỏa tiễn Patriot trực tiếp tới Ukraine thay vì Ba Lan.

4. Thủ tướng Đức, Olaf Scholz, đã nói rằng Âu Châu nên quay trở lại “trật tự hòa bình” trước chiến tranh với Nga nếu tổng thống Nga, Vladimir Putin, từ bỏ hành động gây hấn với các nước láng giềng của mình.

The Times đưa tin rằng trong một cuộc thảo luận nhóm tại sự kiện ở Berlin hôm thứ Tư, Scholz đã được hỏi Đức sẽ hành động như thế nào đối với Nga sau khi chiến tranh kết thúc dựa trên “mối quan hệ đối tác bền chặt” đã từng có giữa hai nước.

Ông nói: “Ở giai đoạn này, tôi sẽ nói rằng đó không phải là một quan hệ đối tác, thành thật mà nói. Nga đã phá hỏng trật tự hòa bình mà chúng tôi đã nỗ lực xây dựng trong nhiều thập kỷ trong đó chúng tôi đã đồng ý rằng sẽ không bao giờ có nỗ lực thay đổi biên giới bằng vũ lực nữa.”

“Và những gì Nga đang làm ngày nay là quay trở lại đường lối đế quốc của thế kỷ 19, 18, 17, nơi chỉ một quốc gia mạnh hơn mới nghĩ rằng họ có thể chiếm lãnh thổ của nước láng giềng, coi các nước láng giềng chỉ là chư hầu và một số nơi họ có thể áp đặt các quy tắc mà các nước khác phải tuân theo. Và điều này không bao giờ có thể được chấp nhận.”

Ông nói tiếp: “Chúng ta phải quay trở lại các thỏa thuận mà chúng ta đã có trong những thập kỷ qua và là cơ sở cho hòa bình và trật tự an ninh ở Âu Châu.

“Không hề có sự xâm lược nào xảy ra từ các quốc gia thành viên của Liên minh Âu Châu, không có sự gây hấn nào từ Nato và tất cả các câu hỏi về an ninh chung có thể được giải quyết và thảo luận. Nga phải có một sự sẵn sàng để nhìn nhận thực tế này”.

“Chúng ta có thể quay trở lại một trật tự hòa bình đã hoạt động và làm cho nó an toàn trở lại nếu người Nga sẵn sàng quay trở lại trật tự hòa bình này.”

5. Nga đang chuẩn bị cho một cuộc không kích rất lớn vào Ukraine

Trong cuộc họp báo tại Berlin sau cuộc họp các Bộ trưởng Quốc phòng NATO, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết:

'Có một cuộc tấn công quy mô lớn sắp xảy ra' nhằm vào Ukraine. Các không ảnh của NATO cho thấy Nga dường như đang chuẩn bị cho một cuộc không kích quy mô lớn khác vào Ukraine với hàng chục máy bay ném bom được phát hiện tập trung tại một căn cứ không quân quan trọng.

Ít nhất 20 máy bay ném bom tầm xa Tu-95 và Tu-160 đã tập trung tại căn cứ không quân Engels-2, gần thành phố Saratov, bên cạnh các thùng nhiên liệu, phương tiện hỗ trợ và vật tư sửa chữa.

Các nhà phân tích cho biết các thùng - có khả năng là hộp đạn chứa hỏa tiễn hành trình Kh-55 và Kh-101 - cũng có thể nhìn thấy gần máy bay, cho thấy một cuộc tấn công quy mô lớn vào Ukraine 'sắp xảy ra'.

Cuộc tấn công gần như chắc chắn sẽ tập trung vào việc phá hủy mạng lưới điện và nước vốn đã bị tàn phá của Ukraine sau các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn hành trình và máy bay không người lái kamikaze do Iran sản xuất trong những tuần gần đây, khiến người dân chết cóng trong nhà.

Hình ảnh về sân bay được chụp vào ngày 28 tháng 11 và lần đầu tiên được công bố bởi Der Spiegel của Đức.

Các nhà phân tích quân sự, nói với tạp chí này rằng: 'Số lượng máy bay ném bom trên đường băng cao bất thường là dấu hiệu cho thấy sự gia tăng các hoạt động, nếu không muốn nói là một cuộc tấn công quy mô lớn sắp xảy ra.'

Ukraine đã chuẩn bị sẵn sàng cho nhiều cuộc không kích của Nga với ít nhất hai cảnh báo không kích trên toàn quốc được đưa ra trong tuần này nhưng sau đó đã bị hủy bỏ.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, phát biểu hôm Chúa Nhật, cũng cảnh báo rằng Nga đang lên kế hoạch cho nhiều cuộc tấn công lớn hơn.

Ông nói: 'Chúng tôi hiểu rằng những kẻ khủng bố đang lên kế hoạch cho các cuộc tấn công mới. Chúng tôi biết điều này là một thực tế. Thật không may, chừng nào họ còn có hỏa tiễn trong tay họ sẽ không bình tĩnh lại.”

Zelenskiy cho biết tuần tới có thể khó khăn như tuần trước, khi các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng điện khiến người Ukraine bị cắt điện ở mức nghiêm trọng nhất kể từ khi quân đội Nga xâm lược vào tháng Hai.

'Lực lượng quốc phòng của chúng ta đã sẵn sàng. Cả đất nước đã sẵn sàng', ông nói. 'Chúng ta đã vạch trần tất cả các kịch bản có thể xảy ra với các đối tác của chúng ta.'

Các nhà lãnh đạo NATO hiện đang họp tại Rumani để thảo luận về giai đoạn hỗ trợ tiếp theo cho Ukraine, với hệ thống phòng thủ hỏa tiễn tiên tiến là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự.

Jen Stoltenberg, người đứng đầu liên minh, và các quan chức Mỹ đã gợi ý rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra nhằm cung cấp hệ thống phòng không Patriot cho Kyiv.

Các khẩu đội hỏa tiễn Patriot rất hiệu quả trong việc bắn hạ các hỏa tiễn đang bay tới nhưng phức tạp và khó vận hành, có nghĩa là chúng thường được cung cấp cùng với một kíp lái có kinh nghiệm.

Ví dụ, khi Đức cho Slovakia và Thổ Nhĩ Kỳ mượn khẩu đội Patriot trong quá khứ, họ cũng đã cung cấp người vận hành loại vũ khí này.

Điều đó làm phức tạp thêm bức tranh ở Ukraine, do lo ngại Nga sẽ cố gắng tấn công vào những hệ thống Patriot và cuối cùng có thể giết chết các nhân viên NATO, và điều đó có khả năng gây ra chiến tranh giữa các siêu cường toàn cầu.

Dmitry Medvedev, cựu tổng thống Nga và hiện là người đứng đầu hội đồng an ninh, hôm qua cảnh báo rằng NATO sẽ tự biến mình thành “mục tiêu hợp pháp” bằng cách cung cấp vũ khí.

Ông ta nói: 'Nếu NATO cung cấp cho những kẻ cuồng tín ở Kyiv các tổ hợp Patriot cùng với nhân viên NATO, họ sẽ ngay lập tức trở thành mục tiêu hợp pháp.”

'Tôi hy vọng những kẻ điên cuồng ở Đại Tây Dương hiểu điều này.'

Kyiv cho biết khoảng 50% cơ sở hạ tầng năng lượng của họ bị hư hại, làm mất 1 phần 3 công suất phát điện, dẫn đến mất điện trên toàn quốc.

Toàn bộ các thành phố, bao gồm cả thủ đô Kyiv, đang chìm trong bóng tối hàng giờ hoặc hàng ngày ngay cả khi nhiệt độ xuống dưới mức đóng băng.

Ông Stoltenberg đã cáo buộc Putin cố gắng 'vũ khí hóa mùa đông' và châm ngòi cho một làn sóng người tị nạn mới vào Âu Châu sau khi không đạt được chiến thắng trên chiến trường.

Dù sao đi nữa, các đồng minh phương Tây của Ukraine đã thề sẽ tiếp tục hỗ trợ nước này “dù phải mất bao lâu” để đạt được chiến thắng.

6. NATO thăm dò khả năng Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự ở Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “NATO Explores Ukraine Striking Military Targets in Russia”, nghĩa là “NATO thăm dò khả năng Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự ở Nga”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Ngoại trưởng Latvia, một thành viên của liên minh quân sự NATO, đã thăm dò khả năng Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự ở Nga.

Edgars Rinkēvičs, Bộ trưởng Ngoại giao Latvia, nói với Bloomberg rằng Ukraine nên được phép tiến hành các cuộc tấn công vào các địa điểm quân sự bên trong Nga để chống lại các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này.

“Chúng ta nên cho phép người Ukraine sử dụng vũ khí để tấn công vào các địa điểm hỏa tiễn hoặc sân bay nơi các hoạt động đó đang được tiến hành,” Rinkēvičs nói với hãng tin này vào ngày 29 tháng 11 bên lề cuộc họp của các ngoại trưởng NATO ở Bucharest, Rumani.

Rinkēvičs nói thêm rằng các đồng minh “không nên sợ hãi” leo thang. Ngoại trưởng đang đề cập đến cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine vào tháng 10 và tháng 11 đã gây ra tình trạng mất điện trên khắp đất nước.

Alexey Chepa, một thành viên của Duma Quốc gia Nga, cho biết các cuộc tấn công hàng loạt do Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động là một phần của “các biện pháp trả đũa” sau vụ nổ cầu Kerch ở Crimea hôm 8 tháng 10.

Kyiv đã không nhận trách nhiệm về vụ tấn công vào cây cầu bắc qua eo biển Kerch, cây cầu duy nhất nối Bán đảo Crimea đã sáp nhập với Nga. Vụ nổ đã làm hư hại một tuyến đường tiếp tế quan trọng cho các lực lượng của Nga trong bối cảnh điện Cẩm Linh đang đẩy mạnh nỗ lực chiến tranh ở Ukraine.

Oleksiy Danilov, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, nói rằng, dựa trên ước tính của Kyiv, Nga có tiềm năng hỏa tiễn cho ba hoặc bốn cuộc tấn công hàng loạt nữa vào đất nước của ông.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cảnh báo rằng Ukraine nên mong đợi các cuộc tấn công quy mô lớn hơn của Nga, nhằm trợ lực cho một chiến dịch tấn công thành phố Bakhmut được tiến hành theo cách thức gợi nhớ đến các chiến trường trong Thế chiến thứ nhất.

Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine vũ khí để hỗ trợ trong cuộc chiến do Putin phát động vào cuối tháng 2, nhưng đã không gửi vũ khí cho phép nước này tiến hành các cuộc tấn công bên trong Nga. Nhiều người lo ngại một động thái như vậy có thể leo thang xung đột.

Đáp lại nhận xét của Rinkēvičs, đại sứ quán Nga tại Riga nói rằng đề xuất của ngoại trưởng có thể kích động một cuộc chiến tranh quy mô lớn.

“Những bước đi như vậy không phải do một chuyên gia quân sự điên cuồng nào đó kêu gọi, mà bởi người đứng đầu bộ ngoại giao Latvia E. Rinkēvičs,” đại sứ quán cho biết trong một tuyên bố trên kênh Telegram của mình.

“Đây là gì, nếu không phải là kích động việc phát động chiến tranh quy mô lớn sao?!”

Tuyên bố nói thêm “Bộ trưởng đã một lần nữa khẳng định bản chất bù nhìn của chế độ Kyiv, chế độ không dám tiến một bước nào nếu không có tín hiệu từ những người bảo trợ phương Tây.”

“Không cần phải nói, nhiệm vụ chuyên môn của bất kỳ nhân viên nào trong ngành ngoại giao, và đặc biệt là cấp cao như vậy, không phải là thổi bùng 'ngọn lửa chiến tranh', mà ngược lại, góp phần tìm kiếm các giải pháp hòa bình để giải quyết xung đột,”

“Có vẻ như bộ trưởng Latvia có những ý tưởng riêng, nói một cách thẳng thắn, rất đặc biệt về bản chất và nhiệm vụ của ngoại giao trong thế giới hiện đại.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Latvia để xin bình luận.

7. Chiến tranh Ukraine kết thúc khi 'từng con đường' được tự do, Thủ tướng Ba Lan nói sau những tranh cãi về vụ phóng hỏa tiễn

Như chúng tôi đã tường trình với quý vị và anh chị em, nguyên nhân vụ tấn công hỏa tiễn ngày 15 tháng 11 khiến 2 người thiệt mạng ở Ba Lan xem ra vẫn chưa ngã ngũ. Tuy nhiên, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố rằng Nga phải chịu trách nhiệm cuối cùng và Ba Lan vẫn tiếp tục ủng hộ Ukraine.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine War Over When 'Each Road' Free, Polish PM Says After Missile Dustup”, nghĩa là “Chiến tranh Ukraine kết thúc khi 'từng con đường' được tự do, Thủ tướng Ba Lan nói sau những tranh cãi về vụ phóng hỏa tiễn.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm thứ Bảy đã nhắc lại sự ủng hộ của ông đối với Ukraine, chỉ vài tuần sau khi NATO xác định một hỏa tiễn tấn công một ngôi làng ở Ba Lan là do Ukraine vô tình bắn.

Morawiecki đã tổ chức một cuộc họp với các vị Thủ tướng của Ukraine và Lithuania, trong đó họ thảo luận về những nỗ lực hợp tác của họ trong bối cảnh cuộc xâm lược Ukraine của Nga hiện đã bước sang tháng thứ chín.

Cuộc họp diễn ra sau những tranh cãi liên quan đến vụ hỏa tiễn rơi vào gần biên giới Ukraine-Ba Lan hồi đầu tháng này. Vào ngày 15 tháng 11, một hỏa tiễn đã bắn trúng một ngôi làng của Ba Lan, khiến hai người thiệt mạng. Các nhà lãnh đạo ban đầu tin rằng hỏa tiễn đến từ Nga, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột quân sự leo thang. Tuy nhiên, NATO cho rằng hỏa tiễn này có khả năng do lực lượng không quân Ukraine vô tình bắn.

Bất chấp vụ tấn công này, Ba Lan không có dấu hiệu dao động trong việc ủng hộ Ukraine trong những tuần gần đây. Hôm thứ Bảy, Thủ tướng Morawiecki đã gia tăng lời kêu gọi hỗ trợ quốc gia Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga. Đó là một cuộc xâm lược đã bị quốc tế chỉ trích, và các nhà lãnh đạo thế giới nêu lên những quan ngại về tính chất vô cớ, và vô lý, cũng như sự ngang nhiên vi phạm chủ quyền một quốc gia khác của Nga.

Morawiecki lên án các nhà lãnh đạo Âu Châu đã “quá muộn” khi nhận ra rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên kế hoạch xâm lược Ukraine trước khi ông ta phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào ngày 24/2.

“Âu Châu đã nhận thấy mối đe dọa từ Nga quá muộn, đó là lý do tại sao ngày nay chúng ta không thể trì hoãn việc giúp đỡ Ukraine. Cuộc chiến này sẽ kết thúc khi từng ngôi nhà, từng trường học, từng bệnh viện và từng con đường được giành lại,” Morawiecki cho biết trong nhận xét được The Kyiv Independent dịch sau cuộc họp.

Vụ tấn công, được nhiều người coi là tình cờ, không làm rung chuyển đáng kể quan hệ giữa Ukraine, Ba Lan và NATO. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết cuộc tấn công, được thực hiện khi Ukraine tự bảo vệ mình trước các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng của họ, “không phải là lỗi của Ukraine.”

Đầu tháng 11, ông Stoltenberg cho biết: “Nga phải chịu trách nhiệm cuối cùng khi tiếp tục cuộc chiến bất hợp pháp chống lại Ukraine”.

Morawiecki là một người ủng hộ trung thành của Ukraine trong suốt cuộc xung đột. Đầu tuần này, ông kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới thực hiện “hành động phòng ngừa” để củng cố Ukraine trước mùa đông trong bài phát biểu tại Kosice, Slovenia.

Ông nói: “ Những tháng tới có thể rất, rất khó khăn, khi mùa đông ập đến và người Nga đang dội bom có tính toán trước vào cơ sở hạ tầng năng lượng, tước đoạt điện, nhiệt của người dân Ukraine và dẫn đến một thảm kịch nhân đạo”.

Cuộc tấn công ban đầu gây ra sự hoảng loạn, vì có rất ít thông tin về nguồn gốc của cuộc tấn công và cách Ba Lan sẽ phản ứng. Tuy nhiên, hầu hết các lo ngại đã được dập tắt và Ba Lan đã thúc đẩy triển khai các hỏa tiễn “Patriot” ở Ukraine, dọc theo biên giới chung của họ, trong bối cảnh lo ngại căng thẳng leo thang.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Ukraine để bình luận.