1. Hơn 30 chiến binh, hai binh sĩ thiệt mạng trong cuộc tấn công vào nhà thờ ở Mozambique

Các nhà phân tích an ninh cho biết chiến dịch quân sự của SADC ở Mozambique không thể giới hạn quân nổi dậy ở Cabo Delgado ở phía bắc và các phiến quân lấy cảm hứng từ Hồi giáo có thể đang chuẩn bị cho 'một bước nhảy vọt' về phía nam.

Hơn 30 chiến binh và hai binh sĩ đã thiệt mạng trong một cuộc đụng độ ở tỉnh Cabo Delgado phía bắc Mozambique, khi nhóm này tấn công vào một nhà thờ Công Giáo. Phái bộ Cộng đồng Phát triển Nam Phi gọi tắt là SADC, tại Mozambique (SAMIM) cho biết trong tuần này.

Các binh sĩ trong quân đội Mozambique đã bị giết bởi quân nổi dậy có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo đến từ Tanzania và Botswana, Bộ Quốc Phòng nước này cho biết.

Cuộc nổi dậy ở Mozambique đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và làm gián đoạn các dự án khí đốt tự nhiên trị giá hàng tỷ đô la kể từ khi nó nổ ra vào năm 2017.

Bộ Quốc Phòng nói thêm: “Chúng tôi có thể xác nhận hơn 30 tên khủng bố đã bị tiêu diệt và một số lượng lớn vũ khí, đạn dược và thiết bị bị tịch thu”

2. Diễn biến ngoạn mục: Iran dẹp bỏ cảnh sát đạo đức Hồi Giáo sau các cuộc biểu tình đẫm máu

Iran đã dẹp bỏ lực lượng cảnh sát đạo đức Hồi Giáo sau hai tháng biểu tình bạo lực chống lại luật Hồi Giáo về khăn trùm đầu khiến 200 người thiệt mạng trong tình trạng bất ổn đẫm máu

Bạo loạn nổ ra trên khắp đất nước sau cái chết của Mahsa Amini, người bị bắt ở thủ đô Tehran và bị cảnh sát đánh đập vì không tuân thủ luật trùm đầu nghiêm ngặt của Iran.

Bạo loạn nổ ra khắp Iran sau khi cô bị cảnh sát đánh đập đến chết

Được biết, cô gái 22 tuổi đã chết vào ngày 16 tháng 9 sau khi bị cảnh sát đạo đức của chế độ đánh tới tấp trước khi bỏ rơi cô ta trong tình trạng hôn mê.

Sự phẫn nộ của công chúng về cái chết của Mahsa đã biến thành một cuộc tắm máu với ít nhất 200 người thiệt mạng trong các cuộc bạo động, theo một cơ quan an ninh hàng đầu của nhà nước.

Cô bị cáo buộc đã bị cảnh sát bắt và đánh đập vì để lộ một số sợi tóc dưới khăn trùm đầu mà phụ nữ Iran bắt buộc phải đội theo luật bất kể người phụ nữ ấy theo Hồi Giáo hay không.

Các cuộc biểu tình đã nổ ra trên toàn quốc sau cái chết của cô khi hàng ngàn công dân chán nản tập hợp chống lại luật pháp nghiêm ngặt.

Những phụ nữ tham gia các cuộc biểu tình đã không đội khăn. Nhiều người thậm chí còn mang khăn ra đốt trên đường phố và chia sẻ video họ xé khăn quàng cổ.

Nhưng sau nhiều tuần bất ổn, người ta hiểu rằng Iran sẽ bãi bỏ lực lượng cảnh sát đạo đức Hồi Giáo để thoát khỏi tình trạng bạo loạn kéo dài.

Hãng thông tấn ISNA dẫn lời Tổng chưởng lý Mohammad Jafar Montazeri cho biết: “Cảnh sát đạo đức không liên quan gì đến cơ quan tư pháp” và đã bị bãi bỏ.

Bình luận của anh ấy được đưa ra tại một hội nghị tôn giáo, nơi anh ấy trả lời một người tham gia đã hỏi “tại sao cảnh sát đạo đức lại bị đóng cửa”.

Cảnh sát đạo đức Hồi Giáo - được biết đến với tên chính thức là Gasht-e Ershad hoặc “Tuần tra hướng dẫn” - được thành lập dưới thời tổng thống theo đường lối cứng rắn Mahmoud Ahmadinejad, để “truyền bá văn hóa khiêm tốn và đoan trang của khăn trùm đầu”.

Các đơn vị bắt đầu tuần tra vào năm 2006.

Biến cố giải tán lực lượng cảnh sát đạo đức Hồi Giáo xảy ra khi Iran tái xét luật hijab hàng chục năm tuổi.

Montazeri nói rằng “cả quốc hội và cơ quan tư pháp đang làm việc về vấn đề có cần thay đổi luật yêu cầu phụ nữ che đầu hay không.

Tổng thống Ebrahim Raisi cho biết trong các bình luận trên truyền hình hôm thứ Bảy rằng các nền cộng hòa và Hồi giáo của Iran đã được củng cố theo hiến pháp “nhưng có những phương pháp thực thi hiến pháp có thể linh hoạt”.

Trước năm 1978, cách ăn mặc của phụ nữ Iran được kể là cấp tiến nhất trong vùng Vịnh và Trung Đông. Nhiều người du học từ Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây đã đưa vào Iran các hình thức thời trang thịnh hành nhất bây giờ.

Cách mạng 1979, sau này được gọi là Cách mạng Hồi giáo, bắt đầu vào tháng Giêng năm 1978 với các cuộc biểu tình lớn đầu tiên chống lại Quốc vương Mohammad Reza Pahlavi. Sau một năm đình công và biểu tình làm tê liệt đất nước và nền kinh tế, Pahlavi trốn sang Hoa Kỳ, và Ruhollah Khomeini sau thời gian lưu vong trở về Tehran vào tháng 2 năm 1979, thành lập chính phủ mới. Sau khi tổ chức trưng cầu dân ý, Iran chính thức trở thành một nước cộng hòa Hồi giáo vào tháng 4 năm 1979. Một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai vào tháng 12 năm 1979 đã phê chuẩn một hiến pháp dựa trên luật Hồi Giáo Sharia.
Source:aljazeera.com

3. Tổng giám mục Ukraine kêu gọi trả tự do cho các linh mục Công Giáo bị quân đội Nga bắt giữ

Hai linh mục Công Giáo bị quân đội Nga bắt giữ đang “bị tra tấn không thương tiếc”, lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine cho biết hôm thứ Năm.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã đưa ra lời kêu gọi các nhà chức trách quốc tế giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc trả tự do cho Cha Ivan Levytskyi và Cha Bohdan Heleta, 2 linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, đã bị giam giữ trong hơn hai tuần.

“Chúng tôi nhận được tin buồn rằng các linh mục của chúng tôi đang bị tra tấn không thương tiếc,” Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói.

“Theo các phương pháp đàn áp cổ điển của chủ nghĩa Stalin, những lời thú tội mà họ không phạm phải được rút ra từ các cuộc tra tấn. Trên thực tế, hai mục sư anh hùng của chúng ta hàng ngày bị đe dọa bằng sự tra tấn và bằng cái chết.”

Đức Tổng Giám Mục Ukraine đã yêu cầu người Công Giáo trên khắp thế giới cầu nguyện cho việc trả tự do cho các linh mục.

“Yêu cầu của chúng tôi là trả tự do ngay lập tức cho hai linh mục, những người không có lỗi gì ngoài lỗi yêu thương người dân của họ, Giáo hội của họ, cộng đồng được giao phó cho họ,” ngài nói.

“Tôi kêu gọi các đại diện ngoại giao và các tổ chức nhân quyền quốc tế, yêu cầu họ làm mọi thứ có thể để cứu mạng sống của những mục tử anh hùng này. Và tôi yêu cầu tất cả các tín hữu của Giáo hội chúng ta ở Ukraine và nước ngoài, tất cả các Kitô hữu, tất cả những người thiện chí, hãy cầu nguyện cho hai linh mục này được trả tự do.”

Theo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, hai linh mục Dòng Chúa Cứu Thế đã chọn ở lại lãnh thổ dưới sự chiếm đóng của Nga để phục vụ các cộng đồng Công Giáo theo nghi thức Đông phương và nghi thức Latinh tại địa phương.

Đức Cha Shevchuk nói: “Sau đó, một số đồ vật quân sự đã được đặt trong nhà thờ để buộc tội các ngài sở hữu vũ khí trái phép”.

Hai Cha Levytskyi và Heleta đã bị bắt khỏi giáo xứ của các ngài, Nhà thờ Chúa Giáng Sinh của Đức Trinh Nữ Maria, ở thành phố ven biển Berdyansk vào ngày 16 tháng 11 và bị Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga buộc tội đã thực hiện các hoạt động “lật đổ” và “du kích”.

Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Ukraine của Donetsk đã bác bỏ các cáo buộc, gọi việc giam giữ là “vô căn cứ và bất hợp pháp”, đồng thời yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho các giáo sĩ.

“Vào thời điểm khám xét nhà thờ, nhà xứ liền kề và cơ sở của giáo xứ, cả hai linh mục đều đã bị bắt giữ; nghĩa là, họ không thể kiểm soát những cơ sở này và hành động của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga theo bất kỳ cách nào”, tuyên bố từ Giáo Hội địa phương cho biết.

“Họ không thể chịu bất kỳ trách nhiệm nào đối với vũ khí và đạn dược được cho là đã tìm thấy ở những nơi đó. Đây rõ ràng là một lời vu khống và một lời buộc tội sai lầm.”

Trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào đầu tuần này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả người Ukraine là “những người tử vì đạo”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Khi tôi nói về Ukraine, tôi đang nói về một dân tộc đã chịu tử đạo. Nếu bạn có những người trở thành tử vì đạo, thì cố nhiên bạn có những người hành hạ họ”.

“Khi tôi nói về Ukraine, tôi nói về sự tàn bạo bởi vì tôi có rất nhiều thông tin về sự tàn bạo của quân đội. Nhìn chung, những người tàn ác nhất có lẽ là những người đến từ Nga, nhưng không tuân thủ các quy tắc truyền thống của Nga, chẳng hạn như người Chechenya, người Buryat, v.v.”

Những bình luận của Đức Giáo Hoàng đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ông Lavrov nói: “Gần đây, có một tuyên bố rất khó hiểu, hoàn toàn không phải là Kitô giáo, đã phân loại hai sắc dân của Liên bang Nga thành những người mà từ đó chúng ta có thể mong đợi những hành động tàn bạo trong các cuộc chiến. Chúng tôi đã phản ứng với điều đó, Vùng Buryatia và Cộng hòa Chechnya đã làm như vậy. Điều đó chắc chắn không nâng cao uy tín của Tòa thánh”
Source:Catholic News Agency

4. Đức Tổng Giám Mục Canterbury thăm Irpin và Bucha

Đức Tổng Giám Mục Canterbury đã đến thăm địa điểm từng là một ngôi mộ tập thể ở ngoại ô Kyiv để bày tỏ sự chia buồn và tình liên đới với những người đã phải chịu đựng sự chiếm đóng của Nga hồi đầu năm nay.

Đức Tổng Giám Mục đã đến thăm Nhà thờ Thánh Andrê ở Bucha của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, nơi ngài cầu nguyện với linh mục của nhà thờ, là Cha Andriy Halavin, và cầu nguyện một mình tại nơi chôn cất 116 thi thể.

Ngài đã được cho xem những bức ảnh về những thường dân bị sát hại và phản ứng của cộng đồng trong việc chôn cất những người chết trong một cuộc triển lãm ảnh gây xúc động sâu sắc được trưng bày tại nhà thờ.

Đức Tổng Giám Mục Justin cũng đã đến thăm cái gọi là 'Cây cầu Hy vọng' ở Irpin. Ở đó, ngài đã nghe lời kể của các linh mục địa phương, những người đã tham gia vào nỗ lực giúp mọi người trốn thoát dưới làn đạn của Nga, qua con đường duy nhất thoát khỏi Bucha và Irpin do Nga chiếm đóng.

Đức Tổng Giám Mục dừng lại trước những cây thánh giá xếp trên những tấm ván bắc qua sông, tưởng niệm những người đã chết khi cố gắng trốn thoát và cầu nguyện cho những người thương tiếc họ.

Đức Tổng Giám Mục đã thực hiện chuyến viếng thăm với Đức Giám Mục Anh giáo tại Âu Châu, là Đức Giám Mục Robert Innes, người tháp tùng Đức Tổng Giám Mục trong chuyến viếng thăm Ba Lan và Ukraine.

Tổng Giám mục Justin đã được Ivan Rusyn, một mục sư Baptist và là chủ tịch của Chủng viện Thần học Tin lành Ukraine, gọi tắt là UETS, dẫn đi quanh Irpin và Bucha, nơi đã bị sáu hỏa tiễn của Nga tấn công vào đầu tháng 3 vài ngày sau khi ông và nhân viên của mình được di tản. Ivan và các đồng nghiệp của ông đã nói với Đức Tổng Giám Mục về những nỗi kinh hoàng mà người dân địa phương phải chịu đựng khi họ cố gắng thoát khỏi cuộc xâm lược và chiếm đóng của Nga.

Sau đó, Đức Tổng Giám Mục đến thăm UETS, nơi ông gặp gỡ các giảng viên và sinh viên để nghe những lời kể của họ về cuộc xâm lược và chiếm đóng của Nga. Sau đó, ông đã cầu nguyện với các sinh viên và ban phép lành cho họ.

Đức Tổng Giám Mục Justin Welby nhận xét rằng: “Việc Nga xâm chiếm Ukraine là một hành động xấu xa. Có mặt ở Irpin và Bucha ngày hôm nay càng làm cho niềm tin của tôi về điều đó mạnh mẽ hơn. Cuộc chiến của người Nga tung ra các thế lực của địa ngục và hôm nay tôi đã gặp những người đã từng trải qua địa ngục đó.”

“Vì vậy, thường ở những nơi chiến tranh và xung đột, Giáo Hội phải chịu đựng cùng với các cộng đồng mà mình phục vụ. Hôm nay tôi đã gặp các linh mục anh hùng, các chủng sinh và các Kitô hữu địa phương, những người – ngay cả khi đang chịu đau khổ tột cùng vì cuộc xâm lăng tàn bạo này – đã yêu thương, chăm sóc và nâng đỡ những người xung quanh họ. Hôm nay tôi cảm thấy rằng tôi đã chạm vào gấu áo choàng của Chúa Giêsu và nhìn thấy khuôn mặt của Ngài trên khuôn mặt của những người ở Irpin và Bucha.”

“Thật vinh dự khi được dành thời gian với các giảng viên và sinh viên của Chủng viện Thần học Tin lành Ukraine. Tôi tạ ơn Chúa vì lòng trung thành can đảm của họ với Chúa Giêsu Kitô. Họ sẽ ở trong lời cầu nguyện của tôi trong một thời gian rất dài – cũng như tất cả người dân Ukraine.”

Suy tư về chuyến thăm Ukraine sắp kết thúc, Đức Tổng Giám Mục nói: “Được đến thăm Ukraine là một đặc ân sâu sắc. Chuyến thăm này đã khiến tôi càng quyết tâm đoàn kết với những người dân anh hùng của đất nước này. Tôi có một ấn tượng rất mạnh trước sự dũng cảm, kiên cường và niềm tin của những người tôi đã gặp”.

“Nhưng tôi cũng bị ấn tượng bởi mức độ tàn ác đã được gây ra bởi cuộc xâm lược bất công này – điều đó có nghĩa là quyết tâm của chúng ta sát cánh cùng người Ukraine trong cuộc đấu tranh giành tự do của họ phải lớn hơn nữa”.

“Tôi kêu gọi Giáo hội Anh, khối Hiệp thông Anh giáo và các Kitô hữu trên toàn thế giới cầu nguyện cho Ukraine trong Mùa Vọng này – và cho tất cả mọi người trên toàn cầu đang sống trong các cuộc xung đột và bất công.”
Source:archbishopofcanterbury.org