1. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy được TIME vinh danh là Nhân vật của năm

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã được tạp chí TIME vinh danh là Nhân vật của năm. Người đàn ông 44 tuổi, cựu diễn viên hài, diễn viên, nhà văn và nhà sản xuất này đã giữ chức tổng thống từ năm 2019.

Tạp chí Time cho biết đã vinh danh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy là nhân vật của năm, trao cho ông giải thưởng “vì đã chứng minh rằng lòng can đảm có thể lây lan như nỗi sợ hãi”.

Tổng biên tập Edward Felsenthal cho biết sự lựa chọn của Zelenskiy - cùng với “tinh thần của Ukraine” - là “ký ức nổi bật nhất”.

Ông nói: “Cho dù cuộc chiến giành Ukraine khiến người ta tràn đầy hy vọng hay sợ hãi, thì thế giới đã hành quân theo nhịp trống của Volodymyr Zelenskiy vào năm 2022”.

Là một diễn viên hài trở thành chính trị gia được bầu làm lãnh đạo Ukraine vào năm 2019, Zelenskiy đã làm việc không ngừng nghỉ kể từ cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24 tháng 2 để truyền cảm hứng cho sự phản kháng của đất nước ông và huy động sự ủng hộ quốc tế dành cho Ukraine.

Felsenthal cho biết quyết định của Zelensky khi chiến tranh bắt đầu “không chạy khỏi Kyiv mà ở lại và tập hợp sự ủng hộ là định mệnh”.

“Vì đã chứng minh rằng lòng dũng cảm có thể lây lan như nỗi sợ hãi, vì đã khuyến khích mọi người và các quốc gia cùng nhau bảo vệ tự do, vì đã nhắc nhở thế giới về sự mong manh của nền dân chủ - và hòa bình - Volodymyr Zelenskiy và tinh thần của Ukraine là Nhân vật của năm 2022 của TIME,” anh nói.

Tạp chí cũng nhấn mạnh những người được cho là hiện thân của tinh thần Ukraine. Họ bao gồm kỹ sư Oleg Kutkov, người đã giúp Ukraine kết nối; Olga Rudenko, biên tập viên của Kyiv Independent; và bác sĩ phẫu thuật chiến đấu người Anh David Nott.

Để có nhận thức đầy đủ về sự can đảm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, có lẽ chúng ta phải biết điều này: Các nhà phân tích Mykhaylo Zabrodskyi, Jack Watling, Oleksandr Danylyuk và Nick Reynolds giải thích trong một nghiên cứu mới của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia ở London rằng cuộc xâm lược Ukraine của Putin không phải là một quyết định bất chợt của ông ta. Nó đã được hình thành và chuẩn bị từ rất lâu. Một trong những chuẩn bị quan trọng là một chiến dịch phá hoại có hệ thống của Nga nhắm vào các kho chứa vũ khí của Ukraine. Chiến dịch này đã phá hủy một tỷ lệ đáng kể các kho đạn 122 và 152 ly cũng như hỏa tiễn 122 và 300 ly của quân đội Ukraine.

Các tác giả Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia ở London cho biết đã có sáu vụ nổ như vậy, phá hủy hơn 210,000 tấn đạn dược, một phần lớn trong số đó là đạn pháo 152 ly và hỏa tiễn cho hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt. Để so sánh, trong 5 năm chiến tranh ở Donbas, các lực lượng vũ trang Ukraine đã tiêu tốn tổng cộng khoảng 70,000 tấn đạn dược, tức là chỉ 1 phần ba số bị phá hoại.

Tình hình bi đát đến mức, trong những ngày đầu của cuộc xâm lược, quân Nga kéo từ Belarus sang tiến đánh Kyiv trong một đoàn xe dài đến 64km. Nga có gan làm như thế vì biết chắc pháo binh Ukraine đã kiệt quệ, không đủ sức tấn công họ.

Trong bối cảnh bi đát như thế, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy phải hết sức can đảm mới dám quyết định không chạy khỏi Kyiv mà ở lại và tập hợp sự ủng hộ của thế giới.

2. Thị trưởng Lviv được gặp Đức Thánh Cha Phanxicô

Thị trưởng Lviv Andriy Sadovyi và người đứng đầu Hiệp hội Y tế sơ cứu của Lviv đã được gặp Đức Thánh Cha Phanxicô. Vợ của thị trưởng cũng có mặt tại cuộc họp.

“Tôi rất bất ngờ khi nhận được lời đề nghị này. Cùng với Kateryna, Oleh Samchuk và Serhiy Kiral, chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc họp. Chỉ vài phút để nói mọi điều cần thiết, mọi điều quan trọng,” ông nói.

Sadovyi đã đăng một bức ảnh cây thánh giá bằng gỗ - biểu tượng chiến thắng của cái thiện và sự thật đối với quyền năng của sự ác và bóng tối - bị một mảnh hỏa tiễn của Nga “làm bị thương” theo nghĩa bóng. Mảnh đạn này được lấy ra từ một bé gái 13 tuổi bị thương.

“Bị thương, nhưng KHÔNG GẪY, giống như tất cả người Ukraine. Mảnh vỡ được lấy ra khỏi cơ thể cô bé 13 tuổi Nastia. Đức Giáo Hoàng biết về câu chuyện này. Tôi nghĩ mọi người đều hiểu biểu tượng này rất rõ ràng,” Sadovyi nói.

Đức Giáo Hoàng đã làm phép cây thánh giá. Thánh giá sẽ đi đến các nhà thờ trên thế giới để khuyến khích tất cả các tín hữu cầu nguyện cho Ukraine. Một cây thánh giá khác như vậy sẽ ở lại với Đức Giáo Hoàng để nhắc nhở ngài mỗi ngày về cái giá mà người Ukraine phải trả cho sự thật và tự do.

Sadovyi cũng nói thêm rằng các chủ đề của cuộc gặp gỡ bao gồm hậu quả của sự xâm lược của Nga và dự án #UNBROKEN, được khởi động ở Lviv để cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế toàn diện, bao gồm cả chân tay giả và các loại phục hồi chức năng khác nhau, cho những người Ukraine bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

3. Đức Thánh Cha so sánh cuộc chiến của Nga chống Ukraine với 'Chiến dịch Reinhardt' của Đức quốc xã

Đức Thánh Cha Phanxicô đã so sánh cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine với “Chiến dịch Reinhardt,” là kế hoạch hủy diệt do Đức quốc xã thực hiện chống lại người Do Thái Ba Lan trong Thế chiến II.

“Hôm thứ Hai, Trung tâm Quan hệ Công Giáo-Do Thái của Đại học Công Giáo Lublin đã tổ chức lễ tưởng niệm Chiến dịch Reinhardt. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, điều này đã dẫn đến việc tiêu diệt gần hai triệu nạn nhân, hầu hết là người gốc Do Thái. Cầu mong ký ức về sự kiện khủng khiếp này khơi dậy những quyết tâm và hành động vì hòa bình trong tất cả chúng ta. Lịch sử đang lặp lại. Bây giờ chúng ta thấy những gì đang xảy ra ở Ukraine. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình,” Đức Thánh Cha nói trong buổi tiếp kiến chung với các tín hữu hôm thứ Tư 7 tháng 12.

Đề cập đến Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội hôm thứ Năm, ngài kêu gọi các tín hữu cầu xin Mẹ Thiên Chúa an ủi tất cả những người bị thử thách bởi “sự tàn khốc của chiến tranh,” và đặc biệt là cho “Ukraine bị dày vò”

4. Bài Giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô về biện phân: Xác nhận quyết định tốt

Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Trong tiến trình biện phân, điều quan trọng là phải luôn chú ý đến giai đoạn ngay sau khi quyết định được đưa ra, để nắm vững các dấu hiệu xác nhận quyết định đó hoặc những dấu hiệu bác bỏ quyết định đó. Tôi phải đưa ra quyết định, [vì vậy] tôi thực hiện việc biện phân, ủng hộ hay phản đối, cảm xúc của tôi ra sao, tôi cầu nguyện... sau đó tiến trình này kết thúc và tôi đưa ra quyết định, rồi đến phần mà chúng ta phải cẩn thận, anh chị em thấy không? Bởi vì trong cuộc sống, một số quyết định không tốt và có những dấu hiệu bác bỏ chúng, trong khi mặt khác, những quyết định tốt được xác nhận.

Thật vậy, chúng ta đã thấy thời gian là tiêu chuẩn căn bản để nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa giữa rất nhiều tiếng nói khác. Chỉ một mình Người là Chúa tể của thời gian: đó là dấu hiệu cho thấy sự độc đáo của Người, giúp phân biệt Người với những giả mạo nhân danh Người mà không thực sự như vậy. Một trong những dấu hiệu đặc biệt của tinh thần tốt là nó truyền đạt một sự bình an kéo dài với thời gian. Nếu anh chị em cân nhắc sâu sắc hơn, rồi đưa ra quyết định thì điều này mang lại cho anh chị em sự bình an kéo dài theo thời gian, đây là một dấu hiệu tốt và cho thấy con đường của anh chị em tốt đẹp. Một sự bình an mang lại sự hài hòa, hiệp nhất, nhiệt thành, sốt sắng. Anh chị em ra khỏi tiến trình “đào sâu” tốt hơn so với khi anh chị em bước vào.

Thí dụ, nếu tôi quyết định dành thêm nửa giờ để cầu nguyện, và rồi tôi thấy rằng tôi sống những khoảnh khắc khác trong ngày tốt hơn, tôi thanh thản hơn, bớt lo lắng hơn, tôi làm việc cẩn thận và hăng hái hơn, ngay cả mối tương quan với một số người khó tính cũng trở nên suông sẻ hơn... Đây đều là những dấu hiệu quan trọng cho thấy quyết định được đưa ra là tốt lành. Đời sống thiêng liêng là một vòng tuần hoàn: sự tốt lành của một lựa chọn mang lại lợi ích cho mọi lĩnh vực trong cuộc sống của chúng ta. Vì đó là việc tham gia vào óc sáng tạo của Thiên Chúa.

Chúng ta có thể nhận ra một số khía cạnh quan trọng giúp chúng ta thấy thời gian sau quyết định như một xác nhận khả dĩ về tính tốt lành của nó, bởi vì khoảng thời gian tiếp theo xác nhận tính tốt lành của quyết định. Một cách nào đó, chúng ta đã gặp những khía cạnh quan trọng này trong tiến trình dạy giáo lý nhưng bây giờ chúng ta thấy một áp dụng nữa của chúng.

Khía cạnh đầu tiên là liệu quyết định đó có được coi là một dấu hiệu khả hữu của việc đáp lại tình yêu thương và lòng quảng đại của Thiên Chúa đối với tôi hay không. Nó không phát sinh từ lòng sợ hãi, không phát sinh từ sự tống tiền hay ép buộc về mặt cảm xúc, nhưng phát sinh từ lòng biết ơn đối với điều tốt lành đã nhận được, điều này thúc đẩy trái tim sống tự do thoải mái trong mối tương quan với Thiên Chúa.

Một yếu tố quan trọng khác là có cảm thức về vị trí của mình trong cuộc sống – sự thanh thản đó, “Tôi đang ở vị trí của tôi” – và cảm thấy anh chị em là một phần của kế hoạch lớn hơn mà anh chị em mong muốn được đóng góp. Tại Quảng trường Thánh Phêrô có hai điểm chính xác – các tiêu điểm của hình bầu dục – từ đó người ta có thể nhìn thấy các cột Bernini thẳng hàng một cách hoàn hảo. Tương tự như vậy, một người có thể nhận ra họ đã tìm thấy điều họ tìm kiếm khi ngày sống của họ trở nên trật tự hơn, khi họ cảm thấy các mối quan tâm của họ hòa nhập với nhau nhiều hơn, khi họ thiết lập được một hệ thống thứ bậc đúng đắn về tầm quan trọng và khi họ có thể trải nghiệm điều này một cách thoải mái, đối diện với những khó khăn mới phát sinh một cách đầy năng lực và dũng cảm mới. Đây là những dấu hiệu cho thấy anh chị em đã có một quyết định tốt đẹp.

Chẳng hạn, một dấu hiệu xác nhận tốt khác là việc luôn được tự do đối với những gì đã được quyết định, sẵn sàng đặt câu hỏi về nó, thậm chí từ bỏ nó khi đối diện với những bác bỏ có thể xảy ra, cố gắng tìm thấy ở chúng một bài học có thể có từ Thiên Chúa. Điều này không phải vì Người muốn tước đoạt những gì chúng ta yêu quý, mà là để sống nó một cách tự do, không bị ràng buộc. Chỉ có Thiên Chúa mới biết điều gì thực sự tốt cho chúng ta. Tính chiếm hữu là kẻ thù của điều tốt và nó giết chết tình âu yếm. Hãy chú ý đến điều này: chiếm hữu là kẻ thù của điều tốt, nó giết chết tình cảm. Nhiều trường hợp bạo lực trong lĩnh vực gia đình, mà chúng ta không may được đưa tin thường xuyên, hầu như luôn luôn phát sinh từ việc đòi quyền sở hữu tình cảm của người khác, từ việc tìm kiếm sự an toàn tuyệt đối, một điều giết chết tự do và bóp nghẹt cuộc sống, biến nó thành địa ngục.

Chúng ta chỉ có thể yêu trong tự do, đó là lý do tại sao Thiên Chúa tạo dựng chúng ta tự do, tự do ngay cả khi nói không với Người. Dâng lên Người những gì chúng ta yêu quý nhất là vì lợi ích tốt nhất của chúng ta, giúp chúng ta sống điều đó theo cách tốt nhất có thể có và trong sự thật, như một hồng phúc mà Người đã ban cho chúng ta, như một dấu chỉ lòng nhân từ nhưng không của Người, vì biết rằng cuộc sống của chúng ta, cũng như toàn bộ lịch sử, đều nằm trong bàn tay nhân từ của Người. Đó là điều Kinh Thánh gọi là kính sợ Thiên Chúa, nghĩa là tôn kính Thiên Chúa – không phải Thiên Chúa làm tôi sợ hãi, nhưng là một sự kính trọng, một điều kiện không thể thiếu để đón nhận hồng ân Khôn Ngoan (x. Hc 1:1-18). Nó là sự sợ hãi loại bỏ mọi nỗi sợ hãi khác, bởi vì nó hướng về Đấng là Chúa tể của mọi sự. Trước nhan thánh Người, không gì có thể làm chúng ta lo lắng. Đó là kinh nghiệm kỳ diệu của Thánh Phaolô, được ngài diễn tả như sau: “Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4:12-13). Đây là người tự do, người đã chúc tụng Thiên Chúa cả khi điều tốt lành xẩy đến lẫn khi điều không tốt lành xẩy đến: Xin ngợi khen Người, và chúng ta hãy tiến về phía trước!

Nhận thức được điều này là rất quan trọng để đưa ra quyết định tốt và nó trấn an chúng ta về những điều chúng ta không thể kiểm soát hoặc dự đoán: sức khỏe, tương lai, những người thân yêu, kế hoạch của chúng ta. Điều quan trọng là niềm tin của chúng ta được đặt vào Chúa của vũ trụ, Đấng yêu thương chúng ta vô cùng và biết rằng chúng ta có thể cùng Người xây dựng một điều gì đó tuyệt vời, một điều gì đó vĩnh cửu. Cuộc đời của các thánh cho chúng ta thấy điều này một cách đẹp đẽ nhất. Chúng ta hãy tiến lên, luôn cố gắng đưa ra quyết định theo cách này, trong lời cầu nguyện và cảm nhận những gì đang diễn ra trong lòng mình, và tiến lên một cách từ từ. Anh chị em hãy can đảm lên!