Giữa những lời bình luận gần đây của báo chí về cái chết của Đức Bênêđictô XVI, John L. Allen Jr., trên tạp chí Crux, lựa ra ba mẩu bình luận ông cho là vô nghĩa:



Một động lực truyền thông không thể lay chuyển xảy ra bất cứ khi nào một nhân vật lớn của công chúng qua đời: Trong khoảng thời gian giữa cái chết và đám tang, các nhà báo cố gắng lấp đầy các cột và làn sóng bằng một thứ gì đó – bất cứ thứ gì, đúng như vậy– để duy trì sự quan tâm đến câu chuyện cho đến khi có tin tức thực sự để tường trình.

Phù hợp với quy luật đó, 48 giờ qua đã mang đến một loạt các bình luận, phân tích và mổ xẻ về Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđictô XVI. Với thời gian trôi qua, trọng tâm dường như đang chuyển từ cáo phó và các phần nói về di sản sang những câu hỏi mang tính suy đoán nhiều hơn “bây giờ thì sao?”, phần nào giống các bài phân tích.

Phần lớn những phân tích đó có suy nghĩ và mang tính xây dựng – dù sao thì Đức Bênêđictô XVI cũng là một nhà trí thức, và tôi luôn nghĩ rằng ngài có xu hướng truyền cảm hứng cho nền báo chí thông minh hơn mức trung bình. Tuy nhiên, một vài trường hợp trong những gì chúng ta đã thấy quả hết sức ngớ ngẩn, đôi khi gần như tự chế nhạo chính mình.

Sau đây là ba mẩu chuyện như vậy, người ta có thể thấy đang được phổ biến:

1.Với cái chết của Đức Bênêđictô XVI, những người Công Giáo bảo thủ đã mất đi người anh hùng của họ và giờ đây sẽ trôi dạt.

2. Cái chết của Đức Bênêđictô đã loại bỏ một cái thắng đối với những lời chỉ trích bảo thủ chống lại Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vì vậy những xung đột nội bộ của Giáo hội giờ đây sẽ trở nên gay gắt và khó chữa hơn.

3. Người Công Giáo Hoa Kỳ giờ đây có thể rơi vào tình trạng ly giáo, bởi vì họ không còn bị ức chế bởi việc Đức Bênêđictô vẫn còn sống. (Dù bạn tin hay không, gợi ý này thực sự đã được đăng vào thứ Ba trên trang nhất của tờ Corriere della Sera, tờ báo được cho là có thế giá nhất của Ý).

Cả ba lời bình luận trên, như đã nêu, hoàn toàn vô nghĩa. (Thực thế, khẳng định đầu tiên đồng nghĩa với hai khẳng định còn lại, nhưng có khi nào luận lý học chặt chẽ ngăn cản chúng ta không?)

Hãy cùng thử xem xem. Đầu tiên, bảo thủ là sẽ trôi dạt? Làm ơn ạ.

Để bắt đầu, dù hầu hết những người Công Giáo bảo thủ chắc chắn ngưỡng mộ và yêu mến Đức Bênêđictô XVI, ngài chưa bao giờ là điểm quy chiếu chính cho phe đối lập hung hăng nhất đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Hãy làm một nghiên cứu văn bản, thì bạn sẽ thấy rằng Thánh Athanasiô, chứ không phải Đức Bênêđictô, là nhân vật được trích dẫn nhiều nhất trong những lời lẽ chống Đức Phanxicô trong thập niên qua. (Thánh Athanasiô là giáo phụ của Giáo hội ở thế kỷ thứ tư, người nổi tiếng chống lại dị giáo Ariô, ngay cả khi các giáo hoàng dường như chấp thuận). Các điểm tham chiếu quan trọng khác cho phái bảo thủ này bao gồm Thánh Augustinô, Thánh Tôma Aquinô, và các Đức Giáo Hoàng Piô IX và X, chưa kể đến Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Đã có một phong trào Công Giáo bảo thủ sôi nổi trước khi Đức Giáo Hoàng Bênêđictô xuất hiện, và sẽ có một phong trào sau khi ngài ra đi.

Hơn nữa, trong phạm vi Đức Bênêđictô là một điểm quy chiếu cho các lực lượng chống Đức Phanxicô, cái chết của ngài hầu như không làm giảm tiềm năng của ngài- quả như thế, do sự nhấn mạnh của Công Giáo về sự hiệp thông các thánh, nó thực sự không thay đổi nhiều. Như một viên chức cao cấp của Vatican đã nói với tôi vào tối Chúa nhật, điều khác biệt duy nhất bây giờ là thay vì cầu nguyện “cho” Đức Bênêđictô, nay sẽ là cầu nguyện “với” Đức Bênêđictô.

Thứ hai, những người bảo thủ kìm hãm được ngọn lửa của họ là vì Đức Bênêđictô, và bây giờ sẽ là thực sự ra lệnh tàn phá và thả lỏng các con chó chiến tranh? Một lần nữa, xin làm ơn đi!

Tôi thấy không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy Đức Bênêđictô XVI tồn tại trong thập niên qua đã ngăn cản những lời chỉ trích bảo thủ và duy truyền thống chống lại Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Chúng ta đã thấy Đức Phanxicô bị dán nhãn hiệu là “giáo hoàng độc tài”, chúng ta đã thấy những tấm áp phích khắp Rôma chế giễu cam kết của ngài đối với lòng thương xót, chúng ta đã thấy những cuốn sách tranh luận rằng cuộc bầu cử của ngài là bất hợp pháp, chúng ta đã thấy những lời buộc tội ngài là một người Cộng sản, theo thuyết phiếm thần và thờ ngẫu thần, và thậm chí chúng ta còn thấy các giám mục và các nhà thần học công khai cáo buộc ngài là dị giáo, tất cả những điều này trong khi Đức Bênêđictô vẫn còn ở với chúng ta rất nhiều.

Mười phút trên Twitter vào bất cứ thời điểm nào trong thập niên qua đều mang lại nhiều trường hợp phát biểu công khai về một vị giáo hoàng có thể đã châm ngòi cho việc thiêu sống trong nhiều thế kỷ trước.

Tất nhiên, những tiếng nói như vậy chỉ đại diện cho một thiểu số nhỏ bé trong thiên hà rộng lớn hơn của tình cảm Công Giáo bảo thủ. Tuy nhiên, đối với những người như vậy, thật khó để tưởng tượng rằng có một điều gì đó thậm chí còn độc hại hơn mà họ cần phải kìm hãm.

Như bộ phim “Life of Brian” đã nói một cách đáng nhớ, “Tồi tệ hơn? Làm thế nào nó có thể trở nên tồi tệ hơn được?"

Thứ ba, Giáo hội Hoa Kỳ bây giờ sẽ đi vào ly giáo? Lần này, vui lòng làm ơn đi!

Để bắt đầu, tôi muốn nhắc các đồng nghiệp không phải là người Mỹ rằng những người chỉ trích Đức Giáo Hoàng Phanxicô gay gắt nhất trong hàng giám mục hoàn cầu không phải và chưa bao giờ là người Mỹ.

Vâng, Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò từng là đại sứ của Đức Giáo Hoàng tại Hoa Kỳ, nhưng hãy tin tôi đi, ngài là người Ý từng li từng tí. Đức Giám Mục Robert Mutsaerts của Hòa Lan, xin đơn cử một thí dụ khác, đã rút khỏi Thượng hội đồng về Giới trẻ năm 2018 để ủng hộ vòng cáo buộc đầu tiên chống Đức Phanxicô của Viganò, và sau đó gọi những hạn chế của Đức Phanxicô đối với Thánh lễ Latinh là “độc tài”, “phi mục vụ” và "không thương xót." Một vị giám mục Hòa Lan khác, Đức Hồng Y Wim Eijk, đã cảnh báo vào năm 2018 rằng việc Đức Thánh Cha Phanxicô không kiềm chế những người Đức muốn cho người Thệ phản rước lễ trong một số trường hợp nhất định nói lên “việc trôi dạt về phía bội giáo”.

Vâng, Đức Hồng Y Raymond Burke, một trong bốn vị Hồng Y lên tiếng nghi ngờ về Tông huấn Amoris Laetitia, là người Mỹ, nhưng ba vị còn lại bao gồm một người Ý khác (Đức Hồng Y Carlo Caffarra) và hai người Đức (Đức Hồng Y Walter Brandmüller và Joachim Meisner). Ngày nay vẫn còn một người Đức nữa, Hồng Y Gerhard Müller, nổi bật trong số những người chỉ trích Đức Phanxicô, cũng như Hồng Y Robert Sarah của Ghana và Giám mục Athanasius Schneider của Kazakhstan. Đức Hồng Y Joseph Zen của Hồng Kông đã chỉ trích gay gắt chính sách Trung Quốc của Đức Phanxicô.

Tôi có thể tiếp tục, nhưng vấn đề rất rõ ràng: Hầu như không chỉ có các giám mục người Mỹ mới là những người không hài lòng.

Không có một giám mục người Mỹ nào được chuẩn bị để trở thành Tổng Giám mục Marcel Lefèbre của Tân Thế giới, nghĩa là một giám mục sẽ lãnh đạo một nhóm linh mục và tín hữu chính thức đoạn tuyệt với Rôma. Nhiều mục tử Hoa Kỳ có thể bảo thủ hơn Đức Phanxicô một chút, nhưng họ nghĩ mình là một phe đối lập trung thành, không phải là một tổ chức bí mật hoạt động trong một tổ chức khác để sẵn sàng tiếp tay với bên ngoài phá hoại tổ chức này (fifth column).

Giáo hội Mỹ có hầu bao rủng rỉnh, một chiếc loa truyền thông khổng lồ và môi trường văn hóa phân cực nhất thế giới. Nó sẽ luôn là mảnh đất màu mỡ cho những người cực đoan trong đạo Công Giáo ở một mức độ nào đó, nhưng nó cũng có thể là trung tâm Công Giáo lớn nhất, rộng nhất và ổn định nhất trên thế giới – hãy ghé thăm một giáo xứ sôi động của Mỹ vào bất cứ Chúa nhật nào, và bạn sẽ thấy hàng chục người thờ ơ với chính trị Giáo hội nhưng gắn bó sâu sắc với đức tin.

Nói cách khác, nếu có một cuộc ly giáo, thì rất khó có khả năng nó được Sản xuất tại Hoa Kỳ.

Sẽ thật tuyệt biết bao nếu chu kỳ suy gẫm hiện tại về cuộc đời và di sản của Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđictô XVI có thể tiếp tục, không có những mẩu chuyện vớ vẩn nhưng độc hại này. Tuy nhiên, tôi không ảo tưởng – trong vũ trụ truyền thông cũng như trong thế giới vật lý, than ôi, thời gian và thủy triều không chờ đợi ai.