Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Trên tờ National Catholic Register, ngài có bài viết nhan đề “How the Liturgical Calendar Framed Pope Benedict’s Life”, nghĩa là “Lịch phụng vụ đã định hình cuộc đời của Đức Bênêđictô như thế nào”, trong đó ngài trình bày những suy tư về câu hỏi nhiều người đang đặt ra trên các mạng xã hội: “Cuộc đời Thứ Bảy Tuần Thánh của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 kết thúc vào ngày 31 tháng 12 - ngày thế tục và phụng vụ này có thể gợi ý những gì cho chúng ta về sự quan phòng của Chúa?” Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Một cuộc đời được định hình bởi phụng vụ thánh bắt đầu từ một ngày sinh của ngài - ngày 16 tháng 4 năm 1927 - trùng với một ngày phụng vụ quan trọng, là Thứ Bảy Tuần Thánh. Sinh nhật cuối cùng của Đức Bênêđictô XVI, vào năm 2022, lần thứ 95 của ngài, cũng là một ngày Thứ Bảy Tuần Thánh.

“Tôi luôn tràn ngập lòng biết ơn vì cuộc đời tôi đã được đắm chìm theo cách này trong mầu nhiệm Phục sinh, vì đây chỉ có thể là một dấu hiệu chúc phúc,” Đức Hồng Y Joseph Ratzinger viết trong hồi ký của mình năm 1998, cuốn Milestones, hay Những Chặng Đường,

“Chắc chắn, đó không phải là Chúa Nhật Phục Sinh mà là Thứ Bảy Tuần Thánh, nhưng càng suy nghĩ về nó, tôi càng thấy điều này dường như phù hợp với bản chất của cuộc sống con người chúng ta: Chúng ta vẫn đang chờ đợi Lễ Phục Sinh; chúng ta vẫn chưa đứng trong ánh sáng trọn vẹn, mà đang tiến về phía đó với niềm tin hoàn toàn.”

Cuộc đời Thứ Bảy Tuần Thánh của Đức Hồng Y Ratzinger, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm 2022. Ngày thế tục và phụng vụ đó có thể gợi ý những gì cho chúng ta về sự quan phòng của Chúa? Tôi thấy có ba khía cạnh gợi lên một cách rõ ràng.

Dies Natalis, hay sinh nhật

Theo truyền thống Công Giáo, ngày mất của một vị thánh — thường cũng được ấn định là ngày lễ kính vị thánh ấy — được gọi là dies natalis, “ngày sinh nhật” để đánh dấu ngày ngài bước vào cuộc sống vĩnh cửu. Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, trong đó Đức Bênêđíctô qua đời, đánh dấu sự Giáng Sinh của Chúa Giêsu, Đấng làm cho cuộc sống vĩnh cửu là khả thi.

Tam nhật Phục sinh và Tuần Bát Nhật của ngày lễ đó, cùng với Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và Bát Nhật Giáng Sinh, đánh dấu những cao điểm của năm phụng vụ. Điều đáng nhắc đến là cuộc đời của Đức Bênêđíctô đã bắt đầu và kết thúc trong những ngày phụng vụ cao độ đó.

Trong những năm gần đây, bệnh tật khiến Đức Bênêđíctô XVI không thể cử hành Thánh lễ một mình được nữa, nên ngài đã đồng tế với thư ký của mình là Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein. Thánh lễ cuối cùng của ngài diễn ra trong phòng của Đức Bênêđíctô khi ngài không thể đến nhà nguyện được nữa. Thánh Lễ được cho là diễn ra vào ngày thứ năm của Lễ Giáng Sinh. Nếu đúng như thế thì Đức Bênêđíctô đã nghe nói về vị thánh bảo trợ của mình, Thánh Giuse, cùng với Đức Maria, đưa Hài Nhi Giêsu vào Đền Thờ. Sau đó, ông già Simeon nói “Nunc dimittis,” là lời cầu nguyện ban đêm của Giáo hội: “Lạy Chúa, xin cho tôi tớ Chúa được ra đi bình an…”

Khi Đức Bênêđíctô dần dần mất khả năng viết, thính giác và thị giác, giọng nói của ngài chỉ còn là tiếng thì thầm yếu ớt, ngài bắt đầu cảm nghiệm sâu sắc hơn những gì ngài đã dạy bảo từ lâu, đó là phụng vụ cho phép con người thưa chuyện với Thiên Chúa theo cách mà nếu không có Phụng Vụ thì con người không có khả năng thực hiện.

Giao Thừa

Đức Bênêđíctô qua đời khi năm cũ sắp qua đi, một ngày của những ngày sắp kết thúc để hướng về ngưỡng cửa của tương lai, khi năm mới sắp đến. Giao thừa là ngày ngưỡng cửa, ngày mong chờ, ngày người ta đếm ngược trong nỗi chờ mong bước sang năm mới.

Trong sản phẩm thần học đồ sộ ngoài sức tưởng tượng của ngài, tác phẩm của Đức Bênêđíctô về đức tin và phụng vụ có xu hướng thu hút nhiều sự chú ý nhất, nhưng một sự đồng thuận rộng rãi là một trong những tác phẩm thần học vĩ đại nhất và đặc biệt nhất của ngài là cuốn sách thần học, Eschatology, hay Cánh Chung Luận, một nhánh thần học bàn về cái chết, sự phán xét, thiên đường và địa ngục — bốn “điều cuối cùng”. “Những điều cuối cùng” của thế giới này thực sự không phải là những điều cuối cùng, mà là những điều trường tồn nhìn xuyên qua mầu nhiệm của cái chết đến tương lai mở ra trước mắt linh hồn. Cái chết giống như một đêm giao thừa, một kết thúc nhưng thực sự lại là một khởi đầu.

Thánh Sylvestrô, Đức tin và lý trí

Ngày cuối cùng của năm là die natalis của Thánh Giáo Hoàng Sylvestrô, vị giáo hoàng đầu tiên trị vì Giáo hội hoàn toàn tự do dưới thời Đại Đế Constantinô. Sau Sắc lệnh Milan năm 313, Đức Sylvestrô trị vì từ năm 314 đến năm 335 khi Đế chế Rôma chuyển sang Kitô giáo. Ưu tiên đầu tiên trong sứ vụ của ngài, có thể nói là tìm ra giáo lý đúng đắn về Chúa Giêsu Kitô.

Điểm nổi bật trong triều đại của Thánh Giáo Hoàng Sylvestrô là Công đồng Nicê năm 325, nơi đức tin tông truyền của Giáo hội được thể hiện bằng ngôn ngữ của triết học Hy Lạp - Chúa Con “đồng bản thể” với Chúa Cha. Từ ngữ không có trong Kinh thánh đó - homoousion trong tiếng Hy Lạp - là điều cần thiết cho sự diễn đạt đức tin chính thống. Đức tin đã dùng ngôn ngữ của lý trí để diễn tả nội dung mạc khải.

Đức Bênêđíctô đã bị thuyết phục về “sự hợp lý của niềm tin vào Thiên Chúa,” mà ngài đã cống hiến cả cuộc đời học thuật lâu dài của mình. Đức tin cần lý trí, và lý trí cần niềm tin - một mệnh đề được ngài trình bày rõ ràng nhất trong Diễn từ tại Đại Học Regensburg năm 2006. Thật vậy, Đức Bênêđíctô nổi lên như một người đấu tranh cho khả năng hiểu biết sự thật của lý trí con người vượt xa hơn nhiều nhà phê bình thế tục chống lại ngài, những người đã bị nhốt kín trong cái bẫy của “chế độ độc tài của thuyết tương đối”.

Khi xác nhận các hành động của Công Đồng Nicê, Đức Sylvestrô đã thực hiện sứ mệnh tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô vào Chúa Giêsu Kitô, sử dụng ngôn ngữ triết học để thực hiện điều đó. Công thức của Nicê đã trở thành một văn bản phụng vụ - “đồng bản thể” trở thành một phần của việc thờ phượng Chúa vào ngày Chúa Nhật - khiến cho sự tổng hợp của Đức Sylvestrô về đức tin, lý trí và phụng vụ trở thành một die natalis phù hợp cho Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđictô XVI.
Source:National Catholic Register