1. Giáo Hội Công Giáo lớn nhất của Ukraine chuyển lễ Giáng Sinh sang ngày 25 tháng 12 để giảm các ảnh hưởng của Nga
Giáo Hội Công Giáo lớn nhất của Ukraine hôm thứ Hai cho biết họ sẽ chuyển sang một lịch mới, theo đó lễ Giáng Sinh được tổ chức vào ngày 25 tháng 12 thay vì ngày 7 Tháng Giêng, trong bối cảnh các tổ chức Ukraine đang nỗ lực phá vỡ các liên kết văn hóa với Nga.
Động thái của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, đã được Bộ trưởng Văn hóa Oleksandr Tkachenko hoan nghênh. Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương có số tín hữu chiếm khoảng 10% là Giáo Hội Công Giáo lớn nhất tại Ukraine.
“Quyết định này phù hợp với nhu cầu của thời đại chúng ta và dư luận,” ông viết trên Facebook, trích dẫn kết quả của một cuộc khảo sát trực tuyến quốc gia do chính phủ thực hiện.
Cuộc thăm dò đó, được tổ chức vào tháng 12 năm 2022, cho thấy 59% trong số hơn 1,5 triệu người được hỏi ủng hộ việc chuyển lễ Giáng Sinh sang ngày 25 tháng 12, khi lễ này được tổ chức ở Tây Âu.
Tháng trước, Tkachenko bày tỏ hy vọng rằng tất cả các Giáo Hội của Ukraine sẽ đồng ý tổ chức lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12.
Thông báo hôm thứ Hai của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã làm cho Giáo Hội này trở thành Giáo Hội đầu tiên ở Ukraine làm như vậy.
Cho đến nay, tất cả các Giáo Hội lớn ở Ukraine có đa số dân theo Chính thống giáo đều theo lịch Giulianô, kỷ niệm lễ Giáng Sinh vào ngày 7 Tháng Giêng. Đó cũng là ngày mà Nga tổ chức lễ này.
Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương cho đến nay là một trong số ít các Giáo Hội trên toàn thế giới công nhận thẩm quyền của Giáo hoàng đồng thời lại tuân theo lịch Giulianô, mà Vatican đã thay thế bằng lịch Grêgôriô sửa đổi vào năm 1582.
Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, nói rằng các ngày lễ cố định như Giáng Sinh sẽ chuyển sang lịch mới, nhưng các ngày lễ có thể thay đổi như Lễ Phục sinh vẫn sẽ được tổ chức theo lịch cũ.
Source:Reuters
2. Trong động thái mới trong tranh chấp thuế với Vatican, Israel đóng băng tài khoản khách sạn Notre Dame
Trong tình tiết mới nhất trong cuộc tranh chấp kéo dài giữa Israel và Tòa thánh, chính quyền thành phố Giêrusalem hôm thứ Hai đã yêu cầu Trung tâm Nhà thờ Đức Bà Giêrusalem thuộc sở hữu của Vatican phải trả khoản thuế bất động sản thành phố quá hạn 18 triệu NIS hay 5 triệu USD. Đồng thời, chính quyền cũng phong tỏa tài khoản ngân hàng của trung tâm cho đến khi Giáo Hội trả hết nợ.
Các tổ chức tôn giáo ở Israel, bao gồm nhà thờ và tu viện, được miễn nộp thuế tài sản. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Israel đã tìm cách đạt được một thỏa thuận với Vatican để đánh thuế các doanh nghiệp thương mại thuộc sở hữu của Giáo hội - như khách sạn và quán cà phê.
Theo tổng giám đốc của Trung tâm Nhà thờ Đức Bà Giêrusalem, Yousef Barakat, ngay trước Giáng Sinh, các luật sư của thành phố đã viết thư cho Isracard và Visa, yêu cầu họ chặn các quỹ của Notre Dame.
“Chúng tôi không có tiền trong tay,” Barakat nói với tờ The Times of Israel vào tối thứ Hai. “Đây là một vấn đề chính trị cần được giải quyết giữa Israel và Vatican.”
Trung tâm Notre Dame, bao gồm nhà thờ và nhà khách, đã làm việc với Vatican để giải quyết vấn đề.
Ngay sau khi Vatican và Israel ký Thỏa thuận cơ bản thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia vào năm 1993, các bên đã tham gia đàm phán để giải quyết các vấn đề về thuế và quyền tài sản còn tồn đọng.
Những cuộc đàm phán lặp đi lặp lại đó đã không đi đến hồi kết trong nhiều thập kỷ sau đó.
Lập trường của Trung tâm Nhà thờ Đức Bà Giêrusalem là vì các bên chưa đi đến thỏa thuận cuối cùng, nên thỏa thuận hiện tại trong đó không có tài sản nào bị đánh thuế sẽ vẫn có hiệu lực.
Nhà nước đã không chống lại yêu sách này, nhưng vào năm 2018, chính quyền thành phố Giêrusalem đã quyết định rằng quyền miễn trừ đối với các Giáo Hội chỉ áp dụng cho các tài sản được sử dụng “để cầu nguyện, giảng dạy về tôn giáo, hoặc cho các nhu cầu phát sinh từ đó.”
Trung tâm Nhà thờ Đức Bà Giêrusalem lập luận rằng nhà khách hoạt động như một tổ chức tôn giáo và nên được miễn thuế. Trung tâm chỉ ra các tiền lệ trong thời kỳ Ottoman, Anh và Jordan, đồng thời tự coi mình được bảo vệ bởi Thỏa Ước Nguyên Trạng của Ottoman năm 1852. Trung tâm cũng khẳng định r r quyền miễn trừ đã được hệ thống hóa trong luật Ủy trị của Anh năm 1934 và 1938.
Các nhà lãnh đạo Giáo hội tuyên bố rằng các tổ chức tôn giáo duy trì các cơ sở giáo dục, phúc lợi và bác ái phục vụ người dân địa phương, và rằng họ giúp thực hiện vai trò của nhà nước một cách hiệu quả trong các khu vực, do đó nhà nước nên hỗ trợ họ hơn là đánh thuế họ.
Tuy nhiên, thành phố coi trung tâm là một thực thể thương mại có nghĩa vụ phải nộp thuế tài sản kinh doanh thông thường.
Source:Times Of Israel
3. Đại biểu Ba Lan cảnh báo về cám dỗ ‘xây dựng một số Giáo hội khác’ tại Thượng hội đồng
Thượng hội đồng về tính đồng nghị phải tránh “sự cám dỗ xây dựng một Giáo Hội khác”, một đại biểu Ba Lan nói với hội đồng lục địa Âu Châu hôm thứ Ba.
Phát biểu vào ngày 7 tháng 2, ngày thứ ba của cuộc họp kéo dài một tuần tại Praha, Giáo Sư Aleksander Bańka nói rằng mục đích của cuộc họp vào tháng 10 của các giám mục thế giới tại Rôma là đào sâu “linh đạo đồng nghị” trong Giáo hội như đã được Chúa Kitô thiết lập..
“Mục tiêu của cuộc thảo luận tại cuộc họp thượng hội đồng đầu tiên vào tháng 10 năm 2023 không phải là khuất phục trước cám dỗ xây dựng một số Giáo Hội khác, mà là tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi làm thế nào để nhận ra linh đạo của tính đồng nghị trong Giáo hội duy nhất của Chúa Kitô, với cấu trúc phẩm trật của nó,” vị giáo sư triết học giáo dân, là một trong bốn đại diện của Giáo hội Ba Lan đưa ra lập trường trên tại cuộc họp kéo dài từ ngày 5 đến ngày 9 tháng Hai.
Ông phát biểu một ngày sau khi các nhà lãnh đạo Đức kêu gọi những người tham gia cân nhắc việc thông qua các mục tiêu của “Tiến Trình Công Nghị” gây tranh cãi của Đức.
Giám mục Georg Bätzing, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, và Irme Stetter-Karp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Giáo dân Công Giáo Đức, nói với các đại biểu vào ngày 6 tháng 2 rằng Giáo hội cần những thay đổi cơ cấu sâu rộng để đối phó với tội lỗi lạm dụng tình dục.
Các nhà lãnh đạo Giáo hội ở Ba Lan và Đức đã công khai bất đồng về Tiến Trình Công Nghị của Đức, vốn đã phải đối mặt với một loạt những can thiệp của Vatican kể từ khi nó được đưa ra vào năm 2019.
Trong một diễn biến khiến nhiều người cảm thấy chóng mặt, Giám Mục Georg Bätzing đã tung ra một hướng dẫn gọi là hướng dẫn về 'tính đa dạng tính dục' trái ngược hoàn toàn với giáo lý Công Giáo.
Hướng dẫn này yêu cầu các tổ chức giáo phận và giáo xứ tôn trọng các lối sống khác nhau và “tích cực cổ vũ” việc đánh giá cao “tính đa dạng trong bản sắc và khuynh hướng tính dục”.
Hướng dẫn nói, “Tình dục không chỉ giữa nam và nữ. Nhưng cũng giữa phụ nữ và phụ nữ. Hoặc giữa người nam với người nam. Hoặc giữa những người cảm thấy không thích phụ nữ cũng không thích đàn ông”.
Nó nhấn mạnh sự cần thiết phải chấp nhận tất cả các sắp xếp khác nhau này, và cho biết cần phải chào đón tất cả các cặp vợ chồng theo nghĩa rộng mong muốn được chúc phúc cho mối quan hệ chung sống của họ.
Hướng dẫn nói rằng các nhà giáo dục Công Giáo nên khuyến khích mọi người “trong quyền tự quyết về tình dục của họ, điều mà mọi người đều có quyền.”
Nó nói thêm, “Quyền tự quyết có nghĩa là một người quyết định điều gì đó cho chính mình”.
Hướng dẫn nói rằng thanh thiếu niên có kinh nghiệm tình dục lần đầu tiên “cần được hỗ trợ trong việc phát triển bản sắc của họ, trong các vấn đề về giáo dục, tránh thai, mang thai ngoài ý muốn và tránh lây truyền các bệnh tình dục”.
Source:Pillar Catholic