Lý lẽ Bênh vực Chúa Kitô


(Nguyên tác: The Case For Christ của Lee Strobel, do Nhà Xuất Bản Zondervan Publishing House, 1998 )



Giới thiệu

Lee Strobel: Sinh ngày 25 Tháng Giêng năm 1952, là một tác giả Kitô giáo Hoa Kỳ và là một cựu nhà báo điều tra. Ông viết nhiều cuốn sách, trong đó, có 4 cuốn được giải thưởng Sách Kitô Giáo ECPA (1994, 1999, 2001, 2005) và một loạt sách đề cập tới tính chân thật của Kitô giáo. Ông cũng điều khiển một chương trình truyền hình có tên là Faith Under Fire trên PAX TV và một trang mạng hộ giáo bằng video.

Ông tốt nghiệp cử nhân báo chí tại Đại Học Missouri và Cao học Luật tại Đại Học Yale. Ông từng làm việc cho tờ Chicago Tribune và nhiều tờ báo khác trong 14 năm. Sau đó, ông được đề cử làm phụ tá chủ bút điều hành của tờ Daily Herald, trước khi rời bỏ ngành báo chí năm 1987.

Strobel tuyên bố ông vốn là một người vô thần khi bắt đầu điều tra các quả quyết của Kinh Thánh về Chúa Kitô sau khi vợ ông trở lại đạo. Được thúc đẩy bởi các kết quả điều tra, ông trở thành Kitô hữu năm 29 tuổi. Ông trở thành mục sư giảng dạy của Nhà thờ Cộng đồng Willow Creek tại South Barrington, Illinois từ 1987 tới 2000. Năm 2000, ông trở thành mục sư của Nhà thờ Saddleback ở Lake Forest. Năm 2004, ông rời chức vụ để điều khiển chương trình hộ giáo Faith Under Fire. Năm 2014, ông trở thành mục sư giảng dạy tại Nhà thờ Woodlands tại The Woodlands và là giáo sư môn tư tưởng Kitô giáo tại Đại Học Baptist Houston.

Cuốn The Case for Christ: Trong cuốn sách này, cựu biên tập viên luật pháp của Chicago Tribune New York Times, đã vẽ lại cuộc hành trình tâm linh của ông từ chủ nghĩa vô thần bước sang đức tin và xây dựng một lý chứng đầy thuyết phục cho thiên tính của Chúa Kitô.

Ông đối chất hàng chục chuyên gia có bằng tiến sĩ của những trường như Cambridge, Princeton và Brandeis, đặt cho họ những câu hỏi hóc búa và lục lọi sâu xa hơn các bằng chứng từ khoa học, triết học, và lịch sử.

Trong cuộc điều tra tổng thể của ông, Strobel không ngại trước các vấn đề đầy thách thức như:

• Tân Ước đáng tin cậy ra sao?
• Ngoài Kinh Thánh ra, có chứng cớ nào bênh vực Chúa Giêsu không?
• Chúa Giêsu có phải là Đấng Người nói Người là hay không?
• Có lý lẽ nào để tin rằng phục sinh là một biến cố có thực?
• Mọi bằng chứng cho thấy điều gì, và ngày nay chúng có nghĩa ra sao?

Thắng Giải Sách Huy chương Vàng và hai lần được đề nghị lãnh Giải Sách Kitô giáo của Năm, The Case for Christ đã được dựng thành phim và hiện bán được hơn 5 triệu cuốn khắp thế giới.

Theo từ điển mở Wikpedia, cuốn phim cùng tựa đề được sự đạo diễn của Jon Gunn dựa vào truyện phim của Brian Bird, Pure Flix Entertainment phát hành ngày 7 tháng 4 năm 2017, với ngân sách 3 triệu Mỹ kim, tiền thu do bán vé (box office): 17.6 triệu Mỹ kim.

Truyện phim như sau: năm 1980, Lee Strobel là một nhà báo và phóng viên điều tra vô thần của tờ Chicago Tribune. Ông và vợ Leslie có một con gái tên Alison và đang đợi đứa con thứ hai. Sau khi được một giải thưởng đặc biệt, Lee và gia đình đi ăn bữa tối để mừng biến cố. Tại nhà hàng, Alison bị nghẹn vì một cục kẹo. Một trong các khách hàng, vốn là một nữ y tá tên Alfie, đã can thiệp và cứu được Alison. Cô cho rằng biến cố này là Thánh ý Thiên Chúa, điều mà Leslie hoàn toàn tin theo.

Leslie và Alfie trở thành bạn thân và bắt đầu cùng nhau lui tới một thánh đường Kitô giáo. Bực mình, Lee cố gắng can gián vợ nhưng bất thành. Theo lời khuyên của người dìu dắt, Lee bắt tay vào việc tìm chứng cớ chứng minh việc phục sinh của Chúa Giêsu không hề xẩy ra. Trong khi đó, Leslie hạ sinh con trai, Kyle.

Lee bắt đầu thu lượm thông tin và chứng cớ. Sau đó, ông cố gắng chứng minh rằng các nhân chứng bị thôi miên, nhưng một nhà tâm lý học chứng minh ông sai. Rồi ông cố gắng thu lượm chứng cớ cho thấy Chúa Giêsu không chết nhưng đã được mang giấu kín, nhưng một lần nữa, một y sĩ chứng minh ông sai, cho ông thấy Chúa Giêsu quả đã chết trên thập giá.

Trong khi đó, người cha ra xa lạ của Lee cố gắng hòa giải với ông, nhưng ông từ khước. Cha ông sau đó ít lâu qua đời, và lúc đó, ông mới thấy quả thực cha ông rất yêu ông, điều này làm ông ngạc nhiên.

Lee cũng điều tra một vụ bắn hạ một viên cảnh sát. Thoạt đầu, dường như người bị kết án có tội và là một chỉ điểm viên cho một nhóm tội phạm, nhưng Lee chứng tỏ rằng chính viên cảnh sát tự bắn mình bằng cây súng bí mật dưới dạng một cây viết, và người bị kết án được trả tự do.

Lee cố gắng thu thập thêm bằng chứng cho cuộc điều tra tôn giáo của mình, nhưng người dìu dắt ông giải thích rằng bất kể ông quyết định tin hay không tin, phần cuối cùng chứng minh sự hiện hữu thực sự của Người là đức tin. Khi một đồng nghiệp khuyên nhủ, Lee đã quyết định làm một bước nhẩy vọt vào đức tin. Khi Lee cho Leslie biết tin, họ đã giảng hòa và cùng nhau cầu nguyện.

Lời người dịch

Chúng tôi phiên dịch tác phẩm này, dù biết tác giả là một mục sư Thệ Phản. Thiển nghĩ về phương diện học hỏi Kinh Thánh, người Thệ Phản đã có nhiều đóng góp tiên phong và giá trị, có khi trổi vượt hơn người Công Giáo. Trong tinh thần đại kết, hai bên, Công Giáo và Thệ Phản, đã có nhiều trao đổi và hợp tác hết sức chân tình và hữu ích. Điển hình là Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ với sự hợp tác và hỗ trợ của Liên hiệp Thánh Kinh Hội, mà chúng tôi tin phần lớn thành viên là Thệ Phản. Nhờ thế mà Kinh Thánh Công Giáo hiện đã vào được gần như mọi gia đình Viêt Nam. Nên e ngại lúc ban đầu đã bị đánh tan.

Duy có phần tác giả đề cập đến việc Chúa Giêsu, dù ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã tự trút bỏ mình, mặc lấy thân phận nô lệ (Pl 2:7) điều mà Thánh Phaolô gọi là kenosis, có thể khó hiểu. Tác giả hiểu Chúa Giêsu tự ý từ bỏ việc sử dụng các thuộc tính của thiên tính, tuy nhiên, có lúc, Người vẫn sử dụng các thuộc tính này, như làm cho người chết sống lại chẳng hạn. Theo tác giả, lúc đó, Người hành động với sự cho phép của Chúa Cha, chứ không do quyền năng Ngôi Hai của Người.

Về hạn từ “kenosis” này, có nhiều giải thích. Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ chú giải là Chúa Giêsu trút bỏ “mọi vinh quang Người có quyền có và làm cho mình hoá ra không khi trở nên một người như muôn vàn người khác, nghĩa là chia sẻ tất cả những yếu đuối của thân phận con người như đói khát, mệt nhọc, đau khổ và cả cái chết (x. Gl 4:4; Rm 8:3; Dt 2:17)”. Lối giải thích “trút bỏ vinh quang” này cũng là lối giải thích của Cha Nguyễn Thế Thuấn, dù Cha dịch hạn từ này là “hủy mình ra không” (tr.448). Cha An Sơn Vị cũng giải thích như thế, dù cha dịch hạn từ này là “bỏ dứt mình đi” (tr.1324). Từ Điển Đức Tin Kitô Giáo Pháp-Việt cũng cùng một lối giải thích như thế: “Ngôi Lời, trong sự Nhập Thể, đã từ bỏ địa vị ngang bằng vinh quang với Thiên Chúa” (Tr.441).

Linh mục Brendan Byrne S.J., trong chú giải Thư Philíphê, cho rằng có lẽ phải hiểu hạn từ này theo nghĩa ẩn dụ: “trở nên vô quyền [powerless], vô hiệu [ineffective]”. Thành thử câu này có nghĩa: Chúa Kitô tự ý làm cho Người thành vô quyền, y hệt như nô lệ vô quyền vậy “mặc lấy thân nô lệ”. Trong tư tưởng của bài thánh ca (xem Gl 4:1-11; 4: 21-5:1; Rm 8:15), hiện hữu nhân bản chưa được cứu chuộc, trong yếu tính, là thân nô lệ, dưới ách các quyền lực thiêng liêng, tận cùng bằng cái chết (The New Jerome Biblical Commentary, Student Edition: Geoffrey Chapman, 2000 số 48:20 tr.795).

Dù là trút bỏ vinh quang hay quyền lực, nhưng nhất quyết không phải là trút bỏ thiên tính, vì Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, Người là Thiên Chúa đời đời, không lúc nào không là Thiên Chúa ngay trong Nhập Thể. Phải nói như Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, số 469, rằng: “Người thực sự là Con Thiên Chúa đã làm người, anh em của chúng ta, nhưng vẫn là Thiên Chúa, Chúa chúng ta. Phụng vụ Rôma ca hát rằng: ‘Người vẫn là Người như trước, Người đã đảm nhận lấy điều Người chưa là trước đó’”.

Ấy thế mà, theo New Catholic Encyclopedia, có cả một lý thuyết gọi là kenoticism chủ trương rằng khi Nhập Thể, Ngôi Lời Thiên Chúa đã trút bỏ một phần hay trọn thiên tính của Người: Người đã từ bỏ quyền năng vô hạn của Người, từ bỏ sự hiểu biết mọi sự của Người, từ bỏ sự hiện diện khắp nơi của Người. Người mất hết ý thức về thiên tính của Người; hoặc thậm chí, Người còn thôi không còn là Thiên Chúa từ lúc Nhập Thể tới lúc Sống Lại.

Lý thuyết trên bắt đầu với các nhà thần học Tin Lành của Đức trong thế kỷ 19, sau đó, được một số người Anh Giáo và Chính Thống Nga tiếp nhận. Ngược hẳn lại truyền thống giáo phụ chính dòng hiểu Đoạn Ph 2: 6-11 như bằng chứng Kinh Thánh về thiên tính của Chúa Kitô, về nhân tính đích thực và trọn vẹn của Người, và sự hiệp nhất của Ngôi Vị Người.

Dĩ nhiên, một lý thuyết như thế bị Giáo Hội Công Giáo chính thức kết án. Thực vậy, Đức Piô XII, trong thông điệp Sempiternus Rex Christus năm 1951 đã lên án lý thuyết này, coi nó “là một sáng chế xấu xa, phải bị lên án ngang với thuyết Docetism (ảo thân thuyết) vốn chống lại nó”.

Lối giải thích của Thánh Tôma Aquinô về kenosis (tiếng Latinh: exinanitio), theo Linh mục Gilles Emery, Dòng Đa Minh, Giáo sư Đại Học Fribourg, Thụy Sĩ, trong bài Kenosis, Christ, and the Trinity in Thomas Aquino, đăng trên tập san Nova et Vetera, Ấn bản tiếng Anh, Bộ 17, số 3, năm 2019 và phổ biến trên trang mạng https://core.ac.uk/download/pdf/226979846.pdf, dựa vào các nguồn Thánh Ambrôsiô, Thánh Augustinô, Ambrosiaster, và Thánh Grêgôriô Cả. Tuy nhiên, ngài đã cung cấp nhiều điểm độc đáo của riêng ngài. Ngài làm rõ ý nghĩa của động từ exinanivit như sau:

“Người tự làm rỗng mình. Nhưng vì Người tròn đầy thiên tính, liệu Người có tự làm rỗng thiên tính đó hay không? Không hề, vì Người vẫn là điều Người vốn là; và điều Người không là, Người mang lấy. Nhưng phải hiểu điều này theo như việc Người mang lấy điều Người không có, chứ không theo như việc Người mang lấy điều Người có. Vì cũng như Người từ trời xuống, không phải vì Người ngưng hiện hữu ở trên trời, nhưng vì Người bắt đầu hiện hữu trên trái đất một cách khác thế nào, thì Người cũng tự làm rỗng Người, không phải bằng cách trút bỏ bản tính Thiên Chúa của Người, mà chỉ bằng cách mang lấy bản tính nhân loại như vậy” (Super Phil 2, lec. 2 [no. 57]).

Một mặt, tính bất biến thần linh của chủ thể kenosis đã được khẳng định rõ ràng bằng lời lẽ lấy của các Thánh Augustinô và Grêgôriô Cả qua công thức thời danh “quod erat permansit et quod non erat, assumpsit” [người vẫn là điều Người vốn là; và điều Người không là, Người mang lấy]. Mặt khác, kenosis được hiểu là mang lấy bản tính nhân loại, nghĩa là Nhập thể. Trong nhiều đoạn văn khác, Thánh Tôma minh nhiên đồng nhất hóa exinanitio của Pl 2:6-7 với việc hợp nhất bản vị hay Nhập thể. Trong chú giải của ngài về Thư Philíphê, ngài hiểu exinanitio như “Nhập thể” hay như “sự kết hợp trong ngôi vị”. Vì exinanitio không bao hàm việc thay đổi, mất mát hay giảm thiểu nào của thiên tính Chúa Con, nên điều cần thiết phải nói rõ Nhập thể là exinanitio theo nghĩa nào. Ngài giải thích như sau:

“[Thánh Tông đồ] nói rất hay rằng [Chúa Kitô] tự làm rỗng mình, vì rỗng ngược với tròn đầy. Vì bản tính Thiên Chúa tròn đầy một cách thỏa đáng, vì mọi sự hoàn hảo của điều tốt lành đều có ở đó. Nhưng bản tính nhân loại, cũng như linh hồn, thì không tròn đầy, nhưng có tiềm năng tròn đầy, vì nó được tạo nên như tấm bảng chưa được viết lên. Do đó, bản tính nhân loại là rỗng. Do đó ngài nói, Người tự làm rỗng mình, vì Người mang lấy bản tính nhân loại” (Super Phil 2, lec. 2 [no. 57]).

Lối giải thích của Thánh Tôma không hẳn là không có lý, lạ một điều, ngày nay các chú giải Công Giáo ít khi theo lối giải thích này. Chính Cha Emery cũng cho rằng lối giải thích của thánh nhân có tính chiểu tự vì động từ exinanire, hiểu theo chiểu tự, là “trở nên rỗng”. Cha cũng cho rằng: Lối giải thích này không phổ biến giữa các tác giả đồng thời với thánh nhân. Vả lại, khi cho rằng “bản tính nhân loại...được tạo nên như tấm bảng chưa được viết lên”, và do đó, trống rỗng, theo Cha Emery, là Thánh Tôma muốn lấy lại quan điểm “tabula rasa” [tấm bảng chưa được viết gì] của Aristốt, một quan điểm xét con người thiên về linh hồn hay trí hiểu nhiều hơn là một hữu thể gồm cả xác lẫn hồn.

Kỳ sau: Lý Lẽ Bênh Vực Chúa Kitô, Chương Dẫn Nhập