1. Tổng thống Zelenskiy triều yết Đức Thánh Cha Phanxicô

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã đến Vatican vào hôm thứ Bảy theo giờ địa phương Rôma để triều yết Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đây là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa Zelenskiy và Đức Giáo Hoàng kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào năm ngoái.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thẳng thắn ủng hộ việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

Năm ngoái, trong một cuộc trò chuyện với giám đốc các ấn phẩm tôn giáo, Đức Giáo Hoàng đã nói rằng ngài không “ủng hộ” Tổng thống Nga Vladimir Putin, mà “chỉ đơn giản là chống lại việc giảm thiểu sự phức tạp thành sự phân biệt giữa tốt và xấu, mà không nghĩ đến gốc rễ và lợi ích vốn rất phức tạp.”

“Trong khi chúng ta chứng kiến sự hung hãn, tàn ác của quân đội Nga, chúng ta không được quên những vấn đề cần giải quyết,” ngài nói vào thời điểm đó.

Đức Giáo Hoàng cũng đã cảnh báo nhà lãnh đạo của Giáo hội Chính thống Nga, Thượng phụ Kirill, không được trở thành “cậu bé giúp lễ của Putin.”

Cuộc gặp hôm thứ Bảy giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã kéo dài 40 phút, trong đó Zelenskiy và Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về tình hình nhân đạo và chính trị ở Ukraine do chiến tranh đang diễn ra, Phòng Báo Chí Tòa Thánh Vatican cho biết như trên.

Văn phòng báo chí của Vatican cho biết: “Đức Giáo Hoàng đã bảo đảm sự cầu nguyện liên tục của mình, được chứng kiến bằng nhiều lời kêu gọi công khai và liên tục cầu xin Chúa ban hòa bình, kể từ tháng 2 năm ngoái. Cả hai đều đồng ý về sự cần thiết phải tiếp tục các nỗ lực nhân đạo để hỗ trợ người dân.”

Theo tuyên bố, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh sự cần thiết của “những cử chỉ nhân văn” đối với các nạn nhân của chiến tranh.

Đó là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa Zelenskiy và Đức Giáo Hoàng kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga bắt đầu. Đức Giáo Hoàng đã thẳng thắn ủng hộ việc chấm dứt xung đột.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô vì đã dành “sự quan tâm cá nhân” đến cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine. Sau cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng, Ông Zelenskiy nói:

“Tôi nhấn mạnh rằng có hàng chục nghìn trẻ em bị trục xuất, chúng ta phải nỗ lực hết sức để đưa các em về nhà. Ngoài ra, tôi thỉnh cầu Đức Thánh Cha lên án tội ác của Nga ở Ukraine. Không thể có sự bình đẳng giữa nạn nhân và kẻ xâm lược.”

Hôm 18 tháng Ba, Tòa án Hình sự Quốc tế đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin và quan chức Nga Maria Lvova-Belova vì cáo buộc âm mưu bắt cóc trẻ em Ukraine sang Nga.

Zelenskiy cũng đã nói chuyện với Đức Giáo Hoàng về kế hoạch hòa bình 10 điểm của mình, nói rằng đó là “thuật toán hiệu quả duy nhất để đạt được một nền hòa bình công bằng.”

Sau cuộc họp, Zelenskiy nói với các biên tập viên hàng đầu của giới truyền thông Ý ở Rôma rằng Vatican đã gửi tín hiệu ủng hộ kế hoạch này.

“Điều này rất quan trọng và chúng tôi cũng được chính phủ Ý cũng như nhiều quốc gia khác hỗ trợ,” Zelenskiy nói.

Ông nói thêm rằng Ukraine không cần một người hòa giải trong bất kỳ cuộc đàm phán tiềm năng nào với Nga.

“Với tất cả sự kính trọng dành cho Đức Thánh Cha, tôi muốn nói là chúng tôi không cần một người hòa giải giữa Ukraine và một quốc gia xâm lược đã xâm lược lãnh thổ của chúng tôi. Chúng tôi cần đưa ra một kế hoạch hành động để phát triển một nền hòa bình công bằng ở Ukraine và sau đó chúng tôi sẽ mời Vatican với tư cách là một trong những nhà lãnh đạo tham gia vào định dạng này.”

2. Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng hội Dòng Chúa Thánh Thần

Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 08 tháng Năm vừa qua, dành cho Tổng tu nghị của Dòng Chúa Thánh Thần, Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi những giá trị cơ bản trong đoàn sủng của dòng là can đảm, cởi mở, và phó thác cho hoạt động của Chúa Thánh Linh, để đổi mới.

Dòng Chúa Thánh Thần, có tên chính thức là “Dòng Chúa Thánh Thần dưới sự bảo vệ của Khiết Tâm Đức Mẹ” (C.S.Sp) do thầy phó tế Claude-Francois Poullart des Places cùng với 12 chủng sinh thành lập, ngày 27 tháng Năm năm 1703 bên Pháp, chuyên dấn thân hoàn toàn vào việc huấn luyện cho các chủng sinh nghèo trên con đường trở thành linh mục. Về sau, dòng đã hiệp với Dòng Thánh Tâm Maria, do linh mục Francois Liebermann (18-2-1852), gốc Do thái trở lại Công Giáo và thành lập, một dòng chuyên loan báo Tin mừng cho những người da màu. Hai dòng được thống nhất theo ý của Đức chân phước Giáo hoàng Piô IX, ngày 10 tháng Chín năm 1848, và thành một dòng duy nhất. Hiện nay, dòng có 2.600 tu sĩ đang hoạt động tại 60 quốc gia năm châu, với sự cộng tác của rất nhiều giáo dân. Tại Á châu, dòng này hiện diện và hoạt động tại ba nước là Philippines, Pakistan và Đài Loan.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Nhờ sự sẵn sàng thay đổi và kiên trì, anh em vẫn luôn trung thành với tinh thần nguyên thủy, đó là loan báo Tin mừng cho người nghèo, chấp nhận những vùng truyền giáo, nơi mà không ai muốn đi tới, ưu tiên dành cho việc phục vụ những người bị bỏ rơi nhất, tôn trọng các dân tộc và các nền văn hóa, huấn luyện hàng giáo sĩ và giáo dân để thực thi sự phát triển nhân bản toàn diện, tất cả trong tinh thần huynh đệ và cuộc sống đơn sơ, chăm chỉ cầu nguyện”.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Đoàn sủng của anh em, cởi mở và tôn trọng, đó là điều đặc biệt quý giá ngày nay, trong một thế giới với thách đố liên văn hóa và bao gồm, một điều sinh động và cấp thiết trong cũng như ngoài Giáo hội. Vì thế, tôi nói với anh em rằng: đừng từ bỏ lòng can cảm và tự do nội tâm của anh em Hãy vun trồng và làm cho nó trở thành một nét sinh động trong công tác tông đồ của anh em. Bao nhiêu người nam nữ ngày nay còn cần Tin mừng, không những tại các nước gọi là “các xứ truyền giáo”, nhưng cả tại Tây phương già nua và mệt mỏi”.

3. Công Giáo tại Hàn Quốc tăng lên 11.3% dân số toàn quốc

Theo thống kê mới nhất, số tín hữu Công Giáo tại 16 giáo phận toàn quốc tăng lên 11,3% dân số toàn quốc, tức là gần 6 triệu tín hữu (5.949.862), tăng 0,2% tính đến cuối năm ngoái (2022).

Niên giám Thống kê của Hội đồng Giám mục Hàn Quốc, công bố hồi cuối tháng Tư vừa qua, cho biết số tín hữu tham dự thánh lễ mỗi Chúa nhật, trong năm ngoái, trung bình gần một triệu người, tương đương với 11,8%. Tỷ lệ này tăng 3% so với năm 2021, vì năm ngoái không còn những hạn chế vì đại dịch như trước. Tuy nhiên, trước đại dịch số tín hữu dự lễ Chúa nhật là 18,3%.

Tổng số tín hữu được rửa tội trong năm ngoái là gần 41.500 người, tăng 13,3%. Thống kê phân ba loại những người được rửa tội, là trẻ em, người lớn và người sắp qua đời. Tỷ lệ người lớn rửa tội tăng 9,3%, và người gần qua đời được rửa tội tăng 16%, trong khi tỷ lệ trẻ em rửa tội giảm 7,2%, từ năm 2015 đến 2019, nhưng trong năm ngoái, 2022, tăng 22,1% so với năm 2021 trước đó.

Số linh mục Hàn Quốc trong năm ngoái tăng thêm 77 người và hiện có 5.703 linh mục toàn quốc, kể cả hai Hồng Y, 40 giám mục. Số linh mục dòng tăng thêm 16 vị và hiện có 826 vị. Có 96 tân linh mục trong năm ngoái, tăng ba vị so với năm trước đó.

Hiện nay, Giáo Hội Công Giáo Hàn Quốc có 1.007 thừa sai ở nước ngoài, giảm 108 người so với năm trước đó. Trong số các thừa sai, có 244 linh mục, 50 nam đan sĩ, và 700 nữ tu, chỉ có 8 giáo dân thừa sai.

4. Giáo hội tại Ukraine giúp loại trừ oán ghét

Đức Cha Krivitsky, Giám mục Giáo phận thủ đô Kyiv và Jytomyr, thuộc Giáo Hội Công Giáo Latinh ở Ukraine, cho biết Giáo hội địa phương đang cố gắng giúp bài trừ oán ghét như hậu quả của chiến tranh.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình tiếng Đức của Đài Vatican, truyền đi hôm ngày 07 tháng Năm vừa qua, Đức Cha Krivitsky nói rằng: “Trách vụ của Giáo hội ngày nay trước tiên là đừng để người dân chìm sâu trong chiến tranh. Vấn đề ở đây là giúp dân chúng đừng mất những nền tảng, trên đó họ xây dựng toàn thể cuộc sống của họ”.

Đức Cha giải thích rằng: “Nhiều người đã mệt mỏi vì chiến tranh và phản ứng của họ không luôn luôn thích hợp. Nhưng chúng ta không có quyền để cho tâm hồn chúng ta bị sự giận dữ và sự nghi kỵ nhau thống trị”.

Đức Cha Krivitsky lưu ý về hiện tượng càng ngày càng có những căng thẳng trong các gia đình người dân Ukraine. Nhiều người dân di tản. Họ cần được sự hỗ trợ các nhu cầu vật chất cơ bản, vì những tài trợ của nhà nước không đủ đối với những người đã bị mất hết cả sản nghiệp. Ngoài ra, họ cũng cần được đón tiếp về phương diện nhân bản và xã hội, để có thể thực sự hội nhập tại nơi cư ngụ mới. Toàn thể cộng đồng đang đối diện với những thách đố rất lớn”.

Đức Cha nói: “Chúng tôi cũng thấy những căng thẳng tích chứa trong các gia đình. Rất nhiều khi điều này là do sự kiện các gia đình bị chia cách, khi một người đàn ông ở lại trong nước, và vợ con họ đi ra nước ngoài. Năm ngoái, hai phần của cùng gia đình có những cuộc sống hoàn toàn khác biệt nhau”.

Vì thế, theo Đức Cha Krivitsky, trách vụ của Giáo hội là tái lập sự hiệp nhất giữa những người trước đây đã được liên kết trước bàn thờ, qua hôn phối, và nay đang bị chia cách vì chiến tranh”.