1. Đại hội của Caritas Quốc tế

Từ ngày 11 đến ngày 16 tháng Năm tới đây, Đại hội của Caritas Quốc tế sẽ tiến hành tại Roma, với sự tham dự của hơn 400 đại biểu của 162 tổ chức Caritas quốc gia hoạt động tại 200 nước trên thế giới.

Đại hội này nhóm họp bốn năm một lần và lần này có chủ đề là: “Xây dựng những con đường mới của tình huynh đệ”.

Trong đại hội, các đại biểu sẽ bầu vị tân Chủ tịch, Tổng thư ký, thủ quỹ, Hội đồng chấp hành và Hội đồng đại diện của Liên hiệp, với nhiệm kỳ bốn năm. Các tham dự viên cũng suy tư về chủ đề của Đại hội theo tinh thần Thông điệp “Fratelli tutti” của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Ngoài ra, các vị cũng thảo luận về vấn đề: làm sao có thể làm việc hữu hiệu hơn với nhau để phục vụ những người nghèo túng và dễ bị tổn thương nhất, trong một thế giới hiện đang bị nhiều cuộc khủng hoảng: từ chiến tranh Ukraine đến đại dịch Covid, từ những hậu quả của sự thay đổi khí hậu và tình trạng bất an về lương thực đang lan rộng.

Ngay trong ngày đầu tiên, 11 tháng Năm, các tham dự viên sẽ được Đức Thánh Cha tiếp kiến. Và ngày hôm sau, 12 tháng Năm, sẽ có một cuộc suy tư về đề tài: “Những thách đố hoàn cầu và vai trò của Caritas”, với bài tham luận của Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh, và Đại sứ Gabriel Ferrero y de Loma-Osorio, Chủ tịch Ủy ban an ninh lương thực thế giới, của Chủ tịch Caritas các nước Ghana, Miến Điện, và Ái Nhĩ Lan.

Những ngày sau đó, sẽ có những khóa họp bàn về ba vấn đề chủ yếu của Caritas quốc tế, đó là sự đồng hành, hoạt động tại các miền và cộng tác huynh đệ. Trong các khóa họp này sẽ có những bài tham luận của Đức Hồng Y Mario Grech, Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, nữ tu Alessandra Smerili, Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ, Tổng thư ký Bộ Phát triển nhân bản toàn diện.

2. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Thánh lễ Latinh truyền thống đang được sử dụng một cách ý thức hệ

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài đã thực hiện một trong những thay đổi của Traditionis custodes, tự sắc năm 2021 hạn chế việc cử hành Thánh lễ Latinh truyền thống, bởi vì việc chuẩn chước từ những người tiền nhiệm của ngài đã “được sử dụng theo một cách ý thức hệ”.

Đức Giáo Hoàng đã nói về Thánh lễ Latinh trong một cuộc trò chuyện riêng với các tu sĩ Dòng Tên vào ngày thứ hai của chuyến đi từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 4 tới Budapest, Hung Gia Lợi. Văn bản của cuộc gặp ngày 29 tháng 4 với các tu sĩ Dòng Tên được xuất bản bởi tạp chí La Civiltà Cattolica hay Văn Minh Công Giáo của Dòng Tên vào ngày 9 tháng 5.

Trong phiên hỏi đáp, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài lo ngại về một “phản ứng chống lại cái hiện đại,” hay cái mà ngài gọi trong tiếng Ý là “indietrismo”, nghĩa là “sự lạc hậu”.

“Đó là một căn bệnh hoài cổ,” ngài nói, đồng thời giải thích rằng đây là lý do tại sao ngài buộc các linh mục được thụ phong sau ngày 16 tháng 7 năm 2021 phải xin phép giám mục của các ngài và Tòa thánh để dâng Thánh lễ theo sách lễ năm 1962, thường được gọi là Thánh lễ Latinh.

Hạn chế này đã được đưa ra trong đoạn 6, điều 4 của Traditionis Custodes, do Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành vào tháng 7 năm 2021.

“Sau tất cả các cuộc tham vấn cần thiết, tôi quyết định điều này bởi vì tôi thấy rằng các biện pháp mục vụ tốt mà Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI đã áp dụng đang được sử dụng một cách lạc hậu về mặt ý thức hệ. Cần phải ngăn chặn 'indietrismo' này, vốn không nằm trong tầm nhìn mục vụ của những người tiền nhiệm của tôi,” Đức Thánh Cha nói với nhóm 32 tu sĩ Dòng Tên ở Hung Gia Lợi.

Thông qua tự sắc Traditionis Custodes, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặt ra những hạn chế sâu rộng đối với việc cử hành Thánh lễ sử dụng Sách Lễ Rôma năm 1962, được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như hình thức ngoại thường của nghi lễ Rôma, Thánh lễ Tridentinô và Thánh lễ Latinh truyền thống.

Vị tiền nhiệm của Đức Phanxicô là Đức Bênêđictô XVI đã ban hành một tông thư năm 2007 có tên là Summorum Pontificum, công nhận quyền của tất cả các linh mục cử hành Thánh lễ bằng Sách Lễ Rôma năm 1962.

Nhận xét của Đức Phanxicô về việc cử hành Thánh lễ Latinh được thúc đẩy bởi một câu hỏi về việc hòa giải Giáo hội và thế giới hiện đại, như đã được thảo luận tại Công đồng Vatican II.

Đức Giáo Hoàng nói: “Tôi không biết trả lời thế nào về mặt lý thuyết, nhưng tôi chắc chắn biết rằng Công đồng vẫn đang được áp dụng. Họ nói rằng phải mất một thế kỷ để một Công Đồng được đồng hóa.”

“Và,” ngài nói thêm, “tôi biết sự phản kháng đối với các sắc lệnh của Công Đồng là rất khủng khiếp. Có sự hỗ trợ đáng kinh ngạc cho chủ nghĩa phục hồi, cái mà tôi gọi là 'indietrismo' (sự lạc hậu), như Thư gửi các tín hữu Do Thái(10:39) nói: ‘Phần chúng ta, chúng ta không phải là những người bỏ cuộc để phải hư vong, nhưng là những người có lòng tin để bảo toàn sự sống’. Dòng chảy của lịch sử và ân sủng đi từ gốc rễ trở lên giống như nhựa cây đơm hoa kết trái. Nếu không có dòng chảy này, bạn vẫn là một xác ướp. Đi ngược lại không bao giờ bảo toàn được mạng sống.”

“Bạn phải thay đổi, như Thánh Vincent thành Lérins đã viết trong Commonitory của mình khi nhận xét rằng ngay cả tín điều của Kitô Giáo cũng tiến triển, củng cố qua nhiều năm, phát triển theo thời gian, đào sâu theo thời gian”


Source:Catholic News Agency

3. Ý nghĩa của Ukraine, theo phân tích của Tiến sĩ George Weigel

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “WHAT UKRAINE MEANS”, nghĩa là “Ý nghĩa của Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, một điều được coi là rất khó xảy ra trong thế kỷ 21 và gần như không thể tưởng tượng được đã xảy ra: Một quốc gia lớn ở Âu Châu tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện, quy mô lớn vào một quốc gia lớn khác ở Âu Châu.

Quốc gia bị tạm chiếm không gây ra mối đe dọa nào đối với an ninh của kẻ xâm lược, mà chỉ đe dọa đến ý thức hệ sai lầm của nhà lãnh đạo. Và trong một bối cảnh rùng rợn khác tương tự với những gì đã diễn ra giữa những năm 1930, các kịch bản được viết trong thập kỷ khốn cùng đó quay trở lại với sự báo thù: Kẻ xâm lược đã làm ô nhiễm không gian thông tin toàn cầu bằng hàng loạt tuyên truyền và dối trá, trong khi một số người ở phương Tây, giống như Neville Chamberlain, hỏi tại sao họ nên quan tâm đến một “cuộc tranh cãi ở một đất nước xa xôi, giữa những người mà chúng ta không biết gì về họ.” Giờ đây, sau một năm được đánh dấu bằng sự tàn ác dã thú của bên xâm lược và lòng dũng cảm đáng kinh ngạc ở bên kia, cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine đứng trước mắt chúng ta như một thời điểm then chốt trong lịch sử đương đại. Nắm bắt ý nghĩa của thời điểm đó là điều cần thiết trong việc vạch ra chính sách khôn ngoan nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh và tự do cho cả Hoa Kỳ và Ukraine; việc không hiểu chính xác những gì đang bị đe dọa ở Ukraine sẽ dẫn đến việc hoạch định chính sách thiếu hiệu quả và làm dấy lên bóng ma về một thế giới Hobbesian trong đó tất cả đang có chiến tranh với tất cả.

Vậy Ukraine nghĩa là gì? Cuộc chiến Nga ở Ukraine năm qua tiết lộ điều gì?

Ý nghĩa của Ukraine đối với chính trị thế giới là những dàn xếp dường như ổn định sau Chiến tranh Lạnh ở Âu Châu trên thực tế chỉ là một thỏa thuận ngừng bắn.

Ý nghĩa của Ukraine đối với Nga là văn hóa chính trị của nước này đang bị ảnh hưởng bởi một câu chuyện văn hóa-lịch sử sai lầm đã lan rộng thành một dạng hoang tưởng, đẩy nhanh quá trình đất nước này rơi vào chế độ chuyên quyền và tình trạng bị quốc tế gạt bỏ.

Ý nghĩa của Ukraine đối với Ukraine là quá trình xây dựng quốc gia đầy ấn tượng, vốn đã tăng tốc kể từ năm 2013, phải được tiếp tục và tăng cường trong cuộc chiến tranh vì sự sống còn của quốc gia.

Ý nghĩa của Ukraine đối với Hoa Kỳ là không có kỳ nghỉ nào từ lịch sử và không có lối thoát khỏi chính trị thế giới đối với Mỹ và người Mỹ.

Ở cấp độ vĩ mô của chính trị thế giới, cuộc chiến tranh của Nga với Ukraine đã làm sai lệch niềm tin thời hậu Chiến tranh Lạnh của nhiều người ở Tây Âu và một số người ở Bắc Mỹ, rằng một Âu Châu không có chiến tranh là có thể. Có lẽ thỉnh thoảng sẽ có những cuộc bùng phát ở vùng Balkan luôn luôn bất ổn. Nhưng người ta cho rằng những cuộc chiến tranh lớn giữa các nước lớn đã là dĩ vãng, bởi vì các thỏa thuận an ninh thay thế, được bảo đảm bởi sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, đã được thực hiện một cách an toàn.

Tuy nhiên, điều tưởng như là một phiên bản của hệ thống hòa bình vĩnh viễn của Immanuel Kant hóa ra lại chỉ là một thỏa thuận đình chiến, bởi vì các lực không thể định lượng được đang hoạt động bên dưới bề mặt lịch sử, giống như các lực địa chất đang hoạt động bên dưới lớp vỏ Trái đất. Và những lực lượng đó cuối cùng đã nổ ra. Về sự tương tự địa chất này, một trận động đất co thắt ở các vùng của Ukraine đã không đánh thức Âu Châu và Hoa Kỳ khỏi giấc ngủ Kant của họ vào năm 2014. Sau đó là vụ phun trào núi lửa vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, khi Nga xâm lược Ukraine với ý định rõ ràng là phá hủy toàn bộ chủ quyền của đất nước này—hoặc, nếu không làm được điều đó, cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội và văn hóa của nó. Và giấc mơ của Kant đã tan tành.

Kinh nghiệm của năm vừa qua cũng có nghĩa là văn hóa là động lực thúc đẩy lịch sử hơn nhiều so với hầu hết những gì các nhà Hiện thực về chính trị thế giới nghĩ. Cuộc chiến của Nga với Ukraine là cuộc chiến chống lại trật tự Âu Châu thời hậu Chiến tranh Lạnh và rộng hơn là văn hóa chính trị của phương Tây. Một động lực văn hóa quan trọng của cuộc chiến này là một lịch sử sai lầm, theo đó Mạc Tư Khoa là người thừa kế hợp pháp duy nhất lễ rửa tội của người Slav phương Đông vào năm 988. Đó là một sự kiện thực sự xảy ra bên ngoài Kyiv, vào thời điểm Mạc Tư Khoa vẫn còm là một khu rừng đầy chó sói và gấu. Bất chấp những phức tạp lịch sử của nhân khẩu học Đông Slav, câu chuyện kể về người Nga— trong đó người Ukraine cùng lắm cũng chỉ là “những người em nhỏ” đối với bá chủ Nga vĩ đại, và tệ hơn nữa không xứng đáng được gọi là một quốc gia — đơn giản là sai, về phương diện lịch sử. Nhưng cốt truyện sai lầm này nằm sau chủ nghĩa đế quốc của hoàng tử Muscovite ở thế kỷ 15, Ivan Đại đế, được biết đến với biệt danh “người thu thập các vùng đất Nga”, và nó đã tạo điều kiện cho sự bành trướng đế quốc của Nga trong nhiều thế kỷ. Nó tồn tại ngay cả trong thời kỳ cuối của Liên Xô; thành ra, vào năm 1988, chế độ Xô viết của Mikhail Gorbachev đã chi những khoản tiền lớn để cải tạo các nhà thờ Chính thống Nga để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm thiên niên kỷ năm đó, điều này đã loại bỏ hoàn toàn người Ukraine ra khỏi câu chuyện Kitô giáo Đông Slav bắt đầu từ năm 988. Và bất kể niềm tin thực sự của Vladimir Putin về những vấn đề này, người từng gọi sự sụp đổ của Liên Xô là thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ 20 đã rất vui khi sử dụng lịch sử sai lầm này để hợp pháp hóa quyết tâm của mình nhằm tiêu diệt Ukraine với tư cách là một quốc gia độc lập và khôi phục một đế chế Nga. Biểu tượng tuyệt vời của sự hấp thụ Ukraine vào thần thoại Nga này là bức tượng cao 52 foot của hoàng tử Kyivan Volodymyr, người đã lãnh đạo việc chuyển đổi những người Slav phương Đông sang Kitô giáo, mà Putin đã dựng lên ở trung tâm Mạc Tư Khoa vào năm 2016.

Do đó, tuyên bố của các học giả nổi tiếng về chính trị thế giới như Henry Kissinger và Zbigniew Brzezinski - rằng Nga không có Ukraine không thể là một cường quốc, và cũng không thể là trung tâm của một đế chế - vừa đúng nhưng cũng không đủ. Nước Nga không có Ukraine cũng là một nước Nga phải đương đầu với hư cấu lịch sử vốn đã định hình và bóp méo quan niệm và hình ảnh bản thân quốc gia của nước này trong nhiều thế kỷ.

Cuộc chiến ở Ukraine cũng đã làm sáng tỏ - hoặc lẽ ra phải làm rõ - rằng không tồn tại thứ gọi là trật tự quốc tế tự điều chỉnh. Một người nào đó—một số quyền lực hoặc quyền hạn—sẽ xác định trật tự của các vấn đề thế giới. Phần Lan và Thụy Điển đã nhận ra thực tế kinh nghiệm này của đời sống công cộng quốc tế trong đơn xin gia nhập NATO. Những người khác ở phương Tây - ở Pháp, ở Đức và trong Quốc hội Hoa Kỳ - thì không. Nhưng khi Putin nói rằng mục tiêu cuối cùng của ông là “sự sụp đổ của quyền bá chủ phương Tây”, thì lời nói này của ông ta phải gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh.

Khi nói đến “sự sụp đổ của quyền bá chủ phương Tây”, Putin muốn nói đến sự phá hủy các hệ thống an ninh quốc tế và trao đổi quốc tế đã ngăn chặn xung đột toàn cầu kể từ năm 1945. Chính mạng lưới liên minh, thỏa thuận ngoại giao và thể chế quốc tế đó cũng tạo điều kiện cho hàng tỷ người dân tự vươn lên thoát nghèo. Không một người lành mạnh nào ở phương Tây lại muốn giấc mơ của Putin trở thành hiện thực – cho dù chúng ta có đúng đắn đến mức nào để lên án thứ bùn do văn hóa phương Tây thải ra, và cho dù chúng ta có chỉ trích đúng đắn đến đâu đường lối kinh tế quốc tế chỉ dựa vào lợi nhuận, và giới tinh hoa “Davos.”

Một thế giới sau chiến thắng của những nỗ lực của Putin nhằm đảo ngược những thành tựu đạt được nhờ chiến thắng của phương Tây trong Chiến tranh Lạnh sẽ là một thế giới tồi tệ hơn nhiều đối với tất cả mọi người, mà lẽ ra người ta phải thấy trong sự đổ nát kinh tế toàn cầu do cuộc chiến của Putin gây ra trong năm qua. Và mối quan tâm bảo vệ trật tự quốc tế này không phải là “bác ái”. Mượn lời của Tổng thống Franklin Roosevelt khi ông cố gắng cảnh báo người dân Mỹ vào năm 1940 về những mối nguy hiểm do chiến thắng tiềm ẩn của Hitler, Mussolini và Nhật Bản của Tojo, một thế giới như vậy sẽ là “một nơi tồi tàn và nguy hiểm để sống—vâng, ngay cả đối với người Mỹ.”

Các hệ thống quốc tế mà Putin lên án dưới danh nghĩa “bá quyền của phương Tây” có thể và phải được cải cách. Những gì Putin muốn đặt vào vị trí của các hệ thống này có thể và phải bị chống lại và đánh bại.

Ngoài sự tàn phá mà nó đã gây ra ở Ukraine, cuộc chiến của Vladimir Putin đã gây thiệt hại to lớn cho Nga. Đối lập chính trị hiệu quả với chế độ độc tài của Putin về cơ bản đã bị loại bỏ. Các nhà lãnh đạo đối lập dũng cảm như Alexei Navalny và Vladimir Kara-Murza đã bị cầm tù, cùng với hàng nghìn người biểu tình phản chiến. Những lời chỉ trích công khai về chiến tranh, hoặc về sự hiếu chiến của quân đội Nga, đã bị cấm là phản quốc. Do đó, ở Arkhangelsk, sinh viên đại học 19 tuổi, Olesya Krivtsova, đã bị đe dọa bằng búa tạ khi bị bắt vì phản đối hành động gây hấn của Putin đối với Ukraine trên mạng xã hội; bây giờ cô ấy phải đối mặt với mười năm tù.

Những biện pháp kiểm soát xã hội hà khắc này, cộng với việc người Nga sống trong cái mà một nhà báo truyền hình Nga bất đồng chính kiến, Marina Ovsyannikova, gọi đúng là một “bong bóng tuyên truyền” khổng lồ thường xuyên thông báo cho người dân Nga rằng phương Tây muốn tiêu diệt họ, đã dẫn đến sự tuyệt chủng trên thực tế một xã hội dân sự đang hoạt động có khả năng buộc nhà nước Nga phải chịu trách nhiệm—hoặc thậm chí ngay từ đầu ngăn cản nhà nước làm như vậy. Cuộc chiến của Putin cũng đã phơi bày và tăng cường sự phụ thuộc của giới lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga đối với quyền lực nhà nước Nga, thể hiện qua những tuyên bố gần như là sự chúc lành một cách báng bổ của Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn nước Nga cho hành vi xâm lược và giết người.

Quá trình xuyên tạc đang diễn ra về quá khứ lâu đời của nước Nga đã đi đôi với việc xuyên tạc lịch sử Nga gần đây hơn. Một bức tượng bán thân mới của Josef Stalin, người có thể sánh ngang với Mao Trạch Đông với tư cách là kẻ giết người hàng loạt đáng kinh tởm của thế kỷ 20, đã được khánh thành ở Volgograd (trước đây là “Stalingrad “ ) để đánh dấu kỷ niệm 80 năm chiến thắng của Hồng quân ở đó trong Thế chiến thứ hai. Việc tiết lộ này diễn ra ngay trước chuyến thăm của Vladimir Putin tới Volgograd vào ngày 2 tháng 2, trong đó, có thể chắc chắn rằng, ông đã không chỉ trích thành tích của người từng nói rằng “một cái chết là một bi kịch; một triệu người chết chỉ là một con số thống kê” —Josef Stali của phải chịu trách nhiệm về nhiều cái chết của người Nga hơn cả đồng minh một thời của ông ta là Adolf Hitler.

Cuộc chiến ở Ukraine cũng cho thấy tình trạng tham nhũng sâu sắc của các lực lượng vũ trang từng được ca tụng của Nga trong suốt những thập kỷ cầm quyền của Putin. Hành vi tham nhũnh tài chính và hối lộ trong quá trình mua sắm rõ ràng là phổ biến, thể hiện qua việc lốp xe do Trung Quốc sản xuất bị lỗi trên các xe thiết giáp chở quân của Nga bị nổ trong giai đoạn đầu của cuộc xâm lược. Cuộc chiến ở Ukraine cũng bộc lộ một lỗ hổng lớn về công nghệ: Vũ khí thế hệ thứ hai của NATO trong tay quân nhân Ukraine đã tỏ ra khá hiệu quả trước vũ khí thế hệ thứ tư và thứ năm của Nga. Sau đó là câu hỏi về khả năng lãnh đạo. Khi các lực lượng Nga chùn bước gần như ngay lập tức trước sự kháng cự quyết liệt của Ukraine, nguyên nhân chủ yếu là do quân đội Nga thiếu các Hạ sĩ quan được đào tạo bài bản và các sĩ quan cấp dưới được chuẩn bị sẵn sàng để chủ động đưa ra quyết định trên chiến trường theo thời gian thực. Hậu quả của nỗ lực thất bại trong một chiến thắng nhanh chóng cũng tỏ tường khi những kẻ xâm lược ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào lính đánh thuê của Tập đoàn Wagner (hàng nghìn người trong số họ được tuyển mộ từ các nhà tù và trại lao động của Nga) và những kẻ bất thường Chechnya tàn bạo là đối phương một thời của Putin, nhưng là đồng minh hiện tại, lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov.

Sự kết hợp giữa khả năng lãnh đạo yếu kém, sự kém cỏi về công nghệ và quân đội có động lực kém đã dẫn đến thương vong to lớn cho Nga trong năm qua (thường được gọi là “thịt đại bác” theo cách nói của người Nga). Vào đầu tháng 2, các quan chức chính phủ Hoa Kỳ đưa ra con số thiệt mạng, bị thương và mất tích là “gần 200.000 người”. Các ước tính đáng tin cậy khác đưa con số đó vào gần 270.000—con số này, nếu chính xác, có nghĩa là, về mặt thống kê, mọi người Nga tham gia vào cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2 năm 2022 đều đã thiệt mạng, đang nằm viện hoặc mất tích. Những tỷ lệ thương vong này là không thể chịu nổi, ngay cả đối với Nga. Và khi kiến thức về những con số này đã lọt qua lá chắn tuyên truyền của Putin, những người Nga trẻ tuổi đang ồ ạt rời khỏi đất nước, không chỉ để tránh bị bắt đi nghĩa vụ quân sự như nhiều “thịt đại bác” hơn, mà còn vì tương lai của Nga có vẻ rất ảm đạm.

Một cuộc chiến tranh với mục đích đã nêu là khôi phục lại sự vĩ đại của nước Nga cuối cùng đã trở thành cuộc chiến tranh lột bỏ lớp mặt nạ khỏi sự tham nhũng, bất tài và tự huyễn hoặc của nước Nga thời hậu Xô Viết, đồng thời phơi bày thêm những thiệt hại to lớn về xã hội và văn hóa mà chính sách 74 năm cộng sản đã gây ra cho nước Nga.
Source:First Things