1. Quân Ukraine tiếp tục đạt được các tiến bộ tại chiến trường thành phố Bakhmut

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Năm 18 tháng Năm, Đại Tá Serhiy Cherevatyi, phát ngôn viên của Bộ chỉ huy quân sự miền đông Ukraine, cho biết quân phòng thủ Ukraine đã đạt được những bước tiến mới vào hôm thứ Tư trong các cuộc giao tranh ác liệt gần thành phố Bakhmut phía đông đang tranh chấp ác liệt.

“Chúng ta đang tiến hành thành công chiến dịch phòng thủ, phản công và trong ngày hôm nay, các đơn vị của chúng ta đã thâm nhập sâu tới 500 mét vào một số khu vực của mặt trận Bakhmut”.

Ông cũng nói rằng các lực lượng Ukraine không nhận thấy dấu hiệu nào cho thấy người Nga đang trải qua “cơn đói đạn pháo”, bất chấp những cáo buộc trong những ngày gần đây của thủ lĩnh nhóm lính đánh thuê Wagner, Yevgeny Prigozhin, rằng lực lượng của ông ta trong thành phố đã bị lực lượng vũ trang chính quy của Liên bang Nga bỏ đói đạn dược.

Cherevatyi cho biết: “Đối phương đang tìm cách chiếm thành phố theo ý muốn, tấn công bằng tất cả các hệ thống và cỡ nòng. Không thể nói về bất kỳ loại đói đạn pháo nào. Họ đang di chuyển các đơn vị mới đến đó, chủ yếu là lính dù, nhằm cố gắng đạt được một số loại thành công trước mắt.”

Theo Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine, trong 24 giờ qua, 610 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 9 xe tăng, 17 xe thiết giáp, 16 hệ thống pháo, 2 hệ thống phòng không, và 19 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 17 Tháng Năm, tổng thiệt hại trong chiến đấu của Nga còn bao gồm 3.771 xe tăng, 7.365 xe thiết giáp, 3.166 hệ thống pháo, 562 bệ phóng hỏa tiễn, 318 hệ thống phòng không, 308 máy bay chiến đấu, 294 máy bay trực thăng, 2.748 máy bay không người lái cấp tác chiến và chiến thuật, 982 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 6.067 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 417 thiết bị chuyên dụng.

2. Trùm Wagner tuyên bố không còn khả năng bao vây quân Ukraine ở Bakhmut

Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo công ty quân sự tư nhân Wagner, cho biết các chiến binh của ông vẫn đang tấn công ở Bakhmut trong bối cảnh giao tranh ác liệt bao quanh các tòa nhà trong thành phố đang do quân đội Ukraine kiểm soát.

“Wagner PMC đã tiến thêm 260 mét ở Bakhmut,” Prigozhin đăng trên kênh Telegram của Tập đoàn Concord của mình. “Đối phương hiện chiếm 1,85 km lãnh thổ. Đối phương chống cự quyết liệt. Họ chiến đấu vì từng ngôi nhà, từng lối đi, từng mét vuông lãnh thổ, mặc dù đối phương chỉ chiếm một phần nhỏ lãnh thổ.”

Prigozhin nói thêm rằng không thể bao vây các vị trí còn lại của Ukraine vì sự rút lui của lính dù Nga gần đây.

Ông nói: “Thực sự những gì đã xảy ra là lính dù Nga, sau một cuộc tấn công của đối phương gần Bakhmut, đã nhường lại một phòng tuyến thuận lợi cho đối phương.”

Nhắm vào Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng Nga, Prigozhin cho biết “việc Gerasimov rút lui đã khiến cho ngày nay không còn có thể bao vây Bakhmut. Nhưng chúng tôi đang tiến lên.”

Prigozhin thường xuyên mâu thuẫn với Bộ Quốc phòng Nga về chiến thuật và khả năng lãnh đạo trong cuộc xung đột.

Giọng điệu chỉ trích Bộ Quốc phòng Nga của Prigozhin đã dịu đi rất nhiều sau một phúc trình của tờ Washington Post. Theo tờ báo này, các tài liệu tình báo bị rò rỉ của Hoa Kỳ cho biết người đứng đầu lực lượng lính đánh thuê Wagner của Nga đã đề nghị tiết lộ vị trí của các lực lượng Nga cho Ukraine nếu quân Ukraine đồng ý rút lui khỏi thành phố Bakhmut để ông ta có được một chiến thắng.

Theo tờ Washington Post, Ukraine đã từ chối lời đề nghị đáng kinh ngạc này, được đưa ra vào Tháng Giêng bởi Yevgeny Prigozhin, 61 tuổi, như một phần của thỏa thuận có đi có lại với Kyiv.

Trước báo cáo của tờ Washington Post, ông ta đã phá ra cười nhưng người ta vẫn có thể thấy sự lo lắng. Đối với Putin, một hành động phản bội như thế chắc chắn sẽ dẫn đến cái chết.

Sau vụ đó, trùm Wagner đã giữ yên lặng một vài ngày. Đây là tuyên bố mới nhất của ông ta.

3. Ukraine cho biết giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn ở Bakhmut khi các video cho thấy các cuộc pháo kích và thiệt hại dữ dội

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm thứ Năm 18 tháng Năm, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết lực lượng Nga đã phóng hỏa tiễn S-300 vào Bakhmut, đồng thời cho biết thêm rằng đã có các cuộc không kích ở một số địa điểm xung quanh thành phố.

“Cuộc chiến ác liệt vì Bakhmut vẫn tiếp tục. Ngoài ra, trong ngày, đối phương đã tiến hành các hành động tấn công không thành công theo hướng Ivanivske”

Ivanivske là một ngôi làng ở phía tây của Bakhmut, vừa được quân Ukraine tái chiếm khi lính Dù Nga bỏ chạy.

Trong khi đó, các video xuất phát từ Bakhmut cho thấy các cuộc pháo kích dữ dội và tàn phá nặng nề ở phía tây thành phố, là khu vực mà lực lượng Ukraine đang hiện diện.

Đoạn video do cơ quan nhà nước Nga RIA Novosti cũng như RIA FAN công bố cho thấy các chiến binh Nga di chuyển qua các tòa nhà chung cư bỏ hoang và qua các sân đầy mảnh vụn.

Video quay bằng máy bay không người lái của Bakhmut cho thấy những đám khói xám bốc lên từ một số khu vực lân cận – với một nhà thờ Chính thống giáo ở vùng ngoại ô phía tây của Bakhmut là một trong số rất ít tòa nhà dường như không bị ảnh hưởng. Không rõ chính xác khi nào các video được quay.

Trên khắp các chiến tuyến, Thứ trưởng Hanna Maliar cho biết có 32 cuộc không kích. Theo ước tính của Ukraine, con số này thấp hơn một chút so với mức trung bình gần đây.

Ở khu vực phía bắc Kharkiv, theo Thứ trưởng Hanna Maliar, người Nga đang tiếp tục cố gắng cải thiện “tình hình chiến thuật” của họ trong khu vực Kupyansk - nơi đã diễn ra các cuộc tấn công không thành công gần đó – gần sông Oskil và pháo kích dữ dội vào các khu vực do Ukraine nắm giữ.

Cô nói thêm rằng tình hình đã yên tĩnh hơn ở một điểm nóng khác, xung quanh Avdiivka ở Donetsk, nơi “đối phương không tiến hành bất kỳ hành động tấn công nào trong ngày qua”.

Các quan chức quân sự cho biết các lực lượng Nga tại các khu vực bị tạm chiếm của Zaporizhzhia đã tiếp tục nã pháo vào các khu định cư trong khu vực, tấn công hơn 20 địa điểm trong ngày qua.

4. Ngoại trưởng Ukraine nói với đặc sứ Trung Quốc rằng Kyiv không chấp nhận mất lãnh thổ để đổi lấy hòa bình tạm bợ

Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết một quan chức cấp cao Trung Quốc đã kết thúc chuyến thăm hai ngày tới Ukraine. Lý Huy, đặc sứ của Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu, đã đến thăm Ukraine từ ngày 16 đến 17 tháng 5.

“Chuyến đi được thực hiện theo các thỏa thuận đạt được trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Volodymyr Zelenskiyy và Chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 26 tháng 4,” thông báo cho biết.

Lý Huy đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Dmytro Kuleba, nhưng có lẽ đã không gặp tổng thống Ukraine.

“Trong cuộc họp, các bên đã thảo luận các vấn đề thời sự về hợp tác giữa Ukraine và Trung Quốc ở cả cấp độ song phương và trong các tổ chức quốc tế, cũng như các cách để ngăn chặn sự gây hấn của Nga”

Trong các cuộc họp, Kuleba đã nói về việc “khôi phục một nền hòa bình bền vững và công bằng dựa trên sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.”

Ông nhấn mạnh rằng Ukraine không chấp nhận bất kỳ đề xuất nào liên quan đến việc mất lãnh thổ hoặc đóng băng cuộc xung đột tại chỗ.” Theo đề xuất 12 điểm của Trung Quốc, Tập Cận Bình hô hào hai bên ngưng bắn tại chỗ, nghĩa là người Nga không cần phải rút quân khỏi Ukraine. Đó là điều mà Kyiv phản đối vì nó sẽ tạo điều kiện cho quân Nga có thời gian phục hồi năng lực, tái phối trí và cuối cùng tấn công Ukraine mạnh mẽ hơn.

Kuleba nhấn mạnh “tầm quan trọng của sự tham gia của Trung Quốc trong việc thực hiện Công thức Hòa bình của Tổng thống, Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải, an toàn hạt nhân và các nỗ lực quốc tế quan trọng khác”.

Trung Quốc đã cố gắng thể hiện mình là một nhà môi giới hòa bình và làm chệch hướng những lời chỉ trích rằng họ đã không hành động để giúp chấm dứt cuộc chiến của Nga ở Ukraine, hơn một năm sau khi Mạc Tư Khoa xâm lược nước láng giềng phía tây. Bắc Kinh đã từ chối lên án cuộc xâm lược và thay vào đó tăng cường quan hệ kinh tế và ngoại giao với Mạc Tư Khoa.

5. Ukraine hoan nghênh việc gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Hắc Hải nhưng Nga không được phép phá hoại thỏa thuận và phải ngừng sử dụng lương thực “làm vũ khí và tống tiền”

“Chúng tôi hoan nghênh việc tiếp tục Sáng kiến, nhưng nhấn mạnh rằng nó phải hoạt động hiệu quả,” phó thủ tướng Oleksandr Kubrakov cho biết như trên.

Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian cho thỏa thuận Hắc Hải trong 120 ngày đầu tiên vào tháng 7 năm ngoái để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đã trở nên trầm trọng hơn sau cuộc xâm lược của Mạc Tư Khoa vào Ukraine, là một trong những nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết hôm thứ Tư rằng thỏa thuận đã được gia hạn thêm hai tháng.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres hôm thứ Tư hoan nghênh việc gia hạn thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine an toàn qua Hắc Hải thêm 60 ngày, lưu ý rằng Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc sẽ tiếp tục thảo luận về các vấn đề nổi bật.

“Việc tiếp tục là tin tốt cho thế giới,” Guterres nói với các phóng viên.

“Trong tương lai, chúng tôi hy vọng rằng xuất khẩu thực phẩm và phân bón, bao gồm cả amoniac, từ Liên bang Nga và Ukraine sẽ có thể tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu một cách an toàn và có thể dự đoán được.”

6. Nga thản nhiên đóng băng tài khoản của đại sứ quán và các lãnh sự quán Phần Lan tại Nga

Các tài khoản ngân hàng của đại sứ quán và các lãnh sự quán Phần Lan tại Nga đã bị đóng băng và quốc gia Bắc Âu này chưa nhận được lời giải thích từ nước láng giềng, Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan, Pekka Haavisto, cho biết hôm thứ Tư.

Phần Lan, quốc gia có đường biên giới dài với Nga, đã chính thức gia nhập NATO vào ngày 4 tháng 4 trong một sự thay đổi chính sách lịch sử do cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Việc gia nhập NATO của Phần Lan đã dẫn đến những lời đe dọa về các biện pháp trả đũa từ Mạc Tư Khoa.

Pekka Haavisto nói với các phóng viên rằng các tài khoản ngân hàng đã ngừng hoạt động vào ngày 27 tháng 4.

“Tài khoản của đại sứ quán và các tòa lãnh sự của Phần Lan ở Nga đã bị đóng băng và hiện tại chúng không thể được sử dụng.” Đồng thời, ông cho biết thêm các cơ quan đại diện đã sử dụng dự trữ tiền mặt của họ để thanh toán các hóa đơn.

Haavisto cho biết Phần Lan đã gửi cho chính quyền Nga một thông báo vào ngày 4 tháng 5 yêu cầu Nga bảo đảm khả năng hoạt động của các cơ quan đại diện ở Nga và yêu cầu giải thích chính thức về việc đóng băng, nhưng cho đến nay họ vẫn chưa nhận được câu trả lời.

7. Nga pháo kích vào khu vực Kherson làm 3 người thiệt mạng, trong đó có một đứa trẻ

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm thứ Năm 18 tháng Năm, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, cho biết ba thường dân đã thiệt mạng tại một ngôi làng gần thành phố Kherson ở miền nam khi các cuộc pháo kích của Nga vào khu vực Kherson do Ukraine kiểm soát dường như đã gia tăng.

“Ba người thiệt mạng bao gồm một đứa trẻ,” cô nói.

Vào chiều thứ Tư theo giờ địa phương, các lực lượng Nga đã nổ súng vào một ngôi làng ở quận Kherson. “Một trong những quả đạn trúng gần một cửa hàng nơi cư dân địa phương đang mua bán,” giết chết một cậu bé năm tuổi và hai người đàn ông. Một người đàn ông khác và một cậu bé bị thương.

Andriy Yermak, người đứng đầu văn phòng tổng thống, đã xác nhận cái chết của một đứa trẻ trong cuộc pháo kích vào làng Zelenivka.

Trước đó vào hôm thứ Tư, Oleksandr Prokudin, người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực Kherson, tuyên bố Nga “đã thực hiện 79 cuộc tấn công, phóng 406 quả đạn từ pháo hạng nặng, từ hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, xe tăng, máy bay không người lái và máy bay,” và nói thêm rằng các mục tiêu là khu dân cư.

8. Hội đồng Âu Châu tạo ra “danh sách thiệt hại” cho cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine

Hội đồng Âu Châu, gọi tắt là COE, thông báo rằng họ đã thành lập một “sổ ghi danh thiệt hại” để giúp buộc Nga phải chịu trách nhiệm về hành động của mình ở Ukraine, tổ chức này đã tuyên bố hôm thứ Tư khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày ở Reykjavik, Iceland.

COE cho biết, sổ ghi danh - chính thức được gọi là là “Sổ ghi danh thiệt hại do hành vi xâm lược của Liên bang Nga chống lại Ukraine” - sẽ ghi lại “thiệt hại, mất mát hoặc thương tích do hành vi xâm lược của Nga gây ra đối với Ukraine”. thời gian ban đầu là ba năm.

Marija Pejčinović Burić, tổng thư ký của COE, cho biết hệ thống này rất “quan trọng” trong việc buộc Mạc Tư Khoa phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân chiến tranh.

“Đây là một trong những quyết định ràng buộc về mặt pháp lý đầu tiên buộc Nga phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình,” bà nói thêm.

COE có 46 quốc gia thành viên. Cuộc họp ở Reykjavik là hội nghị thượng đỉnh thứ tư kể từ khi hội đồng được thành lập vào năm 1949. “Ưu tiên hàng đầu” của hội nghị thượng đỉnh là hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến của Nga, theo trang web của COE.

Thủ tướng Iceland Katrín Jakobsdóttir cho biết: “ Việc ghi danh là một bước quan trọng hướng tới trách nhiệm giải trình đối với những tội ác đã gây ra trong cuộc chiến tàn khốc của Nga và là một thông điệp ủng hộ mạnh mẽ đối với Ukraine”.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal nói rằng sổ ghi danh là “một cột mốc quan trọng trên con đường dẫn đến công lý và bồi thường cho Ukraine và những người Ukraine đã phải chịu đựng rất nhiều từ cuộc chiến này.”

“Chúng tôi mời các quốc gia khác, từ khắp nơi trên thế giới, tham gia Sổ ghi danh thiệt hại như một dấu hiệu ủng hộ một vấn đề quan trọng là trách nhiệm giải trình của Nga đối với cuộc chiến chống lại Ukraine,” ông nói thêm.

Bốn mươi quốc gia — bao gồm cả một số quốc gia, như Hoa Kỳ, là những quốc gia có tư cách quan sát viên tại hội nghị thượng đỉnh — đã tham gia vào đề án sổ ghi danh, và ba quốc gia khác đã bày tỏ ý định tham gia.

Chín quốc gia là thành viên hoặc quốc gia quan sát viên của hội đồng vẫn chưa tham gia thỏa thuận là Armenia, Azerbaijan, Bosnia và Herzegovina, Hung Gia Lợi, Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Mễ Tây Cơ.

9. Các quan chức cấp cao của Nga bị cấm từ chức

Một số quan chức Nga thấy trước khả năng chiến bại của nước này đã lặng lẽ làm đơn từ chức để tránh các biện pháp trừng phạt và các liên lụy sau khi chính quyền Putin bị lật đổ sau thất bại tại Ukraine.

Tuy nhiên, IStories, một cơ quan truyền thông độc lập của Nga, tuyên bố rằng các quan chức cấp cao của Nga tại Điện Cẩm Linh và trong các khu vực đã bị cấm rời khỏi các vị trí của họ.

IStories là một hãng tin tức điều tra trực tuyến có trụ sở bên ngoài nước Nga và được điều hành bởi một nhà báo nổi tiếng Roman Aninn, người cho biết nguồn tin của ông bao gồm những người quen của các quan chức cấp cao trong Phủ Tổng thống.

Aninn nói với CNN rằng anh không biết có bao nhiêu người đã cố gắng từ chức nhưng không được phép. “Tuy nhiên, tôi biết những ví dụ cụ thể về những người đã cố gắng từ chức. Đây là các thống đốc, các quan chức thuộc lực lượng an ninh và những người từ chính quyền tổng thống,” ông nói.

Nhà báo từ chối cung cấp tên để bảo vệ nguồn tin của mình.

IStories cho biết một cựu sĩ quan của Cơ quan An ninh Liên bang, gọi tắt là FSB, đã nói rằng ông biết về “ít nhất hai trường hợp các thống đốc cố gắng rời bỏ chức vụ của họ,” nhưng Bộ Chính sách Nội bộ của Chính quyền Tổng thống đã cấm họ từ chức, và đã ám chỉ đến các vụ án hình sự chống lại họ.

Không có cách nào để xác minh các tuyên bố, và phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với CNN hôm thứ Ba rằng các báo cáo về việc các quan chức cấp cao bị cấm từ chức trong thời gian diễn ra “chiến dịch quân sự đặc biệt” – như cách Mạc Tư Khoa ám chỉ cuộc chiến ở Ukraine – là không chính xác, là “một trò lừa bịp khác.”

Aninn cho biết chính sách này không chính thức và không bao giờ được chuyển tải bằng văn bản. “Không thể có văn bản từ chối hay kiến nghị nào, vì lệnh cấm là bất hợp pháp. Tất cả đều diễn ra không chính thức. Một thống đốc của khu vực nộp đơn từ chức, anh ta bị triệu tập đến Bộ Chính sách Nội bộ, bị đe dọa, gọi là kẻ phản bội và bị đe dọa sẽ bị giải quyết hình sự nếu anh ta khăng khăng làm như thế,” Aninn nói.

Theo một sắc lệnh của tổng thống, các quân nhân theo hợp đồng (bao gồm phần lớn nhân viên của FSB) không thể giải ngũ ngay cả khi hợp đồng của họ hết hạn.

Lệnh cấm có hai mục tiêu, Aninn nói. Nếu nhiều người rời đi, thì hành chính công có thể trở nên không thể quản lý được, vì vậy lệnh cấm sẽ “ngăn chặn tình trạng mất kiểm soát”, ông nói và cho biết thêm rằng mục tiêu khác là “cho người dân và cấp dưới thấy rằng chính quyền đoàn kết, rằng mọi người đều trụ lại với nhau và không ai sẽ bỏ chạy.”

10. Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska đề nghị Hàn Quốc cung cấp hệ thống phòng không

Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska đã đề nghị Hàn Quốc cung cấp hệ thống phòng không cũng như khí tài quân sự phi sát thương khi bà gặp Tổng thống Doãn Tích Duyệt tại Hán Thành hôm thứ Ba, cả hai nước đều đưa tin.

Zelenska, người đang thăm thủ đô Hàn Quốc với tư cách là đặc phái viên của tổng thống Ukraine, đã yêu cầu một loạt các mặt hàng bao gồm máy dò mìn, thiết bị rà phá bom mìn và phương tiện sơ cứu.

Theo văn phòng tổng thống Ukraine, Zelenska nói với tổng thống Doãn Tích Duyệt rằng đất nước của cô cần giúp đỡ về các công nghệ mà Hàn Quốc “nổi tiếng”.

“Chúng tôi đã thảo luận với tổng thống về sự cần thiết của các hệ thống phòng không để ngăn chặn khủng bố hỏa tiễn của quốc gia xâm lược,” Zelenska nói.

“Chúng tôi cũng cần phương tiện để dọn những mìn bẫy mà Nga đã để lại trên lãnh thổ của chúng tôi và thiết bị y tế để cứu những người bị thương bởi những xâm lược”.

Kể từ khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine, Hàn Quốc đã duy trì lập trường không cung cấp vũ khí sát thương cho một quốc gia tham chiến, mặc dù tổng thống Doãn Tích Duyệt đã ám chỉ về một sự thay đổi chính sách lớn có thể xảy ra.

Trong cuộc phỏng vấn với Reuters hồi tháng 4, nhà lãnh đạo Hàn Quốc cho biết nước ông sẽ cân nhắc gửi viện trợ sát thương cho Ukraine nếu xảy ra một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào dân thường.

Quốc gia Đông Á này trước đây đã phải đối mặt với lời kêu gọi từ Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hãy nới lỏng quy định không xuất khẩu vũ khí sang các nước đang có xung đột để có thể giúp trang bị vũ khí cho Ukraine.

11. Người Kazakhstan tin rằng Nga sẽ xâm lược nước này dù thắng hay bại ở Ukraine

Số lượng người Kazakhstan tin rằng nước láng giềng Nga có thể xâm lược nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này đã tăng gấp đôi trong sáu tháng qua khi cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn, một cuộc thăm dò ý kiến của các nhà nghiên cứu Kazakhstan được công bố vào hôm thứ Tư cho biết như trên.

Quốc gia Trung Á 20 triệu dân này có mối quan hệ lịch sử, kinh tế và an ninh chặt chẽ với Mạc Tư Khoa, nhưng vẫn giữ thái độ trung lập trong cuộc xung đột ở Ukraine, và từ chối công nhận việc Nga sáp nhập một phần lãnh thổ của Ukraine.

Theo cuộc thăm dò với 1.100 người, được thực hiện bởi các tổ chức phi chính phủ bao gồm MediaNet và PaperLab từ ngày 3 đến ngày 12 tháng 5 năm 2015, gần 60% tỏ ra trung lập với cuộc chiến, 12,8% ủng hộ Nga và 21,1% ủng hộ Ukraine, các con số này tương tự như những con số thu được trong một cuộc thăm dò tương tự vào tháng 12 năm ngoái.

Tuy nhiên, số người cho rằng Nga cũng có thể xâm lược Kazakhstan đã tăng lên 15% từ 8,3% trong cuộc thăm dò trước đó.

Gần 1/3 số người được hỏi cho biết nhận thức của họ về nước Nga trở nên xấu đi vì chiến tranh, hơn một nửa cho biết tình hình không thay đổi và chỉ 4,7% cho rằng tình hình đã được cải thiện.

Các cơ quan truyền thông Kazakhstan cho rằng nếu Nga thua trong cuộc chiến tại Ukraine, mà Putin vẫn còn cầm quyền, khả năng Putin xâm lược Kazakhstan để tìm kiếm một giải an ủi gần như là một điều chắc chắn. Nếu Putin thắng trong cuộc xâm lược Ukraine, ông ta cũng sẽ tấn công Kazakhstan trong cố gắng phục hồi khối Xô Viết cũ.

12. Truyền hình nhà nước Nga đưa ra cảnh báo lạnh xương sống liên quan đến mối đe dọa chiến bại

Sau các thất bại liên tiếp trên chiến trường, gần đây nhất là tại thành phố Bakhmut, các tuyên truyền viên trên TV của Nga đã bắt đầu đề cập đến việc nếu Nga chiến bại thì chuyện gì đã xảy ra.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian State TV Issues Stark Warning Over Threat of Defeat”, nghĩa là “Truyền hình nhà nước Nga đưa ra cảnh báo lạnh xương sống liên quan đến mối đe dọa chiến bại.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Nhà tuyên truyền của Điện Cẩm Linh Vladimir Solovyov một lần nữa viện dẫn Armageddon, hay trận chiến cuối cùng hủy diệt toàn thế giới, trong chương trình truyền hình của mình, trong đó hậu quả của thất bại của Nga ở Ukraine đã được thảo luận.

Trong một clip trong chương trình buổi tối của anh ta trên kênh Russia 1, được nhà báo và người theo dõi Nga Julia Davis đăng trên Twitter, Solovyov đã lắng nghe khách mời của mình là Karen Shakhnazarov, một nhà làm phim, nói về việc chiến tranh bây giờ là “vấn đề hủy diệt của chúng ta”.

Shakhnazarov tự hỏi liệu người dân Nga có hiểu hết “mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa” mà hậu quả của cuộc chiến gây ra hay không và rằng cuộc xung đột “phức tạp và nguy hiểm hơn rất nhiều” so với Thế chiến thứ hai.

Ông cũng mô tả xã hội Nga hiện đại không giống như xã hội vào năm 1941 khi Đức Quốc xã xâm lược Liên Xô vì ngày nay người dân Nga không có hệ ý thức hệ thống nhất như vào năm 1941.

Theo quan điểm của ông, những người Nga đương đại đã lớn lên trong việc tiếp thu văn hóa Mỹ và ông nói rằng có sự chia rẽ nội bộ trong nước và quốc gia đang thiếu những người trẻ tuổi, điều đó có nghĩa là những công dân lớn tuổi đang phục vụ ở tuyến đầu.

Chiến tranh “là định mệnh đối với chúng tôi,” Shakhnazarov nói, “giới tinh hoa chính trị của chúng ta phải nhận ra điều này. Chúng ta nên bắt đầu thừa nhận rằng đây không chỉ đơn giản là một hoạt động quân sự đặc biệt mà là một cuộc chiến. Nếu chúng ta thua cuộc chiến này, chúng ta sẽ biến mất” giống như một số bộ lạc người Mỹ bản địa “đã đơn giản là biến mất”. Ông tiếp tục gợi ý rằng thất bại của lực lượng Mạc Tư Khoa ở Ukraine sẽ dẫn đến những cuốn sách được viết về “cách Nga đánh mất chính mình và Á-Âu”.

Solovyov chen vào và nói rằng ông hy vọng Ukraine hiểu rằng “nếu chúng tôi thua, chúng tôi sẽ mang cả thế giới theo mình”.

“Để tôi nhắc bạn điều Tổng tư lệnh đã nói, 'ai cần đến một thế giới trong đó không có Nga?'“ Solovyov nói, đề cập đến một câu nói của Tổng thống Vladimir Putin.

Người dẫn chương trình sau đó nói tiếp rằng Nga nên sử dụng vũ khí hạt nhân của mình, loại bỏ các hạn chế đối với việc thử nghiệm và “chứng minh một cách thuyết phục những gì chúng ta có”.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Putin, Solovyov đã nhiều lần nói rằng Nga nên sử dụng khả năng vũ khí hạt nhân của mình để tấn công các nước phương Tây ủng hộ Ukraine. Tuần trước, ông ta nói trên chương trình radio Full Contact rằng “chiến tranh hạt nhân là không thể tránh khỏi.”

Mối đe dọa của việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong cuộc chiến ở Ukraine đã bao trùm cuộc xung đột kể từ khi nó bắt đầu.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khả năng Kyiv đã chứng minh trong việc bắn hạ 6 hỏa tiễn siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Kinzhal do Nga bắn trong tuần này có thể làm giảm khả năng Mạc Tư Khoa xem xét leo thang vũ khí hạt nhân.

Sergej Sullenny, người sáng lập Trung tâm Sáng kiến Khả năng phục hồi Âu Châu, một tổ chức tư vấn của Đức, cho biết: “Chúng ta đã nhận ra rằng những hỏa tiễn này không phải là siêu thanh và cũng không phải là không thể ngăn cản”.

“Từ góc độ này, chúng ta cũng nên phân tích các mối đe dọa khác của Nga như mối đe dọa hạt nhân. Họ có thực sự có khả năng đánh chúng ta không?” anh ấy nói với Newsweek.