1. Tổ chức Ân xá Quốc tế cho hay: Số vụ hành quyết tăng 53% trong năm qua

Tổ chức Ân xá Quốc tế đã công bố một báo cáo cho biết tổng cộng 883 người đã bị xử tử tại 20 quốc gia vào năm 2022, đánh dấu mức tăng 53% so với năm 2021.

Các số liệu này chưa kể đến một số quốc gia được cho là thực hiện các vụ hành quyết nhưng không có số liệu vì dữ liệu về án tử hình được coi là bí mật liên quan đến an ninh quốc gia.

Nhóm nhân quyền cũng xác nhận rằng các vụ hành quyết đã được thực hiện ở Bắc Triều Tiên, Việt Nam, Syria và Afghanistan, nhưng cho biết không có đủ thông tin về các số liệu đáng tin cậy.

Trong số các quốc gia có số liệu được biết đến, chỉ riêng Iran, Ả Rập Saudi và Ai Cập đã thực hiện 90% trong số 883 vụ hành quyết được biết đến.

Những con số này không bao gồm Trung Quốc, nơi được cho là xử tử hàng ngàn người mỗi năm.

Theo báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế, Iran và Ả-rập Xê-út chịu trách nhiệm chính về sự gia tăng mạnh các vụ hành quyết được biết đến trên toàn thế giới vào năm ngoái. Iran bị cáo buộc đã giết 576 người, tăng so với 314 người vào năm 2021. Trong số này, 279 người bị kết tội giết người, 255 tội liên quan đến ma túy, 21 tội hiếp dâm và 18 tội danh an ninh quốc gia là “phản quốc”.

Cuối cùng cũng có hai người đàn ông bị giam giữ do liên quan đến các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra ở Cộng hòa Hồi giáo vào tháng 9.

Tại Ả Rập Xê Út, số vụ hành quyết đã tăng gấp ba lần từ 65 vụ vào năm 2021 lên 196 vụ vào năm 2022. Trong số này, 85 người đã bị giết sau khi bị kết tội phạm tội khủng bố và 57 người phạm tội ma túy.

Ở những nơi khác, tại Ai Cập, 24 người đã bị giết vào năm ngoái. Tuy nhiên, điều đó thể hiện mức giảm 71% so với năm 2021, khi 83 lệnh hành quyết được thực thi.

Tổ chức Ân xá cũng báo cáo 11 vụ hành quyết ở Iraq, 7 vụ ở Kuwait, 5 vụ ở Lãnh thổ Palestine, 4 vụ ở Yemen và một số lượng không xác định ở Syria. 18 người đã bị hành quyết ở Mỹ, tăng từ 11 người vào năm 2022 và 11 người bị xử tử ở Singapore, nơi các vụ hành quyết tội phạm ma túy được nối lại sau hai năm gián đoạn vì đại dịch Covid.

Vào năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn một bản sửa đổi mới của đoạn số 2267 của Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, theo đó “đã xuất hiện một cách hiểu mới về tầm quan trọng của các biện pháp trừng phạt hình sự do nhà nước áp đặt”, do đó “không thể chấp nhận án tử hình”.

Văn bản mới sách giáo lý Công Giáo khoản 2267 cho biết như sau: Việc dùng đến hình phạt tử hình như một phần của thẩm quyền hợp pháp, sau một phiên tòa công bằng, từ lâu đã được coi là một phản ứng thích đáng đối với tính chất nghiêm trọng của một số tội phạm và được coi là một phương tiện chấp nhận được, cho dù là quá đáng, để bảo vệ thiện ích.

Tuy nhiên, ngày nay, có một nhận thức ngày càng tăng rằng nhân phẩm của người đó không bị mất ngay cả sau khi đương sự đã phạm các tội rất nghiêm trọng. Ngoài ra, đã xuất hiện một sự hiểu biết mới về ý nghĩa của hình phạt tử hình do nhà nước áp đặt. Cuối cùng, các hệ thống giam giữ hiệu quả hơn đã được phát triển, bảo đảm sự bảo vệ thích đáng các công dân nhưng, đồng thời, không cần phải dứt khoát tước mất khả năng chuộc lỗi của can phạm.

Do đó, Giáo Hội dạy, trong ánh sáng của Tin Mừng, rằng “án tử hình là không thể chấp nhận được vì nó là một cuộc tấn công vào tính bất khả xâm phạm và phẩm giá của người đó”, và Giáo Hội quyết tâm nỗ lực hoạt động để hủy bỏ án tử hình trên toàn thế giới”.

2. Con tem kỷ niệm triều đại Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 của Ý

Từ ngày 16 tháng 5 vừa qua, tại các bưu điện của Cộng hòa Ý, người ta có thể mua con tem kỷ niệm triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI.

Đức Thánh Cha trở lại Nhà Cha vào ngày 31 tháng 12 năm 2022. Một tháng sau đó, vào ngày 31 Tháng Giêng, Bưu điện Vatican đã phát hành một con tem kỷ niệm cuộc đời ngài với dòng chữ “Đức Giáo Hoàng danh dự 1927 - 2022”.

Tuy nhiên, nhiều người Ý không tán thành. Họ lý luận rằng sau khi một giám mục qua đời, khi người ta nhắc đến ngài, người ta sẽ không nói rằng ngài là giám mục nghỉ hưu mà sẽ nhắc đến ngài như là giám mục của giáo phận đó từ năm X đến năm Y.

Đối với Đức Giáo Hoàng danh dự cũng vậy. Thành ra, con tem của Cộng hòa Ý không gọi ngài là Đức Giáo Hoàng danh dự mà gọi là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 từ 2005 đến 2013. Trong dịp ra mắt con tem, bưu chính Ý giải thích rằng gọi như thế mới là chính xác.


Source:Sismografo

9. Các chính phủ Âu Châu bênh vực Đức Hồng Y Thượng phụ Sako của Iraq

Mười một quốc gia Âu Châu, cùng với Liên minh Âu Châu, đã đưa ra một tuyên cáo vào tối Chúa Nhật khẳng định sự ủng hộ của họ dành cho Đức Hồng Y Thượng phụ Louis Raphaël Sako của Iraq.

Đức Thượng phụ – người đứng đầu Giáo hội Chanđê của Iraq, và được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y vào năm 2018 – đang phải đối diện với những chỉ trích về những bình luận của ngài liên quan đến quyền đại diện chính trị cho thiểu số Công Giáo lâu đời ở Iraq.

Tuyên bố hôm Chúa Nhật bày tỏ “tình đoàn kết” của các chính phủ Âu Châu với Thượng phụ Sako, và nhấn mạnh tầm quan trọng của “những nỗ lực bảo vệ quyền tự do của các Kitô hữu trên mảnh đất mà họ đã sinh sống trong hai thiên niên kỷ”.

Vào tối Chúa Nhật, Đức Thượng phụ Sako đã tiếp một phái đoàn gồm các đại sứ và phó đại sứ của Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Anh và Liên minh Âu Châu.

Họ cùng nhau đưa ra một tuyên cáo ủng hộ Đức Thượng phụ, với sự chấp thuận của các đại sứ Đức, Ba Lan, Cộng hòa Tiệp, Rumani, Thụy Điển và Hung Gia Lợi.

Trong tuyên cáo, các đại sứ tại Iraq lưu ý rằng họ đã đến thăm Đức Hồng Y “để bày tỏ tình đoàn kết của họ trước các cuộc tấn công công khai gần đây chống lại cá nhân của Đức Hồng Y và mối quan tâm của họ đối với các Kitô hữu và các cộng đồng tôn giáo khác nhau ở Iraq”.

Tất cả ca ngợi “những nỗ lực của Đức Thượng phụ bảo vệ quyền của các Kitô hữu trên mảnh đất mà họ đã sinh sống trong hai thiên niên kỷ qua”.

Tuyên cáo tiếp tục kêu gọi các Kitô hữu của Iraq hãy hợp tác với nhau, vì “những phản biện hiện tại không giúp ích gì cho vai trò của họ trong xã hội Iraq”, và hy vọng những “vấn đề sẽ được khắc phục và sự hợp tác ngày càng lớn mạnh giữa các Giáo hội.”

Các vị đại sứ kết thúc lời tuyên cáo bằng cách tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với “sự hiểu biết và đối thoại hòa bình giữa các thành phần khác nhau của dân chúng Iraq” và “việc bảo tồn sự đa dạng của Đất nước, vốn là một trong những tài sản chính yếu của đất nước.”

Các cuộc tấn công vào Thượng phụ Sako bắt đầu sau khi ngài nhận xét về Phong trào Babylon, một đảng phái chính trị tuyên bố đại diện cho thiểu số Công Giáo ở Iraq.

Phong trào hiện chiếm bốn trong số năm ghế quốc hội mà hiến pháp Iraq bảo đảm dành cho Kitô hữu.

Tuy nhiên, Thượng phụ Sako, cùng với các nhân vật Công Giáo khác, cho rằng những tuyên cáo của họ về việc liên kết với Giáo hội Chanđê là không thật và họ không đại diện cho những người Công Giáo của đất nước. Các thành viên của Phong trào Babylon đã nhanh chóng đưa ra lên những lời chỉ trích đối với Thượng phụ Sako.

Không chỉ các chính phủ Âu Châu đứng ra bảo vệ Đức Thượng Phụ mà thôi, mà vào ngày 8 tháng 5, Thủ tướng của khu vực người Kurd ở Iraq cũng tuyên bố ủng hộ Đức Hồng Y, vị lãnh đạo Giáo hội Chanđê, nhấn mạnh sự cần thiết phải “cải thiện tình hình của những người theo đạo Công Giáo” ở nước này.